Một ngày trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong phát biểu của mình đã đề cập đến một hướng đi mới của Việt Nam thời gian tới là “Chung sống an toàn với dịch Covid-19”.
Tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, nếu tiếp tục giữ nhịp độ kiểm soát dịch với các ca nhiễm bệnh như hiện nay, thì từ tháng 6 có thể chuyển trạng thái kinh tế, đời sống sang trạng thái bình thường mới, tức Việt Nam có người nhiễm nhưng không có dịch.
Dịch vụ thiết yếu mở có điều kiện, giải trí vẫn dừng
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Chưa thể dự đoán đến khi nào dịch bệnh có thể hoàn toàn chấm dứt ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên có thể chắc chắn Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có thể kiểm soát dịch sớm nhất. Do đó, Chính phủ cũng như từng địa phương, tùy theo mức độ dịch khác nhau phải có lộ trình để bình thường hóa các hoạt động kinh tế, khôi phục lại những gãy đổ ở một số lĩnh vực, một số ngành trong thời gian qua. “TP.HCM đang thuộc nhóm địa phương có nguy cơ cao. Do đó, việc dần mở cửa trở lại các ngành kinh doanh, sản xuất có thể phải chờ đến sau tháng 4, đầu tháng 5 mới thực hiện được. Lộ trình mở cửa kinh tế có thể sẽ kéo dài vài tháng, chia theo từng giai đoạn phù hợp với tiến trình kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo nguyên tắc: mở dịch vụ thiết yếu trước rồi mới dần tiến tới các dịch vụ xa xỉ”, ông Lịch nói.
Trên quan điểm đó, theo ông Lịch, TP.HCM có khoảng 300.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, đây là lực lượng không chỉ tác động mạnh tới kinh tế của TP mà còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống dân cư gia đình. Các hộ kinh doanh cá thể không có nguồn lực lớn như các doanh nghiệp (DN) nên không thể chịu được quá trình “ngủ đông” quá lâu. Do đó lực lượng này cần được tạo điều kiện để nhanh chóng hoạt động trở lại trong giai đoạn đầu sống chung với dịch. “Cho phép hoạt động nhưng không có nghĩa trở lại hoàn toàn bình thường. Các cửa hàng ăn uống có thể được mở cửa, bán tại chỗ nhưng giới hạn lượng khách không quá 20 - 30 người/quán. Đơn cử trước đây được mở 10 bàn thì bây giờ chỉ cho phép phục vụ 5 bàn thôi, mỗi bàn cách nhau cự ly 2 m... Hàng rong, người bán vé số... bắt buộc trang bị khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn. Tương tự, một phần vận tải đô thị như xe buýt, xe khách, bến phà cũng có thể hoạt động lại ngay sau thời gian cách ly xã hội nhưng tuyệt đối chấp hành các quy định hạn chế số lượng hành khách, mọi người bắt buộc đeo khẩu trang và thường xuyên xịt khuẩn phương tiện…”, ông Lịch đề xuất.
Theo ông Trần Du Lịch, các dịch vụ nhu cầu giải trí như trung tâm thương mại, quán bar, karaoke… nên từ từ triển khai hoạt động trở lại trong giai đoạn sau, thậm chí giai đoạn cuối, khi dịch bệnh gần như đã được kiểm soát hoàn toàn. “Mở cửa du lịch đồng nghĩa cần phải từng bước cho hoạt động trở lại một số khách sạn, nhà hàng nhưng phải giới hạn lượng khách và giới hạn một số dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao tại khách sạn như spa, quán bar…”, ông Lịch nhấn mạnh.
Hé cửa cho du lịch - sản xuất
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cũng cho rằng, cơ cấu thương mại dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng quá lớn trong cơ cấu kinh tế TP.HCM. Đại dịch bùng phát, những ngành này chịu thiệt hại nặng nề nhất nhưng sau khi hết dịch, đây lại chính là những cánh cửa cần mở đầu tiên. Nguồn hơn 8 triệu khách du lịch quốc tế tới TP rất khó đạt được vì một loạt rào cản từ chính sách visa, xuất nhập cảnh sau dịch vẫn chưa thể gỡ bỏ hoàn toàn.
|
Trong khi đó, dự báo lượng khách nội địa sẽ tăng khá nhanh vì sau thời gian dài nghỉ dịch, ai cũng có khao khát được đi thăm người thân, đưa cả gia đình đi chơi cho đỡ “cuồng chân”. Cần chuẩn bị những kịch bản tốt nhất để khuyến khích du lịch nội địa. Đối với các ngành sản xuất kinh doanh cũng cần chuẩn bị kỹ các kịch bản thông qua nghiên cứu lại tâm lý tiêu dùng, xu hướng thị trường sau dịch, tái cơ cấu DN, tổ chức các sản phẩm phù hợp để bung ra ngay khi TP công bố hết dịch.
Đánh giá việc mở cửa lại các ngành kinh tế sau thời gian “ngủ đông” chống dịch là cần thiết, nhưng bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh mở cửa nhưng không mở toang, vấn đề phòng chống dịch bệnh vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.
Đó cũng là hướng mà Đức, Hàn Quốc... đang tính toán. Khôi phục kinh tế nhưng không phải cùng lúc mở toang tất cả các ngành, không dồn hết lực cho việc tăng trưởng mà lơ là duy trì các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của người dân. Bà Lan cho rằng, TP.HCM có hàm lượng thương mại quốc tế xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài lớn nhất, chọn ngành nghề nào vực dậy trước sau dịch bệnh cần đặt trong bối cảnh chung của các nền kinh tế mà mình đang gắn bó.
“Du lịch, dịch vụ và một số ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu có thể mở cửa trở lại đầu tiên. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng ngay sau dịch bệnh, mọi người sẽ quay lại đi du lịch ồ ạt, vui vẻ như trước. Cần ưu tiên thúc đẩy thị trường nội địa. Sau khi tình hình dịch bệnh tại các nước đều ổn định thì mới tính chuyện mở ra quốc tế. Đối với ngành công nghiệp xuất khẩu, nhu cầu thị trường trên toàn thế giới chắc chắn sẽ xuống thấp, thương mại toàn cầu giảm sút. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng từ cầu bên ngoài để tổ chức ra cung, tránh làm bừa, ồ ạt rồi lại dẫn đến ế hàng, giải cứu”, bà Lan đề xuất.
Giải ngân vốn mồi, kích hoạt đầu tư hạ tầng
Đề xuất xây dựng kịch bản mở cửa kinh tế sau dịch, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý TP cần nhanh chóng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án hạ tầng, giao thông và bất động sản. Đây cũng là giải pháp được các chuyên gia, cơ quan quản lý đánh giá là hiệu quả nhất để thúc đẩy kinh tế sau dịch.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân nhận định đầu tư công chính là vốn mồi trong tổng vốn đầu tư xã hội. Đối với cả nước, 1 đồng vốn đầu tư công có thể huy động được 6 đồng đầu tư xã hội. Riêng với TP.HCM, ngân sách có khả năng trở thành vốn mồi, thu hút dòng vốn từ xã hội rất lớn, bỏ ra 1 đồng có thể thu về 15 đồng. Ông cho biết khu vực tư nhân và vốn huy động nước ngoài chiếm tới khoảng 80% cơ cấu kinh tế TP.HCM. Trong bối cảnh sức khỏe các DN tư nhân đang yếu, nguồn lực thu hút từ nước ngoài giảm sút thì giải ngân đầu tư công làm vốn mồi để kích hoạt nền kinh tế là điều rất cần thiết. Chưa kể đây là thời điểm thích hợp để TP đẩy nhanh thi công các dự án giao thông trọng điểm như đường vành đai 2, vành đai 3, đường sắt đô thị... mà không ảnh hưởng nhiều tới lưu thông của người dân.
“Thực tế, một dự án giao thông được triển khai sẽ kéo theo hàng trăm người lao động có công ăn, việc làm trở lại. Hàng trăm người này cần ăn uống, mua sắm, tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cho thị trường, từ đó kích thích ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ dần tái khởi động. Những dự án giao thông trọng điểm được khởi công và hoàn thành đồng nghĩa nhịp đập đô thị TP sẽ trở lại”, ông Ngân nói.
Phân vùng, phân ngành kinh tế được mởKhi mở cửa kinh tế, sẽ phải có phân vùng và phân ngành đánh giá để đưa ra quyết định khi nào thì cho phép hoạt động trở lại, và ở khu vực nào. Một số lĩnh vực mang tính chiến lược của nền kinh tế sẽ bắt buộc phải duy trì hoạt động bao gồm chăm sóc sức khỏe, quốc phòng và an ninh, cung cấp hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, năng lượng, dịch vụ điện nước, thông tin liên lạc. Các lĩnh vực khác có thể mở lại dần dần tùy vào khu vực và tình hình lây lan bệnh tật, chẳng hạn như giáo dục đào tạo có thể chuyển sang hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, điều quan trọng khi mở cửa kinh tế trở lại là nhận diện được các rủi ro về bệnh dịch tái phát và các phương thức để giảm thiểu khả năng lây truyền và phát hiện khi có dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng. Sẽ cần có ứng phó ở cấp độ DN...
TS Lê Việt Phú, giảng viên Đại học Fulbright
|
Bình luận (0)