Xe buýt giảm 6,6% mỗi năm
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết trong 8 tháng đầu năm, khối lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt 131 triệu lượt, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2018, và chỉ đạt 51% kế hoạch năm 2019. Điều này nằm trong xu hướng chung của vận tải xe buýt trong các năm qua. Hành khách đi xe buýt bình quân giảm 6,6% mỗi năm trong giai đoạn 2014 - 2018.
Lý giải việc hành khách đi xe buýt giảm, ông Lâm cho biết nguyên nhân chính do tình trạng kẹt xe. Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 330.00 chuyến chậm trên 15 phút do ảnh hưởng của các điểm ùn tắc giao thông. Đáng chú ý, sự phát triển của xe ôm và xe hợp đồng dưới 9 chỗ theo đề án thí điểm sử dụng công nghệ cũng cạnh tranh trực tiếp với xe buýt.
Đừng dồn áp lực lên tài xế
|
|
Thay đổi cách trợ giá xe buýt
|
|
UBND TP.HCM và Sở GTVT giải trình gì?Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết sắp tới sẽ rà soát, sắp xếp lại các tuyến xe buýt hiện hữu và phát triển mạng lưới tuyến phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.
Về làn đường ưu tiên cho xe buýt, ông Trần Quang Lâm thông tin khi áp dụng sẽ giúp vận tốc tăng lên khoảng 20 km/h so với hơn 8 km/h như hiện nay.
Đồng thời, các đơn vị vận tải phải nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của tài xế và tiếp viên, cải thiện chất lượng phương tiện thân thiện với môi trường.
Đối với việc trợ giá xe buýt, Sở GTVT sẽ bố trí theo phương pháp khuyến khích đơn vị vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút hành khách sử dụng xe buýt.
Về lâu dài, ông Trần Quang Lâm cho rằng cần tập trung phát triển, mở rộng các tuyến xe buýt đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đô thị vệ tinh và đầu mối giao thông và kết nối với các loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn khác.
Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng và dành quỹ đất hợp lý cho xe buýt là điều cần thiết để thu hút hành khách.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan dùng hình ảnh những mạch máu trong cơ thể để so sánh với mạng lưới xe buýt trong việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố. "Nếu xe buýt không được đầu tư đúng mức sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thành phố", ông Hoan nói.
Theo ông Võ Văn Hoan, TP.HCM phát triển nhanh, nên từ 2010 lãnh đạo thành phố xác định phát triển xe buýt và phương tiện vận tải khối lượng lớn là nhiệm vụ rất quan trọng. Thành phố xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện: quy hoạch phát triển hành khách công cộng, một số chương trình đột phá như giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, trong đó có xe buýt.
Ngoài ra, thành phố đã hoàn thành quy hoạch vận tải công cộng khối lượng lớn, các tuyến metro và vận hành tuyến số 1 vào năm 2021.
“Hệ thống sức chở lớn ngày càng rõ nét nhưng xe buýt vẫn giữ vai trò rất quan trọng, có tính chủ đạo, là phương tiện chiến lược để phát triển các hệ thống giao thông. Xe buýt đưa người dân từ các đầu mối có sức chở lớn đến các ngõ ngách, các khu vực đô thị”, ông Hoan phân tích
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nội tại của xe buýt vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng cũng cần đặt cạnh những điều kiện khác bên ngoài, như sự cạnh tranh của taxi, xe công nghệ, quy hoạch phát triển hạ tầng, giao thông tĩnh, những chính sách bổ trợ cho xe buýt...
“Đây là thời điểm xe buýt tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực đến hoạt động xe buýt trong tương lai nếu không có những giải pháp chấn chỉnh, tạo điều kiện mạnh mẽ hơn để xe buýt phát triển”, ông Hoan nhận định.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết thành phố sẽ tiếp tục rà soát lại chính sách trợ giá, xã hội hóa đầu tư, đổi mới phương tiện. Thành phố sẽ phê duyệt sử dụng đất, ưu tiên đất dành cho hành khách công cộng, phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng. Các địa phương có trách nhiệm xử lý các hành vi lấn chiếm trạm dừng, nhà chờ xe buýt.
Ngoài ra, thành phố thực hiện giải pháp kiểm soát xe cá nhân lưu thông trên thành phố, chuyển dần các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông vào ban đêm để hạn chế ách tắc giao thông...
|
Bình luận (0)