Liên quan đến việc nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm, Công an H.Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 bộ luật Hình sự.
Khởi tố vụ án ô nhiễm nguồn nước sông Đà
“Ngày 16.10, Cơ quan CSĐT Công an H.Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường, theo quy định tại điều 235 bộ luật Hình sự (BLHS). Hiện vụ án đang được điều tra nên chưa thể thông tin thêm”, thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, cho biết.
Chiều 17.10, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sông Đà. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco), cho biết đơn vị này sẽ họp, xem xét trách nhiệm các công nhân, cán bộ ứng trực khi xảy ra sự cố. Sau khi lau rửa bể, đường ống dẫn nước, khoảng 21 giờ tối 16.10, đơn vị này đã cấp nước trở lại cho các công ty phân phối tới người dân và khẳng định chất lượng nước cấp sẽ đảm bảo theo chất lượng của Bộ Y tế. Dù vậy, Viwasupco vẫn khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng nước này để tắm rửa, chưa dùng nấu ăn.
Đáng lưu ý, đại diện Viwasupco vẫn tiếp tục khẳng định, công ty là bên bị thiệt hại nhiều nhất và cũng là nạn nhân của vụ việc nên không phải xin lỗi người dân, khách hàng (?!).
|
Viwasupco phải đầu tư ống dẫn nước thô kín
Cũng tại buổi họp báo, quy trình sản xuất nước sạch sông Đà trong đợt nguồn nước bị ô nhiễm được UBND tỉnh Hòa Bình mô tả: Tại nhà máy, nước nguyên liệu thô được bơm vào khoảng 320.000 m3/ngày đêm. Sau đó, nước được đưa vào 2 bể trộn thủy lực có công suất 160.000 m3/ngày đêm/bể. Tại đây, được châm phèn từ 20 - 35 mg/lít (tùy theo chất lượng nước đầu vào). Ngày 9.10, khi phát hiện có dầu loang ở nguồn nước nguyên liệu, Viwasupco đã châm phèn từ 70 - 80 mg/lít và bổ sung thêm than hoạt tính 10 - 15 mg/lít nước thô đầu vào. Sau đó, nước đi vào 12 bể phản ứng, mỗi bể có dung tích 585 m3 và chia thành 3 ngăn, trước khi đưa sang bể lắng Lamen. Từ đây, nước trong được thu trên mặt, còn cặn bùn lắng xuống đáy sẽ đưa xuống bể xử lý. Tiếp đó, nước trong sẽ được đưa vào bể lọc nhanh rồi được đưa sang bể pha trộn clo để châm clo khử trùng từ 0,9 - 1,2 mg/lít (để đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế) trước khi bơm vào bể chảy vào đường ống cấp nước cho người dân.
Tại khu vực chứa bùn thải, cặn bông thải có 4 bể chứa bùn thải, diện tích hơn 2.700 m2/bể. Trong đó, 2 bể bùn số 1 và 2 đang được phơi khô, bể số 3 và 4 đang tiếp nhận bùn thải từ bùn phát sinh tại bể lắng, rửa lọc, thường xả bùn 2 lần/ngày với tổng lượng thải từ 1.200 - 1.400 m3 bùn loãng. Sau đó, bùn lắng lại ở trong bể, còn nước từ bùn thải khoảng 400 - 450 m3 chảy ra suối Bằng.
|
UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu Viwasupco phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng, thực hiện nghiêm quy chế quản lý, khai thác, vận hành hồ chứa đối với hồ Đầm Bài, là nơi lấy nước nguồn vào nhà máy. Về lâu dài phải cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình hồ Đầm Bài. Xây dựng phương án, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết và thực hiện các biện pháp kịp thời ứng phó, khắc phục các sự cố ảnh hưởng tới nguồn nước. Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu vào, phải ngừng ngay hoạt động sản xuất, báo cáo đến các cơ quan chức năng của địa phương, T.Ư.
Tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu Viwasupco cần khẩn trương có giải pháp đầu tư tuyến ống dẫn nước thô kín từ sông Đà về nhà máy để tránh nguy cơ ô nhiễm từ 2 bên lưu vực kênh dẫn dòng và lưu vực hồ Đầm Bài.
Lý lẽ của Viwasupco là ngụy biện!GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) nhìn nhận, công nghệ sản xuất nước sạch của các nhà máy nước ở VN cơ bản giống nhau; chỉ khác ở khâu kiểm soát tự động chất lượng nước và trình độ phòng thí nghiệm trong nội tại nhà máy. Một điểm khác nhau “cốt lõi” là đạo đức kinh doanh, phục vụ nhân dân. GS Vũ Trọng Hồng cho rằng, khi phát hiện dầu loang ở đầu nguồn nước, xét nghiệm nước thành phẩm không phát hiện nhưng người dân phản ứng nguồn nước có vấn đề thì Viwasupco phải cấp báo lên TP.Hà Nội, thậm chí cấp T.Ư để các bên liên quan vào cuộc phối hợp xử lý, tránh thiệt hại cho người dân.
“Nhưng có thể vì chủ quan cho rằng, tự mình có thể xử lý được bằng cách tăng thêm clo vào quá trình sản xuất nước. Hoặc cũng có thể đặt trường hợp Viwasupco đã biết chất lượng nước có vấn đề nhưng vì sợ mất thị phần thị trường cung cấp nước nên họ cố tình ém nhẹm đi, không khuyến cáo người dân, vẫn cấp nước bình thường để tránh ảnh hưởng đến doanh thu. Nhưng biện pháp cho tăng clo không giải quyết được vấn đề, họ buộc phải công khai thông tin. Lúc này, TP.Hà Nội mới có khuyến cáo người dân không ăn, uống nguồn nước sông Đà là quá muộn. Lý lẽ cho rằng, phòng thí nghiệm của nhà máy không phát hiện ra styren trong nước chỉ là ngụy biện vì với trình độ khoa học hiện nay phòng thí nghiệm của nhà máy nước nào cũng đủ trình độ để tìm ra chất lạ có trong nguồn nước nguyên liệu cũng như nước thành phẩm trong thời gian không quá 3 ngày. Hy vọng, tới đây Bộ Công an vào cuộc sẽ làm rõ những uẩn khúc và trách nhiệm”, GS Vũ Trọng Hồng nói.
|
Trong khi đó, theo các chuyên gia môi trường, để khẳng định nước an toàn cho sinh hoạt của người dân, đảm bảo tiêu chuẩn nước ăn uống theo QCVN 01:2009, thì những gì chính quyền Hà Nội làm hiện nay là chưa đủ yên tâm.
“Theo các thông tin mà tôi có được thì Hà Nội chỉ lấy 4 mẫu nước ở nhà dân tại: Lê Trọng Tấn, Linh Đàm và Quan Nhân, đều ở Q.Thanh Xuân, là chưa đủ tính đại diện, vì có đến 280.000 hộ dân sử dụng nước sông Đà. Thêm nữa, đây mới là kết quả xét nghiệm 15 chỉ tiêu, trong khi theo QCVN 01:2009 thì sẽ phải xét nghiệm cả các chỉ tiêu nhóm B và C trong trường hợp giám sát đột xuất khi xảy ra sự cố môi trường, bởi vì trong dầu thải không chỉ có styren mà còn có hàng loạt chất khác gây hại đến sức khỏe. Chỉ khi có kết quả kiểm nghiệm các chất nhóm B và nhóm C an toàn thì lúc đó mới có thể sử dụng để ăn uống”, một chuyên gia khuyến cáo và cho rằng trong những ngày tới, Hà Nội nên làm việc này, với quy mô lấy mẫu lớn hơn (ở cả các hộ dân và trên đường ống từ công ty nước sạch đến hộ sử dụng).
Bình luận (0)