Đó là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khi chủ trì buổi làm việc với Quận ủy Thủ Đức chiều 22.10, liên quan vụ “quan quận” này xây dựng không phép mà Thanh Niên điều tra, phản ánh.
Buổi làm việc diễn ra tại trụ sở Quận ủy Thủ Đức cùng với sự tham dự của Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan; Phó chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải; Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy Võ Văn Quận; Chánh thanh tra TP Đặng Minh Đạt; Thường trực Quận ủy, HĐND, UBND Q.Thủ Đức… Phần đầu của buổi làm việc là họp kín, sau đó ông Nhân và các lãnh đạo tham dự đi kiểm tra thực địa các công trình sai phạm của gia đình Phó chủ tịch Thường trực HĐND Q.Thủ Đức Lê Hữu Thành và trở về lại trụ sở Quận ủy Thủ Đức tiếp tục làm việc.
Thủ Đức tiếp tục “né” chuyện bao che
Theo báo cáo của Quận ủy Thủ Đức, trong 9 tháng đầu năm 2019 tổng số công trình xây dựng không phép là 168 trường hợp, tăng 139 trường hợp so cùng kỳ năm trước; xây dựng sai phép 98 trường hợp, tăng 55 trường hợp so cùng kỳ năm trước. Riêng tại địa bàn P.Hiệp Bình Chánh (nơi có 7 công trình xây dựng không phép của gia đình ông Lê Hữu Thành), số công trình xây dựng không phép là 82 trường hợp, tăng 69 trường hợp, tỷ lệ tăng lên đến hơn 530%; số công trình xây dựng sai phép là 47 trường hợp, tăng 34 trường hợp, tỷ lệ tăng hơn 261%.
|
Trong 168 trường hợp xây dựng không phép, chỉ mới xử lý dứt điểm 25 trường hợp. Nguyên nhân chậm xử lý, Quận ủy Thủ Đức không đề cập đến những dấu hiệu bao che sai phạm, mà viện cớ do gặp các khó khăn vướng mắc trong lập, thẩm định, phê duyệt phương án phá dỡ theo quy định; người vi phạm không hợp tác, khóa cửa không để các đơn vị có liên quan vào khảo sát, lập phương án nên thời gian kéo dài. Đồng thời, đơn vị lập phương án theo quy định phải có chức năng tháo dỡ công trình, với số lượng hồ sơ vi phạm như hiện nay, việc tìm đơn vị đủ chức năng cũng rất khó khăn và tốn nhiều kinh phí. Bên cạnh đó, việc tạm ứng kinh phí để thực hiện công tác cưỡng chế trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm được tháo gỡ…
Xử lý, báo cáo trước 28.10
Sau khi yêu cầu các thành viên trong đoàn có đánh giá thực tế, nhìn nhận của quận về những sai phạm, đánh giá mức độ sai phạm vậy đúng mức chưa, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: “Về góc độ công dân sai phạm xây dựng, thì chúng ta xử lý như thế nào? Cán bộ có trách nhiệm trong cấp ủy, chính quyền, thì theo yêu cầu, người đứng đầu, cán bộ đảng viên phải gương mẫu. Qua việc này gương mẫu chưa? Nhưng chắc chưa gương mẫu, nếu chưa gương mẫu thế này thì xử lý, giải quyết như thế nào?”. “Tinh thần quận phải có kết luận xử lý sớm nhất việc này, đúng luật pháp, phải làm gương thực hiện Chỉ thị 23 của Thành ủy (ban hành tháng 7.2019 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM - PV) và trình lên đại hội. Những người trong cuộc phải có trách nhiệm, ở vị trí nào phải xứng đáng vị trí đó. Quận phải làm báo cáo chính thức, báo cáo hôm nay chưa phải là chính thức”, ông Nhân yêu cầu.
Về triển khai Chỉ thị 23 của Thành ủy, theo ông Nguyễn Thiện Nhân là kịp thời. Tuy nhiên, với tinh thần đó, “lẽ ra trường hợp của anh Thành là phải tự khắc phục; nếu báo chí không nêu thì chắc là không biết bao giờ mới tự khắc phục”. Đánh giá về cách xử lý sai phạm của Q.Thủ Đức, ông Nhân cho rằng “nếu chưa nghiêm túc thì cứ nói thẳng đi”, bởi lẽ 7 công trình sai phạm của gia đình ông Lê Hữu Thành từ năm 2012, đã lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ, nếu như quy trình chưa chặt chẽ nhưng cũng không thể 7 năm liền mà không xử lý. “Cái cần suy nghĩ, yêu cầu đảng viên gương mẫu nhưng rõ ràng đảng viên không gương mẫu. 7 công trình sai phạm hết”, ông Nhân nói và yêu cầu quận cần làm rõ, đối với sai phạm là phải xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nếu có e ngại, nể nang, thì cần phải chấm dứt ngay.
Riêng đối với các sai phạm đã xảy ra, thêm một lần nữa ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Quận chưa quyết liệt. Chỗ này vừa qua, báo chí nêu sự việc là báo chí nêu đúng. Sự việc kéo dài không xử lý. Sắp tới, phải có một kiểm điểm sâu sắc trong thường vụ”, đồng thời yêu cầu trước 28.10 Q.Thủ Đức phải có báo cáo việc xử lý cụ thể cho TP. Theo ông Nhân, những cán bộ sai phạm phải nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm rõ ràng. Nếu đủ gương mẫu và đủ uy tín thì công tác tiếp, nhưng nếu không đủ thì phải sắp xếp lại.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu các sở ngành, Q.Thủ Đức tập trung tháo gỡ các ách tắc trong quy hoạch để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, góp phần tránh phát sinh xây dựng không phép.
Làm dứt dạt, không bao che Sáng 22.10, tại cuộc họp kinh tế - xã hội quý 4/2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhắc đến vấn nạn xây dựng không phép ở Q.Thủ Đức mà Thanh Niên điều tra, phản ánh. Ông Phong cho hay, UBND TP cũng đã có rất nhiều chỉ đạo, tổ chức họp trực tuyến với 24 quận, huyện, các sở ngành... Thế nhưng, tình hình vi phạm vẫn còn xảy ra, diễn biến phức tạp.
"Lãnh đạo TP thì quyết liệt như vậy mà tình hình ở dưới vẫn xảy ra xây dựng trái phép, không phép nên các đồng chí cần phải xem lại", ông Phong lưu ý.
Đề cập thêm đến việc xử lý xây dựng trái phép ở H.Bình Chánh, ông Nguyễn Thành Phong đánh giá chỉ mới xử lý trách nhiệm cấp dưới, còn UBND huyện thì chưa, trách nhiệm của các ủy viên Ban Thường vụ của huyện cũng chưa. Do vậy, vấn đề này cần phải xem xét lại.
Sau khi nhắc lại "điểm nóng" xây dựng không phép ở địa bàn Q.Thủ Đức, ông Phong khẳng định sai phạm mức độ nào, thì xử lý nghiêm khắc mức độ đó, không có bao che. "Quan điểm của tôi là không có nhân nhượng, phải xử lý nghiêm khắc", ông nhấn mạnh.
Liên quan đến việc ông Trần Lê Xuân (cán bộ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy), người được ông Lê Ngọc Quí (nguyên là Chánh thanh tra, sau khi bị phát hiện sai phạm được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tư pháp Q.Thủ Đức) “nhắc tên” trong tin nhắn gửi cho Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh can thiệp khi cơ quan này thực hiện cưỡng chế 4 căn nhà xây dựng không phép trên đường số 42 tổ 54A, KP.8, P.Hiệp Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cho biết đang yêu cầu ông Xuân báo cáo sự việc mà Thanh Niên nêu; sau đó sẽ có những bước xác minh tiếp theo.
|
Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức nói gì? Trả lời chất vấn của Thanh Niên vì sao không kỷ luật ông Lê Ngọc Quí về hành vi xây dựng không phép, nhắn tin, gọi điện cho Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh can thiệp khi phường này thực hiện cưỡng chế công trình không phép, ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, nói sẽ tiến hành xác minh và có báo cáo cụ thể cho TP. Liên quan đến việc UBND P.Hiệp Bình Chánh và Công an P.Tam Phú đã có báo cáo, công văn gửi Công an Q.Thủ Đức kiến nghị khởi tố 2 trường hợp nhiều lần có hành vi xây dựng không phép, nhưng không có kết quả xử lý, ông Minh cho biết “sẽ cho nắm lại”.
Về trường hợp Phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức Trần Văn Dũng (phụ trách đô thị) vì sao bị kỷ luật cảnh cáo cả về mặt Đảng và chính quyền, nhưng vẫn đương chức, ông Đặng Nguyễn Thanh Minh cho rằng, mức kỷ luật đó chưa phải là mức kỷ luật cách chức.
|
Ý kiến
Vi phạm từ lâu nhưng không xử lý dứt khoátThực tế diễn ra ở địa bàn Q.Thủ Đức cho thấy công tác quản lý về trật tự xây dựng của quận có phần chưa đầy đủ, mặc dù trước đó Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã có kiểm tra, xử lý và yêu cầu tập trung chấn chỉnh, khắc phục. Những vi phạm đã phát hiện từ lâu nhưng không xử lý dứt khoát, xử lý không nghiêm. Tuy có ra quyết định cưỡng chế nhưng không tổ chức thực hiện. Yêu cầu đặt ra là xử lý trách nhiệm phải nghiêm.
Trách nhiệm, vai trò của cán bộ, đảng viên là phải gương mẫu. Ngay trong Chỉ thị 23 đã có yêu cầu cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm rà soát, cam kết không vi phạm, nhưng thực tế ở Q.Thủ Đức thì lại xảy ra vi phạm. Do đó, phải xem xét trách nhiệm cụ thể trong thời gian qua về việc thực hiện không nghiêm túc. Cùng với việc xử lý trách nhiệm, Thanh tra Q.Thủ Đức, Thanh tra Sở Xây dựng phải tiếp tục tập trung tham gia rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm.
Ông Đặng Minh Đạt, Chánh thanh tra TP.HCM
|
Không thể để sai phạm kéo dàiVi phạm về trật tự xây dựng ở Q.Thủ Đức để xảy ra thời gian kéo dài, nhưng đến nay xử lý không có kết quả. Lý do của quận nói để rà soát đảm bảo đúng trình tự thủ tục, đảm bảo pháp lý nhưng như vậy là quá chậm. Dù có cần rà soát nhưng phải có giới hạn thời gian, lộ trình cụ thể, công khai rộng rãi việc xử lý, chứ không thể để sai phạm kéo dài.
Để chấn chỉnh tình hình vi phạm xây dựng không phép, trái phép ở địa bàn Q.Thủ Đức, không có cách nào khác ngoài yêu cầu là phải quyết liệt hơn. Chúng ta nói xử lý vi phạm không có vùng cấm, thì việc này (sai phạm của cán bộ Q.Thủ Đức) phải được xử lý. Cán bộ, đảng viên trước hết phải có trách nhiệm nêu gương.
Ông Võ Văn Quận, Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM
|
Ban Thường vụ Quận ủy phải trả lời cho rõQua giám sát thực tế và từ báo cáo, Quận ủy, UBND Q.Thủ Đức cần phải báo cáo đầy đủ, chi tiết hơn về các sai phạm trật tự xây dựng. Vì sao Thành ủy đã có Chỉ thị, UBND TP đã có nhiều chỉ đạo mà 9 tháng đầu năm 2019 lại tăng đến 139 trường hợp xây dựng không phép? Câu hỏi đó cần phải trả lời thật kỹ, xử lý thật quyết liệt. 9 tháng đã xử lý 8 tập thể, 28 cá nhân mà vi phạm vẫn tăng, thì cách xử lý như thế nào mà vẫn chưa có tính răn đe?
Đối với 7 công trình xây không phép của gia đình Phó chủ tịch thường trực HĐND Q.Thủ Đức Lê Hữu Thành, cần phải đánh giá thật sâu nguyên nhân sai phạm; còn có vấn đề gì khác thì phải chỉ cho ra. Có sai phạm phát hiện từ 2012, đến nay đã 7 năm rồi, Ban Thường vụ Quận ủy phải trả lời cho rõ, nếu kết quả xử lý không rõ thì không ổn, và để kéo dài sai phạm nữa là không ổn. Trong tháng 11.2019, HĐND TP sẽ tiến hành giám sát việc này.
Ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM
|
Bình luận (0)