Hoa hậu Diễm Hương: Tôi từng muốn tự tử vì thị phi

24/10/2019 08:36 GMT+7

Sau thời vắng bóng, Hoa hậu Diễm Hương tái xuất với diện mạo trẻ trung, rạng rỡ. Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 chia sẻ về áp lực của dư luận, điều từng khiến cô rơi vào trầm cảm và có ý định tự tử.

Trong buổi tọa đàm Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội do báo Thanh Niên tổ chức, Hoa hậu Diễm Hương đã xuất hiện bên cạnh các chuyên gia, diễn giả như TS Lê Thẩm Dương, đạo diễn Lê Hoàng… để chia sẻ những câu chuyện cá nhân khi suốt 10 năm qua là nạn nhân của việc vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội. Cô cũng dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện riêng.
* Xin được hỏi Diễm Hương, trong suốt gần 10 năm bước chân vào làng giải trí, scandal nào khiến bạn hoang mang nhất?
- Hoa hậu Diễm Hương: Biến cố nào cũng làm tôi hoang mang. Sau mỗi lần vượt qua nó tôi thấy mình trưởng thành, khôn ngoan, kinh nghiệm để sửa chữa. Có thể kể ra biến cố mọi người lưu tâm nhất là scandal vừa mới đăng quang (lộ bảng điểm kém và nói nối trình độ học vấn - PV), năm 2014 là ly hôn với chồng đại gia, khi vừa mới sinh con và gần đây nhất là có sự hàn gắn với gia đình. Cả cuộc đời Diễm Hương tới năm nay đều toàn thị phi. Mình phải học cách chấp nhận, sống chung để đỡ áp lực.
* Theo Diễm Hương, cộng đồng mạng đã thay đổi như thế nào kể từ khi đăng quang đến thời điểm hiện tại?
- Thời điểm Hương đăng quang là năm 2010, đến 2019, mạng xã hội, đặc biệt là Facebook từ một người tí hon đã trở thành một gã siêu khổng lồ. Hương thật sự ngạc nhiên với sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội và các kênh YouTube. Nó không chỉ là nơi người ta chia sẻ, kết nối mà còn là một công cụ kiếm tiền đắc lực cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội. Chỉ cần ai có năng lực kiếm tiền và sự siêng năng tìm tòi thì họ đều có thể kiếm tiền rất nhiều. Chính vì khả năng của mạng xã hội rất lớn và vô biên cho nên con người làm đủ mọi cách để làm sao cho trang của mình có nhiều lượt xem. Họ biến nó trở thành nơi để bình luận, nói xấu với mục đích để trang có đông lượt người theo dõi, từ đó, nó trở thành một nơi để quảng cáo. Hương chỉ cảm thấy ngạc nhiên và buộc bản thân phải học hỏi nhiều hơn để thích nghi với sự thay đổi đó.

"May mắn là Hương đã có đủ "kháng sinh" với các lời vu khống trên mạng xã hội. Bên cạnh đó điều luật cũng rõ ràng hơn trước kia nên Hương không còn chới với trước sóng gió từ dân mạng", Diễm Hương bày tỏ

Ảnh: Chụp màn hình

* Một ngày Diễm Hương thường dành bao nhiêu thời gian cho mạng xã hội?
- Hương cảm thấy xấu hổ khi bản thân dùng mạng xã hội rất nhiều nhưng Hương vẫn bị thua các bạn trẻ về mặt công nghệ. Hương phải tham gia những diễn đàn học cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả để mang lại nguồn kinh tế cũng như năng lượng tích cực cho bản thân. Hương đang dần cố gắng làm sao chuyển đến cho tất cả những người yêu mến Hương nói riêng và mọi người nói chung theo dõi trang cá nhân của Hương một nguồn năng lượng tích cực. Thông qua đó, hình ảnh của Hương sẽ “tròn trịa” hơn trong mắt người hâm mộ.
* Diễm Hương có cảm thấy sợ hãi khi đọc những bình luận tiêu cực về bản thân trên mạng xã hội?
- Giờ Hương còn cần các bạn lên Facebook Hương comment để lượng tương tác nó tăng nè (cười). Ngày xưa thì đúng là Hương rất sợ. Thời đỉnh điểm là năm 2014, chỉ cần 1 giờ Hương có thể cả triệu comment, share, không thua kém bất kỳ hot facebooker nào. Nhiều quá khiến mình sợ hãi. Giờ thì đỡ rồi nên mình có nhiều thời gian xử lý và hoàn toàn bình tĩnh trước mọi bình luận tiêu cực, ác ý.
* Có phải áp lực từ cộng đồng mạng khiến Diễm Hương sợ hãi và không còn đăng tải hình ảnh gia đình lên mạng xã hội như trước?
- Thật sự không liên quan đến việc Hương sợ hay không sợ mạng xã hội. Hương nghĩ rằng bản thân là một người nổi tiếng, chỉ một mình Hương được đội vương miện còn lại các thành viên trong gia đình không cần ánh hào quang. Một điều mọi người phải thừa nhận rằng trở thành người nổi tiếng được rất nhiều nhưng mất cũng không ít cho nên không phải ai cũng chấp nhận sự quan tâm hay soi mói của mọi người. Chỉ có những người thụ hưởng lợi nhuận, có quyền lợi mới phải chịu trách nhiệm với điều đó. Trong trường hợp này thì chỉ Hương là người nổi tiếng cho nên Hương không muốn biến người thân thành những người phải chịu áp lực, soi mói.
* Mới đây, một nghệ sĩ Hàn Quốc rơi vào trầm cảm và phải tìm đến cái chết bởi những bình luận ác ý từ cộng đồng mạng. Diễm Hương đánh giá câu chuyện này như thế nào và có bao giờ Diễm Hương muốn đóng Facebook vĩnh viễn?
- Chuyện này thật sự đã có trong quá khứ. Chắc chắn không ít bạn bè trên mạng xã hội đã từng chứng kiến Hương ít khi đóng Facebook, tuy nhiên, Hương đã đóng Facebook trong một khoảng thời gian khá dài. Khi nhắc đến trường hợp của ca sĩ Sulli, Hương cảm thấy đồng cảm. Ở thời gian trước Hương cũng từng bị áp lực nhiều.
Hương nghĩ rằng nhận thức về bệnh trầm cảm ở Việt Nam chưa cao bởi vì mọi người vẫn nghĩ nó là một cái gì đó mơ hồ, chỉ là bệnh tâm lý. Trầm cảm nguy hiểm như một căn bệnh ung thư. Mọi người hãy nên nghiêm túc nhìn nhận nó bởi vì Hương từng là một bệnh nhân và Hương may mắn khi mình làm chủ được căn bệnh. Hương không phủ nhận có những lúc Hương thật sự muốn tự tử và biến mất khỏi cuộc sống này để mọi người không còn nói về mình nữa. Có một số diễn giả nói rằng con người phải tự nâng cao năng lực bản thân nhưng họ đâu biết rằng một người bình thường thì hoàn toàn làm được điều đó, còn đối với những người có bệnh trầm cảm thì đó là một sự cố gắng, đấu tranh rất khó khăn. Cho nên mọi người cần nhìn nhận căn bệnh trầm cảm là một điều đáng quan tâm, nghiêm túc giúp đỡ những bệnh nhân trầm cảm bằng cách nhìn họ một cách tôn trọng và không nên cười cợt họ bị bệnh tâm lý hay chỉ đơn giản là bị stress. Trầm cảm khác với stress.

Rất nhiều nghệ sĩ từng khốn đốn vì các tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội và Diễm Hương cũng không là ngoại lệ

Ảnh: TL

* Có bao giờ Hoa hậu Diễm Hương nghĩ đến việc sẽ nhờ đến sự can thiệp của pháp luật để kiện những người tung tin đồn giả gây ảnh hưởng đến danh tiếng bản thân?
- Hương cảm thấy may mắn khi bản thân đã trải qua khá nhiều biến cố và để giúp bản thân có những “kháng sinh” với những lời bình luận tiêu cực, những lời vu khống trên mạng xã hội, Hương đã dần hoàn thiện bản thân hơn và kỹ càng hơn trong mọi thông tin công bố với xã hội cho nên việc vu khống cho Hương dường như trở nên khó hơn. Điều luật hiện nay cũng rõ ràng hơn, trước đây Hương nghĩ rằng rất khó để kiện vì tại thời điểm đó chưa có luật rõ ràng. Mạng xã hội vẫn là mạng ảo, nhà nước vẫn chưa công nhận tất cả những điều đó là chứng cứ nên Hương đã không kiện được. Hương chỉ dùng sức kháng cự của bản thân để phản kháng lại. Nhưng nếu hiện tại có điều gì đó xảy ra tương tự trong quá khứ thì chắc chắn Hương sẽ dùng những biện pháp nhẹ nhàng trước. Sau đó nếu không được, Hương chắc chắn sẽ dùng đến biện pháp cứng rắn là thu thập bằng chứng và khởi kiện. Bởi vì chỉ có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của bản thân.
* Hiện nay, có nhiều nghệ sĩ dùng Facebook để livestream bán hàng. Diễm Hương thì sao?
- Hương nghĩ việc đó là một điều hay vì ai cũng cần phải cải thiện kinh tế của bản thân. Đặc biệt, Hương thấy nghệ sĩ Việt Hương hay Trấn Thành cũng cầm điện thoại quay clip khắp nơi, đôi khi Hương nghĩ rằng cuộc sống của họ chỉ đứng đằng sau chiếc điện thoại. Mặc dù những đoạn clip đó rất vui nhưng Hương không thể phủ nhận sức mạnh của mạng xã hội hay YouTube đem đến cho họ một nguồn lợi nhuận khổng lồ. Không thể nào chối cãi tất cả chúng ta đều mong muốn kiếm nhiều tiền đồng thời chúng ta không sai khi nhận ra một phương thức kiếm tiền phù hợp với bản thân và nắm bắt lấy nó. Hương cũng cố gắng làm điều đó mặc dù Hương không giỏi. Tuy nhiên, Hương hi vọng bản thân học được cách sử dụng Facebook một cách tốt đẹp hơn.
* Với kinh nghiệm từng trải qua những biến cố và thị phi, Diễm Hương có những chia sẻ gì với những bạn trẻ đang đối mặt với những điều tiêu cực bởi những lời bình luận ác ý trên mạng?
- Hương không biết phải chia sẻ với các bạn như thế nào bởi vì hiện nay Hương tin chắc rằng các bạn trẻ đã giỏi hơn Hương trong việc sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, YoTube để biến nó thành công cụ đắc lực giúp họ có tiếng nói trong xã hội. Hương cảm thấy mình còn lạc hậu lắm.
Nhưng nếu nói về một điều Hương muốn chia sẻ với các bạn trẻ, về việc xử lý khủng hoảng, đối diện với những điều vu khống hay lăng nhục mình trên mạng xã hội. Hương khuyên các bạn rằng khi đứng trước mỗi lời nói đó, mình nên suy nghĩ, phân tích điều đó có xuất phát từ hành động sai của mình hay không. Giống như lời của tiến sĩ Lê Thẩm Dương, nếu nó sai thì mình nên xin lỗi ngay để mình giải quyết nó, hơn là việc mình cứ cố “cãi chày cãi cối”. Điều đó sẽ dẫn đến một hiệu ứng ngược, khiến mọi người càng tấn công vào mình và bản thân càng rơi vào thế bị động nhiều hơn.
* Cám ơn Diễm Hương chia sẻ!
Ngày 22.10, báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội với sự tham dự của ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM; TS Lê Thẩm Dương, chuyên gia và diễn giả kinh tế; đạo điễn Lê Hoàng; hoa hậu Diễm Hương; luật sư Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự, TAND TP.HCM; ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng văn phòng thừa phát lại Q.Bình Thạnh; thạc sĩ Phan Văn Tú, Trưởng Bộ môn Báo chí, khoa Báo chí, Đại học KHXH-NV TP.HCM; ông Trịnh Đình Khánh, Giám đốc điều hành Suzu Group; nhà báo, diễn giả Đỗ Hùng; nhà báo Hải Thành, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên... Chương trình còn có sự tham gia của hơn 200 khách mời và đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí T.Ư và TP.HCM.
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm nhận diện động cơ tiêu biểu của hành vi vu khống, trục lợi của một số người dùng trên mạng xã hội; cảnh tỉnh vấn nạn tin giả; thảo luận giải pháp bảo vệ bản thân khi dùng mạng xã hội…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.