Vấn đề đạo đức, cách ứng xử của những nhà sáng tạo nội dung tiếp tục mở ra hàng loạt tranh luận.
YouTube chưa bao giờ là lĩnh vực ngừng gây bão với số lượng chủ khoản ngày càng bùng nổ như hiện nay. Ngoài tình trạng câu view "bẩn", không ít trường hợp đã làm sai lệch, bóp méo câu chuyện gây phẫn nộ gần đây. Đáng chú ý, Khoa Pug, kênh YouTube chuyên review về du lịch, ẩm thực… khiến nhiều người bất bình sau khi đăng tải clip “Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn - Khoa Pug gặp sự cố ở nhà hàng lẩu Geisha Kyoto”.
Du lịch nhiều nhưng thiếu hiểu biết
Trong video này, YouTuber Nguyễn Anh Khoa đã đặt chân đến thành phố Kyoto, vùng đất mang đậm nét văn hóa của các Geisha. Địa điểm mà chủ khoản này review được đề cập trong phần mô tả là một nhà hàng truyền thống, tồn tại hơn 100 năm. Đáng chú ý, ngay tiêu đề của clip này đã bị nhiều người phản đối. Bình luận bên dưới video, một người dùng bức xúc: “Cái tiêu đề cố tình câu view, trong video thì luôn mồm chị quỳ mình ngại quá. Không hiểu sao có nhiều người là fan của người này, câu view rẻ tiền”. Số khác cũng chia sẻ: “Ví dụ bạn là người phục vụ và bạn đọc được tiêu đó thì có phải là xúc phạm danh dự không. Vui đùa ở chỗ nào nhỉ?”.
Không chỉ bị phản ứng ngay từ cái tiêu đề, cách ứng xử của nam YouTuber này cũng vướng phải chỉ trích. Theo đó, cư dân mạng cho rằng Khoa Pug thiếu tôn trọng người Nhật do chưa tìm hiểu kỹ văn hóa của nước này. Khi đến thưởng thức ẩm thực tại nhà hàng này, vlogger Nguyễn Anh Khoa đã khiến một nữ nhân viên bật khóc và từ chối phục vụ sau đó rời khỏi phòng ăn. Chia sẻ trong video, anh cho rằng nữ nhân viên cảm thấy bất công khi trong phòng chỉ có một người đàn ông được ăn và 2 phụ nữ phải làm việc: một người quỳ phục vụ, một người đứng quay phim. Lời giải thích này được đề cập ngay cả trong phần mô tả của video.
|
Tuy nhiên, những người am hiểu văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản đã nhanh chóng "vào cuộc". Trong đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch cho biết: “Cô nhân viên đã nhiều lần nói bằng tiếng Nhật rằng không được quay hình cô ấy mà hãy ăn đi. Đây không phải mang ý nghĩa là vì sợ bạn quay phim không được ăn, mà là cô ấy không đồng ý cho người khác quay mình liên tục như vậy. Có một câu cô nhân viên nói, rất quan trọng, rằng "Tôi không phải đồ vật để nhìn ngắm, xin hãy dừng lại" chứng tỏ rằng cô không hề muốn bị ghi hình liên tục như vậy. Nhưng trong phần chèn thêm các text (được hiểu như vietsub) lại ghi rằng: "Chị thấy cameraman không đụng đũa tưởng tui cấm đoán, tự nhiên hôm nay đóng vai phản diện". Những thông tin này hoàn toàn sai”.
Bên cạnh đó, tác giả quyển Khóc giữa Sài Gòn cũng cung cấp thêm thông tin: “Không phải ngẫu nhiên mà ở Nhật hay Hàn Quốc, điện thoại, máy chụp hình của nước này sản xuất đều không thể tắt được tiếng khi chụp. Nguyên nhân chính là để hạn chế nạn chụp trộm dưới váy của phụ nữ nước này. Vì vậy, bảo mật hình ảnh ở các quốc gia này là rất quan trọng. Ở Nhật, luật pháp quy định nếu chưa có sự đồng ý của người khác mà quay hình và đăng lên mạng sẽ bị phạt tiền nếu người kia kiện, hành động của Khoa là vi phạm pháp luật Nhật”.
Muốn YouTube “trong lành”, người xem cần tự điều chỉnh
“Xã hội giờ công nghệ nó làm hư rất nhiều kẻ rẻ tiền, chỉ vì sống và mưu sinh với những lượt xem, lượt like trên YouTube, Facebook mà cố tình bán rẻ nhân phẩm mình để đạt được”, đầu bếp Võ Quốc bức xúc chia sẻ về vụ việc Khoa Pug trên trang cá nhân. Ngoài ra, anh còn thẳng thắn chỉ trích gay gắt vlogger Nguyễn Anh Khoa.
|
Sự giận dữ của đầu bếp Võ Quốc cũng như hàng loạt người dùng mạng xã hội về trường hợp của vlogger Nguyễn Anh Khoa không phải là chuyện hiếm có. Nội dung biến tướng, câu view "bẩn" vốn từ lâu đã là thực trạng nhức nhối trên YouTube. Tuy nhiên, việc quản lý nội dung trên trang mạng xã hội này gần như là chuyện bất khả thi. Bản thân YouTube chỉ có thể quét những hình ảnh, câu từ mang tính nhạy cảm cũng như dựa vào báo cáo từ phía người dùng. Thực tế, quy trình này không thể quản lý bao quát môi trường YouTube, thị trường sinh lợi màu mỡ đối với chủ khoản bất chính.
Thực tế cho thấy, những YouTuber thì luôn quan tâm đến số lượt view và người theo dõi. Nội dung càng giật gân, nhạy cảm thì những con số kỳ vọng càng tăng. Tuy nhiên, điều đáng nói là chất lượng về mặt nội dung và văn hóa ứng xử tối thiểu lại không tỉ lệ thuận với những con số. Nếu xem xét kỹ video của Khoa Pug, dễ dàng nhận thấy tính chủ quan và cẩu thả trong việc thẩm định thông tin. Cả Khoa Pug và người đồng hành đều không thành thạo ngoại ngữ cả tiếng Anh và tiếng Nhật nên dẫn đến nhiều trường hợp bất đồng ngôn ngữ. Bản thân vlogger này cũng không hề tìm hiểu rõ văn hóa nước sở tại. Mặc dù nữ nhân viên có trao đổi trước khi bức xúc bỏ đi nhưng thực chất Khoa Pug cũng không hiểu người này nói gì. Tất cả những gì anh làm là dựa trên đánh giá chủ quan và tự suy diễn. Bên cạnh đó, điều quan trọng khiến chủ khoản này vướng phải lùm xùm là việc thiếu ý thức về sức ảnh hưởng của bản thân. Với 2,26 triệu người đăng ký cùng 1 triệu lượt xem trung bình mỗi video, Khoa Pug sở hữu sức ảnh hưởng và định hướng thông tin dễ dàng. Khi đám đông tung hô, người ta thường dễ đánh mất chính mình. Điều Khoa Pug đánh mất chính là chuẩn mực đạo đức và quy cách ứng xử trên môi trường mạng xã hội.
|
Đứng ở góc độ nhà sản xuất nội dung, vlogger Trần Lê Thu Giang, chủ kênh Giang Ơi với hơn 1 triệu người đăng ký chia sẻ với Thanh Niên: “Mình ước mình có thể nói rằng những nội dung phản cảm sẽ mau chóng trôi qua và kênh YouTube ấy không thể đi đường dài. Tuy nhiên cảm nhận của cá nhân mình không phải điều quan trọng. Điều quan trọng là mỗi ngày trôi qua đều có rất nhiều nội dung phản cảm vẫn mang lại lợi nhuận cho chính chủ và mỗi người xem cần lựa chọn nội dung mình tiêu thụ. Một người thường trở thành những gì mà ngày qua ngày họ xem. Ai cũng cần đưa ra lựa chọn cho chính mình”.
Song, cô cũng cho biết việc sáng tạo nội dung lành mạnh buộc YouTuber phải am hiểu về môi trường họ đang hoạt động. Việc cải thiện quan điểm của khán giả phải trải qua thời gian dài và phụ thuộc phần lớn vào lựa chọn của họ.
Sự việc ồn ào từ Khoa Pug chỉ là một trong hàng trăm trường hợp đang diễn ra trên YouTube. Tuy nhiên, với sức ảnh hưởng cùng cách thức ứng xử kém với truyền thông đã khiến “giọt nước tràn ly”. Theo quy luật cung cầu, người xem tự do trong lựa chọn và chủ khoản hoàn toàn được quyền giải tóa cơn khát đó. Tuy nhiên, bài học về đạo đức và quy chuẩn về hành vi trên mạng xã hội cần được ưu tiên hàng đầu.
Xã hội giờ công nghệ nó làm hư rất nhiều kẻ rẻ tiền, chỉ vì sống và mưu sinh với những lượt xem, lượt like trên YouTube, Facebook mà cố tình bán rẻ nhân phẩm mình để đạt đượcĐầu bếp Võ Quốc |
Bình luận (0)