Xử nghiêm lãnh đạo 'ngại' tiếp công dân

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/09/2019 07:00 GMT+7

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ rõ người đứng đầu các ngành, các cấp nào không trực tiếp thực hiện tiếp công dân theo quy định để có biện pháp xử lý nghiêm.


Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm việc tiếp công dân

Trình bày báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 của Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 11.9, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận, một trong những hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Vẫn còn địa phương, đơn vị (nhất là ở cấp cơ sở) chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo, nhất là của người đứng đầu theo quy định của luật Tiếp công dân, hoặc ngại tiếp công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người”, ông Khái đánh giá.
Khi nêu ý kiến thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể, phân tích sâu sắc hơn về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân, việc tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Báo cáo của Chính phủ cũng cần chỉ rõ người đứng đầu các ngành, các cấp nào không trực tiếp thực hiện quy định tiếp công dân, ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ để có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không thực hiện, nhằm đưa công tác này vào nền nếp, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài”, ông Định nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn lại trường hợp cục trưởng cục thuế một tỉnh phía nam qua kiểm tra cho thấy suốt 5 năm liền không tiếp công dân một ngày nào nhưng không thấy ai kỷ luật. “Do chúng ta xử lý không nghiêm nên các tỉnh khác cũng cứ thế không cần thực hiện tiếp công dân”, bà Nga nói và tán thành việc cần phải xử lý nghiêm các trường hợp người đứng đầu không thực hiện tiếp công dân theo quy định của pháp luật.

Khiếu nại, tố cáo tập trung vào lĩnh vực đất đai

Báo cáo của Chính phủ cho hay, tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 đạt 85,4%, cao hơn mục tiêu đề ra là 85%, nhiều đơn vị tỷ lệ giải quyết cao trên 90%. Góp ý sau đó, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện UBTVQH, cho rằng qua thống kê thì thấy tỷ lệ giải quyết các vụ việc do các đại biểu QH, đoàn đại biểu QH chuyển tới vẫn thấp, cả giải quyết và trả lời chỉ đạt từ 60 - 65%. “Đơn thư được đại biểu QH gửi đến thì cũng phải có thư trả lời là đã nhận được và sẽ giải quyết, chứ nhiều khi đến thư trả lời cũng không có”, bà Hải phản ánh.

Vận dụng “trường hợp đặc biệt” để thành lập TX.Sa Pa

 
 Tại phiên họp ngày 11.9, các thành viên TVQH cũng đã thống nhất đồng ý vận dụng trường hợp đặc biệt để thành lập TX.Sa Pa trên cơ sở H.Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Theo đó, mặc dù Sa Pa chỉ xấp xỉ đạt 3/5 tiêu chuẩn, còn 2/5 tiêu chuẩn và 1 tiêu chí chưa đạt theo quy định của QH, song Chính phủ đề nghị xác định đây là trường hợp đặc biệt để được áp dụng cơ chế đặc thù. Cũng tại phiên họp, UBTVQH đã thống nhất thông qua Nghị quyết thành lập 4 phường thuộc TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (Hoàng Quế, Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ); việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và TX.Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Cùng quan điểm, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng QH, băn khoăn về tỷ lệ nhiều nơi giải quyết khiếu nại tố cáo đạt trên 90%. “Chúng tôi lo ngại tỷ lệ 90% này là đã giải quyết xong hay là chỉ nhận đơn thư khiếu nại rồi để đó vì báo cáo không thấy nêu rõ”, ông Bình nêu và đề nghị cần phân tích số liệu giải quyết khiếu nại tố cáo theo lĩnh vực, địa phương, bộ, ngành để có bức tranh tổng thể, đồng thời đặt trong mối liên hệ với sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các địa phương. “Chẳng hạn vì sao một địa phương KT-XH phát triển mà khiếu nại, tố cáo lại phức tạp, nhiều lên?”, ông Bình nêu.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn lại số liệu phân tích kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo của Chính phủ cho thấy, trong số 17.389 vụ việc khiếu nại thì có hơn 3.500 khiếu nại đúng và đúng một phần, trong 7.086 vụ việc tố cáo thì có 1.910 tố cáo đúng, đúng một phần. Từ đó, bà Nga khẳng định, với con số hàng ngàn vụ khiếu nại, tố cáo đúng và đúng một phần như báo cáo thì cần phải đánh giá lại về chất lượng hoạt động của các cơ quan bị khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng khiếu nại trong những năm qua tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai, nhất là ở việc thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án có mục đích thương mại. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đây là nơi xảy ra nhiều sai phạm, tham nhũng, đồng thời việc thu hồi đất của dân với giá rẻ nhưng sau đó doanh nghiệp lại bán rất đắt dẫn đến người dân bức xúc. “Đề nghị Chính phủ có đánh giá tổng kết, để xem chỗ nào là do luật Đất đai, chỗ nào là do tổ chức thực hiện để có biện pháp khắc phục”, bà Nga kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.