Đây là các hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ và được dự báo sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn khi Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại VN chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12.8.
Từ Uber, Grab đến ví điện tử...
Tại VN, các ví điện tử đã bắt đầu xuất hiện từ 10 năm trước như Payoo, MoMo... và đến nay hàng triệu người đã sử dụng. Đây là một trong những dịch vụ Fintech (kết hợp công nghệ trong lĩnh vực tài chính) và được xem là một trong các mô hình kinh tế chia sẻ. Mấy năm gần đây lại nở rộ các công ty cho vay ngang hàng như công ty Vay Mượn, Tima, Fiin...; nơi mà người vay và người cho vay không cần gặp mặt mà chỉ thông qua ứng dụng trực tuyến.
Đây là mô hình tận dụng nguồn lực từ xã hội rất tốt. Không chỉ giúp doanh nghiệp tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí mà còn giúp nhiều đối tượng trong xã hội có cơ hội đóng góp sức lực, năng lực và kiếm thêm thu nhậpÔng Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị
|
Nếu như các dịch vụ Fintech hơi đặc thù thì mô hình kết nối vận tải như Uber, Grab bắt đầu xuất hiện từ năm 2014 đã được hàng triệu người biết và sử dụng. Kéo theo hàng loạt dịch vụ tương tự của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước ra đời như Vato, Go-Viet, Be hay ứng dụng gọi xe tải Logivan. Ứng dụng Airbnb kết nối người cần thuê với những gia đình có phòng trống ra đời nhanh chóng thu hút hàng triệu người tham gia. Ngay sau đó, các ứng dụng dành riêng cho thị trường VN cũng ra đời như Triip.me, Luxstay. Cứ thế, kinh tế chia sẻ len lỏi mọi ngõ ngách đời sống, từ dịch vụ ăn uống cho đến kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị gia đình, xây dựng, điện nước, sân bay, vận chuyển đường dài, sửa chữa ô tô, xe máy...
|
Dẫn ra để thấy, mọi sản phẩm, dịch vụ giờ đây đều có thể được chia sẻ, sử dụng chung giữa những người sở hữu và người có nhu cầu. Điều này rõ nhất ở Trung Quốc, nơi kinh tế chia sẻ phát triển và ứng dụng vào mọi ngõ ngách đời sống. Thậm chí có những ứng dụng giúp DN đạt giá trị hàng tỉ USD.
Đó là Công ty chia sẻ xe đạp Ofo năm 2017 đã thu hút vốn để trở thành công ty khởi nghiệp có giá trị hơn 1 tỉ USD. Hay 3 công ty kinh doanh trong mảng chia sẻ sạc điện thoại là Xiaodian, Hidian và Feichangdian tuyên bố thành công gọi vốn ít nhất 150 triệu USD. Đầu năm nay, một công ty mỹ phẩm có tên 17Beauty đã bất ngờ giới thiệu một hình thức chia sẻ mới. Công ty tạo ra những kiosk nhỏ, nơi chứa mỹ phẩm nhằm mang lại trải nghiệm trang điểm thú vị và hiệu quả cho mọi người. Chỉ riêng trong năm 2016, có khoảng 600 triệu người Trung Quốc đã tham gia ngành kinh tế chia sẻ, tạo ra khoảng 500 tỉ USD, tăng 103% so với năm 2015.
Dự đoán ngành này sẽ đóng góp hơn 10% GDP của Trung Quốc vào năm 2020.
Kinh tế chia sẻ đã vào tới phòng ngủ
Một dự án nghiên cứu do PricewaterhouseCoopers thực hiện cho biết, chỉ với 5 lĩnh vực chính gồm du lịch, vận tải, tài chính, nhân lực, dịch vụ video trực tuyến và ca nhạc ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ làm tăng doanh thu toàn cầu từ 15 tỉ USD trong năm 2014 lên tới khoảng 335 tỉ USD trong năm 2025. Tại khu vực Đông Nam Á, VN cũng là một trong những nước đầu tiên cho phép thí điểm mô hình kinh doanh của Uber, Grab. Thế nên với đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được Chính phủ phê duyệt, nhiều DN và chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều dịch vụ mới sẽ được ra đời tại VN.
Ví dụ các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang nỗ lực khuyến khích người dân đi xe đạp. Điều này có thể sẽ đưa lại cơ hội cho các đơn vị hoạt động mô hình chia sẻ xe đạp ra đời. Trên thế giới, một số mô hình khá đơn giản và được dự báo có thể ứng dụng ở VN như mô hình TaskRabbit, còn gọi là mô hình giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Mô hình này được hiểu một cách đơn thuần là những người có công việc cần thực hiện nhưng không đủ khả năng (thiếu thời gian, kỹ năng...) sẽ đẩy thông tin lên nền tảng để tìm kiếm người lao động phù hợp (kỹ năng, mức giá, vị trí).
Người có nhu cầu làm việc sau khi hoàn thành công việc sẽ được thanh toán online. Kết thúc công việc, người lao động và người thuê cũng có cơ hội đánh giá lẫn nhau trên nền tảng. Hay mô hình đi chung xe với nhau để tiết kiệm chi phí...
Theo ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị, nếu trước đây các công ty du lịch tổ chức một tour sẽ phải lo toàn bộ từ ký hợp đồng với các khách sạn, hãng xe, nhà hàng... thì giờ đây, chỉ với một đơn vị trung gian, các hộ gia đình có căn nhà thứ 2 cũng có thể tham gia cho thuê làm điểm lưu trú cho du khách; cá nhân nào có xe thì đăng ký làm đơn vị vận tải. Người có vốn, có tiền trực tiếp tiếp cận với người cần vay vốn, không cần thông qua ngân hàng. Hay các công ty sản xuất có thể huy động mọi người tham gia thiết kế từng bộ phận của sản phẩm...
“Quan trọng nhất vẫn là sự chấp thuận thay đổi của luật pháp. Nếu được cho phép, tất cả các ngành nghề đều có thể tiếp cận, phát triển theo mô hình kinh tế chia sẻ. Đây là mô hình tận dụng nguồn lực từ xã hội rất tốt. Không chỉ giúp DN tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí mà còn giúp nhiều đối tượng trong xã hội có cơ hội đóng góp sức lực, năng lực và kiếm thêm thu nhập”, ông Hòa nói và đánh giá: Trước mắt, tại VN, vận tải và du lịch là 2 ngành nghề đã có sẵn “trớn” để tiếp tục mở rộng theo mô hình này. Không chỉ vận tải hành khách, mà cả vận tải hàng hóa, vận chuyển đường dài, cả chuỗi logistics cũng có thể chia nhỏ thành từng phân khúc để huy động nguồn lực. Không chỉ là điểm lưu trú, gia đình nào có vườn, khu vui chơi cũng có thể đăng ký trở thành điểm tham quan; hay những người biết ngoại ngữ, có thời gian rảnh rỗi có thể tham gia làm hướng dẫn viên du lịch.
TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, bổ sung: Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ngoài các công ty Fintech, cho vay ngang hàng thì một số công ty đã ứng dụng công nghệ blockchain, trí tuệ nhân tạo để đưa ra dịch vụ đánh giá, xếp loại khách hàng phục vụ cho các hoạt động cho vay. Gọi vốn cộng đồng cũng bắt đầu xuất hiện và sẽ phát triển mạnh hơn. Hay sắp tới cũng sẽ có các ứng dụng trong thanh toán bảo lãnh, giao dịch chứng khoán.
Trong lĩnh vực y tế, sẽ có những liên kết chia sẻ thông tin dữ liệu, hồ sơ bệnh án giữa các bệnh viện và từ đó sẽ xuất hiện các ứng dụng liên quan đến khám chữa bệnh. Hoặc trong lĩnh vực bán lẻ, các ứng dụng phân tích đánh giá hành vi của khách hàng sẽ đưa ra những quyết định, cung cấp dịch vụ tương ứng. Tương tự, các công ty bất động sản có thể sử dụng công nghệ để áp dụng trong các hoạt động đăng ký chủ sở hữu, giao dịch hay nhiều dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Theo TS Cấn Văn Lực, sẽ có rất nhiều dịch vụ kinh doanh mới ra đời theo sự phát triển của công nghiệp 4.0. Tuy nhiên để hoạt động ở VN phát triển và bắt kịp các nước, Chính phủ còn rất nhiều việc phải làm tiếp theo. Đó là sớm thúc đẩy cơ sở dữ liệu định danh cá nhân trên toàn quốc. Hoàn thiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0; Phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin như mạng 5G; Nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp cũng như mức độ cởi mở của cơ quan quản lý nhà nước. Chẳng hạn dịch vụ gọi vốn cộng đồng về bản chất là tốt nhưng ở VN, do chưa có hành lang pháp lý nên hiện tượng lừa đảo lại lấn át.
|
Bình luận (0)