“Hoan hô tinh thần quyết liệt”
Mặc dù ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đang họp Quốc hội (kỳ họp 8 Quốc hội khóa 14) tại Hà Nội, nhưng buổi làm việc với Quận ủy Thủ Đức vào chiều nay 22.10, diễn ra sau khi Thanh Niên trong 2 ngày 21 - 22.10 đăng tải loạt bài điều tra: Vì sao Thủ Đức thành “điểm nóng” xây dựng trái phép?: 'Quan' làm sai sao nói được dân! khiến dư luận rất bất xúc về tình trạng một số "quan quận" ở Q.Thủ Đức bất chấp quy định pháp luật, đã có hành vi xây dựng công trình không phép, tồn tại trong nhiều năm mà không được xử lý dứt điểm.
Trước tinh thần quyết liệt của lãnh đạo TP.HCM, bạn đọc Thanh Niên tỏ ra phấn khởi. Bạn đọc Hung Viet (Hà Nội) bày tỏ: “Hoan hô tinh thần quyết liệt của bác Nguyễn Thiện Nhân. Với tinh thần này, tôi nghĩ thành phố sẽ tiếp tục mạnh mẽ đi lên”.
Bạn đọc Dương Văn Tuấn (Khánh Hòa) mong mỏi: “Bí thư Thành ủy trực tiếp ra tay chỉ đạo vụ gia đình ‘quan quận’ lộng hành trong lĩnh vực xây dựng. Mong kết quả xử lý thật thật nghiêm minh”.
Bạn đọc Ngô Đồng (TP.HCM) cổ vũ: “Bí thư ơi làm mạnh lên không thì loạn mất!”. “Mong là xử lý triệt để, đừng giơ cao đánh khẻ nữa”, một bạn đọc khác cùng quan điểm.
Như Thanh Niên đã nhiều lần thông tin, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM là một trong những vấn đề trọng điểm được Thành ủy, UBND TP.HCM đặc biệt quan tâm. Mới đây nhất, vào tháng 7.2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ký ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Trong Chỉ thị nêu rõ, phường, xã và thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức Đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bí thư quận ủy, huyện ủy chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy; các chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP về việc triển khai chỉ thị này.
Tuy nhiên, trên thực tế, các sai phạm nghiêm trọng về xây dựng không phép, xây dựng trái phép vẫn diễn ra, thách thức kỷ luật kỷ cương, đặc biệt nghiêm trọng ở Q.Thủ Đức khiến dư luận rất bất bình.
|
|
"Hãy hành động quyết liệt nữa đi"
Trước đó vào sáng 22.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng nhắc đến vấn nạn xây dựng trái phép ở Q.Thủ Đức trong cuộc họp kinh tế - xã hội quý 4/2019.
Nhắc đến “điểm nóng” xây dựng trái phép, không phép tại Q.Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Quan điểm của tôi là không có nhân nhượng, phải xử lý nghiêm khắc”. Ông cũng cho biết sai phạm mức độ nào, thì xử lý nghiêm khắc mức độ đó, không có bao che.
Trước phát biểu của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, một bạn đọc tại TP.HCM ủng hộ: “Không nhân nhượng với xây dựng không phép nhưng vấn nạn này ngày càng nhiều, và công trình không phép càng lớn. Hãy hành động quyết liệt nữa đi”.
Không đề cập đến những dấu hiệu bao che sai phạmTheo báo cáo của Quận ủy Thủ Đức tại buổi làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân vào chiều nay 22.10, trong 9 tháng đầu năm 2019 tổng số công trình xây dựng không phép là 168 trường hợp, tăng 139 trường hợp so cùng kỳ năm trước; xây dựng sai phép 98 trường hợp, tăng 55 trường hợp so cùng kỳ năm trước.
Riêng tại địa bàn P.Hiệp Bình Chánh (nơi có 7 công trình xây dựng không phép của gia đình ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch Thường trực HĐND Q.Thủ Đức), số công trình xây dựng không phép là 82 trường hợp, tăng 69 trường hợp, tỷ lệ tăng lên đến hơn 530%; số công trình xây dựng sai phép là 47 trường hợp, tăng 34 trường hợp, tỷ lệ tăng hơn 261%.
Quận ủy Thủ Đức báo cáo trong 168 trường hợp xây dựng không phép, chỉ mới xử lý dứt điểm 25 trường hợp. Nguyên nhân việc chậm xử lý, Quận ủy Thủ Đức không đề cập đến những dấu hiệu bao che sai phạm, mà viện cớ do gặp các khó khăn vướng mắc trong việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án phá dỡ theo quy định; người vi phạm không hợp tác, khóa cửa không để các đơn vị có liên quan vào khảo sát, lập phương án nên thời gian kéo dài.
Đồng thời, đơn vị lập phương án theo quy định phải có chức năng tháo dỡ công trình, với số lượng hồ sơ vi phạm như hiện nay, việc tìm đơn vị đủ chức năng cũng rất khó khăn và tốn nhiều kinh phí. Bên cạnh đó, việc tạm ứng kinh phí để thực hiện công tác cưỡng chế trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm được tháo gỡ…
|
Bình luận (0)