Tổng thống Mỹ ủng hộ chia sẻ quyền sản xuất vắc xin Covid-19, cổ phiếu dược giảm giá

06/05/2021 14:59 GMT+7

Trước áp lực từ phe dân chủ và 100 quốc gia trên thế giới , Tổng thống Joe Biden hôm 5.5 quyết định ủng hộ đề xuất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vắc xin Covid-19.

Đây là thay đổi lớn có thể tăng cường nguồn cung vắc xin toàn cầu, nhưng làm mất lòng ngành công nghiệp dược phẩm ở Mỹ. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh “khoảnh khắc lịch sử trong cuộc chiến chống Covid-19 và ví dụ mạnh mẽ về sự lãnh đạo của Mỹ trong thách thức giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu”.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất vắc xin như Pfizer, Moderna, BioNtech và Novavax sụt giá vì tin tức trên.

Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo ngày 5.5 khi ông tuyên bố sẽ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vắc xin ngừa Covid-19.

Reuters

Mỹ và nhiều quốc gia khác trước đây đã từ chối các cuộc đàm phán tại WTO về đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin Covid-19 do Ấn Độ và Nam Phi dẫn đầu. Đề xuất này nhằm giúp các quốc gia đang phát triển tự sản xuất vắc xin nhờ sử dụng tài sản trí tuệ của các công ty dược phẩm.
Tuy nhiên, ông Biden đã phải đối mặt với các lời kêu gọi thay đổi khi khủng hoảng do Covid-19 gây ra ngày càng nặng nề hơn ở những điểm nóng cụ thể, đặc biệt là Ấn Độ.

Một người dân Ấn Độ được tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Reuters

Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, trưởng đoàn đàm phán thương mại của ông Biden, cho biết biện pháp được đề xuất sẽ tạm thời từ bỏ một số quyền sáng chế để giúp các quốc gia khác ứng phó với đại dịch Covid-19. 
Bà Tai cho biết: “Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19 đòi hỏi thực hiện biện pháp đặc biệt. Chính phủ Mỹ mạnh mẽ tin tưởng vào việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng để kết thúc đại dịch này, thì chúng tôi cũng ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vắc xin ngừa Covid-19”.
Vì quyết định của WTO cần có sự đồng thuận của mọi thành viên, bà Tai lưu ý rằng việc đàm phán sẽ mất thời gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.