Xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: Lời khai của bị cáo đáng tin?

15/10/2019 00:00 GMT+7

Các bị cáo chính trong vụ gian lận điểm thi cho hàng trăm thí sinh tại kỳ thi THPT năm 2018 tại Hà Giang khai 'hoàn toàn tự nguyện'... khiến chủ tọa phiên tòa phải hỏi: 'Lời khai của bị cáo có đáng tin không?'.

Các bị cáo chính trong vụ nâng điểm, sửa bài thi cho hàng trăm thí sinh tại kỳ thi THPT năm 2018 tại Hà Giang khai “hoàn toàn tự nguyện”, “không nhận được tiền hay lợi ích vật chất nào”, khiến chủ tọa phiên tòa phải hỏi: “Lời khai của bị cáo có đáng tin không?”.
Ngày 14.10, TAND tỉnh Hà Giang mở lại phiên sơ thẩm xét xử 5 bị cáo liên quan vụ nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại địa phương này. Các bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài (50 tuổi, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Giang); Vũ Trọng Lương (41 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị cáo: Triệu Thị Chính (51 tuổi, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang); Phạm Văn Khuông (60 tuổi, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT); Lê Thị Dung (50 tuổi, Công an tỉnh Hà Giang), cùng bị xét xử về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. TAND tỉnh Hà Giang triệu tập 178 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng nhưng 82 người có đơn xin vắng mặt, 19 người vắng không lý do.

Nâng điểm vì tình cảm !?

HĐXX dành cả ngày để thẩm vấn 2 bị cáo chính là Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương; cả hai thừa nhận cáo trạng truy tố đúng hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Lương khai từ tháng 5.2018, đã được bị cáo Hoài gọi đến phòng làm việc để hỏi cách sửa chữa bài thi. Sau khi xem về cách chuyển dữ liệu bài thi về Bộ GD-ĐT, Lương trả lời Hoài có thể thực hiện và được Hoài 3 lần đưa danh sách ghi thông tin cần nâng điểm.
Từ ngày 30.6 - 2.7.2018, Lương đã sửa dữ liệu 309 bài thi các môn trắc nghiệm của 107 thí sinh (TS). Ngày 7.7.2018, do các TS được sửa bài thi có điểm rất cao, sợ bị lộ nên Hoài lại đưa chìa khóa cho Lương đến Trường THPT chuyên Hà Giang (nơi chấm thi) lấy bài thi đưa về phòng làm việc của Lương tại Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang để sửa chữa cho khớp với kết quả báo về Bộ GD-ĐT.
“Việc Hoài đưa cho bị cáo danh sách TS để nâng điểm bài thi có thỏa thuận điều kiện gì không?”, HĐXX hỏi. “Không có thỏa thuận gì”, bị cáo Lương đáp, đồng thời nói: “Bị cáo là cấp dưới, cấp trên nói thì làm. Bị cáo tự nguyện chứ không bị ép buộc”. Ngoài danh sách 93 người do Hoài đưa, bị cáo Lương cũng nói đã tự sửa chữa bài thi để nâng điểm cho 14 trường hợp khác là người thân và cũng không nhận lợi ích vật chất gì. Bị cáo Hoài cũng khẳng định việc nhận được danh sách rồi chuyển cho Lương để sửa điểm là hoàn toàn “phi lợi nhuận”. “Không có bất cứ khoản tiền bạc nào, mà xuất phát từ tình cảm với nhau”, bị cáo Hoài khai.
Tuy nhiên, khi chủ tọa yêu cầu liệt kê các trường hợp “tình cảm thân thiết với nhau” thì bị cáo này than “nhiều quá không nhớ hết”. Khi HĐXX cho công bố các bút lục, bị cáo Hoài liệt kê được 47 trường hợp đã chuyển thông tin TS gồm họ tên, số báo danh, điểm thi, môn thi cho Hoài để nhờ sửa điểm...
“Nếu là tình cảm thì người ta nhờ một vài trường hợp nhưng ở đây có người nhờ tới 5 trường hợp, có người nhờ tới 20 trường hợp. Bị cáo nghĩ sao, không lẽ bị cáo không hỏi sao nhờ gì mà nhiều thế?”, chủ tọa truy.
“Bị cáo không bao giờ hỏi lại họ”, bị cáo Hoài đáp và thừa nhận việc làm của mình là vi phạm pháp luật. “Thời điểm đó không nghĩ đến việc này mà cứ nghĩ giúp được ai thì giúp”, bị cáo Hoài trả lời. Nghe những lời này, chủ tọa phiên tòa nói: “Lời khai của bị cáo có đáng tin không?”. Bị cáo Hoài suy nghĩ rồi đáp: “Trên thực tế, tôi không nhận một chút vật chất gì”.

“Đây là con em lãnh đạo và đồng nghiệp”

Bị cáo Hoài khai ngoài 107 trường hợp đã được nâng điểm môn thi trắc nghiệm, Hoài còn nhận được danh sách 13 TS do bị cáo Triệu Thị Chính, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, đưa. “Danh sách trên giấy A4, được đánh máy, ghi số thứ tự, họ tên, số báo danh, địa điểm thi, phòng thi”, bị cáo Hoài khai.
“Giữa bị cáo Chính và bị cáo trao đổi nội dung gì?”, HĐXX hỏi. “Bị cáo Chính đưa danh sách và nói: “Đây là con em của lãnh đạo và đồng nghiệp, anh xem xét nâng điểm môn văn cho những thí sinh này”, bị cáo Hoài đáp và khẳng định thêm, trong số 13 TS chỉ có 1 TS là nhờ xem điểm; còn lại đều được bà Chính nhờ nâng điểm.
Đáng chú ý, trong phần thẩm vấn, HĐXX đã cho cách ly các bị cáo Lương và Hoài, song khi khai nhận về bản danh sách này, cả 2 bị cáo đều khai nhận TS đứng đầu trong bản danh sách này là Triệu Ngọc Mai (con gái ông Triệu Tài Vinh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là Phó ban Kinh tế T.Ư).
“TS Triệu Ngọc Mai tôi nhớ rõ, thống nhất điểm là 8”, bị cáo Hoài khai. Bị cáo Lương khai thêm: “Ngày 30.6.2018, khi bị cáo xuống phòng anh Hoài, anh Hoài có đưa cho bị cáo 1 tờ giấy A4 nói đây là danh sách chị Chính nhờ nâng điểm. Anh Hoài có chỉ cho bị cáo 3 TS nhờ nâng điểm để kiểm tra xem có trong danh sách chưa...”.
“13 trường hợp đó gồm những ai?”, HĐXX hỏi.
“Bị cáo chỉ nhớ vị trí số 1 là Triệu Ngọc Mai; số 2 Phạm Tuấn Minh; số 3 Nguyễn Hữu Minh Anh”, bị cáo Lương đáp và cho biết cả 3 trường hợp này trước đó đều đã nằm trong bản danh sách M9 (gồm 93 TS cần được nâng điểm mà bị cáo Hoài đã đưa cho bị cáo Lương).

Mở lại phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi tại Sơn La

Sáng nay 15.10, dự kiến TAND tỉnh Sơn La mở lại phiên xét xử sơ thẩm 8 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018, sau 1 tháng tạm hoãn, do vắng nhiều nhân chứng và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 14.10, đại diện TAND tỉnh Sơn La cho biết, phiên tòa sẽ diễn ra trong 5 ngày (15 -19.10). Trước phiên tòa lần này, TAND tỉnh Sơn La đã tống đạt giấy triệu tập 90 người và 1 đơn vị là Sở GD-ĐT; đồng thời đề nghị các cơ quan hữu trách phối hợp để những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng có thể tham gia phiên tòa. Trong đó, TAND tỉnh đề nghị thủ trưởng các đơn vị hỗ trợ để 27 người làm chứng quan trọng có mặt tại tòa.
Trong danh sách 27 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin của các TS nhờ “xem điểm” có ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; ông Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La; ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La…
Tại phiên tòa lần này, theo TAND tỉnh Sơn La, với những trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì có thể bị dẫn giải. Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cũng đã có công văn chỉ đạo những người liên quan có mặt tại phiên xử để việc xét xử công minh, chính xác. 
T.Hằng

Hai ổ khóa... cũng như không

Các bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương khai nhận, quá trình chấm thi, lưu giữ bài thi theo quy trình của Bộ GD-ĐT đều có sự giám sát của công an và thanh tra do Bộ GD-ĐT ủy quyền. Các bài thi được chứa trong hòm tôn có gắn niêm phong; mỗi lần mở hòm lấy bài thi chấm và cất vào đều được lập biên bản và gắn lại niêm phong. Phòng chứa bài thi và chấm thi đều có niêm phong và được khóa bằng 2 ổ khóa, 1 chìa do bị cáo Hoài giữ và 1 chìa do bị cáo Triệu Thị Chính giữ.
Theo quy chế, để mở được cửa phòng này phải có đủ thành viên, đặc biệt có mặt của các bị cáo Hòa và Chính. Tuy nhiên, khai tại tòa bị cáo Lương cho biết đã được Hoài đưa “cả một túi chìa khóa” và bị cáo lấy mở phòng thi, rồi thuê xe tải chở 4 hòm tôn đựng bài thi và các thiết bị máy tính, máy scan... về phòng làm việc để sửa chữa bài thi cho khớp với kết quả gửi về Bộ GD-ĐT. Mỗi bài thi trắc nghiệm có từ 50 - 60 câu, bị cáo Lương chỉ sửa đáp án đúng khoảng 30 - 35 câu. Mỗi bài thi sửa lại được Lương thực hiện trong vòng 6 giây; còn sửa dữ liệu bài thi của TS để gửi về Bộ chỉ mất 2 giây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.