Bản tin Covid-19 ngày 28.3: Cả nước hơn 9,2 triệu ca | Tái nhiễm thì hậu Covid-19 có nặng hơn không?

28/03/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 28.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 28.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 263.376 ca Covid-19, 122.730 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 28.3 cho biết tính từ 16h ngày 27.3 đến 16h ngày 28.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 83.376 ca nhiễm mới. Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 180.000 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 263.376 ca.

Trong ngày có 122.730 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 52 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.358 ca.

Ngày 28.3: Công bố 263.376 ca Covid-19, 122.730 ca khỏi | Hà Nội 9.326 ca | TP.HCM 745 ca

Thông tin về 263.376 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 3 ca nhập cảnh.
  • 83.373 ca ghi nhận trong nước (giảm 8.453 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 55.010 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (9.326), Bắc Giang (4.186), Nghệ An (3.883), Yên Bái (3.795), Phú Thọ (3.493), Lào Cai (3.377), Đắk Lắk (3.205), Quảng Ninh (2.522), Thái Nguyên (2.487), Hà Giang (2.433), Thái Bình (2.245), Vĩnh Phúc (2.140), Quảng Bình (2.098), Lạng Sơn (1.981), Tuyên Quang (1.963), Sơn La (1.867), Hưng Yên (1.740), Cà Mau (1.697), Bắc Kạn (1.678), Cao Bằng (1.599), Hòa Bình (1.501), Bình Định (1.367), Hải Dương (1.365), Hà Nam (1.342), Bắc Ninh (1.097), Quảng Trị (1.078), Lâm Đồng (1.049), Lai Châu (1.020), Tây Ninh (969), Bình Dương (959), Ninh Bình (916), Điện Biên (907), Vĩnh Long (891), Hà Tĩnh (874), Đà Nẵng (795), Phú Yên (778), TP.HCM (745), Bình Phước (743), Đắk Nông (695), Thừa Thiên-Huế (673), Thanh Hóa (602), Nam Định (600), Bà Rịa - Vũng Tàu (540), Quảng Ngãi (537), Bến Tre (476), Trà Vinh (474), Kon Tum (402), Hải Phòng (380), Bình Thuận (369), Khánh Hòa (361), Quảng Nam (298), Bạc Liêu (172), Kiên Giang (136), An Giang (134), Long An (95), Đồng Tháp (95), Sóc Trăng (69), Đồng Nai (67), Cần Thơ (53), Ninh Thuận (17), Hậu Giang (13), Tiền Giang (4).
  • Ngày 28.3.2022, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 180.000 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Lạng Sơn (-1.140), Hà Nội (-926), Đắk Lắk (-704).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+874), Hòa Bình (+304), Hưng Yên (+247).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 109.424 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.274.849 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 93.891 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.267.135 ca, trong đó có 5.471.891 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.449.594), TP.HCM (591.943), Nghệ An (390.924), Bình Dương (373.508), Hải Dương (337.425).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 122.730 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 5.474.708 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.401 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.696 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 318 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 95 ca
  • Thở máy xâm lấn: 287 ca
  • ECMO: 5 ca

Từ 17h30 ngày 27.3 đến 17h30 ngày 28.3 ghi nhận 52 ca tử vong tại: Đắk Lắk (4), Khánh Hòa (4), Quảng Ninh (4), Bến Tre (3), Bình Dương (3), Đồng Nai (3 ca trong 2 ngày), Hà Tĩnh (3), Bắc Giang (2), Bắc Kạn (2), Bình Định (2), Bình Thuận (2), Kiên Giang (2), Quảng Nam (2), Thái Nguyên (2), Trà Vinh (2), Vĩnh Long (2), Bạc Liêu (1), Bình Phước (1), Hà Nội (1), Hải Dương (1), Hòa Bình (1), Nam Định (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Trị (1), Thanh Hóa (1), TP.HCM (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 58 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.358 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 38.111.078 mẫu tương đương 84.027.988 lượt người.

Trong ngày 27.3 có 214.017 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 205.216.774 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 188.071.414 liều: Mũi 1 là 71.211.148 liều; Mũi 2 là 67.996.992 liều; Mũi 3 là 1.502.202 liều; Mũi bổ sung là 14.822.958 liều; Mũi nhắc lại là 32.538.114 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.145.360 liều: Mũi 1 là 8.790.821 liều; Mũi 2 là 8.354.539 liều.

Cả nước còn 257 xã, phường thuộc “vùng đỏ” Covid-19

Cập nhật đánh giá cấp độ dịch Covid-19 mới nhất trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến 12 giờ ngày 28.3.2022 cho thấy cả nước có 5 tỉnh thuộc cấp độ 3 dịch Covid-19 (tức “vùng cam”) là Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Phú Thọ và Yên Bái.

Cả nước còn 257 xã, phường thuộc “vùng đỏ” Covid-19

21 tỉnh, thành thuộc cấp độ 2 (tức “vùng vàng”) là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bến Tre, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hưng Yên, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Tiền Giang, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Đăk Nông và Đồng Nai.

37 tỉnh, thành còn lại là cấp độ 1 (tức “vùng xanh”), trong đó có 2 đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM.

Về chi tiết cấp độ dịch theo quy mô xã, phường, cả nước hiện có có 4.482 xã, phường thuộc “vùng xanh” (chiếm 42,3% trong tổng số xã, phường đánh giá); 2.709 xã, phường thuộc “vùng vàng”, (chiếm 25,5%); 3.135 xã, phường thuộc “vùng cam” (chiếm 29,6%); 257 xã, phường thuộc “vùng đỏ” (chiếm 2,4%).

Như vậy, so với đánh giá cấp độ dịch cách đây 10 ngày, số xã, phường thuộc “vùng xanh” đã tăng 145 địa phương; số xã, phường thuộc “vùng đỏ” giảm 146 địa phương; số xã, phường thuộc “vùng vàng” và “vùng cam” không có sự thay đổi nhiều.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số ca mắc mới Covid-19 có xu hướng giảm nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây. Nếu như ngày 18.3, số ca mắc mới là hơn 163.000 ca thì các ngày sau đó, số mắc mới giảm liên tục, đến ngày 27.3 ghi nhận còn gần 92.000 ca mới.

Số ca mắc mới trong ngày giảm, kéo theo số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua cũng giảm xuống còn 116.330 ca/ngày.

Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 128 và Quyết định số 218. Các địa phương căn cứ kết quả đánh giá để tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn; linh hoạt tăng cấp độ phòng, chống dịch (từ cấp độ 3 lên cấp độ 4) ở một số khu vực có diễn biến dịch phức tạp để nhanh chóng kiểm soát tình hình, ngăn chặn hiệu quả lây nhiễm. Đồng thời phải thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K+ vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân.

Tái nhiễm thì hậu Covid-19 có nặng hơn không?

Theo thông tin trong báo cáo về công tác chống dịch Covid-19 tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3.

Tái nhiễm thì hậu Covid-19 có nặng hơn không?

Báo cáo cũng cho hay Bộ Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch Covid-19, cập nhật sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2, xây dựng tiêu chí để tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định xem xét bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” trong thời điểm thích hợp.

Lý giải cụ thể hơn về lý do sau khỏi bệnh vẫn tái nhiễm, thậm chí có trường hợp chỉ 3 - 4 tuần sau khi khỏi đã tái nhiễm, PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng những người này không có kháng thể, không có miễn dịch trong lần mắc trước đó hoặc có thể do kết quả xét nghiệm âm tính, dù họ chưa khỏi bệnh.

Một chuyên gia về dịch tễ cũng lưu ý không như một số bệnh truyền nhiễm nhóm B thông thường, mắc 1 lần có miễn dịch bệnh vững (như sởi, quai bị...), miễn dịch ở người mắc Covid-19 giảm dần, do đó dù mắc rồi nhưng vẫn có thể tái nhiễm. Đặc biệt, nguy cơ này càng cao khi SARS-CoV-2 có thêm các biến thể mới.

Về mức độ nặng với các ca tái nhiễm, một lãnh đạo của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho hay hiện chưa có khẳng định tái nhiễm nặng hơn hay nhẹ hơn, vì phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe mỗi người. Tuy nhiên, để ngăn ngừa nhiễm, tái nhiễm, mỗi người luôn cần có ý thức phòng bệnh, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 và luôn cần theo dõi sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng tốt để cơ thể khỏe mạnh.

Trả lời câu hỏi hậu Covid-19 lần 2, 3 có nặng hơn lần 1, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay cũng chưa thể biết được vì mọi điều còn mới, phải có thêm dữ liệu mới có thể phân tích và đánh giá. Có những trường hợp hậu Covid-19 kéo dài, tuần lễ 1 - 2 bệnh nhân không viêm phổi, không thở máy, ECMO, nhưng 14 ngày sau xuất hiện biến chứng rối loạn đông máu, tắc mạch máu…

BS Nguyễn Thế Hân, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, chuyên gia khám hậu Covid-19, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết thêm với người mắc Covid-19 lần 2, lần 3 và hậu Covid-19 nặng hơn hay nhẹ hơn là không quan trọng. Bởi hậu Covid-19 của chủng Omicron là nhẹ, ít xâm lấn phổi hơn so với Delta. Nhưng chủng Omicron tác động làm viêm xoang nhiều và nhiều trường hợp đông máu.

Giải đáp thắc mắc lần 1 mắc Covid-19 đã uống thuốc kháng vi rút Molnupiravir thì mắc lần 2 có uống tiếp được không, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM cho biết nếu nói mắc lần 2 có triệu chứng và có chỉ định thì cần thiết vẫn được uống Molnupiravir.

2 triệu chứng 70% người bị hậu Covid-19 thường gặp

Sau khi nhiễm bất kỳ biến thể nào của Covid-19, trong đa số trường hợp, các triệu chứng bắt đầu giảm sau 15 ngày đầu tiên.

2 triệu chứng 70% người bị hậu Covid-19 thường gặp

Chỉ trong trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng trong vài tuần hoặc có thể cần phải nhập viện. Đó là trường hợp tải lượng vi rút cao và có bệnh nền.

Tuy nhiên, nhiều người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh vẫn chưa yên, mà còn phải trải qua các triệu chứng khác nhau sau khi khỏi bệnh. Hầu hết đều gặp phải các vấn đề như rụng tóc, mệt mỏi, đau cơ.

Theo nhật báo Times of India (Ấn Độ), trong quá trình tiếp tục tìm hiểu thêm về tác động của Covid-19 đối với cơ thể con người, các nhà khoa học tiết lộ có 2 triệu chứng chiếm đến 70% các trường hợp mắc Covid-19 kéo dài.

Theo một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh), 2 triệu chứng phổ biến mà đến 70% các trường hợp Covid-19 kéo dài gặp phải là các vấn đề về trí nhớ và thiếu tập trung.

Nghiên cứu chi tiết tiết lộ rằng cứ 10 bệnh nhân Covid-19 thì có 1 người gặp một số vấn đề về thần kinh sau nhiều tháng. Và có đến 75% những người gặp các vấn đề về thần kinh này gặp khó khăn trong việc tập trung. Những dấu hiệu này kéo dài trong khoảng 6 tháng đến 1 năm sau khi nhiễm bệnh.

Nghiên cứu trước đây đã nêu bật một số triệu chứng. Người bệnh có thể gặp tất cả các triệu chứng cùng lúc hoặc chỉ phải đối phó với 1 hoặc 2 triệu chứng.

Các dấu hiệu khác bao gồm cảm giác ngứa ran, mệt mỏi, khó thở, ho, đau khớp, đau ngực, mất ngủ, đau cơ, nhức đầu, tim đập nhanh hoặc đập mạnh, trầm cảm hoặc lo lắng, sốt, chóng mặt khi đứng.

Theo Times of India, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, tốt nhất người bệnh nên đi khám để được điều trị. Trong một số trường hợp, Covid-19 kéo dài cũng có thể dẫn đến đông máu, suy các cơ quan, trầm cảm và mất ngủ.

Giá xăng dầu thế giới "lao dốc" đầu tuần

Giá dầu thế giới lao dốc sáng 28.3.2022, giảm gần 4%, tương đương hơn 4 USD/thùng.

Giá xăng dầu thế giới "lao dốc" đầu tuần

Giá dầu thô thế giới đến 7 giờ 30 phút sáng 28.3 (theo giờ Việt Nam) giảm mạnh. Dầu thô WTI của Mỹ mất hơn 4 USD (tương đương 3,7%) giao dịch ngưỡng 109 USD/thùng, dầu Brent cũng giảm mức tương đương (3,5%), giao dịch ngưỡng 113 USD/thùng.

Giá dầu bắt đầu tuần mới ở mức giảm bất chấp những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung không ngừng gia tăng. Thông tin Mỹ có thể đang xem xét để tiếp tục giải phóng một lượng dầu lớn (khoảng hơn 30 triệu thùng) từ kho dự trữ dầu chiến lược, tạo nguồn cung lớn có thể là một trong lý do đẩy giá dầu lao dốc.

Trong tuần trước, việc người mua quay lưng với dầu Nga khiến Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng thế giới có thể rơi vào cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, thực tế không đến mức đó, dù một số quốc gia đã đạt được thỏa thuận về khí đốt với Mỹ để giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung từ Nga, nhưng đến nay EU vẫn chưa thực sự “tẩy chay” năng lượng của Nga. Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank trên Reuters nhận định, các lệnh trừng phạt Nga do nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine khó có thể tác động đến thị trường dầu.

Theo Reuters, giá dầu tuần này vẫn sẽ tiếp tục biến động bởi xung đột địa chính trị ở Đông Âu tiếp diễn. Bên cạnh đó, Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới vẫn đang tiếp tục các biện pháp phong tỏa một số khu vực bởi chính sách zero Covid-19.

Trong nước, ngày 28.3, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng RON95-V tại vùng 1 là 29.690 đồng/lít, vùng 2 là 30.280 đồng/lít; xăng E5 RON92 giá vùng 1 là 28.330 đồng/lít, tại vùng 2 là 28.890 đồng/lít; dầu diesel 0,001S-V vùng 1 là 24.980 đồng/lít, vùng 2 là 24.450 đồng/lít...

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 28.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.