Chương trình do T.Ư Hội LHTN VN phối hợp với Bộ GD-ĐT, Ủy ban Dân tộc VN, Tập đoàn Thiên Long thực hiện.
Cô Sa Rôn và 500 học sinh dân tộc Khmer
Trường phổ thông dân tộc nội trú Cần Thơ là ngôi nhà thứ hai của hơn 500 học sinh dân tộc Khmer, và cũng là nơi cô Đào Thị Sa Rôn dạy dỗ học sinh suốt hơn 20 năm qua.
Cô Sa Rôn cho biết trải qua rất nhiều thăng trầm trong cuộc sống, tưởng chừng đôi không còn muốn gắn bó với nghề nữa, nhưng những lúc ấy, sợi dây liên kết bền chặt giữa cô và học trò mến yêu khiến cô không thể nào buông xuôi mọi thứ một cách dễ dàng. Hình ảnh những tiết học “ê, a” tiếng Khmer, những nụ cười dễ thương của học sinh thơ dại đã in đậm trong tâm trí cô.
Lúc mới tiếp quản, cô cảm thấy lo lắng vì trình độ tiếng Khmer của các em trong một lớp rất khác nhau. Thời điểm đó, Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành sách nên cô không biết phải dạy theo chương trình nào và phương pháp gì cho phù hợp. Thêm phần, học tiếng Khmer là để các em không quên gốc, quên nguồn, nhưng cũng vì không kiểm tra, không lấy điểm, nên các em vẫn còn mang tư tưởng lo ra, không thèm học. “Sau nhiều hôm suy nghĩ, tôi quyết định thay đổi phương pháp dạy tiếng Khmer của mình”, cô Sa Rôn tâm sự.
Cô chọn phương pháp “Vui để học”. Hằng ngày cô đều thiết kế bài giảng thật sinh động, cô hướng dẫn các em học tiếng Khmer qua các trò chơi, đố vui, cho các em thi đua giữa các nhóm, các tổ với nhau. Tiết học của cô luôn tràn ngập niềm vui, tiếng cười, các em được tự do trao đổi, từ đó kiến thức dễ dàng dung nạp vào trí nhớ của các em.
Cô còn mạnh dạn vay mượn hơn 20 triệu đồng để mua một chiếc máy tính cho trường, lặn lội xuống tỉnh Sóc Trăng để nhờ người am hiểu cài đặt font chữ Khmer vào máy tính. Bằng sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, cô bắt đầu làm quen, soạn giáo án điện tử, thiết kế bài giảng bằng máy tính. Các đồng nghiệp từ đó bắt đầu hiểu hơn về giá trị của công nghệ và biết ứng dụng nhiều vào trong công tác giảng dạy.
Với cương vị là phó hiệu trưởng sau hơn 20 năm công tác và gắn bó, cô từng chứng kiến rất nhiều giáo viên mới ra trường từ nơi khác về thấy khó khăn quá nên đành xin nghỉ, còn học trò có hoàn cảnh cực khổ quá cũng bỏ học theo gia đình mưu sinh. Những lúc ấy, bằng tiếng mẹ đẻ của mình, cô đã tâm sự, động viên các đồng nghiệp và học sinh tiếp tục theo đuổi con chữ và ở lại với trường lớp.
Mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học
Thầy Thạch Minh Trí (34 tuổi) theo đuổi nghề “gõ đầu trẻ” ở Trường THCS và THPT dân tộc nội trú Vĩnh Châu (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) trong suốt hơn 10 năm ròng.
Tốt nghiệp sư phạm tin học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trí quyết định trở lại quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, xin vào công tác tại trường THCS mà mình từng theo học.
Thầy Trí chia sẻ một nỗi niềm khao khát được mang kiến thức tin học về quê nhà, khai mở sự văn minh kỹ thuật số cho các em đồng bào quê mình. Những năm ấy, bộ môn tin học vẫn chưa được phát triển, thậm chí lúc thầy vừa ra trường, sách giáo khoa tin học còn chưa có.
Thoạt đầu, cơ sở vật chất của trường còn chưa đáp ứng, chưa đồng bộ hóa với phương pháp dạy học, điều kiện giảng dạy còn thiếu thốn. Sau này, được khuyến khích và được đề xuất, trường và thầy Trí bắt đầu nghiên cứu, thiết kế hẳn một phòng máy để đáp ứng cho việc dạy và học môn tin học tại nhà trường cho các khối.
Việc học tin học đối với các em ở đây là một thử thách rất lớn. Một tuần chỉ có 2 tiết, chưa đủ để các em nắm bắt kiến thức và biết ứng dụng. Một số em còn rất rụt rè, chỉ việc cầm chuột để thao tác mà các em cũng rất băn khoăn, nhút nhát…
“Đã có một năm học, tôi muốn xin thôi dạy một lớp, vì các em trong lớp ấy không thích học môn này, không để tâm. Sau một thời gian trực quản sinh, tôi chủ động tìm hiểu và chia sẻ bằng tiếng Khmer, các em bộc bạch rằng môn này quá khó, học không biết để làm gì, và tôi quyết định thay đổi phương pháp dạy học của mình”, thầy Minh Trí tâm sự.
Thầy cho học sinh thao tác nhiều hơn là nghe. Phương pháp này khiến các em vượt qua được sự sợ hãi, và mạnh dạn “gõ bàn phím” để tìm ra chân lý đằng sau mỗi tiết học.
Giúp cho học sinh nội trú xây dựng tính tự lập
Cô giáo Lý Hòa Ly (H.Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), một trong 63 giáo viên dạy học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay.
Tốt nghiệp khoa Sư phạm toán, Trường ĐH Sư phạm Cần Thơ, cô Ly quyết định quay trở lại quê hương, trở thành “người đưa đò” thầm lặng cho học sinh tại huyện mình, gác lại tất cả cơ hội rộng mở ở thành phố.
Thể theo nguyện vọng, cô được phân công về nhận nhiệm vụ giảng dạy môn toán tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Danh Thị Tươi từ năm 2010. Đến tháng 1.2015, cô được lãnh đạo phân công làm Tổ trưởng Tổ quản lý học sinh nội trú.
“Khi trực tiếp quản lý các em trong nội trú, thì mình mới thấy hoàn cảnh các em khó khăn hơn mình ngày trước rất nhiều. Mới 11, 12 tuổi phải sống xa cha mẹ để được học tập. Thiếu tình thương của cha mẹ, các em luôn e dè thiếu mạnh dạn, rất ngại khi nói chuyện trước đám đông, thiếu tự tin trong giao tiếp, thiếu kỹ năng sống…”.
Với tư cách là người trực tiếp quản lý các em, cô Ly hiểu rõ vai trò của mình không chỉ dừng lại ở đó, mà hơn hết cô là một người mẹ thứ hai của các em. Cùng là người dân tộc Khmer, cô dễ dàng tìm được tiếng nói chung với những em dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, muốn từ bỏ việc học theo cha mẹ tha hương kiếm sống. Cô quan sát, chú ý tâm lý, và luôn ở bên cạnh động viên các em vượt qua nỗi khó khăn của mình để tiếp tục đến trường.
Gần 10 năm công tác tại trường, cô đã có được rất nhiều đóng góp to lớn cho công tác giảng dạy, sinh hoạt tại đây. Cô giáo dục cho các em được tính tự lập (tự giặt quần, áo, mùng, mền, tự sắp xếp được thời gian biểu vui - học, học - vui cho mình). Giúp xác định được mục đích của việc học và có ý thức tự học để đạt được mục đích của mình. Bên cạnh đó, cô Ly còn hướng dẫn cho các em kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, biết được quyền và nghĩa vụ của mình…
Cô Ly rất chú trọng đến khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng trong từng khẩu phần, cô chủ trương thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm lo cho sức khỏe, thể chất phát triển của từng học sinh.
|
Tình thương học sinh không bờ bến
Đến thăm các giáo viên đang dạy học cho đồng bào dân tộc Khmer, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing của Tập đoàn Thiên Long, đại diện ban tổ chức chương trình chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động và khâm phục các thầy cô giáo dân tộc Khmer. Tâm huyết với nghề đã níu chân các giáo viên quay trở lại quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn, can đảm gác lại sau lưng những cơ hội sau khi tốt nghiệp ĐH ở nơi thành phố lớn. Hằng ngày, với sứ mệnh “truyền ngọn lửa đam mê tiếng nói, chữ viết của dân tộc”, các thầy cô vẫn sớm hôm miệt mài bên trang giáo án, không quản vất vả, nhọc nhằn để tìm ra phương pháp giảng dạy mới, động viên các em vượt qua khó khăn để các em đến trường. Tất cả đều xuất phát từ một tình thương không bờ bến”.
|
Bình luận (0)