Trở thành nhà bình duyệt xuất sắc từ khi là nghiên cứu sinh
Sau khi tốt nghiệp ĐH chuyên ngành quản lý đất đai (năm 2013) tại Trường ĐH Cần Thơ, Trần Nguyễn Hải (quê Sóc Trăng) tiếp tục theo học bậc thạc sĩ chuyên ngành khoa học đất. Năm 2010, Trần Nguyễn Hải tốt nghiệp và về công tác tại Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Sóc Trăng đến năm 2018.
Trần Nguyễn Hải nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật môi trường tại Trường ĐH Trung Nguyên (Chung Yuan Christian University), Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 6.2017 theo chương trình học bổng toàn phần dành cho sinh viên quốc tế xuất sắc (DIGS) do Trường ĐH Trung Nguyên cấp. Sau 4 năm nỗ lực học tập, anh nhận được giấy chứng nhận dành tặng sinh viên xuất sắc do Hiệp hội Các học giả danh dự Phi Tau Phi, Đài Loan khen tặng và được ghi nhận như thành viên danh dự của hiệp hội từ ngày 1.6.2017.
Hiện tại, tiến sĩ Hải công tác ở Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng tại TP.HCM (Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng). Đến thời điểm này, anh đã công bố thành công 46 bài báo khoa học quốc tế có uy tín (34/46 là tác giả chính) và 2 chương sách trên hai NXB lớn là Springer và CRC Press từ năm 2016 đến nay, về lĩnh vực xử lý các chất ô nhiễm trong môi trường nước bằng các công nghệ khác nhau, đặc biệt về công nghệ hấp phụ. Trong tổng số 48 công trình khoa học, có 28 bài báo được xếp hạng Q1 (hạng cao nhất theo Web of Sience). Chỉ số trích dẫn của các công trình đã đăng của tiến sĩ Hải là trên 1.000 lần (theo dữ liệu scholar.google) và gần 900 (theo dữ liệu Scopus).
Đặc biệt, anh có 3 công trình lọt vào tốp các bài báo được trích dẫn nhiều nhất, trong đó có một nghiên cứu được Ban Biên tập tạp chí Journal of Environmental Chemical Engineering công nhận là một trong 8 công trình tiêu biểu về lĩnh vực xử lý nước bằng công nghệ hấp phụ, và một công trình được giải thưởng ngôi sao đang lên (Rising Star Award) do tạp chí Waste Management & Research bình chọn.
Tiến sĩ Hải hiện là thành viên ban biên tập của 12 tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và Scopous như Science of the Total Environment; Current Pollution Reports; Environment, Development and Sustainability; Water Science and Technology, Green Processing and Synthesis...
Trước đó, anh từng tham gia với vai trò là nhà bình duyệt cho rất nhiều tạp chí quốc tế về chuyên ngành môi trường (43 tạp chí trên 14 nhà xuất bản lớn). Nhà xuất bản Elsevier từng vinh danh tiến sĩ Hải là “Người có đóng góp xuất sắc trong bình duyệt khoa học” cho 5 tạp chí từ khi còn là nghiên cứu sinh. Chứng nhận này được trao cho nhà bình duyệt thuộc tốp 10% các nhà bình duyệt cho tạp chí.
Nhiều công trình ứng dụng vào xử lý nước nhiễm bẩn
Tiến sĩ Trần Nguyễn Hải là thành viên chủ chốt của các dự án “Nghiên cứu và ứng dụng hệ thống xử lý asen phân cấp mới cho nguồn nước uống vùng nông thôn Việt Nam” do Chính phủ Úc và Công ty Google tài trợ. Công trình này đã được công bố trên tạp chí ISI rất có uy tín trong lĩnh vực môi trường (Science of The Total Environment).
Tiến sĩ Hải cho biết: "Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, ở VN có 17 triệu người sử dụng nước ngầm bị nhiễm asen, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và nguy cơ mắc bệnh ung thư là rất cao. Cả nước có hơn 4 triệu giếng khoan, trong đó nhiều giếng có nồng độ asen cao hơn 20 - 50 lần giới hạn cho phép là 0,01 mg/L. Dự án đã nghiên cứu thành công công nghệ xử lý độc chất asen trong nước ngầm quy mô phân tán, phù hợp với hộ gia đình và các công trình công cộng địa phương".
Tiến sĩ Trần Nguyễn Hải cũng là thành viên chủ chốt của 2 dự án cấp nhà nước dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2020 và được triển khai vào ứng dụng thực tiễn, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm kim loại nặng ở các làng nghề tái chế kim loại và vấn đề khan hiếm nguồn nước ngọt tại các khu dân cư trên đảo và ven biển.
Không chỉ nghiên cứu, tiến sĩ Hải còn rất quan tâm tới những nhà khoa học trẻ nhiệt huyết đang muốn khẳng định tài năng. Anh từng tổ chức thành công hội thảo "Chiến lược và kỹ năng công bố công trình khoa học trên tạp chí thuộc danh mục ISI" với vai trò diễn giả chính ở các trường ĐH.
Tiến sĩ Hải nhìn nhận: "Điều kiện nghiên cứu khoa học ở VN hiện nay đã tốt hơn rất nhiều. Ngay cả các em sinh viên nếu có đam mê nghiên cứu vẫn hoàn toàn có thể có bài báo quốc tế thuộc danh mục Web of Sience. Tôi rất mong những nỗ lực của mình sẽ giúp được nhiều bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học có thêm tâm huyết và kỹ năng để khẳng định bản thân trong môi trường nghiên cứu quốc tế", tiến sĩ Hải nói.
Bình luận (0)