Thoát khỏi thủ tục trì trệ

Đình Phú
Đình Phú
07/10/2019 04:47 GMT+7

Báo Thanh Niên từng liên tục phản ánh thủ tục trì trệ về nhà đất khiến hàng trăm dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM bị ách tắc. TP.HCM đang tập trung tháo gỡ nhằm tránh tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách.

Tại hội nghị lần thứ 32 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM mới đây (2 - 3.10), Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng TP có trách nhiệm thu ngân sách cho T.Ư (cả năm 2019 dự toán thu xấp xỉ 400.000 tỉ đồng, 9 tháng đầu năm 2019 ước thực hiện 287.173 tỉ đồng - PV). Ông Nhân yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP trong quý 4/2019 tập trung khắc phục sự chậm trễ trong thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, xây dựng...
Yêu cầu của ông Nhân xuất phát từ thực tế, theo báo cáo của UBND TP, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2019 thấp hơn so cùng kỳ, nguyên nhân được xác định chủ yếu do lĩnh vực xây dựng (chiếm 4,1% tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP) giảm 0,5% so cùng kỳ.

Hàng trăm dự án “đứng bánh”

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, lĩnh vực xây dựng của TP sụt giảm, trực tiếp tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế không phải là vấn đề mới được nhận diện, mà đó là hệ lụy kéo dài do chậm trễ thủ tục của những năm qua.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, từ 1.7.2015 - 8.2018, có tới 122/170 dự án nhà ở thương mại (chiếm tỷ lệ hơn 74%) gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai, khiến các thủ tục về đầu tư, xây dựng bị ách tắc. Một trong những lý do vướng mắc, luật Nhà ở quy định phải có “quyền sử dụng đất ở” (100% đất ở) thì mới được triển khai xây dựng, trong khi thực tế những dự án này đều có quỹ đất hỗn hợp (đất lúa, đất trồng cây lâu năm, đất sản xuất kinh doanh, kho, xưởng, văn phòng, đất thuộc sở hữu của chủ đầu tư xen lẫn đất có nguồn gốc nhà nước quản lý).
Trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư, giảm 16 dự án (giảm hơn 84%) so với cùng kỳ 2018. Sở cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại (mới), giảm 46 dự án (giảm 82%) so cùng kỳ 2018.
Thoát khỏi thủ tục trì trệ1

 Căn hộ chung cư Đông Hưng II tại Q.12 chậm trễ thủ tục trong hoán đổi

Ảnh: Đình Phú

Có “hàng rào vô hình” ?

Đáng chú ý nhất là năm 2018, khi một số cán bộ lãnh đạo, công chức của TP.HCM bị khởi tố, bắt giam liên quan vi phạm quy định về quản lý đất đai, thì trên thực tế, thủ tục nhà đất của hàng loạt dự án nhà ở bị “đứng bánh”.
Một chủ đầu tư có dự án ở khu đô thị nam TP.HCM khi trao đổi với PV Thanh Niên đã đề cập thực trạng đang có “hàng rào vô hình” trong việc giải quyết thủ tục về đầu tư, xây dựng liên quan đến đất đai; bởi chủ đầu tư này từ khi nộp hồ sơ vào khoảng đầu năm 2018 đến nay “vẫn còn phải đợi được tháo gỡ vướng mắc”. Theo chủ đầu tư này, hiện có xung đột pháp lý giữa các luật: Đất đai, Quản lý sử dụng tài sản công, Nhà ở, Đấu thầu, Xây dựng... với nhiều quy định chồng chéo “khiến sở ngành không biết phải làm sao cho đúng nên hồ sơ cứ để đó, hoặc trả ra; đó là chưa kể có nơi không dám trình ký gì hết với lý do đang bị điều tra, thanh tra, kiểm tra”.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng ngay cả ý kiến của Sở TN-MT và Sở Xây dựng khi báo cáo UBND TP về “quyền sử dụng đất hợp pháp”, “nhà đầu tư”, “chủ đầu tư”... cũng có những cách hiểu khác biệt, nên hiện các ách tắc vẫn... ách tắc. “Ở đây mình phải nhìn nhận có sự chồng chéo về quy định và cả thực tiễn, kể cả cách hiểu về các quy định pháp luật. Ví như trước đây có quyết định của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND TP duyệt chủ trương đầu tư rồi, nhưng đến giờ cần duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để triển khai xây dựng, mà Sở QH-KT không dám duyệt; trong khi quận, huyện xác nhận là giải phóng mặt bằng hết rồi”, ông Châu nói.
Ông Châu nói thêm: “Chúng tôi cũng nhiều lần có đề cập rằng cộng đồng doanh nghiệp (DN) rất cảm thông, chia sẻ vì vừa rồi có một số người (liên quan đất đai - PV) rơi vào lao lý, làm nhụt chí anh em, hoảng sợ luôn, nhưng không nên vì thế mà kéo dài “độ trễ” nữa”.

Cái nào thuộc thẩm quyền của sở ngành thì sở ngành phải giải quyết, không được phép dừng; tại vì mấy anh lo mà lo bậy, không đúng, có quy định pháp luật mà anh không làm hoặc là đẩy đưa

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

“Không được đẩy đưa”

Trả lời Thanh Niên, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP, thừa nhận thực tế đối với thị trường bất động sản năm 2019, do vướng các quy định nên sản phẩm mới, dự án mới rất ít. “Đơn cử như luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ 1.7.2015 đến nay quy định DN phải có "đất ở" thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, thực tế hầu hết các dự án có quỹ đất hỗn hợp. Trong khi đó chưa có đầy đủ cơ chế để giải quyết các thủ tục hành chính công nhận chủ đầu tư, dẫn đến ách tắc dự án”, ông Bình nói.
Về trách nhiệm của Sở Xây dựng, ông Bình cho biết Sở đã có văn bản báo cáo UBND TP về phương án tháo gỡ các ách tắc. Theo đó, phân nhóm đối với từng dự án để ưu tiên giải quyết theo từng quy định cụ thể. “Ban Thường vụ Thành ủy đã họp rất nhiều phiên về vấn đề này. Trách nhiệm của Sở cũng tập trung rà soát, báo cáo, tham mưu giải pháp, bởi nếu chậm trễ nữa thì ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế”, ông Bình nói.
Theo khảo sát và báo cáo của Sở Xây dựng, TP.HCM hiện có hơn 476.000 hộ chưa có nhà ở, hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm hơn 23% tổng số hộ). Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2018 đạt 19,75 m2/người, thấp hơn nhiều so bình quân cả nước là 25 m2/người.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết UBND TP đã từng họp bàn và trong tuần này sẽ họp tiếp với giám đốc các sở thuộc khối đầu tư và đô thị để “ra cho được chính sách, cơ chế chung”. “Trên cơ sở đó sẽ hệ thống lại, cái nào thuộc thẩm quyền của sở ngành thì sở ngành phải giải quyết, không được phép dừng; tại vì mấy anh lo mà lo bậy, không đúng, có quy định pháp luật mà anh không làm hoặc là đẩy đưa. Thứ hai, cái nào thuộc thẩm quyền của TP, đã có chủ trương thì tiếp tục làm, chưa có thì ra chủ trương để làm. Thứ ba, cái nào vượt thẩm quyền về đầu tư, xây dựng thì báo cáo Chính phủ hướng tháo gỡ cụ thể”.
“TP sẽ giải quyết từ những việc hiểu không đúng quy định hoặc những cái tự nhiên mình “đẻ” ra”, ông Võ Văn Hoan khẳng định và dẫn chứng: “Thí dụ cấp phép xây dựng, DN mua đất, đóng tiền sử dụng đất xong, sau đó cấp giấy chứng nhận. Việc đó xong rồi và người ta chuẩn bị triển khai dự án, thì quá trình đó ta điều chỉnh quy hoạch tăng, phát sinh nghĩa vụ tài chính thì ta phải thu nhưng anh không thu; sau đó thanh tra, kiểm tra vô hỏi tại sao, rồi từ đó ngưng cấp phép xây dựng. Tự nhiên anh nghĩ ra chuyện ngưng giấy phép xây dựng. DN bỏ cả chục ngàn tỉ mua miếng đất, tiền cũng chuẩn bị triển khai dự án, nhưng rồi không cấp phép. Sau khi đã được triển khai, có quy hoạch thì cho người ta làm, còn nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh tăng, thì Sở Tài chính phải là người trong cuộc, phải thu, không được đẩy đưa”.

Nguy cơ doanh nghiệp phá sản

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đánh giá sự sụt giảm của thị trường bất động sản trong hơn 2 năm qua tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách TP hiện nay, và có thể cả trong thời gian tới do “độ trễ” của quá trình thực hiện các thủ tục. Nếu kéo dài “độ trễ” này, sẽ còn tiếp tục tác động tiêu cực trong những năm tới, dẫn đến một số DN có thể lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.