Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 27.6: Lo từ chuyện khai báo gian dối đến trốn cách ly

27/06/2021 19:37 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 27.6.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 27.6 của Báo Thanh Niên gồm có nhưng nội dung sau:

Bộ Y tế công bố 368 bệnh nhân Covid-19

Trong ngày 27.6, Việt Nam ghi nhận thêm 323 ca mắc Covid-19 mới và 45 ca được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang đăng ký bổ sung trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19. Như vậy, trong ngày 27.6, Bộ Y tế công bố tổng cộng 368 ca, trong đó TP.HCM vẫn "áp đảo" với 200 ca bệnh mới. Cụ thể:
+ 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang (4 ca), Tây Ninh (3 ca), Khánh Hòa (2 ca).
+ 314 ca ghi nhận trong nước (trong đó 284 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa) tại: TP.HCM (200 ca), Bình Dương (36 ca), Bắc Giang (20 ca), Hưng Yên (15 ca), Quảng Ngãi (15 ca), Phú Yên (8 ca), Long An (7 ca), Bắc Ninh (6 ca), Nghệ An (4 ca), Đà Nẵng (2 ca), Bắc Kạn (1 ca).
+ Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bắc Giang đăng ký bổ sung trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 danh sách 45 ca bệnh (BN15451, BN15453, BN15455-BN15456, BN15458, BN15460, BN15462-BN15463, BN15465-BN15474, BN15476-BN15478, BN15480-BN15482, BN15484-BN15504) đã được phát hiện trước đó tại các khu vực phong toả, nay hoàn thành rà soát thông tin xét nghiệm. 

Ngày 27.6: Bộ Y tế công bố 368 ca Covid-19 riêng TP.HCM 200 bệnh nhân

Thêm 2 bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM tử vong

Sáng 27.6, Bộ Y tế thông báo bệnh nhân Covid-19 tử vong thứ 75 tại Việt Nam. Bệnh nhân tử vong là bệnh nhân 9779, nam, 80 tuổi, có địa chỉ tại Q.Tân Bình, TP.HCM.
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, gout, hội chứng cushing (rối loạn nội tiết và chuyển hoá) do thuốc, đi lại khó khăn đã lâu.
Bệnh nhân sống cùng nhà với con là bệnh nhân Covid-19. Ngày 10.6, bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 kết quả dương tính,  nhập viện cách ly điều trị tại Bệnh viện Q.Tân Bình. Cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện khó thở, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cấp cứu trong tình trạng sốt, khó thở, thở oxy gọng kính 3 lít/phút.
Khi vào viện, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân gout, cushing do thuốc.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực thở máy, lọc máu, kháng sinh phổ rộng, kháng viêm, kháng đông, thuốc duy trì vận mạch. Tuy nhiên, do tuổi cao, bệnh lý nền nặng, mặc dù được bệnh viện dốc sức cứu chữa nhưng bệnh không qua khỏi, bệnh nhân tử vong lúc 5 giờ ngày 26.6.
Nguyên nhân tử vong được chẩn đoán là sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, trên bệnh nhân tăng huyết áp, gout, cushing do thuốc.

Ca tử vong 75 liên quan Covid-19: Cụ ông 80 tuổi ở TP.HCM bệnh nền nặng

Đến chiều 27.6, Bộ Y tế tiếp tục thông báo về bệnh nhân Covid-19 thứ 76 tử vong ở nước ta, cũng ghi nhận tại TP.HCM
Trường hợp này là BN14656, bệnh nhân nữ, 53 tuổi, có địa chỉ Q.Bình Tân, TP.HCM.
Ngày 24.6.2021, bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả dương tính. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch từ Bệnh viện Q.Bình Tân trong tình trạng hôn mê, thở ô xy bóp bóng qua nội khí quản.
Bênh nhân được cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, an thần, giãn cơ, kháng sinh phối hợp, thuốc điều chỉnh vận mạch; kháng viêm. Tuy nhiên bệnh diễn biến nhanh và nặng dần, mặc dù bệnh viện dốc sức cứu chữa nhưng bệnh không qua khỏi.
Bệnh nhân tử vong lúc 9 giờ 30 phút ngày 25.6 với chẩn đoán: sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp cấp trên nền bệnh viêm phổi do SARS-COV-2.

Vợ chồng làm ngân hàng ở Mỹ Tho dương tính Covid-19

Trưa 27.6.2021, bà Lê Thị Bé Phượng, Phó chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho, cho biết vừa có kết quả xét nghiệm Realtime PCR của Bệnh viện đa khoa Trung tâm tỉnh Tiền Giang, khẳng định vợ chồng làm việc trong 2 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đều đã dương tính với Covid-19.

 

Hai vợ chồng này ngụ tại P.10. Người vợ làm việc tại nhân viên kho quỹ của ngân hàng BIDV chi nhánh Tiền Giang, địa chỉ tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.1). Người chồng cũng làm việc tại một ngân hàng khác trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

 

Vợ chồng làm ngân hàng ở Mỹ Tho dương tính Covid-19, y tế trắng đêm truy vết

Sáng 26.6, người vợ bị sốt nên đến Bệnh viện Quân y 120 khám bệnh. Kết quả test nhanh cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với SARS-CoV-2. Ngay lập tức, chị được chuyển đến Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR.
Cơ quan chức năng của thành phố đã khẩn trương khoanh vùng, truy vết, lập danh sách những người tiếp xúc.
Người vợ cho biết có tiếp xúc với đồng nghiệp làm chung phòng. Người đồng nghiệp từng đến công tác tại TP.HCM vào ngày 10.6 và khi trở về có khai báo y tế tại địa phương. Người đồng nghiệp test nhanh cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Xe cấp cứu san sẻ yêu thương của Hội từ thiện TP.Mỹ Tho hỗ trợ đưa F1 đi cách ly tập trung.

ẢNH: LÊ LANG

Trong khoảng thời gian từ ngày 10.6 đến 25.6, người vợ cho biết chỉ đi làm tại ngân hàng. Buổi trưa, chị về nghỉ tại nhà cha mẹ ruột ở phường 4. Buổi chiều, chị về nhà cha mẹ chồng tại P.10.
Hiện tại, cơ quan chức năng xác định đã có khoảng 40 trường hợp là F1 của hai vợ chồng. Khu vực nhà bệnh nhân đã được phong tỏa và phun xịt khử trùng.

F2 dương tính Covid-19 trốn trong vườn nhà vì sợ cách ly ở Phú Yên

Sáng 27.6, ông Tố Phương Bắc, Chủ tịch UBND H.Sơn Hòa (Phú Yên), cho biết bà Đ.T.S ở khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, H.Sơn Hòa (Phú Yên) là F2 của em trai bà (đã cách ly tại tập trung tại sơ sở cách lý tập trung của H.Sơn Hòa). Em trai của bà S. có liên quan BN 13960, chủ quán cơm Yến Nam ở thôn Ngọc Phong, xã Hoà Kiến, TP.Tuy Hòa.
Trong khi lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, tối 26.6, Ban chỉ đạo Phòng dịch Covid-19 nhận được thông báo bà S. dương tính Covid-19. Khi có kết quả xét nghiệm, lực lượng chức năng đã đến nhà bà S. để đưa đi cách ly điều trị tại Trung tâm y tế H.Sơn Hòa. Tuy nhiên, khi lực lượng đưa phương tiện đến nhà thì bà S. bỏ trốn ra sau vườn nhà. Vì không thấy bà S. ở nhà nên UBND TT.Củng Sơn đã ra thông báo truy tìm bà S. để thực hiện việc cách ly điều trị Covid-19 theo quy định.

Người phụ nữ dương tính Covid-19 trốn trong vườn mía vì sợ bị cách ly

Ngay trong sáng 27.6,  lực lượng chức năng thị trấn Củng Sơn (H.Sơn Hòa) tìm thấy bà S. trong vườn mía của bà.
Đến 9 giờ 27 phút sáng 27.6, xe y tế cùng lực lượng lực lượng chức năng H.Sơn Hòa đã đưa bà S. đi cách ly điều trị tại Trung tâm y tế H.Sơn Hòa. Ông Bắc khẳng định, bà S. chỉ trốn trong khu vườn, chứ không bỏ trốn ra ngoài khu vực cộng đồng.

Giả làm bệnh nhân, thuê xe cứu thương "thông chốt" kiểm soát cầu Bạch Đằng

Ngày 27.6, Công an TX.Quảng Yên (Quảng Ninh)  cho biết, đơn vị này đang tạm giữ 5 người để điều tra về hành vi trốn khai báo y tế khi qua chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng, thuộc cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.
Trước đó, vào 20 gờ 30 ngày 26.6, tại chốt kiểm dịch thuộc trạm thu phí đầu cầu Bạch Đằng, lực lượng CSGT thuộc Đội 2 (Cục CSGT đường bộ  - đường sắt, Bộ Công an) làm nhiệm vụ tại đây đã phát hiện 1 xe ô tô cứu thương, biển số 34A - 389.86 đi từ hướng Hải Phòng sang Quảng Ninh qua chốt kiểm dịch không dừng lại để khai báo y tế.
Thấy có dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác phát đã yêu cầu dừng xe kiểm tra và phát hiện có 5 người ngồi trong khoang phía sau.

Chiếc xe vi phạm còn dán tên của Sở Y tế tỉnh Hải Dương

Ảnh N.H

Tại thời điểm kiểm tra, những người này khai là bệnh nhân đi cấp cứu, nhưng khi lực lượng chức năng khai thác lái xe Phạm Công Hải L. (26 tuổi, trú tại H.Nam Sách, Hải Dương) thì thấy đối tượng quanh co, có nhiều biểu hiện bất minh. Không những vậy, Phạm Công Hải L. cũng không xuất trình được giấy phép lái xe cho lực lượng chức năng.
Sau thời gian làm việc với tổ công tác của Đội 2, cả 5 người trên xe đều thú nhận có hộ khẩu thường trú tại H.Gia Lộc, Hải Dương và bước đầu khai nhận không phải là bệnh nhân. Nhóm người trên đã dùng chiêu thức thuê xe cứu thương chở từ Hải Dương về Quảng Ninh để đi làm. Với thủ đoạn trên, họ hy vọng sẽ thông chốt mà không phải dừng lại để khai báo y tế.

TP.HCM chuyển 2 ký túc xá thành bệnh viện dã chiến Covid-19

Cụ thể, TP.HCM chọn ký túc xá Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM với quy mô 1.000 giường trở thành BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 1 (đi vào hoạt động từ 26.6); khu A ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM với quy mô 5.000 giường trở thành BVDC thu dung điều trị Covid-19 số 2 (sẵn sàng đi vào hoạt động khi có yêu cầu; trước đó 2 ký túc xá này đều đang sử dụng cách ly tập trung). Các vấn đề hậu cần đã được chuẩn bị, và TP.HCM cũng tăng cường nguồn nhân lực sẵn có từ các cơ sở y tế trên địa bàn.

TP.HCM chuyển 2 ký túc xá thành bệnh viện dã chiến Covid-19

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có 13 BV điều trị Covid-19, với quy mô 10.000 giường; trong đó có 3 bệnh viện dã chiến nhằm dự phòng cho số ca nhiễm có thể tiếp tục tăng. Về điều trị, sẽ áp dụng mô hình mà Bộ Y tế thực hiện tại Bắc Giang, là phân tầng bệnh nhân theo mức độ nhẹ, nặng, hồi sức cấp cứu chuyên sâu. 

Tiểu thương chợ Bà Chiểu thấp thỏm, tự nghỉ bán vì sợ Covid-19

Gia đình bà Hồng Tâm đã có 3 đời kinh doanh hoa trước chợ Bà Chiểu – khu chợ truyền thống lớn và nổi tiếng nhất Q.Bình Thạnh. Mới 24 giờ trước, bà Tâm và nhiều tiểu thương còn đang xôn xao thông tin một người giúp việc ở quán bún bán trong chợ dương tính Covid-19, thì đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã căng dây tạm phong tỏa khu vực trước cổng chợ Bà Chiểu.

Tiểu thương chợ Bà Chiểu thấp thỏm, tự nghỉ bán vì sợ Covid-19

Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 26.6, phía trước sạp hoa của bà, lực lượng y tế đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho tiểu thương.
Qua truy vết, lực lượng y tế địa phương phát hiện có 4 trường hợp F1 với ca dương tính Covid-19 là người giúp việc ở quán bún. Tất cả đã được đưa đi cách ly tập trung vào chiều 26.6.
Đến tối 26.6, đại diện ban quản lý chợ Bà Chiểu cho biết việc xét nghiệm Covid-19 đã hoàn tất lúc 19 giờ 30 phút. Tổng cộng cơ quan y tế đã lấy 736 mẫu xét nghiệm cho tiểu thương cùng một số người dân sinh sống lân cận.

Nhiều sạp hàng tự động đóng cửa để phòng tránh dịch bệnh sáng 27.6

LÊ NAM

Mặc dù được thông báo là chợ Bà Chiểu hoạt động bình thường nhưng sáng 27.6, nhiều sạp hàng, ki-ốt phía đường Bùi Hữu Nghĩa đã đóng cửa và treo biển “tạm nghỉ để phòng dịch”.
Một vài hộ bán gạo, lương thực khô còn lác đác mở hoạt động cầm chừng nhưng lượng khách hạn chế.
Lực lượng chức năng đã lập nhiều rào chắn ở các các khu vực lối vào chợ ở đường Vũ Tùng và Diên Hồng; đồng thời, đóng các lối vào ở cổng phụ để tăng mức độ kiểm soát.
Người vào chợ phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn. Các cửa hàng, siêu thị mini có đăng ký kinh doanh phía xung quanh chợ Bà Chiểu thu hút đông người mua nhưng cũng giới hạn vị trí tiếp xúc, hạn chế vào trong giao dịch mà yêu cầu người mua gọi đồ từ phía ngoài cửa.

Dịch bệnh virus corona có thể đã xuất hiện tại Việt Nam cách đây 20.000 năm 

Theo một báo cáo của chuyên gia Yassine Souilmi và nghiên cứu sinh Ray Tobler của Đại học Quốc gia Úc được đăng trên chuyên san Current Biology, đã phát hiện chứng cứ về sự thích nghi với họ virus Corona trong 42 gien di truyền của cộng đồng dân số tại Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Theo nhận định của hai chuyên gia trên, có vẻ như lịch sử về đại dịch cũng lâu đời như lịch sử loài người. Chỉ trong thế kỷ 20, con người phải chống chọi 3 chủng virus cúm gieo rắc cái chết hàng loạt cho thế giới, bao gồm dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1920), cúm châu Á (1957-1958) và cúm Hồng Kông (1968-1969).

Virus corona có thể đã gây dịch bệnh tại Việt Nam từ 20.000 năm trước

Liên quan đến virus corona, trong 20 năm qua, thế giới cũng đã ghi nhận 3 dịch bệnh nghiêm trọng gây ra bởi họ virus này.
SARS-CoV là virus đã gây ra Hội chứng Suy hô hấp cấp tính nghiêm trọng, một dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc vào năm 2002 và khiến 800 người thiệt mạng. Tiếp theo là virus corona MERS dẫn đến Hội chứng hô hấp Trung Đông, khiến 850 người thiệt mạng; và cuối cùng là SARS- CoV-2, loại virus đã gây ra đại dịch Covid-19 và khiến 3,8 triệu người phải tử vong.
Virus corona có thể đã gây dịch bệnh tại Việt Nam từ 20.000 năm trước - ảnh 1

Báo cáo của nhóm nghiên cứu được đăng trên chuyên san Current Biology.

CHỤP MÀN HÌNH

Nhưng cũng đã có nhiều cơn đại dịch trong suốt hàng ngàn năm. Ngày nay, nhờ vào những công cụ thống kê di truyền hiện đại, giới nghiên cứu đã lần theo dấu vết của dịch bệnh, dựa trên những thích nghi trong ADN của các cộng đồng dân số.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc đã tiến hành phân tích chuỗi gien của hơn 2.500 người thuộc 26 cộng đồng trên thế giới. Họ phát hiện chứng cứ về sự thích nghi di truyền ở 42 gien khác nhau của người, tất cả đều đến từ Đông Á.
Virus là những sinh vật đơn giản, theo đuổi một mục tiêu duy nhất: tạo thêm nhiều bản sao của chính nó. Thế nhưng, cấu trúc sinh học của chúng quá đơn giản đến nỗi virus không thể tự mình nhân đôi. Thay vào đó, chúng phải xâm nhập tế bào của các sinh vật khác để sinh sôi, thông qua cơ thể gọi là tương tác protein virus (VIP).
Virus corona có thể đã gây dịch bệnh tại Việt Nam từ 20.000 năm trước - ảnh 2

Nhóm nghiên cứu phát hiện chứng cứ về sự thích nghi di truyền với họ virus corona ở 42 gien khác nhau của người, tất cả đều đến từ Đông Á.

CHỤP MÀN HÌNH DW.COM

Kết quả nghiên cứu của đội ngũ trên đã phát hiện các VIP ở phổi của những đối tượng nghiên cứu, cũng là mô bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Từ đó, các chuyên gia cho rằng có lẽ Đông Á là cái nôi của họ virus corona.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 27.6 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.