Các vắc xin Covid-19 nổi tiếng ở Việt Nam sử dụng công nghệ gì?

07/07/2021 14:51 GMT+7

Tiêm vắc xin Covid-19 có phải là tiêm con virus SARS-CoV-2 còn sống vào người không? Đưa gien của virus corona vào cơ thể có thể làm biến đổi ADN của người không? Những nghi ngại này đã khiến nhiều người lo lắng, lưỡng lự trước lựa chọn tiêm vắc xin.

Tính đến nay, tại Việt Nam có 5 loại vắc xin ngừa Covid-19 được phê duyệt có điều kiện để sử dụng, gồm vắc xin AstraZeneca của Anh, Moderna và Pfizer-BioNTech của Mỹ, Sputnik V của Nga và Sinopharm của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, vắc xin “made in Vietnam” Nano Covax do công ty Nanogen phát triển hiện đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3. Việt Nam cũng đã bày tỏ quan tâm đến loại vắc xin Abdala do Cuba sản xuất.
Vắc xin dạy cho hệ miễn dịch của con người cách nhận biết và chiến đấu với chủng virus gây bệnh Covid-19. Nhưng cơ chế “huấn luyện" này ra sao để không gây nguy hiểm cho cơ thể?

AstraZeneca, Sputnik V

AstraZeneca, loại vắc xin được tiêm nhiều nhất ở Việt Nam cho đến nay, sử dụng công nghệ véc tơ virus. Công nghệ này cũng được dùng để phát triển loại vắc xin Nga được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua là Sputnik V.
Vắc xin véc tơ virus dùng một loại virus an toàn, còn gọi là vec tơ, đã được điều chỉnh để mang theo hướng dẫn quan trọng đến tế bào nhằm kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể mà không gây bệnh.
Để làm vec tơ, AstraZeneca sử dụng virus cảm lạnh thông thường của tinh tinh, còn vắc xin Sputnik V dựa trên 2 loại virus adeno.
Sau khi được tiêm vào cơ thể, virus véc tơ sẽ xâm nhập vào tế bào và dùng cơ chế của tế bào để tạo ra một mảnh vô hại của virus gây Covid-19, cụ thể là một protein gai chỉ xuất hiện trên bề mặt SARS-CoV-2.
Tiếp theo, khi tế bào này thể hiện protein gai trên bề mặt, hệ miễn dịch của chúng ta nhận thấy nó không thuộc về cơ thể. Việc này kích hoạt hệ miễn dịch bắt đầu sản sinh kháng thể và cũng kích hoạt các tế bào miễn dịch khác.
Sau quá trình đó, cơ thể chúng ta đã học được cách bảo vệ mình khỏi bệnh truyền nhiễm trong tương lai với virus gây bệnh Covid-19. Công nghệ này đã được sử dụng để tạo ra các vắc xin phòng các đại dịch nguy hiểm như cúm, Ebola, MERS-CoV.

Sinopharm

Việt Nam được Trung Quốc tặng 500.000 liều vắc xin Sinopharm trong tháng 6 để dùng cho một số đối tượng cụ thể.
Vắc xin này được bào chế bằng công nghệ vắc xin bất hoạt, tức sử dụng chính virus SARS-CoV-2 nhưng vật chất di truyền đã bị phá hủy bằng hóa chất, nhiệt hoặc bức xạ. Vì vậy, virus không thể lây nhiễm hoặc tái tạo tế bào, nhưng vẫn có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Đây là phương pháp sản xuất vắc xin truyền thống, từng được dùng để phát triển vắc xin cúm và bại liệt. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các cơ sở phải có phòng thí nghiệm đặc biệt để nuôi cấy virus một cách an toàn, thời gian sản xuất tương đối dài và có thể cần tiêm nhắc lại 2 hoặc 3 liều.

Pfizer-BioNTech và Moderna

Đây là những loại vắc xin được nhiều người chờ đợi, và dự kiến vào đầu tháng 7 lô vắc xin Pfizer đầu tiên sẽ về Việt Nam.
Có thể hiểu vắc-xin mRNA truyền thông điệp mang hướng dẫn dạy các tế bào của chúng ta cách tạo ra một protein - hay chỉ là một mảnh protein - của virus gây hại, kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Cụ thể, sau khi tiêm vắc xin Covid-19, tế bào miễn dịch sẽ dùng các hướng dẫn mRNA để tạo nên mảnh protein gai. Tạo xong mảnh protein gai, tế bào sẽ phá vỡ và loại bỏ ngay mRNA.
Kế tiếp, tế bào thể hiện mảnh protein đó trên bề mặt của nó. Hệ miễn dịch của cơ thể nhận ra protein lạ và bắt đầu tạo phản ứng miễn dịch và tạo ra các kháng thể. Vào cuối quá trình đó, cơ thể chúng ta đã học cách bảo vệ chống lại lây nhiễm trong tương lai.
Vì tế bào sẽ phá vỡ và loại bỏ ngay mRNA sau khi tạo mảnh protein và mRNA cũng không bao giờ xâm nhập nhân tế bào, nơi lưu giữ ADN, nên vắc xin loại này không ảnh hưởng hay tác động tới ADN

Nano Covax

Vắc xin Nano Covax của Việt Nam được phát triển theo công nghệ vắc xin tiểu đơn vị protein hoặc vắc xin tiểu đơn vị tái tổ hợp. Thay vì sử dụng toàn bộ mầm bệnh, vắc xin tiểu đơn vị chỉ sử dụng các mảnh protein vô hại của virus để kích thích hệ miễn dịch tạo phản ứng miễn dịch phù hợp.
Theo trang web của Nanogen, công ty này đã chọn protein S để loại bỏ vùng xuyên màng và được sản xuất bằng công nghệ ADN tái tổ hợp trên tế bào buồng trứng của chuột hamster Trung Quốc.
Được biết vắc xin Abdala của Cuba cũng được nghiên cứu dựa trên công nghệ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.