Bản tin Covid-19 ngày 18.3: Cả nước hơn 7,3 triệu ca | Đang nghiên cứu tiêm mũi vắc xin thứ 4

18/03/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 18.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 18.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 197.476 ca Covid-19, 175.971 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 18.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 17.3 đến 16h ngày 18.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 163.174 ca nhiễm mới. Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 34.302 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 197.476 ca.Trong ngày có 175.971 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin Bộ Y tế cũng thông báo về 57 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 41.740 ca.

Ngày 18.3: Công bố 197.476 ca Covid-19, 175.971 ca khỏi | Hà Nội 23.578 ca | TP.HCM 2.246 ca

Bản tin Bộ Y tế cũng đính chính thông tin ca nhiễm mới tại Lào Cai vào ngày 17.3.2022. Theo Bộ Y tế, do lỗi trong quá trình nhập dữ liệu lên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 nên số ca nhiễm mới tại tỉnh Lào Cai vào ngày 17.3.2022 bị tăng gấp đôi (từ 4.787 ca lên 9.574 ca). Vì vậy, số liệu ca nhiễm mới ngày 17.3.2022 tại Lào Cai được điều chỉnh lại là 4.787 ca. Tổng số ca nhiễm mới trên cả nước ngày 17.3 là 173.325 ca trong đó có 173.322 ca ghi nhận trong nước.

Trở lại với bản tin ngày 18.3, thông tin về 197.476 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 9 ca nhập cảnh.
  • 163.165 ca ghi nhận trong nước (giảm 10.157 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 109.601 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (23.578), Nghệ An (9.968), Phú Thọ (8.042), Bắc Ninh (6.488), Lạng Sơn (5.011), Lào Cai (4.671), Đắk Lắk (4.460), Hải Dương (4.407), Tuyên Quang (4.389), Sơn La (4.198), Vĩnh Phúc (3.995), Hòa Bình (3.960), Hưng Yên (3.849), Quảng Bình (3.590), Cà Mau (3.160), Điện Biên (3.097), Thái Bình (3.074), Yên Bái (3.062), Bình Dương (3.060), Bình Định (2.965), Thái Nguyên (2.899), Quảng Ninh (2.889), Lâm Đồng (2.729), Bắc Giang (2.723), Lai Châu (2.658), Cao Bằng (2.656), Bến Tre (2.572), Quảng Trị (2.285), TP.HCM (2.246), Hà Nam (2.105), Hà Giang (2.068), Nam Định (1.998), Bình Phước (1.951), Tây Ninh (1.843), Vĩnh Long (1.781), Ninh Bình (1.721), Bắc Kạn (1.696), Trà Vinh (1.603), Hải Phòng (1.243), Phú Yên (1.235), Khánh Hòa (1.192), Thanh Hóa (1.099), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.000), Kon Tum (987), Đắk Nông (986), Đà Nẵng (956), Hà Tĩnh (944), Quảng Ngãi (899), Bình Thuận (767), Thừa Thiên Huế (547), Quảng Nam (341), Long An (312), Bạc Liêu (305), Đồng Nai (191), An Giang (160), Kiên Giang (156), Cần Thơ (129), Đồng Tháp (90), Ninh Thuận (62), Sóc Trăng (57), Hậu Giang (54), Tiền Giang (6).
  • Ngày 18.3.2022, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 34.302 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-3.620), Thái Nguyên (-1.936), Hà Nội (-1.733).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+1.468), Trà Vinh (+730), Sơn La (+499).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 170.600 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 7.367.112 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 74.542 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.359.460 ca, trong đó có 3.859.142 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (940.034), TP.HCM (579.844), Bình Dương (356.643), Nghệ An (325.416), Bắc Ninh (253.879).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 175.971 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 3.861.959 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.144 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.290 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 422 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 111 ca
  • Thở máy xâm lấn: 316 ca
  • ECMO: 5 ca

Từ 17h30 ngày 17.3 đến 17h30 ngày 18.3 ghi nhận 57 ca tử vong tại: Quảng Ninh (6), Hà Nội (5), Bến Tre (4), Đồng Nai (3), Kiên Giang (3), Nghệ An (3), Phú Thọ (3), Cà Mau (2), Cao Bằng (2), Đà Nẵng (2), Gia Lai (2), Hà Nam (2), Khánh Hòa (2), Lạng Sơn (2), Quảng Trị (2), An Giang (1), Bạc Liêu (1), Bình Định (1), Bình Dương (1), Bình Thuận (1), Đắk Lắk (1), Đồng Tháp (1), Hà Giang (1), Hà Tĩnh (1), Lâm Đồng (1), Lào Cai (1), Nam Định (1), Thái Nguyên (1), TP.HCM (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 73 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.740 ca, chiếm tỉ lệ 0,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 36.605.808 mẫu tương đương 82.412.626 lượt người, tăng 217.500 mẫu so với ngày trước đó.

Trong ngày 17.3 có 326.300 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 201.405.935 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.349.927 liều: Mũi 1 là 70.935.528 liều; Mũi 2 là 67.866.083 liều; Mũi 3 là 1.495.038 liều; Mũi bổ sung là 14.623.598 liều; Mũi nhắc lại là 29.429.680 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.056.008 liều: Mũi 1 là 8.751.350 liều; Mũi 2 là 8.304.658 liều.

67% số ca Covid-19 nặng tại TP.HCM không báo y tế địa phương

Chiều 17.3.2022, báo cáo tại họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết hiện thành phố quản lý hơn 100.000 F0; trong đó có gần 95.000 trường hợp điều trị tại nhà và cơ sở cách ly; hơn 4.800 ca ở tầng 2, hơn 500 ca ở tầng 3.

67% số ca Covid-19 nặng tại TP.HCM không báo y tế địa phương

Đáng lo ngại là số ca cần hỗ trợ hô hấp và thở máy xâm lấn đang tăng dần 5-7 ca mỗi ngày và hiện nay có 97 ca phải thở máy xâm lấn. Ông Tăng Chí Thượng dự báo số ca thở máy tăng có thể dẫn tới số ca tử vong sẽ nhích lên trong thời gian tới. Hiện nay, số ca tử vong tại thành phố dao động từ 1-3 ca/ngày.

Qua phân tích 63 trường hợp nặng, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận 60 trường hợp có bệnh nền. Trong đó, 6 trường hợp (chiếm 10%) không biết mình có bệnh lý nền cho đến khi nhập viện; gần 43% các trường hợp thở máy do bệnh nền, bệnh cấp tính, không phải do Covid-19; gần 56% thở máy do Covid-19 nặng.

Đặc biệt, chỉ có 5 trường hợp (trong số 63 trường hợp) sử dụng thuốc Molnupiravir trước khi nhập viện. Gần 67% trường hợp không thông báo y tế địa phương khi biết mình mắc bệnh và không điều trị Molnupiravir trước nhập viện. Hầu hết các ca bệnh nặng là người thuộc nhóm nguy cơ nhưng có đến 65% chưa có tên trong danh sách người thuộc nhóm nguy cơ tại các địa phương.

Về tình hình số trường hợp nghi mắc Covid-19 trong trường học, tuần qua thành phố ghi nhận hơn 44.100 trường hợp nghi mắc Covid-19, tăng so với tuần trước đó (với gần 37.500 trường hợp). Tỉ lệ học sinh nghi mắc Covid-19 là 6,4%; trong đó khối THPT là 8,9%, khối THCS là gần 7,5%, khối tiểu học là hơn 6,6% và mầm non là gần 1,6%.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ghi nhận và đánh giá cao các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã nâng được mức độ sẵn sàng trong phòng chống dịch ở các cơ sở. Đồng thời mong muốn các cơ sở tiếp tục giữ được tinh thần này, bởi trong phòng chống dịch, vai trò quyết định là tại cơ sở.

Nhận xét số lượng F0 đang ở mức cao và dấu hiệu gia tăng số ca trở nặng, ông Dương Anh Đức yêu cầu phải có biện pháp để kìm và giảm xuống các trường hợp trở nặng cũng như các trường hợp mắc mới. Điểm đáng chú ý là 2/3 số trường hợp trở nặng lại chưa tiêm đủ vắc xin; điều đó cho thấy vai trò của vắc xin hết sức quan trọng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ đã đạt kết quả rõ ràng, tuy vậy vẫn xuất hiện người có nguy cơ cao nhưng chưa được phát hiện, chỉ phát hiện khi mắc Covid-19 trở nặng nhập viện điều trị. Từ đó, đồng chí yêu cầu hệ thống y tế phối hợp với các địa phương thực hiện quyết liệt hơn chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ, nhất là đợt cao điểm Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ cao nhất – người trên 65 tuổi, có bệnh nền - trong những người có nguy cơ.

Trước tình trạng một số nơi cập nhật chậm cơ sở dữ liệu về người có nguy cơ, ông Dương Anh Đức chỉ đạo Sở TT-TT và Sở Y tế phối hợp hoàn thiện hơn các công cụ giúp cho các địa phương cập nhật cơ sở dữ liệu thuận lợi, nhanh chóng và đầy đủ thông tin. Cơ sở dữ liệu phải chính xác để không chỉ tra cứu khi có sự cố, mà từ nền tảng cơ sở dữ liệu, phải phân tích đánh giá đúng tình hình, chủ động có giải pháp can thiệp kịp thời, bởi can thiệp càng sớm, hậu quả càng nhỏ.

Các địa phương tăng cường nắm bắt địa bàn, đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao và cập nhật cơ sở dữ liệu kịp thời. Cùng với đó, tiếp tục phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà nhằm đẩy nhanh bao phủ vắc xin; song song đó là cập nhật cơ sở dữ liệu về tiêm vắc xin và số lượng F0, F0 đã khỏi bệnh. Trong nâng chất công tác quản lý F0, phải ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa quy trình thủ tục, tránh phiền hà cho F0 để F0 dễ dàng khai báo khi mắc bệnh, thuận lợi nhận sự chăm sóc cũng như dễ dàng thông báo hoàn thành thời gian cách ly điều trị.

Các địa phương phải rà soát các phát sinh liên quan đến các khu cách ly, khu điều trị mà trước đây các địa phương đã mượn ở các cơ sở, nhất là trường học. Bởi, một số trường đang chuẩn bị cho năm học mới, rất cần khôi phục lại cơ sở vật chất. Đồng thời phải rà soát, giải quyết đầy đủ chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM.

Về các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch, lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo Sở Y tế và các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ cập nhật các bộ tiêu chí, lưu ý đến tính khả thi và phù hợp với tình hình mới.

Sở Công thương và các sở, ngành liên quan cùng các địa phương tiếp tục đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định thị trường, xử lý triệt để các trường hợp ghim hàng, tăng giá; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp TP.HCM phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành du lịch được giao phải tiếp tục chuẩn bị, giới thiệu mạnh về các sản phẩm du lịch của TP.HCM; giới thiệu các chính sách, các chương trình khuyến khích du lịch của thành phố. Đồng thời cần chú ý đến lợi thế của TP.HCM là cửa ngõ du lịch, từ đó cần có các chương trình đón khách du lịch và giữ chân khách du lịch ở lại càng lâu càng tốt. Đó cũng chính là góp phần phục hồi kinh tế TP.HCM.

Việt Nam đang nghiên cứu tiêm vắc xin mũi 4

Theo Bộ Y tế, đến sáng 18.3.2022, cả nước đã tiêm hơn 201 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.

Việt Nam đang nghiên cứu tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4

Trong đó, số vắc xin Covid-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là gần 183 triệu liều (mũi 1 gần 71 triệu liều, mũi 2 hơn 67 triệu liều, mũi 3 là gần 1,5 triệu liều, mũi bổ sung 14,4 triệu liều và mũi nhắc lại là hơn 28 triệu liều).

Số liều tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là hơn 17 triệu liều (mũi 1 gần 8,75 triệu liều, mũi 2 gần 8,3 triệu liều).

57/63 tỉnh, thành có tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%.

Bộ Y tế dự báo số ca mắc thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do mầm bệnh đã lây lan rộng trong cộng đồng; biến chủng BA.2 của biến chủng Omicron vẫn là biến thể chủ đạo; việc triển khai các hoạt động dỡ bỏ hạn chế đối với vận chuyển hành khách, mở cửa du lịch, mở cửa lại trường học và các sự kiện thể thao, văn hóa, xã hội, cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân làm tăng nguy cơ gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).

Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai tiêm vắc xin Covid-19 thần tốc để hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm) và hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12 - 17 tuổi trong tháng 3 này.

Theo Bộ Y tế, tại Mỹ, từ tháng 7.2021 đến tháng 2.2022, trẻ từ 5 - 15 tuổi hằng tuần phải xét nghiệm SARS-CoV-2 dù có triệu chứng hay không. Kết quả cho thấy khoảng 50% trẻ có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là chưa tiêm vắc xin và không có triệu chứng. Việc tiêm 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 làm giảm nguy cơ nhiễm Omicron của 31% trẻ từ 5 đến 11 tuổi và 59% ở thiếu niên 12 - 15 tuổi.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết cơ quan chuyên môn đang chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi ngay khi có vắc xin; nghiên cứu việc tiêm vắc xin Covid-19 cho các trẻ dưới 5 tuổi và tiêm mũi thứ 4 cho người từ 18 tuổi.

Quận huyện của Hà Nội phải có nơi quản lý tạm thời rác thải của F0

Dù các địa phương tại Hà Nội đã có phương án về giá và trang thiết bị, con người để thu gom rác thải của F0 theo quy định nhưng do chậm phê duyệt, yêu cầu quản lý rác thải F0 theo phương án 01 của UBND TP.Hà Nội vẫn đang nằm trên giấy hơn 2 tháng qua.

Quận huyện của Hà Nội phải có nơi quản lý tạm thời rác thải của F0 Covid-19

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã ký ban hành văn bản về việc tăng cường công tác quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc Covid -19 được quản lý tại nhà trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã về việc xây dựng khu lưu giữ tạm thời chất thải sinh hoạt phát sinh thu gom từ các hộ gia đình có F0 được cách ly, điều trị tại nhà; đảm bảo khả năng lưu chứa, lưu giữ chất thải lây nhiễm theo quy định.

Đối với các trường hợp F0 được cách ly, điều trị tại nhà, cần phân loại rác thải sinh hoạt phát sinh theo hướng dẫn như sau:

Với chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm và phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi.

Bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2", buộc kín miệng túi trước khi bàn giao.

Với các loại chất thải sinh hoạt phát sinh từ các khu vực khác của nhà có người F0 thì thực hiện phân loại theo hướng dẫn của địa phương để đưa đi xử lý theo quy định.

Sở Y tế Hà Nội giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân nắm bắt được và thực hiện phân loại rác thải phát sinh từ phòng cách ly của F0 đang cách ly và điều trị tại nhà và nơi cư trú theo hướng dẫn.

Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phân loại, thu gom, lưu giữ, bàn giao chất thải được thu gom từ các hộ gia đình có F0 đang cách ly và điều trị tại nhà trên địa bàn.

Chính sách "zero Covid" của Trung Quốc trước thách thức Omicron

Trong nỗ lực ngăn cản sự lây lan của Covid-19, chính quyền thành phố Thượng Hải đã ban hành tình trạng phong tỏa trên diện rộng và đưa ra một số hạn chế đối với cư dân nơi này.

Chính sách "zero Covid" của Trung Quốc trước thách thức Omicron

Thực phẩm được giao qua hàng rào, hoặc để dưới cổng tại một khu dân cư ở Thượng Hải đang bị phong tỏa do các ca nhiễm mới được phát hiện.

Khắp nơi trong thành phố lớn có 25 triệu người sinh sống này, mọi người đang xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 sau khi 10 trường hợp được ghi nhận vào hôm 15.3.

Thượng Hải và những thành phố khác của Trung Quốc đang phải đối diện đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất kể từ khi virus này lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán hồi năm 2020. Số ca nhiễm ở Trung Quốc vẫn là rất ít nếu so sánh với những quốc gia khác trên thế giới.

Dù vậy, nhưng cư dân như anh Eric Cui vẫn lạc quan

"Thật khó để mô tả tình trạng hiện tại bằng một từ. Bề ngoài, nhìn thì ai cũng nghĩ là nó rất căng thẳng. Thực tế, mọi người không lo lắng lắm. Chúng tôi đã nhận được các xét nghiệm và mọi thứ đều rất trật tự."

Trong 10 tuần qua, Trung Quốc đã báo cáo ít nhất 14.000 ca nhiễm mới tại các địa phương, nhiều hơn cả năm 2021 cộng lại.

Biến thể Omicron đang làm dịch lây lan nhanh chóng và đang làm dấy lên lo ngại từ giới chuyên gia rằng chính sách chống dịch nghiêm ngặt "zero Covid" của Trung Quốc không còn phù hợp.

Nhiều nơi ở Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để ngăn chặn, kiểm soát và cách ly các ca bệnh lây nhiễm.

Tỉnh Cát Lâm ở vùng đông bắc, giáp với Triều Tiên và là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay. Nhiều thành phố bị ảnh hưởng đang gấp rút chuẩn bị các bệnh viện dã chiến.

24 triệu cư dân cũng bị cấm rời khỏi tỉnh mà không thông báo cho cảnh sát địa phương.

Mặc dù Trung Quốc có tỷ lệ tiêm chủng đạt gần 90%, các chuyên gia cho rằng số người cao tuổi được tiêm liều tăng cường vẫn chưa đủ.

Cũng chưa rõ vắc-xin Trung Quốc có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh đối với biến thể Omicron ra sao.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 18.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.