Xung đột Ukraine: Khủng hoảng y tế có thể gây thiệt mạng nhiều hơn chiến sự

12/03/2022 07:20 GMT+7

Giữa bối cảnh hàng triệu người chạy trốn khỏi Ukraine , các chuyên gia cảnh báo các quốc gia tiếp nhận người tị nạn sẽ phải vật lộn để chăm sóc các bệnh nhân ung thư và nhiều bệnh khác.

Bà Katya đang đưa Alinka, cô con gái 17 tuổi bị ung thư xương, đi phẫu thuật khẩn cấp khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Bác sĩ gọi điện khuyên hai mẹ con nên quay về nhà để giữ an toàn. Hiện tại, họ đang ở Warsaw (Ba Lan) để đợi được điều trị.

“Chúng tôi sống ở một ngôi làng tại vùng Rivne, chúng tôi đi khám bệnh ở Kyiv. Từ khi việc khám bệnh bị gián đoạn vì xung đột nổ ra, chúng tôi được mời đến đây và quyết định đi ngay không chần chừ, vì đây còn là cuộc chiến giành mạng sống cho con gái tôi”, bà Katya cho biết.

Hai mẹ con Katya và Alinka nằm trong số hơn 1 triệu người sơ tán từ Ukraine đến Ba Lan để trốn khỏi cuộc chiến đang leo thang. Liên Hiệp Quốc ước tính đã có khoảng 4 triệu người chạy khỏi Ukraine.

Trong các xung đột thì khủng hoảng y tế, trong đó có việc không đến được bệnh viện để điều trị bệnh, bùng phát dịch bệnh, suy dinh dưỡng, thường làm nhiều người thiệt mạng hơn đáng kể so với bom đạn.

Ngoại trưởng Mỹ thăm người Ukraine tị nạn ở biên giới Ba Lan

Hiện nay có nhiều lo ngại dòng người tị nạn từ Ukraine tràn vào các nước láng giềng sẽ khiến hệ thống y tế các nước này quá tải. Ernest Kuchar, trưởng khoa nhi của bệnh viện Đại học Y Warsaw, cho biết hầu hết mọi trẻ tị nạn khi đến bệnh viện của ông đều dương tính với Covid-19:

“Chúng tôi có thể cứ nói rằng sẽ chữa trị cho tất cả trẻ em Ukraine, nhưng tôi e rằng điều đó là không thực tế. Vì vậy, chúng tôi trông chờ vào sự hỗ trợ của các quốc gia khác lớn hơn chúng tôi, chưa kể là còn giàu có hơn. Tôi biết rằng một số trẻ em bị bệnh bạch cầu đã đến Ý, một số khác đến Đức. Rất tốt. Tuy nhiên, chúng tôi chịu ảnh hưởng đầu tiên”.

Trước mắt, các cơ quan nhân đạo quốc tế, chính phủ các nước và nhiều tình nguyện viên nỗ lực gửi bộ dụng cụ chữa chấn thương, thuốc cấp cứu và xe cứu thương đến các điểm cửa khẩu biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là giải quyết các nhu cầu điều trị lâu dài, điều trị bệnh mãn tính trong khi các bệnh nhân thường không có giấy tờ, thuốc men và có sự bất đồng ngôn ngữ.

Sức khỏe tâm thần là một lĩnh vực đáng quan tâm khác, vì người tị nạn phải đương đầu với những chấn thương tinh thần không thể tưởng tượng được.

Sau hành trình kéo dài 24 giờ cùng con gái đến thủ đô Ba Lan, bà Katya vẫn lo lắng cho những thành viên gia đình khác còn ở lại Ukraine.

“Gia đình ư? Chồng tôi ở lại cùng 3 đứa con. Nhưng hãy hy vọng là mọi thứ sẽ yên ổn, hòa bình, và chúng tôi sẽ quay về Ukraine với gia đình và mấy đứa trẻ”, bà Katya nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.