Bản tin Covid-19 ngày 4.8: Xem xét tiến tới cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax

04/08/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 4.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 4.8 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau: 

Ngày 4.8: Cả nước ghi nhận 7.623 ca Covid-19

Bản tin của Bộ Y tế tối 4.8 cho biết tính từ 6h đến 18h30 ngày 4.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.352 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trong ngày lên 7.623 ca. Có 3.501 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 4.8.

Ngày 4.8: Cả nước 7.623 ca Covid-19, 3.501 ca khỏi; riêng TP.HCM 3.300 bệnh nhân

Chiều 4.8, Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận thêm 256 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố; nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 2.327 ca.
Thông tin về 7.623 ca bệnh mới được công bố trong ngày 4.8 như sau:
- 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 7.618 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 1.865 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (3.300), Bình Dương (2.143), Long An (427), Đồng Nai (389), Tây Ninh (194), Bình Thuận (161), Đồng Tháp (156), Cần Thơ (150), Khánh Hòa (150), Đà Nẵng (93), Phú Yên (61), Vĩnh Long (60), Sóc Trăng (49), Ninh Thuận (29), An Giang (24), Bến Tre (24), Hà Nội (24), Bình Định (23), Thừa Thiên Huế (19), Thanh Hóa (17), Quảng Ngãi (15), Đắk Lắk (15), Hà Tĩnh (14), Hậu Giang (10), Quảng Nam (10), Gia Lai (10), Nghệ An (6), Bình Phước (6), Bạc Liêu (5), Đắk Nông (5), Quảng Bình (5), Hải Dương (4), Hưng Yên (3), Quảng Trị (3), Kon Tum (2), Sơn La (2), Lào Cai (2), Bắc Ninh (2), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Yên Bái (1), Vĩnh Phúc (1), Nam Định (1), Hà Giang (1).
- Tính đến chiều ngày 4.8, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 177.813 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.329 ca nhập cảnh và 175.484 ca mắc trong nước.
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 173.914 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 54.332 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 470 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.
- Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận thêm 256 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố. Đây là các bệnh nhân Covid-19 từ thứ 2.072 đến thứ 2.327 tử vong tại Việt Nam. Gồm:
+ Tại TP.HCM ngày 3.8: 217 ca
+ Tại Long An từ ngày 1-4.8: 9 ca
+ Tại Đồng Tháp từ ngày 2-4.8: 8 ca
+ Tại Đồng Nai từ 2-4.8: 8 ca
+ Tại Bến Tre từ 1-2.8: 4 ca
+ Tại Vĩnh Long từ 2-4.8: 3 ca
+ Tại Hà Nội ngày 3.8: 1 ca
+ Tại An Giang ngày 3.8: 1 ca
+ Tại Bình Thuận ngày 2.8: 1 ca
+ Tại Cần Thơ ngày 3.8: 1 ca
+ Tại Sóc Trăng ngày 3.8: 1 ca
+ Tại Đà Nẵng ngày 3.8: 1 ca
+ Tại Khánh Hoà ngày 3.8: 1 ca
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4 đến nay đã thực hiện 6.553.167 mẫu cho 18.652.439 lượt người.
Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 7.291.808 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.547.477 liều, tiêm mũi 2 là 744.331 liều.

Tối 4.8: Công bố thêm 256 ca Covid-19 tử vong tại 13 tỉnh thành

Xem xét tiến tới cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax

Sáng 4.8, Bộ Y tế phối hợp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn chuyên gia về thẩm định dữ liệu nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (TNLS) và phê duyệt vắc xin Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp.
Hội thảo trực tuyến có sự tham gia của Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch TNLS giai đoạn 3 vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất.
Tại hội thảo, GS - TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định chiến lược vắc xin là mấu chốt, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phòng, chống dịch.

Xem xét tiến tới cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax ngừa Covid-19

Việt Nam có 2 ứng viên vắc xin đang TNLS giai đoạn 2 - 3 và đang cân nhắc xem xét tiến tới cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Covid-19 Nanocovax. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này.
Do đó, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn bày tỏ mong muốn thu nhận nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia của WHO, MFDS Hàn Quốc và các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu, TNLS vắc xin, đặc biệt là vấn đề cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết  2 ứng viên vắc xin trong nước gồm Nanocovax và Covivac đang trong giai đoạn TNLS giai đoạn 3 và thứ 2
Trong đó, vắc xin Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen do Học viện Quân y nghiên cứu đang TNLS giai đoạn 3 (gồm 3a và 3b) thực hiện đánh giá 3 yếu tố: tính an toàn, tính sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ trên người Việt Nam tình nguyện từ 18 tuổi.
Trong giai đoạn TNLS 3a của vắc xin này, đơn vị nghiên cứu đã tiêm cho 1.000 trường hợp, đánh giá giữa kỳ tính an toàn, tính sinh miễn dịch.
Giai đoạn 3b đã tiêm vắc xin trên 12.000 đối tượng.
Theo TS Ngô Quang, dự kiến ngày 7.8 sẽ đánh giá tổng thể kết quả cuối cùng của giai đoạn 2 và trước ngày 15.8 sẽ có đánh giá kết quả TNLS giai đoạn 3a.
Các cơ quan liên quan sẽ rà soát để có dữ liệu ban đầu về tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc xin trong giai đoạn 3a.

13.000 tình nguyện viên từ 18 tuổi, gồm nhóm trên 65 tuổi, người có bệnh nền giai đoạn ổn định đã tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax

ẢNH LIÊN CHÂU

TS Quang đánh giá: "Nanocovax là một trong những vắc xin được tạo điều kiện để triển khai nghiên cứu, phát triển nhanh chóng trong thời gian qua".
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, qua nghiên cứu TNLS giai đoạn 1 và 2, Nanocovax an toàn và có tỷ lệ sinh miễn dịch cao, đang tiếp tục được đánh giá về hiệu quả.
Với vắc xin Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) nghiên cứu, nhóm nghiên cứu TNLS đang đánh giá tính sinh miễn dịch trong giai đoạn 1 để chuyển sang giai đoạn 2. Kỳ vọng cuối quý 3 đầu quý 4 năm nay sẽ có kết quả đánh giá TNLS của giai đoạn 2 vắc xin này, để bước sang giai đoạn 3. 
Đại diện WHO thông tin, trên thế giới có 17 vắc xin Covid-19 đang được sử dụng, trong đó có 7 loại được WHO cấp phép khẩn cấp.
WHO khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng hướng dẫn cấp phép lưu hành, sử dụng khẩn cấp để áp dụng với vắc xin sản xuất trong nước và nhập khẩu, sớm hoàn thiện thông tư về vấn đề này.
Bên cạnh đó, WHO cũng đề nghị Việt Nam cần tiếp tục tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy tiến trình cấp phép trong tình trạng khẩn cấp để giảm rủi ro trong quá trình phát triển vắc xin.

Hà Nội và TP.HCM được phân bổ thêm vắc xin Covid-19

Như vậy, trong 3 đợt phân bổ vắc xin gần nhất, TP.HCM được cấp hơn 1,148 triệu liều và Hà Nội được cấp 868.880 liều. Ngoài ra, các viện, bệnh viện, đơn vị T.Ư tại TP.HCM và Hà Nội được cấp lần lượt 40.000 liều và 74.500 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn 2 TP.

Bộ Y tế phân bổ thêm vắc xin Covid-19 cho TP.HCM và Hà Nội

Theo Bộ Y tế, TP.HCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất, với hơn 4 triệu liều (gồm cả vắc xin phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị T.Ư trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vắc xin trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%. Hà Nội đã được phân bổ hơn 2,943 triệu liều (gồm cả vắc xin phân bổ cho các viện, bệnh viện, đơn vị T.Ư trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vắc xin trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%.
Tính đến nay, đã có hơn 6,959 triệu liều vắc xin Covid-19 được tiêm trên cả nước (hơn 6,246 triệu liều tiêm mũi 1 và 712.864 liều tiêm mũi 2). Trong ngày 3.8, Bộ Y tế tiếp nhận 415.000 liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca do Chính phủ Anh trao tặng. Đây là lô vắc xin được sản xuất tại Anh, hỗ trợ Việt Nam cho phòng, chống dịch.

Người Pháp tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam

Sáng 3.8.2021, chị Cami, quốc tịch Pháp, một giáo viên đang làm việc tại TP.HCM cùng bạn trai là Maxim Galtier cùng nhau đến bệnh viện FV (Q.7, TP.HCM) thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19.
Suốt 3 tháng qua, khi dịch bệnh trở nên phức tạp, chị Cami phải dạy học trực tuyến ở nhà. Nữ giáo viên chia sẻ, tùy vào cấp học của các bạn học sinh sẽ có cách dạy khác nhau, có vẻ đến nay thì việc dạy và học đã ổn. Nói về việc tiêm vắc xin, chị Cami tâm sự cảm thấy may mắn vì được tiêm sớm ở Việt Nam trước khi trở lại Pháp.

Chị Cami và anh  Maxim Galtier, quốc tịch Pháp tiêm vắc xin tại TP.HCM

Lê Nam

Được biết, vắc xin được sử dụng do các cơ quan chức năng Pháp cung cấp là loại vắc xin RNA messager Moderna (tiêm hai mũi) được Pháp, Liên minh Châu Âu phê chuẩn và được Việt Nam chấp thuận.
Sau khi đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM sẽ gửi cho công dân giấy xác nhận lịch hẹn tiêm. Sau đó hướng dẫn về giấy xác nhận âm tính Covid-19 để có thể di chuyển đến TP.HCM tiêm chủng.

Người Pháp tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam: 'Thấy an tâm trước khi trở về nước'

Tuy nhiên, có một số công dân Pháp ở các địa phương khác chưa thể đến tiêm thì Tổng lãnh sự quán Pháp trấn an công dân hãy kiên nhẫn đợi thêm một khoảng thời gian nữa, sẽ có đủ vắc xin tiêm cho các công dân đã đăng ký thành công.
Ông Vincent Floreani, Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM cho biết: "Về quy mô chiến dịch, chúng tôi lên kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 5.000 công dân Pháp và vợ/chồng trong đợt này ở khu vực phía Nam. Cộng đồng công dân Pháp tại Việt Nam theo thống kê của chúng tôi không e dè khi tiếp cận chiến dịch vắc xin lần này. Như ở Pháp, có khoảng 20% dân số còn e ngại về loại vắc xin mới. Nhưng theo tôi quan sát chỉ khoảng dưới 5% công dân Pháp ở đây cần động viên, số còn lại rất ủng hộ để được tiêm. Họ còn động viên vợ, chồng mình tham gia nữa" Ông Vincent Floreani cho hay. 

Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM trò chuyện với công dân Pháp đang chờ theo dõi sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Lê Nam

Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM luôn đề nghị tất cả công dân Pháp ngay từ thời điểm đầu chống dịch tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19. Kêu gọi tuân thủ nguyên tắc 5K, luôn đeo khẩu trang. Thậm chí dù đã tiêm 1 mũi hay 2 mũi vắc xin Covid-19 thì vẫn phải bảo tuân thủ các biện pháp phòng bệnh khác.

TP.HCM hỗ trợ khẩn cấp lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19

UBND TP.HCM vừa quyết định chính sách đặc thù hỗ trợ khẩn cấp nhằm động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian chờ HĐND TP.HCM họp để thông qua.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã cơ bản thống nhất tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM về chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho lực lượng y tế tuyến đầu và các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

TP.HCM hỗ trợ khẩn cấp lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19, cao nhất 10 triệu đồng

Chính sách hỗ trợ khẩn cấp được thực hiện chi 1 lần. Mức chi cụ thể, lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp nhận 10 triệu đồng, lực lượng tuyến đầu làm công việc gián tiếp nhận 4,5 triệu đồng, các tổ Covid-19 cộng đồng nhận 2 triệu đồng.
Đối với lực lượng tình nguyện viên được Sở Y tế huy động, cán bộ giảng viên từ các trường y khoa, lực lượng y tế tư nhân, lực lượng nhân viên y tế đã nghỉ hưu, tình nguyện viên tôn giáo, tình nguyện viên lái xe vận chuyển F0, F1 theo yêu cầu cách ly tập trung nhận 3 triệu đồng; riêng sinh viên y khoa nhận 1,5 triệu đồng.
Tương tự là đội ngũ nhân lực y tế được Bộ Y tếcác tỉnh chi viện cho TP.HCM, các nhân viên y tế, cán bộ giảng viên nhận 3 triệu đồng còn sinh viên y khoa nhận 1,5 triệu đồng.
UBND TP.HCM giao Sở Y tế có văn bản hướng dẫn đến các đơn vị để lập, phê duyệt danh sách lực lượng được hưởng chính sách gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch để chi ngay để động viên. Do thực hiện chi khẩn cấp nên gói hỗ trợ này sẽ được các đơn vị liên quan trình HĐND TP.HCM trong kỳ họp gần nhất.

Muôn kiểu “lý do” ra đường trong dịch Covid-19: Đi ăn giỗ, tân gia, mua bia

Những ngày qua, Đội CSGT Công an TP.Đồng Xoài đã ra quân kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp ra đường không có lý do chính đáng khi toàn tỉnh Bình Phước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong ngày 3.8.2021, qua kiểm tra trên QL4 đoạn qua hai P.Tân Bình và Tân Đồng, lực lượng CSGT đã ra hiệu lệnh dừng gần 100 lượt xe máy để kiểm tra. Quá trình kiểm tra, lực lượng công an phát hiện và lập biên bản gần 20 trường hợp người dân ra đường không có lý do chính đáng, người đi giao hàng không có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, không có thẻ nhận diện; người dân từ các huyện khác đến địa bàn mua hàng hóa không thiết yếu.

Muôn kiểu “lý do” ra đường trong dịch Covid-19: Đi ăn giỗ, tân gia, mua thuốc lá

Cá biệt có những trường hợp người dân lấy lý do đi ăn giỗ, tân gia khi được các lực lượng hỏi lý do.
Theo thống kê của Công an TP.Đồng Xoài, từ khi thực hiện Chỉ thị 16 đến nay, 4 tổ kiểm soát giáp ranh với H.Đồng Phú và H.Chơn Thành cùng tổ tuần tra lưu động của CSGT, các lực lượng dừng khoảng 2.000 lượt phương tiện để kiểm tra. Qua đó ghi nhận nhiều trường hợp người dân các huyện lân cận đi rút tiền vì không có trụ ATM, làm thủ tục đáo hạn, đi uống thuốc cai nghiện, điều trị bệnh tại các bệnh viện, chích ngừa…..
Nhiều trường hợp người dân đi ra đường với những lý do không chính đáng như qua nhà bạn có việc, đi thăm người yêu, mua thuốc lá, mua bia…Các lực lượng đã lập biên bản vi phạm hành chính khoảng 250 lượt trường hợp vi phạm với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Trung tá Trần Hữu Dũng, Đội trưởng đội CSGT Công an TP.Đồng Xoài, cho biết khi bị kiểm tra, người dân đều lấy rất nhiều lý do để biện hộ việc đi lại của mình khi ra đường khiến các tổ công tác rất khó khăn trong việc xử lý.
Tuy nhiên tùy từng mức độ, lực lượng công an kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hạn chế tối đa tình trạng người dân ra đường với các lý do không chính đáng. 

Nhóm người mắc kẹt ở Biên Hòa vì Covid-19 đã được mạnh thường quân hỗ trợ

Sau khi xem tin tức về một nhóm lao động tự do quê Nghệ An mắc kẹt ở Biên Hòa giữa dịch Covid-19, một doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã liên hệ phóng viên Báo Thanh Niên mang gạo, trứng, cá đến cho.
Sáng 4.8.2021, khu trọ nơi nhóm lao động tự do quê Nghệ An ở đã rộn rã tiếng cười khi thấy xe ô tô chở đầy thực phẩm đến tiếp tế. Số thực phẩm này được chị Thảo, một doanh nghiệp ở thành phố Biên Hòa, mang đến cho sau khi xem xong video phát trên Báo Thanh Niên.

Nhóm người Nghệ An bị mắc kẹt ở Biên Hòa vì Covid-19 đã được hỗ trợ

Chị đã chuẩn bị 20 phần quà để cho nhóm lao động này và các hộ khó khăn ở gần đó, mỗi phần quà gồm 10 kg gạo, 30 trứng gà và cá tươi.
Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, nhóm gần 10 hộ dân này quê Nghệ An phần lớn làm thợ hồ, phụ hồ và bán vé số. Dịch bệnh, ngưng việc, hết tiền không thể quay về quê, tiền ăn cũng cạn dần. Trông chờ vào nguồn thực phẩm của chính quyền phân phát thì lâu lâu mới có, nhưng chẳng thấm vào đâu.

Tài xế đẫm mồ hôi, ăn vội phần cơm để đưa bà con về quê tránh dịch

Ngày 3.8.2021, tại Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), tài xế Bá Thiên Đại Tiến (23 tuổi, quê Phan Rang) đang hướng dẫn cho một gia đình lên xe đúng vị trí, đảm bảo các yêu cầu về giãn cách.
Trong chiến dịch tổ chức 5.000 chuyến xe nghĩa tình, đưa bà con các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ về quê tránh dịch Covid-19, Tiến đã đăng ký tham gia trở thành tài xế từ những ngày đầu tổ chức. Dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn, mồ hôi thấm đẫm chiếc áo bảo hộ, chảy dài sau lưng tài xế trẻ tuổi. Sau nhiều ngày này dầm mưa dãi nắng, tài xế Tiến đã dần quen với sự vất vả này.

Mồ hôi thấm đẫm chiếc áo bảo hộ của tài xế

Lê Nam

Sau khi công ty phát động chương trình, có khoảng hơn 1.000 tài xế sẵn sàng tham gia và lên đường hỗ trợ bà con về quê tránh dịch an toàn. Để đảm bảo giãn cách, những chuyến hành trình ngắn, mỗi xe chỉ có 1 tài xế; những hành trình dài, mỗi xe có 2 tài xế. Làm việc trong điều kiện nhiều thử thách, nhân sự có hạn đồng nghĩa với việc mỗi tài xế phải kiêm nhiệm nhiều việc hơn trên mỗi hành trình hồi hương.

Tài xế đẫm mồ hôi, ăn vội phần cơm để đưa bà con về quê tránh dịch

16 giờ chiều, khi bà con cơ bản ổn định chỗ ngồi, những tài xế mới vội vàng ăn bữa cơm chiều để có sức khỏe chạy một hành trình dài hơn 500 km từ TP.HCM về Phú Yên. Ai nấy khẩn trương nhận phần cơm, chọn một góc thưa người để nhanh chóng dùng bữa.

Bữa cơm vội vã trước giờ xe lăn bánh

Lê Nam

Bác tài Tạ Minh Hiệp (45 tuổi, quê Nha Trang) lo bà con chờ đợi sốt ruột mà ăn bữa cơm chưa đến 5 phút rồi vội vã lên xe.
Đồng cảm và thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của tài xế chạy xe đường dài trong những ngày dịch bệnh, đơn vị quản lý tài xế là Công ty Phương Trang thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch không chỉ cho hành khách mà còn cho tất cả nhân viên, tài xế của công ty trước và sau mỗi chuyến đi.

Nụ cười hạnh phúc của bà con, người lao động nghèo mong muốn về quê tránh dịch dịp này

Lê Nam

Chiều 3.8, hơn 500 bà con Phú Yên tiếp tục lên những chuyến xe Phương Trang về quê tránh dịch. Đây là chuyến thứ tư do nhà xe này tổ chức cho bà con công nhân, người mưu sinh gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP.HCM về quê tránh dịch an toàn. Từ người già, thanh niên cho đến em nhỏ, niềm vui được hồi hương trên những chuyến xe nghĩa tình khiến ai nấy đều nghẹn ngào, xúc động.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 4.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.