TP.HCM thúc đẩy vận tải hành khách công cộng

15/11/2019 12:39 GMT+7

TP.HCM đang trợ giá cho hoạt động xe buýt khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm, nhưng hành khách đi xe buýt liên tục giảm qua các năm.

Sáng 15.11, HĐND TP.HCM đã tổ chức phiên giải trình về tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố.

Xe buýt giảm 6,6% mỗi năm

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết trong 8 tháng đầu năm, khối lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt 131 triệu lượt, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2018, và chỉ đạt 51% kế hoạch năm 2019. Điều này nằm trong xu hướng chung của vận tải xe buýt trong các năm qua. Hành khách đi xe buýt bình quân giảm 6,6% mỗi năm trong giai đoạn 2014 - 2018.

Lý giải việc hành khách đi xe buýt giảm, ông Lâm cho biết nguyên nhân chính do tình trạng kẹt xe. Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 330.00 chuyến chậm trên 15 phút do ảnh hưởng của các điểm ùn tắc giao thông. Đáng chú ý, sự phát triển của xe ôm và xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo đề án thí điểm sử dụng công nghệ cũng cạnh tranh trực tiếp với xe buýt.

“Hành khách có xu hướng sử dụng dịch vụ này cho các chuyến đi ngắn do có sự tiện lợi, cơ động và giá thành ngang với chi phí đi xe buýt”, ông Lâm nhận định.
Năm 2016, hành khách đi xe công nghệ chỉ có 20,8 triệu lượt nhưng đã tăng lên hơn 191 triệu lượt vào năm 2019 tác động đến thói quen đi lại của người dân.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải còn cho biết hạ tầng giao thông, bến bãi đang thiếu hụt, phân bố không đồng đều giữa các khu vực, quận, huyện làm tăng sự trùng lắp của các tuyến xe buýt.

Đừng dồn áp lực lên tài xế

Ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM nói rằng ông rất quan tâm đến đề án xe buýt 2014 - 2017, hiện được thành phố kéo dài đến năm 2020. Đề án này sẽ đầu tư thêm 795 xe mới, trong đó có 614 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG) nhưng hiện nay chỉ có 453 xe.

Ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM nêu thực trạng doanh nghiệp vận tải không muốn đầu tư xe buýt nhiên liệu sạch

Sỹ Đông

Ông Cao Thanh Bình cho rằng đối với thành phố hiện đại như TP.HCM thì việc sử dụng nhiên liệu sạch là cần thiết, nhưng tỷ lệ xe buýt CNG mới đạt 20% là rất khiêm tốn. Qua khảo sát thực tế, doanh nghiệp vận tải đang có dấu hiệu ngừng đầu tư xe mới, nhất là xe CNG. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do trạm nạp nhiên liệu ít (4 trạm), giá khí CNG có chiều hướng tăng, chương trình bình ổn giá chưa có.
“Có xe phải đi hơn 10 km để nạp khí CNG, nhưng cự ly này không được tính vào trợ giá”, ông Cao Thanh Bình nêu thực tế khiến doanh nghiệp vận tải không đầu tư xe CNG.
Được mời phát biểu, nhưng đại biểu Trần Quang Thắng muốn nhường quyền phát biểu của mình cho một tài xế xe buýt, là anh Trần Văn Hùng, người trực tiếp lái xe được 14 năm.
Anh Trần Văn Hùng cho rằng xe buýt muốn hoạt động tốt, thì thành phố cần phải tăng cường quảng bá luồng tuyến để hành khách biết và sử dụng. Đồng thời, việc tăng xe là rất cần thiết nhằm giảm áp lực tăng chuyến, quay đầu đối với tài xế.

Tài xế Trần Văn Hùng đề nghị thành phố có chính sách để áp lực không dồn lên tài xế xe buýt

Sỹ Đông

“Lương tài xế hiện nay rất thấp, mất chuyến là mất lương nên họ bắt buộc phải chạy ẩu. Còn đối với tiếp viên, thành phố cần có trường giáo dục đạo đức nghề nghiệp”, tài xế Hùng kiến nghị.
Ngoài ra, tài xế này cho biết tình trạng lấn chiếm ô dừng, nhà chờ xe buýt hiện đang rất nan giải, khiến hành khách không tiếp cận được xe buýt. Anh Hùng dẫn chứng đường Châu Văn Liêm (Q.5) có 2 ô dừng bị chiếm dụng, anh từng phản ánh nhiều lần không ban ngành nào giải quyết được.

Thay đổi cách trợ giá xe buýt

Liên quan đến làn đường riêng cho xe buýt trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đặt ra các câu hỏi đề nghị Sở Giao thông Vận tải: hiện có bao nhiêu hành khách đang đi trên các tuyến xe buýt qua 2 tuyến đường này, nếu áp dụng thì xe buýt đi nhanh hơn bao nhiêu, giải quyết được ùn tắc cho bao nhiêu người...
Đồng tình với mong muốn của tài xế Hùng, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng thành phố phải có chính sách đảm bảo thu nhập cho tài xế để họ an tâm, từ đó không phải lấn làn, dành thời gian đón trả khách, nhất là người già, người khuyết tật. Có làm như vậy thì xe buýt mới dần lấy lại được niềm tin của người dân.

Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đặt nhiều câu hỏi liên quan đến đề xuất làm làn đường riêng cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ và Võ Thị Sáu

Sỹ Đông

Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng cần phải thay đổi cách trợ giá cho xe buýt nhằm tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải, bởi phải cạnh tranh thì mới tăng được chất lượng và từ đó tăng thu nhập tài xế.
Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy, thành phố nên trợ giá theo đối tượng và theo tuyến đường. Hiện các tuyến nội thành đang bị lỗ do cự ly ngắn, khách ít; trong khi đó, khách đi cự ly dài phần lớn là sinh viên, người già, người lao động.
“Ngành giao thông cần phát triển xe buýt khách chặng ngắn, ngắm tới dân văn phòng, du khách. Đây là những đối tượng có đòi hỏi cao về chất lượng và trạm dừng hợp lý, giá vé không quan trọng. Như dân văn phòng, khi trời nắng có thể dùng xe buýt để đi ăn trưa”, bà Thúy phân tích.

Hành khách đi xe buýt ở TP.HCM bình quân giảm 6,6% mỗi năm trong giai đoạn 2014-2018

Sỹ Đông

UBND TP.HCM và Sở GTVT giải trình gì?

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết sắp tới sẽ rà soát, sắp xếp lại các tuyến xe buýt hiện hữu và phát triển mạng lưới tuyến phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.
Về làn đường ưu tiên cho xe buýt, ông Trần Quang Lâm thông tin khi áp dụng sẽ giúp vận tốc tăng lên khoảng 20 km/h so với hơn 8 km/h như hiện nay.
Đồng thời, các đơn vị vận tải phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của tài xế và tiếp viên, cải thiện chất lượng phương tiện thân thiện với môi trường.
Đối với việc trợ giá xe buýt, Sở GTVT sẽ bố trí theo phương pháp khuyến khích đơn vị vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút hành khách sử dụng xe buýt.
Về lâu dài, ông Trần Quang Lâm cho rằng cần tập trung phát triển, mở rộng các tuyến xe buýt đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đô thị vệ tinh và đầu mối giao thông và kết nối với các loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn khác.
Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng và dành quỹ đất hợp lý cho xe buýt là điều cần thiết để thu hút hành khách.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

Sỹ Đông

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan dùng hình ảnh những mạch máu trong cơ thể để so sánh với mạng lưới xe buýt trong việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố. "Nếu xe buýt không được đầu tư đúng mức sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thành phố", ông Hoan nói.
Theo ông Võ Văn Hoan, TP.HCM phát triển nhanh, nên từ 2010 lãnh đạo thành phố xác định phát triển xe buýt và phương tiện vận tải khối lượng lớn là nhiệm vụ rất quan trọng. Thành phố xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện: quy hoạch phát triển hành khách công cộng, một số chương trình đột phá như giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, trong đó có xe buýt.
Ngoài ra, thành phố đã hoàn thành quy hoạch vận tải công cộng khối lượng lớn, các tuyến metro và vận hành tuyến số 1 vào năm 2021.
“Hệ thống sức chở lớn ngày càng rõ nét nhưng xe buýt vẫn giữ vai trò rất quan trọng, có tính chủ đạo, là phương tiện chiến lược để phát triển các hệ thống giao thông. Xe buýt đưa người dân từ các đầu mối có sức chở lớn đến các ngõ ngách, các khu vực đô thị”, ông Hoan phân tích
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nội tại của xe buýt vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng cũng cần đặt cạnh những điều kiện khác bên ngoài, như sự cạnh tranh của taxi, xe công nghệ, quy hoạch phát triển hạ tầng, giao thông tĩnh, những chính sách bổ trợ cho xe buýt...
“Đây là thời điểm xe buýt tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực đến hoạt động xe buýt trong tương lai nếu không có những giải pháp chấn chỉnh, tạo điều kiện mạnh mẽ hơn để xe buýt phát triển”, ông Hoan nhận định.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết thành phố sẽ tiếp tục rà soát lại chính sách trợ giá, xã hội hóa đầu tư, đổi mới phương tiện. Thành phố sẽ phê duyệt sử dụng đất, ưu tiên đất dành cho hành khách công cộng, phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng. Các địa phương có trách nhiệm xử lý các hành vi lấn chiếm trạm dừng, nhà chờ xe buýt.
Ngoài ra, thành phố thực hiện giải pháp kiểm soát xe cá nhân lưu thông trên thành phố, chuyển dần các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông vào ban đêm để hạn chế ách tắc giao thông...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.