Xem nhanh: Ngày 344 chiến dịch Nga, Đức gửi thêm xe tăng cho Ukraine, ông Putin nhắc trận Stalingrad để răn đe

Xem nhanh: Ngày 344 chiến dịch Nga, Đức gửi thêm xe tăng cho Ukraine, ông Putin nhắc trận Stalingrad để răn đe

Thanh Niên
Chịu trách nhiệm nội dung: Thế Vinh; Kịch bản + MC: Trúc Huỳnh; Quay: Tuấn Anh; Dựng + làm thumbnail: Thanh Nguyên
03/02/2023 23:30 GMT+7

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 2.2 cảnh báo, Nga có thể đã bắt đầu chiến dịch tấn công mới.

Giới chức quốc phòng Ukraine nhiều tuần qua liên tục cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị cho một đợt tấn công mới quy mô lớn nhằm xoay chuyển cục diện chiến sự sau khi không đạt bước tiến đáng kể nào trong nhiều tháng liền, mà ngược lại còn phải rút quân khỏi một số vùng lãnh thổ ở Ukraine.

Theo nhận định của Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ, khó có khả năng Nga sẽ mở thêm hướng tấn công từ Belarus vào Ukraine. Tuy nhiên, ISW cho rằng Nga có vẻ đang tìm cách buộc Ukraine phải đưa quân lên khu vực biên giới phía đông bắc với Belarus nhằm kéo căng và dàn mỏng lực lượng của Kyiv trước trận đánh lớn vào các khu vực quan trọng khác.

Còn hãng tin Bloomberg ngày 2.2 dẫn lời quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết nước này đang khuyến cáo Ukraine tìm cách hoãn binh để chờ xe tăng chủ lực và nhiều vũ khí khác được phương Tây chuyển đến. Họ cũng cho rằng Ukraine nên rút quân khỏi thành phố Bakhmut mà Nga đang khép vòng vây, để bảo tồn nguồn lực cho chiến dịch phản công cuối mùa xuân.

Hôm 3.2, cảnh báo không kích vang lên ở Kyiv và nhiều địa phương trên khắp Ukraine giữa lúc hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine chuẩn bị khai mạc tại thủ đô của nước này.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Zelensky đã tiếp đón Chủ tịch EU Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cùng các quan chức hàng đầu khác của EU, những người đến Kyiv với cam kết sẽ hỗ trợ “chừng nào Ukraine còn cần thiết”.

EU đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Kyiv nhân cột mốc 1 năm ngày Nga triển khai chiến dịch quân sự 24.2.2022. Tuy nhiên, khả năng nhanh chóng gia nhập EU của Ukraine là tương đối thấp.

EU từ chối cung cấp lộ trình nhanh chóng để Ukraine trở thành thành viên do nước này đang có xung đột. Các quan chức EU đã liệt kê nhiều yêu cầu đầu vào, từ sự ổn định chính trị và kinh tế đến việc áp dụng các luật khác nhau của EU. Quá trình này có thể mất nhiều năm.

Quốc gia cuối cùng gia nhập EU là Croatia vào năm 2013, và nước này đã phải mất đến 10 năm sau khi chính thức nộp đơn thì mới đạt được mục đích. Kyiv đã đăng ký trở thành thành viên và vào tháng 6 năm ngoái đã nhận được tư cách ứng cử viên chính thức từ EU.

Kính mời quý vị đón xem bản tin tổng hợp tình hình giao tranh Nga-Ukraine ngày 3.2.2023 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.