Bản tin Covid-19 ngày 13.8: TP.HCM triển khai tiêm 1 triệu liều vắc xin Vero Cell
13/08/2021 20:00 GMT+7
Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 13.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay .
Tự động phát
Ngày 13.8: Cả nước 9.180 ca Covid-19
Bản tin Bộ Y tế tối 13.8 cho biết tính từ 18 giờ ngày 12.8 đến 18 giờ ngày 13.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.180 ca nhiễm Covid-19 mới, đồng thời trong ngày cũng có 3.593 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Chiều 13.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 275 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam kể từ đầu dịch lên 5.088 ca.
Thông tin về 9.180 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trong ngày 13.8 gồm:
- 30 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 9.150 ca ghi nhận trong nước; trong đó có 1.999 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (3.531), Bình Dương (2.816), Đồng Nai (808), Long An (623), Khánh Hòa (243), Đồng Tháp (152), Cần Thơ (142), Trà Vinh (140), Hà Nội (97), Vĩnh Long (71), Bà Rịa - Vũng Tàu (69), Phú Yên (64), An Giang (61), Tây Ninh (61), Đà Nẵng (58), Thừa Thiên Huế (31), Bình Thuận (28), Gia Lai (18), Đắk Nông (16), Hà Tĩnh (15), Nghệ An (14), Bình Định (12), Quảng Ngãi (10), Quảng Trị (8 ), Kiên Giang (8 ), Ninh Thuận (7), Đắk Lắk (7), Bình Phước (7), Bạc Liêu (5), Hải Dương (4), Quảng Bình (4), Thanh Hóa (4), Lạng Sơn (4), Quảng Nam (4), Hậu Giang (3), Lâm Đồng (2), Nam Định (1), Hưng Yên (1), Cà Mau (1).
- Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận trong nước giảm 503 ca, trong đó TP.HCM giảm 310 ca, Bình Dương giảm 212 ca, Đồng Nai giảm 263 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 255.748 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.601 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 251.753 ca, trong đó có 89.964 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (140.539), Bình Dương (39.592), Long An (13.232), Đồng Nai (12.047), Đồng Tháp (4.621).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 92.738 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 511 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
Chiều 13.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 275 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong tại Việt Nam kể từ đầu dịch lên 5.088 ca. 275 ca tử vong được ghi nhận ở 10 tỉnh, thành phố. Đây là các bệnh nhân Covid-19 thứ 4.814 đến thứ 5.088 tại Việt Nam. Gồm: TP.HCM (223), Bình Dương (25), Tiền Giang (8), Đồng Tháp (4), Bến Tre (3), Bình Thuận (3), Đồng Nai (3), Long An (3), Khánh Hòa (2 ), Cần Thơ (1).
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 7.842.864 mẫu cho 22.000.347 lượt người.
- Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 13.256.472 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.064.617 liều, tiêm mũi 2 là 1.191.855 liều.
TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 15.8
Tại buổi họp báo trưa 13.8, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 để phòng, chống Covid-19.
Về việc có phân vùng xanh, vùng đỏ hay không, ông Phan Văn Mãi cho biết từ nay đến ngày 30.8, TP.HCM cố gắng sàng lọc đánh giá địa bàn để khu trú đúng khu phong tỏa để tổ chức xét nghiệm, xây dựng vùng xanh, cô lập vùng đỏ. Qua đó, áp dụng biện pháp giãn cách phù hợp cho từng vùng.
“Việc này phải làm thận trọng để dịch bệnh không lây lan”, ông Mãi nói.
Theo ông Mãi, dịch bệnh bệnh sẽ còn kéo dài nên chuẩn bị tâm lý “trường kỳ kháng chiến”, ít nhất là đến ngày 15.9 hoặc dài hơn ở những cấp độ khác nhau như nhiều thành phố lớn trên thế giới, sau khi đạt đỉnh thì dịch vẫn còn kéo dài.
Về các giải pháp, ông Mãi cho biết TP.HCM sẽ nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để kiểm soát tình hình; trong đó trọng tâm là chiến lược điều trị giảm tử vong trên 2 trụ cột: chăm sóc F0 tại nhà, cộng đồng và điều trị tại bệnh viện.
Về chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng gồm 5 đầu việc: nắm chặt danh sách F0 tại mỗi phường; kết nối F0 với có tư vấn viên thăm hỏi hằng ngày; cấp túi thuốc (do Bộ Y tế triển khai); lập tổ phản ứng nhanh của y tế cơ sở và sử dụng công nghệ hệ thống hóa F0 kết nối với các tầng còn lại.
Ông Mãi cho biết các công việc trên thành phố đã làm, nay tổ chức lại cho bài bản hơn; nếu thực hiện đồng bộ, hiệu quả thì quản lý được 80% ca F0 tại thành phố.
Về việc điều trị tại bệnh viện (tầng 2 – 5), ông Mãi nhấn mạnh mấu chốt là cung cấp ô xy; đồng thời rà soát lại để trang bị thêm, tổ chức sơ cấp cứu, cấp thuốc (do Bộ Y tế chỉ định, triển khai) đồng bộ từ bệnh viện dã chiến, bệnh viện quận huyện đến Trung tâm hồi sức.
TP.HCM đặc mục tiêu cao nhất là giảm số ca bệnh Covid-19 tử vong
Sáng 13.8, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin tỷ lệ tử vong của các ca bệnh mắc Covid-19 hiện nay khá cao (tính trung bình khoảng 241 ca/ngày).
Do đó, TP.HCM xác định mục tiêu cao nhất hiện nay là giảm ca tử vong tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức; trong đó tập trung giảm ca bệnh nặng ở tầng 2 - 3 để giảm áp lực tầng trên và giảm tử vong. Hiện TP đã đưa vào 4 trung tâm hồi sức với tổng quy mô 1.750 giường, nâng cao năng lực của Trung tâm cấp cứu 115, kiện toàn tổ phản ứng nhanh ở phường xã, chuyển đổi công năng taxi cấp cứu.
Để giảm tử vong, công tác sàng lọc, phân loại và tổ chức điều trị ở các tầng trong hệ thống điều trị tiếp tục được nâng cao năng lực. Hiện TP đã nâng cấp các bệnh viện tầng 2-3, huy động nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng, củng cố khả năng cung cấp ô xy cho bệnh nhân. “Hiện nhu cầu cung cấp ô xy rất cao, nếu cung cấp kịp thời và có thiết bị trợ thở thì sẽ cứu được nhiều người”, ông Đức nói.
|
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ tư vấn sức khỏe, chăm sóc F0 tại nhà được chú trọng; trong đó tập trung chăm lo về mặt tâm lý, nhu cầu lương thực thực phẩm và hỗ trợ tư vấn để củng cố nền tảng sức khỏe. Ông Đức cho biết đây là nội dung được thành phố triển khai mạnh trong thời gian tới; đồng thời Bộ Y tế đã có kế hoạch hỗ trợ cho thành phố về vấn đề này.
Người dân TP.HCM tiêm vắc xin Vero Cell: "Giờ không tiêm thì chờ đến lúc nào?"
Sáng 13.8.2021, UBND Q.1 (TP.HCM) tổ chức nhiều điểm tiêm vắc xin tại các phường cho người dân trên địa bàn quận. Tại điểm tiêm số 1 Huyền Trân Công Chúa, lực lượng y tế đã triển khai tiêm 1 triệu liều vắc xin Vero Cell. Trước khi tiêm, cán bộ y tế cũng đã thông tin đến người dân về loại vắc xin, người tiêm vắc xin muốn được tiêm cần phải làm giấy cam kết và tự nguyện tiêm.
Có mặt tại điểm tiêm này chiều 13.8, ngay từ cổng vào, lực lượng tiếp nhận đã thông báo ngay cho người dân đến tiêm loại vắc xin được tiêm là gì, quốc gia nào sản xuất, đồng ý thì mới vào khu vực bên trong. Trước khi tiêm, người dân cũng được tư vấn đầy đủ và thường xuyên về thông tin vắc xin, các triệu chứng gặp phải sau tiêm. Toàn bộ quy trình đều diễn ra công khai, minh bạch và tự nguyện. Nhiều người dân Q.1 đến điểm tiêm chiều 13.8 đều có chung cảm nhận về điều này.
|
Đại diện lực lượng y tế hỗ trợ điểm tiêm tại số 1 Huyền Trân Công Chúa chia sẻ với tâm lý của một số người dân khi đến điểm tiêm do trên mạng lan truyền nhiều thông tin khác nhau về các loại vắc xin, dẫn đến việc một số người hoang mang, thậm chí lớn tiếng và bỏ ra về.
|
Các bác sĩ và lực lượng chức năng liên tục tuyên truyền, tư vấn cho người dân có mặt tại điểm tiêm hiểu về quyền lợi và trách nhiệm khi tiêm vắc xin sớm với bản thân và cộng đồng trên tinh thần: “vắc xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất!”. Nhiều người dân chia sẻ cảm nhận được sự tận tình, chu đáo của lực lượng y tế khi đến tiêm.
Giống như hầu hết các loại vắc xin được cấp phép khác, lực lượng y tế tại đây cũng ghi nhận một số phản ứng nhẹ sau tiêm của người dân như sưng, mẩn đỏ tại vết tiêm… Tất cả mọi người được ở lại theo dõi 30 phút, sau đó mới trở về nhà.
|
Theo các lực lượng tại điểm tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trong những ngày tới, thành phố chuyển vắc xin gì về thì sẽ tiêm vắc xin đó. Tại điểm tiêm số 1 Huyền Trân Công Chúa sẽ tiếp tục tổ chức tiêm cho người dân vào đầu tuần tới.
Hàng rong, chợ tự phát tái diễn nhiều tuyến đường vùng ven TP.HCM
Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra, xử lý nhưng tình trạng buôn bán hàng rong, tụ tập tụ buôn bán tự phát trên một số con đường ở vùng ven TP.HCM có chiều hướng gia tăng những ngày qua, trong bối cảnh thành phố đang giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Sáng 12.8, ghi nhận trên nhiều tuyến đường như Liên Khu 5-6, đường số 2 khu dân cư Vĩnh Lộc, đường Tây Lân, Nguyễn Thị Tú, Tỉnh lộ 10, Trương Phước Phan (thuộc Q.Bình Tân); Liên ấp 1-2-3, Võ Văn Vân (H.Bình Chánh)… có một số người tập trung buôn bán hai bên đường.
Cụ thể, tại đường số 2 khu dân cư Vĩnh Lộc (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân), đoạn đường khoảng 100 mét có hàng chục người bày bán các loại từ thịt, cá, tôm đến rau củ quả… Theo người bán hàng, việc buôn bán tại đây không cố định giờ giấc, nếu phát hiện lực lượng chức năng đến đẩy đuổi, người bán sẽ rời đi, nhiều giờ sau quay lại bán tiếp.
Từ rất sớm, trên đường Liên Khu 5-6 (P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân), khi tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh, Co.op Food nhân viên đang chuẩn bị mở cửa thì bên ngoài, dọc theo tuyến đường này đã tấp nập cảnh người bán, người mua.
Hơn 7 giờ, một bảo vệ dân phố và dân phòng xuất hiện, đi dọc theo tuyến đường Liên khu 5-6 nhắc nhở thì việc buôn bán tạm ngưng. “Trước đó chỉ vài điểm bán lén lút thôi, những ngày gần đây người ta bày bán như một cái chợ dù đang còn giãn cách. Có lực lượng chức năng thì họ dẹp, không thì bán đầy ra đó”, một người dân cho biết.
|
Khu vực đường Liên Ấp 1-2-3 (H.Bình Chánh) gần đường Võ Văn Vân, dù có nhiều điểm bị phong tỏa và có chốt chặn của lực lượng chức năng kiểm soát người ra vào, nhưng bên trong các hẻm gần đó, người dân vẫn lén lút buôn bán.
Cuối đường Liên Ấp ra đến đường Tây Lân (Q.Bình Tân), có nhiều người buôn bán hàng rong dọc theo hai bên đường. Anh T., người bán tôm tại đây cho hay dù biết vi phạm quy định giãn cách xã hội nhưng cả gia đình đang thuê trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày buộc anh phải ra đường kiếm sống. “Nhà hảo tâm có giúp gạo, mì nhưng đã ăn hết rồi. Ra đây bán kiếm tiền nuôi con nhỏ mà sợ bị phạt quá”, anh T. lo lắng.
Tài xế luồng xanh được test nhanh Covid-19 ở Bến xe Nước Ngầm
Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Hà Nội, Bộ GTVT đã thống nhất bổ sung các đơn vị theo đề xuất của Cục Y tế GTVT để thực hiện test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa, đặc biệt các lái xe luồng xanh.
Trên địa bàn thành phố, hiện có 4 đơn vị được tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa tại cơ sở khám, chữa bệnh và tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu động, gồm Bệnh viện Nam Thăng Long, Phòng khám đa khoa GTVT Gia Lâm, Trung tâm Y tế đường bộ 2, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường GTVT.
Nhằm giúp tài xế thuận tiện và tiết kiệm thời gian trong việc lấy mẫu xét nghiệm, hoàn thiện đủ giấy tờ cần thiết trong quá trình lưu thông, Bệnh viện Nam Thăng Long đã phối hợp với Bến xe Nước Ngầm (ở Q.Hoàng Mai) thiết lập 1 điểm test nhanh ngay tại bến xe này.
Từ sáng sớm ngày 13.8, hàng chục tài xế đã có mặt để làm thủ tục test nhanh SARS-CoV-2. Sau khi khai báo y tế, các tài xế sẽ quét mã QR-Code để kiểm tra hiệu lực luồng xanh phương tiện của mình và đối chiếu giấy tờ cá nhân với thông tin kết quả quét mã, sau đó mới thực hiện lấy mẫu và nhận kết quả. Toàn bộ quy trình này mất khoảng 40 phút.
Mỗi lần test nhanh, lái xe luồng xanh chỉ mất chi phí 70.000 đồng, còn các tài xế không thuộc luồng xanh sẽ phải bỏ ra 280.000 đồng để được lấy mẫu, test nhanh.
Một nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại điểm test nhanh Bến xe Nước Ngầm cho biết trong ngày 12.8, điểm này đã test cho hơn 200 tài xế luồng xanh và kết quả đều âm tính. Trong sáng 13.8, hàng chục mẫu test cũng chưa ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
4 người từ Campuchia vượt biên trái phép về Việt Nam dương tính Covid-19
20 giờ 45 phút tối 12.8.2021, tại khu vực gần cột mốc 166, trên địa bàn ấp Long Hưng, xã Long Thuận, H.Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 số 8, thuộc Trạm kiểm soát biên phòng Long Thuận đã phát hiện nhóm 3 người đang men theo đường ruộng, nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam. Trong đó, có 1 phụ nữ đang bồng theo con nhỏ.
Lực lượng biên phòng đã ngăn chặn, lập biên bản vụ việc. Theo đó, một người đàn ông 42 tuổi cùng người vợ 39 tuổi, có quê ở TT.Trung Thành, H.Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, bồng theo con gái chỉ vừa tròn 2 tháng tuổi. Cùng đi với 2 vợ chồng này còn có một phụ nữ 34 tuổi, ở P.Lam Sơn, TX.Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã vượt biên để nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Trước đó, cả 3 người đi làm thuê tự do tại Campuchia. Do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, không có việc làm. Khoảng một tuần này, người đàn ông thấy vợ bị sốt, ho, khó thở nghi nhiễm Covid-19 nên quyết định vượt biên trái phép về Việt Nam để được điều trị.
Sau khi được đưa đi cách ly tập trung, đến 22 giờ đêm 12.8, qua test nhanh, Trung tâm y tế H.Bến Cầu xác nhận cả 4 người đều dương tính với Covid-19.
Chưa được phép tiêm dịch vụ vắc xin Covid-19
Trước một số ý kiến đề cập về tiêm chủng dịch vụ, mới đây, trong văn bản chỉ đạo về công tác tiêm chủng ngày 6.8 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, nêu rõ: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêm chủng vắc xin theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng”.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã có 18,7 triệu liều vắc xin Covid-19 (tính đến ngày 6.8 ), trong đó hơn 14 triệu liều mới tiếp nhận từ giữa tháng 7 và đầu tháng 8. Trả lời Thanh Niên chiều 12.8, một lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định: “Chưa được tiêm dịch vụ (người được tiêm tự trả phí - PV) với vắc xin Covid-19. Vắc xin Covid-19 được tiêm hoàn toàn miễn phí cho người dân, theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về nhóm ưu tiên, độ tuổi, điều kiện sức khỏe”.
Chia sẻ thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng: “Hiện chỉ nên tiêm miễn phí với vắc xin Covid-19, vì nếu tiêm dịch vụ sẽ phân hóa giàu nghèo và người cần tiêm thì mất cơ hội tiêm vì họ nghèo”. “Ngay cả khi triển khai song song 2 hệ thống: tiêm miễn phí (do nhà nước triển khai, chi trả toàn bộ) và tiêm dịch vụ (do các công ty nhập vắc xin và triển khai tiêm) thì cũng chưa khả thi, vì hiện tại, các công ty vắc xin không bán cho tư nhân mà chỉ bán cho nhà nước. Có thể các nhà cung cấp muốn gắn trách nhiệm cho nhà nước đảm bảo về kinh phí và triển khai hiệu quả, tại thời điểm tiếp cận vắc xin rất khó khăn như hiện nay”, ông Nga nói.
Để thêm cơ hội tiếp cận vắc xin Covid-19, trước đó, từ cuối tháng 5.2021, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định Bộ Y tế khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin, nếu có ủy quyền chính thức của nhà sản xuất. Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của nhà nước thực hiện tiêm chủng vắc xin này.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho hay trong nhập khẩu vắc xin, kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện. Đối với các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và ủy quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ họp, thẩm định và cấp phép cho vắc xin đó.
Khi vắc xin được nhập khẩu vào VN, trong vòng 2 ngày, nếu có hồ sơ hợp lệ, Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ thẩm định hồ sơ và cho phép xuất xưởng để sử dụng theo quy định của WHO. Những nội dung này đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã sẵn sàng thực hiện những việc này.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho hay đối với các địa phương, đơn vị có khả năng nhập khẩu, tiếp cận nguồn cung vắc xin phòng Covid-19, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện cấp phép nhập khẩu, kiểm định và chỉ đạo tiêm chủng đảm bảo tiến độ, an toàn, hiệu quả. Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý dược làm đầu mối hỗ trợ các đơn vị.
Những ai được được dùng thuốc Remdesivir để điều trị Covid-19?
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các đơn vị được phân bổ, sử dụng thuốc Remdesivir trong điều trị Covid-19 hướng dẫn triển khai sử dụng thuốc Remdesivir.
Theo văn bản này, các bệnh viện phải thông báo với bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân các thông tin về việc thuốc được cấp phép nhập khẩu. Chỉ được sử dụng thuốc sau khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.
Theo hướng dẫn tạm thời sử dụng thuốc Remdesivir 100mg (5mg/ml) theo hướng dẫn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA Hoa Kỳ), Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA), thuốc Remdesivir chỉ định dùng cho người bệnh Covid-19 điều trị nội trú tại bệnh viện có suy hô hấp phải thở oxy, thở HFNC, hoặc thở máy không xâm nhập.
Thời điểm dùng thuốc Remdesivir là trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh và nên phối hợp với Dexamethasone. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc này ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm: người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (BMI >25). Bộ Y tế lưu ý không bắt đầu sử dụng thuốc cho người bệnh Covid-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO.
Riêng đối với các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ thuốc này chống chỉ định với trường hợp phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần của thuốc; Suy chức năng thận eGFR < 30mL/phút; Tăng enzyme gan ALT > 5 lần giá trị giới hạn trên; Suy chức năng đa cơ quan nặng.
Bộ Y tế lưu ý thuốc này thận trọng sử dụng với phụ nữ có thai và cho con bú: Chưa có dữ liệu đầy đủ. Không khuyến cáo trừ trường hợp lợi ích vượt trội so với nguy cơ. Đặc biệt không truyền Remdesivir cùng lúc với các thuốc khác.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết thuốc này có các tác dụng không mong muốn như: Các phản ứng do quá mẫn như tụt huyết áp, buồn nôn, nôn, chảy mồ hôi, rùng mình. Nên lựa chọn truyền chậm trong 120 phút để hạn chế tác dụng không mong muốn.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 13.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)