Thượng tướng thầy giáo - Kỳ 4: Giữ bộ đội giữa... 'biển tiền'

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
22/11/2019 08:33 GMT+7

Tư lệnh Quân khu 3 Nguyễn Thế Trị kể: “Hồi ấy họ định xóa sổ mấy trận địa pháo, khu vực phòng thủ. Tôi kịch liệt phản đối và Bộ Quốc phòng can thiệp kịp thời, mới giữ được”…

Năm 1994 - 1995, nhiều lãnh đạo TP.Hải Phòng phàn nàn: “Quân khu 3 làm chậm sự phát triển của địa phương”. Tìm gặp nguyên Tư lệnh Quân khu 3 Nguyễn Thế Trị hỏi chuyện, ông cười: “Hồi ấy họ định xóa sổ mấy trận địa pháo, khu vực phòng thủ của chúng tôi. Tôi kịch liệt phản đối và Bộ Quốc phòng can thiệp kịp thời mới giữ được”…

Trận địa pháo suýt bị “phân lô bán nền”

Năm 1992, Công ty xi măng Chinfon Hải Phòng (nay là Công ty xi măng Chinfon) được thành lập, với liên doanh giữa Công ty TNHH Chinfon-Vietnam-Holding, UBND TP.Hải Phòng và Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam. Năm 1994, UBND TP.Hải Phòng ra quyết định cấp diện tích đất rất lớn ở thị trấn Minh Đức (H.Thủy Nguyên) cho công ty này xây dựng nhà máy. Trong đó có khu vực phòng thủ khu vực tại Phà Rừng, trực tiếp là trận địa pháo làm nhiệm vụ khóa cửa sông Bạch Đằng nếu chiến sự xảy ra.
Thiếu tướng Nguyễn Thế Trị, lúc này mới được bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu 3, nghe báo cáo xong, chạy xe sang gặp lãnh đạo TP.Hải Phòng phản đối khiến lãnh đạo TP phải trần tình “lỡ xây dựng chỗ ấy rồi, xin được bỏ qua”. Một thời gian dài đấu tranh, ông Trị cương quyết: “Tôi lên Bộ Chính trị báo cáo”, lúc ấy TP.Hải Phòng mới chỉ đạo Công ty Xi măng Chinfon chuyển 10 tỉ đồng để công binh quân khu 3 xây lại trận địa phòng thủ.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Quân khu 3 năm 1994, tướng Nguyễn Thế Trị đi sau, bìa trái

Ảnh: Tư liệu

Thời điểm TP.Hải Phòng liên doanh liên kết phát triển khu kinh tế Đình Vũ, trận địa pháo phòng thủ từ ngoài biển vào cửa sông Cấm, sông Rút cũng bị yêu cầu… thu hồi. Thiếu tướng Nguyễn Thế Trị lại cương quyết phản đối. Do lúc này là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VII) quen biết với nhiều lãnh đạo Đảng - Nhà nước nên ông Trị mời Chủ tịch nước Lê Đức Anh về thăm Quân khu 3 và “tiện thể” dẫn ra Đình Vũ thực tế trận địa pháo bờ biển sắp bị “phân lô bán nền”. Ngay lập tức, TP.Hải Phòng phải thu hồi quyết định và trận địa pháo vẫn được duy trì đến ngày hôm nay, ngay cạnh bến phà Đình Vũ.
Cũng giai đoạn này, UBND huyện Cát Bà lấy đường cơ động của pháo binh thành đường cho khách du lịch đi tắt ra bãi tắm Cát Cò, Cát Cụt, ngang qua các hầm và trận địa pháo. Thiếu tướng Nguyễn Thế Trị đích thân ra làm việc với lãnh đạo huyện yêu cầu khắc phục, và trước sự nài nỉ “tạo điều kiện cho nhân dân phát triển du lịch”, ông đã cho công binh ra xẻ núi làm đường mới ra bãi tắm, thu lại đoạn đường qua trận địa pháo.
“Đây là những biểu hiện rất cụ thể của việc coi nhẹ công tác quân sự - quốc phòng trong thời buổi cơ chế thị trường”, thượng tướng Nguyễn Thế Trị nhấn mạnh vậy và diễn giải: “Chúng ta nói rất nhiều về sự phối kết hợp giữa lực lượng vũ trang và các tỉnh, thành phố. Nhưng khi tôi làm Tư lệnh và lần đầu tiên tổ chức diễn tập phòng thủ, mới thấy nhiều lãnh đạo địa phương không quan tâm đến quốc phòng, an ninh. Một số lo làm kinh tế bằng mọi giá, xem nhẹ bảo vệ Tổ quốc. Cuối những năm 2000, đã có nơi ở biên giới cho nước ngoài thuê đất, thuê rừng, xâm hại đến lợi ích an ninh quốc gia”.

“Ngói hóa” các đảo Đông Bắc

Tháng 12.1993, ngay sau khi được bổ nhiệm Tư lệnh quân khu 3, thiếu tướng Nguyễn Thế Trị đã đi tàu quân sự ra kiểm tra các đảo nằm trong tuyến đảo Đông Bắc, từ Bạch Long Vĩ cho đến Cô Tô, đảo Trần đối mặt với Trung Quốc.
“Nghiên cứu trên hải đồ, trên ảnh vệ tinh, tôi thực sự bị cuốn hút về dãy đảo nằm trong tuyến biển đảo Đông Bắc. Trong thế quốc phòng, các đảo như những chiến hạm không bao giờ đắm và nếu xây dựng thế trận kinh tế quốc phòng vững chãi, đây sẽ là tiền đồn canh giữ biển đảo, không để Tổ quốc bị bất ngờ”, thượng tướng Nguyễn Thế Trị nhớ lại vậy, và kể: Thời điểm ấy bộ đội đóng quân trên các đảo rất gian khổ. Chỗ ở nhếch nhác, kho tàng tạm bợ. Gió biển mặn cùng hơi nước khiến súng ống đạn dược bị ăn mòn, ảnh hưởng rất lớn đến độ chính xác của vũ khí - khí tài quang học.
“Đến mấy cái mái gianh lợp nhà, bộ đội cũng không được mua vật liệu làm mà phải chuyển từ trong bờ ra”, ông Trị lắc đầu cười.

Tướng Nguyễn Thế Trị (phải) và cán bộ, chiến sĩ Quân khu 3 đón Đại tướng Đoàn Khuê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thăm năm 1995

Ảnh: Tư liệu

Thời làm Tư lệnh Quân khu 3, tướng Phạm Văn Trà (sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đã thực hiện “ngói hóa” được đảo Ngọc Vừng. Đến thời ông Trị, khi đi kiểm tra tuyến đảo rất băn khoăn: “5 năm làm Tư lệnh, anh Trà mới lợp ngói doanh trại cho 1 đảo. Cứ tốc độ này, phải 20 năm mới ngói hóa hết tuyến đảo của quân khu”; và khi về, ông nghiên cứu rất kỹ chủ trương phát triển kinh tế của nhà nước, trong đó đặc biệt là Chương trình Biển Đông. Vừa làm công văn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ KH-ĐT xin chi viện ngân sách để quân khu xây dựng tuyến đảo Đông Bắc, ông vừa trực tiếp lên Hà Nội mời lãnh đạo Vụ Quốc phòng an ninh của Bộ KH-ĐT ra thăm thực tế tuyến đảo Đông Bắc.
Tận mắt thấy thế chiến lược biển đảo, thực trạng tiềm lực kinh tế quốc phòng trên khu vực, lãnh đạo Quốc phòng an ninh đã đưa vấn đề xây dựng cơ sở quân sự tuyến đảo Đông Bắc vào kế hoạch Nhà nước và Quân khu 3 được đầu tư 20 tỉ đồng.
“Tôi mở chiến dịch tập trung lực lượng vận tải và bộ đội sư đoàn 319, đoàn 242 làm việc ngày đêm trong suốt 3 năm. Chuyển từng bao xi măng, viên gạch, phuy nước ngọt từ đất liền ra đảo để xây dựng doanh trại, hầm hào công sự phòng thủ”, thượng tướng Nguyễn Thế Trị cười sung sướng, và bật mí: “Giữa năm 2019, tôi ra thăm các đảo, thấy bộ đội ăn ở khang trang, vui lắm. Có ăn ở đàng hoàng mới yên tâm phục vụ quân đội”.
Một trong những dấu ấn rất đậm của thượng tướng Nguyễn Thế Trị khi làm Tư lệnh Quân khu 3 là điều chỉnh các đơn vị cho phù hợp với phương án tác chiến phòng thủ thời kỳ mới.
Hồi ấy, Bộ Quốc phòng định điều chuyển 1 trung đoàn ở Quảng Ninh sang vị trí mới. Đây là đơn vị bố trí phía trước, là chỗ dựa và hậu thuẫn cho địa phương khi có chuyện khởi sự, hiệu quả rất nhiều so với việc cơ động bộ đội bằng cơ giới. Nhân Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thới Bưng về thăm Quân khu, ông Trị đưa ra tận nơi trình bày và được đồng ý.
“Đến giờ thế trận chiến dịch ấy vẫn rất đắc địa, nhất là khi TP.Móng Cái thành khu kinh tế mở. Từ địa điểm này, chúng tôi triển khai cơ động rất thuận lợi, khi có tình huống”, ông Trị nhớ lại vậy, và hào hứng: “Từ kinh nghiệm này, tôi đã báo cáo cấp trên cho điều chỉnh pháo cao xạ về gần TP.Hải Dương, trung đoàn thông tin cách 20 km về gần sở chỉ huy, tiểu đoàn hóa học xa gần 100 km về gần quân khu bộ”.

Tướng Nguyễn Thế Trị (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ảnh: Tư liệu

“Xe máy ông Trị”

Nhiều sĩ quan cấp tá ở Quân khu 3 bây giờ vẫn sử dụng xe máy Dream đời cũ. Khi hỏi, ai cũng cười “xe ông Trị”. Chả là hồi ấy ngồi trên xe hơi đi công tác, Tư lệnh Nguyễn Thế Trị thường thấy những sĩ quan cấp dưới của mình đội mũ kê pi, mặc quân phục mới nhưng ai cũng gò lưng đạp xe, mồ hôi nhễ nhại, mũ áo xộc xệch nhìn mất cả tác phong. Đặc biệt, chiều thứ sáu cuối tuần, các sĩ quan ở Bộ chỉ huy quân khu đóng quân phục, ngày mưa cũng như giông gió, hì hục đạp xe về thăm nhà ở tận ngoài Quảng Ninh hoặc xa tít Thái Bình, Nam Định.
“Đất nước thống nhất hơn 20 năm mà bộ đội vẫn vất vả. Tôi bàn với Bộ tư lệnh, xuất quỹ cho mỗi sĩ quan quân khu bộ vay 10 triệu đồng, không lấy lãi, sẽ trả dần để anh em có vốn ban đầu mua xe máy. Tôi không còn nhớ rõ tổng số chi bao nhiêu, nhưng vào những năm đó 10 triệu đồng rất có giá trị. Hầu hết sĩ quan đã mua được xe máy để cải thiện sinh hoạt, bớt dần cảnh nhếch nhác đạp xe ngược gió, về thăm vợ con ở xa, yên tâm công tác. Mới đây về thăm lại đơn vị, anh em tài chính báo cáo: Có sĩ quan cho đến nay vẫn chưa trả hết số tiền mua xe máy”, thượng tướng Nguyễn Thế Trị kể, và thật lòng: “Tôi không buồn mà thấy vui. Ít nhất mình đã giúp anh em 1 cơ hội cải thiện cuộc sống. Lo gì, khi về hưu anh em sẽ có tiền hưu để trả quân khu cơ mà”.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.