Thích ứng để vượt qua đại dịch

29/03/2021 05:05 GMT+7

Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống của mọi người, ảnh hưởng đến tất cả các công việc, ngành nghề. Những người đánh giày không ngoại lệ, khi cũng lao đao, khốn đốn vì đại dịch này.

1. Tôi có nhóm bạn quê ở các tỉnh phía bắc Trung bộ. Họ mưu sinh tại Sài Gòn bằng nghề đánh giày.
Khi chưa có Covid-19, mỗi ngày họ đánh được khoảng 25 đến 30 đôi giày, thậm chí có khi hơn. Vì ngoài những khách quen, có thêm khách là dân du lịch, đến từ những tỉnh, thành, quốc gia khác.
Nhưng khi dịch giã hoành hành, du lịch đình trệ, nhiều quán xá đóng cửa..., khách đánh giày ít hẳn. Họ kể, có ngày đi mòn dép, rảo bước khắp nơi, may mắn lắm chỉ đánh được 4 - 5 đôi. Thu nhập theo đó giảm 5 - 6 lần, mỗi ngày chỉ chưa đến 100.000 đồng. Tình cảnh mà hàng chục năm trời theo nghề, họ chưa từng thấy.
Họ bảo, áp lực cơm áo gạo tiền bủa vây, đè nặng, buộc họ tính kế, nghĩ cách sinh nhai.
Và rồi họ chẳng thở ngắn, than dài. Thay vào đó, họ nhanh chóng tìm cách để thích nghi với thực tế. Ngoài đánh giày, họ cố gắng làm thêm bằng đủ thứ công việc: giữ xe, chạy bàn ở quán ăn, phát tờ rơi, chạy xe ôm, khuân vác ở chợ đầu mối... để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Họ chẳng nề hà bất kỳ công việc nào.
Họ bảo, dẫu “ghét đắng ghét cay” Covid-19, nhưng có ghét thì dịch bệnh này vẫn còn hoành hành. Thế nên phải lạc quan mà sống và tìm cách thích nghi, vượt qua khó khăn. Và họ đã làm được.

Sáng 29.3: không ghi nhận ca mắc Covid-19, hơn 45.000 người đã tiêm vắc xin

2. Thoạt nghĩ, trong cuộc sống, khó có thể đoán định được điều gì sẽ xảy ra. Vì phải đối diện với những bất định, biến động phức tạp như thiên tai, dịch bệnh... Như trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, với các quy định về giãn cách xã hội... phá vỡ hoàn toàn những hoạt động vốn có thường ngày. Cuộc sống của bao người chao đảo, bao doanh nghiệp điêu đứng.
Vậy nên, khi xảy ra Covid-19 buộc mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải có “chiêu”, có “chiến thuật”, vận động không ngừng để điều chỉnh. Cần có sự chuyển mình, thay đổi linh hoạt nhằm phù hợp, thích nghi với thực tế cuộc sống để không bị bỏ lại phía sau, rơi vào những chông chênh, khủng hoảng.
Tôi có người anh, chủ doanh nghiệp may mặc ở TP.Thủ Đức (TP.HCM). Khi Covid-19 xuất hiện, bao đơn hàng bị hủy, dây chuyền sản xuất ngưng trệ, gần cả trăm công nhân buộc phải nghỉ việc. Công ty rơi vào cảnh thoi thóp và giải thể.
Sau một quãng thời gian gặm nhấm nỗi buồn, anh nói giá như không nhìn dịch bệnh Covid-19 bằng lăng kính sợ hãi, hoảng loạn, mà bình tĩnh, biết linh hoạt tìm cách thích nghi, như chuyển sang may khẩu trang vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, vừa duy trì được công ăn việc làm cho công nhân... thì đã không đến nỗi nào.
Câu chuyện này không ngoại lệ, bởi đã có nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục trụ vững trên thương trường, bị xóa sổ chỉ vì Covid-19.
Nơi ba tôi dạy, một trường tiểu học. Khi Covid-19 ập đến, tưởng chừng việc dạy và học sẽ phải tạm ngừng. Nhưng với những thay đổi về quan điểm của việc dạy học từ ngành giáo dục, việc dạy và học vẫn diễn ra bình thường, dưới phương thức khác, là dạy - học trực tuyến. Trên cả nước, các trường ở nhiều bậc học cũng có những cách khả thi để tiếp cận với học sinh, sinh viên. Nhờ vậy, việc dạy và học vẫn đảm bảo tiến độ.
3. Thử ví von, Covid-19 là một cái sàng, thì những cá thể thức thời, biết “nương” theo thực tế cuộc sống, biết thay đổi sẽ không bị lọt xuống, có cơ hội trụ lại được.
Triết gia người Ðức Friedrich Nietzsche có một câu nói rất hay, rằng: “Những gì không giết chết được ta sẽ khiến ta mạnh hơn”. Covid-19 xuất hiện, tồn tại và khuynh đảo cuộc sống của bất kỳ ai. Nhưng nếu có những cách thích nghi tốt thì sẽ không phải rơi vào tình cảnh ảm đạm. Khi đó, dẫu Covid-19 có diễn biến khó lường đi chăng nữa, thì mọi người cũng không quá âu lo.
Những người bạn đánh giày của tôi chia sẻ, chẳng biết khi nào Covid-19 sẽ bị đẩy lùi hoàn toàn. Nhưng dù dịch có kéo dài thêm một quãng thời gian nữa, thì họ vẫn có thể trụ được ở Sài Gòn. Là vì họ biết nỗ lực thích ứng với những biến chuyển khó lường của cuộc sống.
Hãy xem Covid-19 là một cơn gió ngược, hay là một cơn bão. Cứ “nương” theo thực tế khắc nghiệt ấy để có những cách thích ứng phù hợp. Và cùng tin tưởng, rằng một ngày không lâu, cơn gió ngược ấy sẽ qua, những bão giông đó sẽ tan...
 covid-19, vượt qua covid-19, chí linh, hải dương, chốt phòng dịch, chuyện tử tế
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.