Việt kiều ở Anh giữa dịch Covid-19: Chứng kiến thất nghiệp, người chết tăng cao

30/04/2020 15:32 GMT+7

Tính cho đến ngày 30.4, số người chết vì dịch Covid-19 ở Anh đã lên tới hơn 26.166 người đứng thứ 3 sau Mỹ và Ý. Tình trạng 'lockdown' (phong tỏa) sẽ có thể kéo dài đến giữa tháng 5 tùy theo diễn biến của dịch.

 

Thất nghiệp, vấn nạn từ dịch Covid-19

Chỉ sau gần 3 tuần nước Anh bị phong tỏa (lockdown), số lượng người thất nghiệp đã tăng cao. Rất nhiều công ty trong đó có cả các công ty lớn như Oasis, Warehouse đã phải tuyên bố phá sản. Khối lượng công việc của Lam (Việt kiều tại Anh) cũng ít đi, nhưng so với những người như anh bạn phóng viên Gareth McLean của tờ The Guardian hay nhiều người khác đang rơi vào cảnh túng quẫn vì dịch Covid-19 thì cô may mắn hơn nhiều. Cô tranh thủ ăn trưa nhanh rồi làm để có thể kết thúc công việc sớm.
Hầu hết bạn bè người Việt của Lam cũng đang còn may mắn như cô. Họ đều tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học từ những trường hàng đầu của Anh và đang có những công việc tốt để có thể duy trì được cuộc sống của gia đình trong lúc khó khăn này.
Cô cũng có vài người bạn mở các của hàng làm móng tay (nails). Thời gian trước, công việc thuận lợi nên những người bạn này cũng có của ăn của để. Những người thợ làm cho họ có mức thu nhập khá nên cuộc sống của họ không đến nỗi nào. Cả tháng nay các của hàng móng đã phải đóng cửa. Những người chủ tạm thời vẫn ổn. Họ cũng giúp đỡ những người thợ của mình bằng cách cho ở nhờ nhà của họ miễn phí hoặc giúp một khoản để thợ trả tiền chỗ ở.

Thành phố nước Anh vắng hoe vì phong tỏa

Những người thợ có giấy tờ được Chính phủ Anh hỗ trợ một khoản thu nhập dựa trên mức lương khai báo của họ nhưng một số cũng đã bắt đầu phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm của họ ở Việt Nam gửi ngược sang Anh. Một ngành nghề nữa mà nhiều người Việt ở đây làm là nhà hàng, hiện cũng đang trong tình trạng tương tự.
Hai lĩnh vực chủ đạo của người Việt đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Lam lại nghĩ tới hàng nghìn người Việt khác không có giấy tờ đang sống bất hợp pháp tại Anh, họ mới là những người gặp khó khăn nhất. Theo ‘The Resolution Foundation Think Tank’ thì trong 3 tháng tới tại Anh có thể sẽ có tới 11,7 triệu người sẽ phải 'nghỉ phép' (furloughed) ở nhà hoặc thất nghiệp.

Nhiều người vẫn lo lắng

Lam có đứa cháu mới 18 tuổi từ Việt Nam qua, đang học đại học ở London. Mấy ngày nay cháu bị sốt mà lại ở kí túc xá một mình nên bố mẹ cháu rất lo. Không được phép ra ngoài vì lệnh phong tỏa nên cô cũng chẳng thể làm gì ngoài gọi điện động viên và hướng dẫn cháu những việc cần làm.
Các bệnh viện của Anh giờ chỉ tiếp nhận những ca cấp cứu, mắc các bệnh đe dọa đến tính mạng, các bệnh nhân nhiễm cúm nặng nên cô bạn bác sỹ khuyên cháu nên nằm ở nhà tự uống thuốc giảm sốt và nghỉ ngơi. Ngoài sốt ra thì cháu không có biểu hiện khó thở nên hi vọng cháu sẽ nhanh khỏi. 
Bà lão hàng xóm tên Ann vừa gọi điện nhờ chồng cô đi lấy giúp ít thuốc theo đơn bác sỹ vì vợ chồng bà thuộc nhóm có rủi ro cao nên được Chính phủ khuyến cáo không nên ra ngoài. Hiệu thuốc ở ngay cạnh khu siêu thị ASDA, mấy ngày trước chồng cô đi mua đồ ăn phải xếp hàng hơn 30 phút mới vào tới siêu thị do yêu cầu mỗi người phải đứng cách nhau không dưới 2m.

Chính phủ Anh khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà

Gần 7 giờ tối ra tới nơi thấy siêu thị vắng người, không còn phải xếp hàng như ban ngày. Có lẽ đây là thời điểm tốt để đi siêu thị. Khi dịch bệnh mới bắt đầu, nhiều người lo lắng đã đi mua tích trữ đồ ăn, giấy vệ sinh… nên các mặt hàng này bỗng trở nên khan hiếm. Đến giờ, các siêu thị đã hoạt động khá bình thường trở lại. Hàng hóa đã lại được bày bán đầy trên các giá dù khách hàng vào siêu thị phải sếp hàng để đảo bảo không có quá nhiều người vào cùng lúc và khoảng cách tối thiểu giữa mỗi người là 2m.
Thảo, cô bạn học cùng trường đại học với Lam trước đây vừa gọi điện. Thảo trước là một nhà khoa học trẻ nhưng giờ cô làm ở bộ phận nghiên cứu cho một công ty nhỏ. Một ông thầy dạy đại học của cô đang nghiên cứu về corona virus tại phòng thí nghiệm riêng của ông. Ông đang thiếu khẩu trang dùng trong phòng thí nghiệm. Tình hình thiếu khẩu trang và đồ bảo hộ cho nhân viên Y tế của Anh đang là câu chuyện được cả xã hội quan tâm. Thảo đang đứng ra quyên góp khẩu trang và đồ bảo hộ cho phòng nghiên cứu của ông thầy và cả bệnh viện gần nơi Thảo đang sống.
Mấy ngày nay, người hùng cựu binh 99 tuổi Tom Moore đang vực dậy tinh thần cho nước Anh chống dịch. Lão anh hùng đang phải điều trị ung thư da và gẫy xương hông đã gây quỹ ủng hộ cho Y tế Anh bằng cách đi 100 vòng quanh vườn của cụ (khoảng 2,5km) để đánh dấu sinh nhật thứ 100 của mình với mong muốn lúc đầu là quyên được 1.000 bảng Anh.
Sau khi kết thúc 100 vòng chỉ khoảng 24 giờ, số tiền mọi người ủng hộ cụ đã lên gần 30 triệu bảng Anh. Một cựu binh gần 100 tuổi với bệnh tật đầy người mà còn cố hết sức mình vì người khác, thật đáng khâm phục và cảm động.

Bệnh viện St.Thomas

Một ngày của Lam khi nước Anh vẫn ở tình trạng phong tỏa

Như thường lệ, chuông điện thoại báo thức 7 giờ, Lam nhẹ nhàng chui ra khỏi giường để đứa nhỏ tiếp tục ngủ thêm chút nữa. Mùa này, 7 giờ sáng mặt trời đã lên cao, Lam mở cửa sau bước ra vườn, không khí hơi se lạnh nhưng dễ chịu. Khu vườn nhỏ mà vợ chồng Lam đã đầu tư thời gian, công sức chăm sóc nó giờ đây trờ thành một “pháo đài” giúp gia đình nhỏ của cô chống lại con virus cúm đang hoành hành.
Gia đình Lam sống cách London chỉ nửa giờ đi tàu nhưng là một khu vực rất yên tĩnh. Thường ngày cô chạy xe tới công ty cũng chỉ trong vòng 20 phút nhưng từ ngày có dịch cúm, cô không phải đến công ty nữa mà làm việc từ nhà. Cuộc sống đột ngột thay đổi với tất cả mọi người chứ không riêng gì với cô.
Hơn 5 giờ chiều, ngoài đường vắng hoe. Mọi ngày giờ này các đường chính ra vào trung tâm thành phố đã nghìn nghịt xe cộ. Trưa nay trời mưa nhẹ nhưng giờ thì đẹp và trong, Lam thấy mọi thứ quanh mình rộng hẳn ra, thấy mình như bé lại.

Khu vườn "trốn dịch" của gia đình Lam

Cô lùa bọn trẻ và cả ông chồng thích ngồi đọc của mình ra vườn để bắt đầu cho bài tập thể dục kéo dài 30 phút rồi cùng chơi tới giờ nấu bữa tối. Bình thường, giờ này người lớn chưa đi làm về còn trẻ con vẫn đang tham gia các câu lạc bộ. Từ lúc dịch bệnh tràn đến nước Anh, cả gia đình cô có nhiều thời gian cùng nhau hơn, có nhiều thời gian với mảnh vườn nhỏ, với thiên nhiên hơn.
Thời Lam mới sang Anh thì vùi đầu vào học hành, ra trường thì bận rộn công việc, rồi gia đình. Ngoảnh lại, cô giật mình thấy đã ở Anh hơn 20 năm rồi. Ngày mới sang thì lo toan ‘cơm áo gạo tiền’, sau đó là con cái và bao thứ khác nữa. Cô cũng như rất nhiều người đã bị một dòng chảy cuốn đi rất mạnh cho tới hôm nay.
Dòng chảy đó đang bị con virus corona chặn lại và bắt chuyển hướng. Lam thấy mình như đang có một khoảng lặng, đứng ra ngoài dòng chảy đó để tự nhìn lại mọi thứ. Có những thứ trước đây tưởng như rất cần thì nay không cần nữa. Có những thứ trước kia không để ý tới thì nay nó rất gần gũi với mình.
Trên tất cả những thứ đó, cô nhận ra một điều, thời gian ở bên bọn trẻ làm tan biến mọi căng thẳng, lo toan của mình. Dịch bệnh rồi sẽ qua nhưng nó sẽ làm cuộc sống của chúng ta thay đổi. Cô cũng sẽ phải thay đổi và cô đang có động lực rất lớn để thực hiện những thay đổi tích cực đó. 
Trước khi đi ngủ, cô nhắn tin hỏi thăm sức khỏe ông bà ở Việt Nam và cũng để ông bà biết cả nhà bên này đều bình an. Cuối tuần, bọn trẻ sẽ lại được nói chuyện cùng ông bà nội, ngoại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.