Tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà gãy xương có thể cần từ vài tuần đến vài năm để hồi phục. Với những người bị gãy xương, sau khi lành hoàn toàn, họ thường sẽ tự hỏi liệu vị trí xương đó có yếu và dễ bị gãy hơn trước không, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Xương bị gãy khi đã hồi phục hoàn toàn thì vẫn chắc khỏe như trước khi bị gãy |
SHUTTERSTOCK |
Trên thực tế, trong khoảng thời gian đầu sau khi hồi phục, phần xương xung quanh vị trí bị gãy sẽ yếu hơn, tiến sĩ Terry Amaral, giám đốc phẫu thuật chỉnh hình nhi khoa tại Trung tâm Y tế Montefiore (Mỹ), giải thích.
Nguyên nhân là do trong quá trình hồi phục, vị trí xương gãy sẽ được bó bột lại. Điều này giúp phần đó được bảo vệ. Quá trình chữa lành của cơ thể sẽ giúp đoạn xương gãy được khoáng hóa ở mức độ cao. Phần xương xung quanh do không vận động sẽ bị khử khoáng, dẫn đến yếu hơn, tiến sĩ Amaral giải thích.
Tuy nhiên, khi đã lành hoàn toàn thì đoạn xương bị gãy và những phần xung quanh vẫn sẽ chắc khỏe như bình thường mà không hề yếu đi. Dù vậy, điều này không có nghĩa là vị trí đã lành đó sẽ không bao giờ bị gãy lần nữa.
Nghiên cứu cho thấy những người lớn tuổi từng bị gãy xương sẽ đối mặt nguy cơ gãy xương lần hai cao hơn bình thường. Vị trí bị gãy có thể là ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Điều này là do người lớn tuổi có xu hướng bị loãng xương, khiến mật độ xương bị giảm.
Để bảo vệ xương, các chuyên gia khuyến cáo nên thường xuyên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D, canxi. Đây là hai dưỡng chất quan trọng giúp xương chắc khỏe.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, việc tập luyện thể thao thường xuyên cũng rất quan trọng. Leo cầu thang, chạy bộ, đi bộ và nâng tạ là những bài tập rất tốt cho xương. Bỏ rượu bia, thuốc lá sẽ giúp xương khỏe mạnh hơn, vì rượu bia, thuốc lá là những thứ làm tăng nguy cơ loãng xương, theo Healthline.
Bình luận (0)