Chính phủ ông Biden sẽ 'kiên nhẫn' trong chiến lược tiếp cận Trung Quốc

26/01/2021 15:05 GMT+7

Trong buổi họp báo ngày 25.1, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Washington đang “kiên nhẫn” để tìm "cách tiếp cận mới" trong mối quan hệ với Trung Quốc vào thời điểm mà hai nước vẫn đang trong tình trạng "cạnh tranh chiến lược" gay gắt.

"Bắc Kinh thách thức nền an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của chúng tôi, buộc Washington phải có một cách tiếp cận mới. Và đây là một trong nhiều lý do tại sao trước đây chúng tôi đã nói rằng mình muốn tiếp cận với Trung Quốc với sự kiên nhẫn có chiến lược”, theo bà Jen Psaki.

Thư kí báo chí Nhà Trắng trong cuộc họp báo ngày 25.1 tại Nhà Trắng.

Reuters

Vài giờ trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại hội nghị trực tuyến của tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ông Tập kêu gọi các quốc gia hợp tác về biến đổi khí hậu, phòng chống đại dịch Covid-19, đồng thời phản đối “chiến tranh lạnh kiểu mới”, nhưng không nêu đích danh Mỹ.
"Lập bè phái hoặc châm ngòi cuộc Chiến tranh Lạnh mới nhằm dọa dẫm quốc gia khác... chỉ đẩy thế giới vào chia rẽ", ông Tập nói trong bối cảnh chính phủ ông Biden có kế hoạch vực dậy các liên minh toàn cầu nhằm chống lại sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị trực tuyến của tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

AFP

Bà Psaki lưu ý lời kêu gọi của ông Tập sẽ không thay đổi cách tiếp cận chiến lược của chính phủ ông Biden đối với Trung Quốc. Bà Psaki đồng thời lưu ý Nhà Trắng sẽ phối hợp với các nghị sĩ đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ tại Quốc hội Mỹ, cùng đồng minh lẫn đối tác quốc tế, để thảo luận về vấn đề này trong những tuần sắp tới.
Phóng viên đặt câu hỏi liệu rằng ông Biden sẽ tiếp tục duy trì các lệnh cấm vận tập đoàn Huawei (Trung Quốc) có từ thời người tiền nhiệm Donald Trump hay không. Bà Psaki cho biết hoạt động gián điệp công nghiệp và trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc vẫn là một mối lo ngại đối với Mỹ.

Chính phủ ông Biden sẽ tìm cách tiếp cận mới với Trung Quốc.

AFP

Bà Psaki lưu ý: “Công nghệ là tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc sẵn sàng làm mọi thứ để đạt tiến bộ công nghệ như đánh cắp tài sản trí tuệ, có hành vi gián điệp và bắt buộc chuyển giao công nghệ. Quan điểm của Tổng thống Biden là chúng tôi cần phải phòng thủ tốt hơn, đồng thời buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi không công bằng và bất hợp pháp của họ, cùng lúc đảm bảo công nghệ Mỹ không bị dùng để phục vụ mục đích quân sự của Trung Quốc”.
SEMI, hiệp hội đại diện cho các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn trên toàn thế giới, ngày 25.1 đã kêu gọi Tổng thống Biden xem xét lại chính sách từ thời ông Trump về việc hạn chế bán công nghệ Mỹ cho Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. SEMI cho rằng chính sách của ông Trump đã gây tổn hại không cần thiết đến ngành công nghiệp Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.