Bài học nào từ việc Ấn Độ 'vỡ trận' trước sóng dịch Covid-19?

15/05/2021 08:30 GMT+7

Cố vấn về Covid-19 hàng đầu của Nhà Trắng , Tiến sĩ Anthony Fauci, hôm 11.5 cho biết Ấn Độ mở cửa trở lại quá sớm sau khi chính phủ nước này cho rằng họ đã kiểm soát tốt dịch đợt 1.

Tháng 2 và tháng 3.2021, số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày tại Ấn Độ giảm xuống chỉ còn dưới 20.000, so với thời điểm đỉnh dịch vào tháng 9.2020 là khoảng 90.000.
Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố Covid đã bị đánh bại, và cho mở cửa mọi địa điểm công cộng. Ngày 8.3.2021, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ tuyên bố "đại dịch đã hạ màn" tại nước này. 
Tuy nhiên, từ tháng 4, số ca nhiễm và người chết vì Covid-19 tại Ấn Độ không ngừng tăng, phá vỡ hết mốc kỷ lục này đến mốc kỷ lục khác. Số ca nhiễm tính đến ngày 12.5 đã gần đạt mốc 24 triệu người, trong khi số người tử vong đã vượt mức 250.000 người, và các chuyên gia cảnh báo con số thực có thể còn cao hơn nhiều lần. 
Chuyện gì đã xảy ra? Sau đây là đánh giá của cố vấn về Covid-19 hàng đầu của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci.
Đừng coi nhẹ tình hình dịch bệnh
Tiến sĩ Anthony Fauci nhấn mạnh:"Đừng bao giờ coi nhẹ tình hình dịch bệnh. Lý do mà Ấn Độ đang rơi vào tình trạng khốn khổ như vậy là do sau đợt dịch đầu tiên, họ cho rằng tình hình được kiểm soát tốt và dỡ phong tỏa quá sớm, và kết cục là lại bùng phát làn sóng dịch vô cùng tàn khốc hiện nay". 

Các cuộc tụ họp đông người vẫn được diễn ra dù diễn biến dịch bệnh căng thẳng.

Chụp màn hình Reuters

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bị chỉ trích vì cho phép tụ tập đông người tại một lễ hội tôn giáo và các cuộc biểu tình bầu cử lớn trong suốt 2 tháng qua, làm số ca nhiễm tăng mạnh. 
Y tế công cộng phải sẵn sàng
"Điều thứ 2 là sự chuẩn bị sẵn sàng cho y tế cộng đồng. Bài học để đương đầu bệnh dịch trong tương lai là chúng ta cần tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng y tế công cộng tại địa phương, điều mà trong những thập niên qua chúng ta đã lơ là, có thể là vì chủ quan sau khi đã thành công trong việc kiểm soát rất nhiều bệnh tật trước đây", Tiến sĩ Anthony Fauci nói thêm. 

Hệ thống y tế Ấn Độ không trụ nổi trước làn sóng dịch bệnh.

Reuters

Cơn "sóng thần" Covid-19 ập đến Ấn Độ bộc lộ sự yếu kém của hệ thống y tế công tại nhiều địa phương. Trang thiết bị y tế không được trang bị đầy đủ để ứng phó với đại dịch, thiếu nghiêm trọng giường bệnh và oxy thiếu hụt. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở nhiều vùng nông thôn. 
Hành động toàn cầu
Cố vấn về Covid-19 hàng đầu của Nhà Trắng chia sẻ: "Bài học khác được rút ra đó là một đại dịch toàn cầu đòi hỏi phải có hành động toàn cầu. Chúng ta nên lưu ý rằng, chúng ta có trách nhiệm không chỉ đối với đất nước mình, mà phải hợp tác với các nước khác để đảm bảo khắp nơi trên thế giới đều có thể tiếp cận các biện pháp ngăn ngừa bệnh, đặc biệt là vắc xin. Bởi vì nếu virus còn tiếp tục lây lan ở nơi nào đó trên thế giới thì chúng ta, ở nước Mỹ, vẫn phải đối diện với mối nguy, đặc biệt là từ các chủng biến thể, cụ thể là biến thể mới B.1.617 ở Ấn Độ". 

Phần lớn người dân Ấn Độ chưa được tiêm chủng đầy đủ.

Reuters

Hiện nay, biến thể B.1.617 ở Ấn Độ đã xuất hiện tại 44 nước trên khắp thế giới, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu. Theo WHO, biến thể này có khả năng lây lan nhanh hơn, gây chết người nhiều hơn hoặc có thể vô hiệu hóa vắc xin. 
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ hôm 12.5, có thêm 4.205 người chết trong vòng 24 giờ, chỉ hai ngày sau khi nước này tạm thoát được cột mốc trên 4.000 ca/ngày, nâng tổng số ca Covid-19 tử vong vượt mức mới 250.000 ca. 
Dữ liệu mới còn cho thấy có 348.421 ca nhiễm Covid-19 mới ở Ấn Độ trong vòng 24 giờ, tăng từ con số 329.942 ca của ngày 11.5, và nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 23 triệu ca.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.