Vụ án VN Pharma hay những kẻ bất nhân!

02/10/2019 13:06 GMT+7

Theo dõi thông tin về vụ việc nhập thuốc ung thư giả của VN Pharma và kết quả của phiên tòa sơ thẩm kết thúc ngày 1.10 về những lổ hổng trong quy trình nhập khẩu thuốc chữa bệnh, không khỏi thốt lên một câu như vậy!

Đọc hết các bài báo  về vụ VN Pharma và phân tích của hội đồng xét xử, trong tôi trào lên một cảm xúc xót xa tột cùng cho những người, những gia đình có người thân bị vướng vào căn bệnh nan y. Có điều gì đó quá bất nhẫn trong một xã hội mà người ta đang tâm đánh mất hết cả lương tri, bất chấp sự phán xử của tòa án lương tâm, chẳng đoái hoài nghĩ suy về một kết cục quá đau đớn cho những người bệnh, khi phải dùng thứ thuốc giả mà các bị cáo này vì lợi nhuận, vì đồng tiền đã không màng gì đến số phận của người khác như vậy?

“Trùm” buôn bán thuốc ung thư giả ở VN Pharma nói gì trong lời sau cùng?

Câu hỏi ấy cứ day dứt mãi khi nghĩ về con số khá lạnh lùng được lặp đi lặp lại của ngành y tế trong mỗi hội nghị khi đề cập về căn bệnh ung thư. Hàng trăm ngàn người đang đớn đau, khắc khoải chống chọi với bệnh tật trong các bệnh viện ngày này sang tháng khác. Nếu những người bệnh biết những thông tin như vậy về sự câu kết của một số cán bộ ngành y tế với các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc kiểu như VN Pharma, thì niềm tin của họ còn lại bao nhiêu?
Nhưng, với những gì xảy ra trong một vụ án như VN Pharma, biết đâu còn có nhiều loại thuốc giả, nhiều kẻ bất nhân đã bắt tay nhau nhập các loại thuốc kém chất lượng, thuốc giả khác về nước để cung ứng cho người bệnh, bởi do những lổ hổng quá lớn trong quy trình, phương thức và hành xử vô đạo của một bộ phận cán bộ ngành y tế, thì những người bệnh còn tin vào điều gì?
Tôi còn nhớ cách đây 20 năm, trong một buổi trò chuyện với một vị giáo sư lớn tuổi, là một chuyên gia y tế ở Sài Gòn trước năm 1975, được một hãng dược phẩm hàng đầu của Mỹ mời làm đại diện tại VN. Ông nói: “Cứ hình dung thế này: Nhập khẩu một viên thuốc vào VN chỉ lời 10 đồng. Mỗi chuyến nhập khẩu thuốc, đơn vị nhà nước độc quyền lĩnh vực này (ông đề cập luôn cả tên công ty nhà nước bao trùm lĩnh vực này ở phía nam) nhập về vài ba container, với hàng tỷ viên thuốc, thì lợi nhuận sẽ bao nhiêu? Vì vậy, xin quota để nhập khẩu thuốc là không hề dễ, phải “trầy vi tróc vảy” mới nhận được một cái giấy phép, mà chỉ được nhập nhỏ giọt”. Đó là câu chuyện vào năm 1999 và tôi biết rằng kinh doanh dược phẩm là một lĩnh vực vô cùng béo bở.
Tôi cũng còn nhớ, GS-TS Đỗ Tất Lợi, một danh y về lĩnh vực dược học cổ truyền, trong nhiều lần gặp và trò chuyện, đã từng kể về nỗi đau xót của ông, khi ông nghiên cứu chế biến ra loại thuốc Neriolin-loại thuốc chữa bệnh tim mạch (chiết xuất từ lá trúc đào) đã từng được thực nghiệm lâm sàng và đưa vào sử dụng trong 30 năm (1955 -1985). Hiệu quả của loại thuốc này được đánh giá rất tốt, đặc biệt là giảm rất nhiều chi phí cho người bệnh, khi không phải uống thuốc ngoại có hiệu quả tương đương đối với người bị bệnh tim mạch. Nhưng rồi, sau đó lại không được sản xuất nữa, để cho thuốc nhập “ngự trị”.
Năm 2001, dưới sự chủ trì của GS-TS Đỗ Tất Lợi, một lô thuốc 40 ngàn viên Neriolin được Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Hội dược liệu TP.HCM “tái sản xuất” theo kiểu thử nghiệm trở lại, nhưng rồi cũng bị một thị trường dược phẩm nhập ngoại ồ ạt đánh bật!
Nhập khẩu thuốc ngoại thật, lợi nhuận đã là thế. Nhưng vì đồng tiền, mà những kẻ nhập cả thuốc giả để giết đồng bào mình, thì thật không tội ác nào lớn hơn.

Tuyên án đối với các bị cáo trong vụ thuốc ung thư giả ở công ty VN Pharma

Còn với những kẻ tiếp tay, câu kết hưởng lợi từ những thương vụ bẩn như vụ nhập thuốc ung thư giả của VN Pharma vừa qua thì còn đáng lên án gấp trăm lần. Vì sức khỏe đồng loại, những lổ hổng trong quy trình nhập khẩu thuốc nhất định phải được bít lại. Rõ ràng, minh bạch và tâm huyết trong việc nhập khẩu thuốc chữa bệnh cho người dân không chỉ là lời nói suông, mà đó chính là thước đo cao nhất của đạo đức ngành y!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.