Theo đó, UBND TP giao Sở QH-KT khẩn trương lấy ý kiến các đơn vị, chuyên gia và người dân theo quy định, hoàn tất hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, tham mưu UBND TP trình Bộ Xây dựng thẩm định trong quý 1 để trình Thủ tướng phê duyệt.
Phát triển 4 khu đô thị
Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 đang được xây dựng, Sở QH-KT TP đã nêu định hướng phát triển cho các khu vực đô thị, trong đó đề ra giải pháp cho khu đô thị (KĐT) hiện hữu và khu vực phát triển mới. Cụ thể, đô thị TP.HCM sẽ được phát triển theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; định hướng giao thông công cộng (TOD), phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp nhiều chức năng khác nhau xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn; hình thành các hạt nhân của trung tâm chính và trung tâm phụ: trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục đào tạo...
Trong giải pháp cho khu vực phát triển mới, đơn vị xây dựng đề án đề xuất các phân khu chức năng và cơ cấu tổ chức không gian TP để phát triển trong tương lai. Trong đó, trọng tâm là TP.Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao, KĐT cảng Hiệp Phước, KĐT Tây Bắc, KĐT Bình Quới - Thanh Đa, KĐT du lịch biển Cần Giờ. Trên thực tế, các KĐT này (ngoại trừ KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ vừa được phê duyệt 1/500) đã được TP xác định phát triển và đưa vào quy hoạch trong nhiều năm qua nhưng đến nay vì nhiều lý do vẫn chưa thể triển khai đúng theo kế hoạch.
Đơn cử như KĐT Tây Bắc nằm trong quy hoạch từ năm 2010 về định hướng phát triển TP.HCM. Đến nay, KĐT Tây Bắc (quy hoạch 6.000 ha) đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 3.347 ha của giai đoạn 1. Hiện dự án cũng đã được phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh phân khu tỷ lệ 1/5.000 nhằm tính toán lại quy mô và hiệu quả kêu gọi đầu tư. KĐT Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) quy hoạch thành khu văn hóa, thể thao, du lịch, nghỉ ngơi, giải trí có từ năm 1992. Qua nhiều lần thay đổi quy hoạch, dự án vẫn nằm trên giấy. Tương tự, KĐT Hiệp Phước có quy hoạch 1.354 ha nằm trong tổng thể KĐT cảng Hiệp Phước (3.900 ha). Đây là KĐT mới đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TP ra biển. Tương lai, KĐT Hiệp Phước được kỳ vọng sẽ lột xác từ vùng đất thấp trũng thành đặc khu kinh tế, đô thị biển có chất lượng sống cao.
Cần Giờ phát triển dịch vụ du lịch
Ngoài ra, UBND TP cũng vừa ban hành các quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ (H.Cần Giờ) - phân khu A, B, C, D, E. Tính chất quy hoạch của KĐT biển này bao gồm khu vui chơi, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, chung cư, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu hỗn hợp và an ninh quốc phòng được bố trí đồng bộ và đầy đủ hạ tầng. Riêng KĐT du lịch biển Cần Giờ tăng khoảng 230.000 dân.
Với tham vọng xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính của châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2060, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, quy hoạch này không mới, TP.HCM định hướng lâu rồi, trung tâm tài chính Thủ Thiêm nghe nói từ hơn chục năm trước, nhưng từ năm 2013 đến nay, việc triển khai rất chậm, chưa thấy cao ốc tài chính nào đáng chú ý. KTS Nam Sơn dẫn chứng, Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc) mất 15 năm để từ một vùng đất trống thành trung tâm tài chính lớn quốc tế. TP.HCM muốn biến quy hoạch phát triển thành trung tâm tài chính lớn châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2060 thành hiện thực, trong 10 - 15 năm nữa, phải hoàn thành việc xây dựng trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm với cỡ chục cao ốc lớn đủ để quy tụ các ngân hàng, quỹ đầu tư, văn phòng, dịch vụ đi kèm… “Phải rút ngắn thời gian xây dựng lại, nếu làm được, sẽ bước đầu khẳng định quy hoạch của TP khả thi. Muốn vậy, chúng ta cần nguồn vốn lớn hàng chục tỉ USD để xây giấc mơ trung tâm tài chính của châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa mới thu hút được vốn ngoại vào xây “giấc mơ” cho mình”, ông Sơn nhận định
|
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, trong nghiên cứu của thế giới, khu vực ĐBSCL và các vùng ven biển có nguy cơ cao hàng đầu thế giới về biến đổi khí hậu do dân cư sống ven biển đông. Vùng ven biển như Cần Giờ vẫn làm kinh tế được, tập trung nông nghiệp công nghệ cao. Còn lại, chỉ làm dịch vụ du lịch và hướng cho cư dân sinh sống tại chỗ làm du lịch, phải định hướng rõ ràng và có chiến lược đào tạo bài bản để mỗi người dân ở đó ý thức ngay từ đầu mình sống phục vụ dịch vụ du lịch là chính, không loanh quanh các ngành kinh tế - xã hội khác. Như vậy, dân cư tại đó có thể tăng lên tối đa 100.000 dân, không thể lên 230.000 dân như quy hoạch.
Giải thích lý do, ông Sơn nói: “Ở đây có 2 vấn đề nhạy cảm. Đó là Cần Giờ là vùng đất quá thấp, lấn biển để làm kinh tế nên nguy cơ biến đổi khí hậu rất cao. Thứ hai, trục giao thông kết nối Cần Giờ và TP.HCM phải chạy qua rừng Sác. Nếu tăng dân số lên gấp 3 lần so hiện tại, chắc chắn trong quá trình phát triển du lịch, sẽ hình thành đô thị dọc đường, gây ô nhiễm môi trường, tác động đến khu vực rừng sinh quyển như lá phổi của TP.HCM mà chúng ta hết sức cần “nâng niu bảo vệ”. Như vậy, phát triển Cần Giờ sau này thế nào nữa, hãy để thế hệ tương lai làm tiếp, quy hoạch lúc này với Cần Giờ là không nên tăng tốc phát triển dân số, tập trung xây dựng khu đô thị du lịch, dịch vụ du lịch”.
Như vậy, về mặt tăng dân số, TP.HCM nên ưu tiên tập trung phát triển vùng cao phía đông và tây bắc như Củ Chi, Hóc Môn, TP.Thủ Đức... Muốn tránh bị ngập vì biến đổi khí hậu, nên phát triển về vùng đất cao. Tuy nhiên, lâu nay, các vùng cao như Củ Chi, Hóc Môn... chưa phát triển đúng tầm của nó.
|
Cần 10 tỉ USD để Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính quốc tế
Chuyên gia tài chính Nguyễn Nam Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tanzanite International, lại tỏ ra lạc quan với nguồn vốn ngoại đổ vào TP.HCM trong tương lai gần. Ông nói, TP.HCM sẽ “rực rỡ” trong 10 năm nữa thôi. Vừa qua, TP có đặt mục tiêu tăng cả tỉ USD trong thu hút đầu tư nước ngoài vào TP trong năm nay, theo ông hiểu thì đó là vốn vào sản xuất. Thực tế, nguồn vốn vào dịch vụ tài chính, bất động sản lớn hơn con số đó rất nhiều. Chắc chắn trong vòng 10 năm nữa thôi, TP sẽ có sự phát triển vượt trội, có thể tốc độ phát triển tăng gấp mấy lần hiện tại. Đa số dự án bất động sản lớn tại khu vực Thủ Thiêm - nơi được quy hoạch là trung tâm tài chính quốc tế đều có chủ hết rồi. Vấn đề là một mặt phía chính quyền TP bắt buộc phải xây, nếu không xây thì thu hồi dự án. Mặt khác, phải cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa.
“Thủ Thiêm hiện chỉ cần 50 cao ốc mọc lên trong vòng 10 năm tới, ngay lập tức, biến vùng đất này thành trung tâm tài chính lớn của châu lục. Nhiều người nói chúng ta cần hàng chục đến hàng trăm tỉ USD, tôi nghĩ không nhiều vậy đâu. Khoảng 10 tỉ USD xây 50 cao ốc, ngay lập tức, khu vực này sẽ là “cái rốn” tài chính thu hút đầu tư vào Việt Nam rất nhanh. Điều này trong tầm tay nếu chúng ta đẩy mạnh cải cách hành chính, các thủ tục chồng chéo rườm rà”, ông Nguyễn Nam Sơn nói và khẳng định, có nhiều nhà đầu tư muốn vào Việt Nam, đặc biệt vào TP.HCM trong giai đoạn này. Lý do là sau làn sóng rời Trung Quốc, sau đại dịch Covid-19, có một thực tế không thể phủ nhận là “thương hiệu” của Việt Nam đang lên trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
“Trước đây, tôi từng nói Việt Nam đi sau Trung Quốc hơn 20 năm, hiện tại chỉ sau 15 năm thôi và khoảng cách đó đang được rút ngắn dần. Giá nhà đất tại TP.HCM tăng nhanh do cơ chế, các thủ tục nhiều khiến các dự án phát triển không đồng loạt được, đẩy giá thành nhà lên cao nhanh. Nếu quản lý được phát triển bất động sản tốt, chỉ 10 năm nữa, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, sẽ có bước phát triển vượt trội”, ông Nguyễn Nam Sơn nói.
Bình luận (0)