Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 24.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Bản tin Covid-19 ngày 24.10: Cả nước 22 tỉnh thành “vùng xanh” | TP.HCM còn 1 quận “vùng cam” |
Cả nước 4.045 ca Covid-19 mới, 1.314 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế tối 24.10 cho biết tính từ 17h ngày 23.10 đến 17h ngày 24.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.045 ca nhiễm mới, 1.314 ca khỏi bệnh.Trong ngày, cả nước ghi nhận 53 ca tử vong tại 7 tỉnh, thành phố nâng tổng số ca tử vong lên 21.673 ca.
Thông tin về 4.045 ca nhiễm mới được công bố vào ngày 24.10 như sau:
- 17 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 4.028 ca ghi nhận trong nước (tăng 667 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 1.599 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (966), Bình Dương (524), Đồng Nai (429), An Giang (297), Sóc Trăng (296), Đắk Lắk (193), Bạc Liêu (155), Tây Ninh (132), Trà Vinh (113), Long An (88), Kiên Giang (83), Tiền Giang (78), Hà Giang (68), Bình Thuận (51), Cần Thơ (48), Gia Lai (44), Khánh Hòa (43), Cà Mau (42), Đồng Tháp (41), Thanh Hóa (38), Phú Thọ (34), Thừa Thiên Huế (32), Nghệ An (27), Quảng Nam (17), Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Vĩnh Long (15), Bến Tre (15), Hà Nội (14), Quảng Ngãi (12), Bình Phước (12), Nam Định (11), Quảng Bình (11), Ninh Thuận (11), Bình Định (11), Kon Tum (10), Đà Nẵng (9), Bắc Ninh (8 ), Lâm Đồng (8 ), Hà Nam (6), Đắk Nông (5), Bắc Giang (3), Phú Yên (3), Hải Dương (2), Quảng Trị (2), Lai Châu (2), Tuyên Quang (2), Bắc Kạn (1).
Ngày 24.10: Cả nước 4.045 ca Covid-19, 1.314 ca khỏi | TP.HCM 966 ca |
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (-176), Tiền Giang (-78), Phú Thọ (-41).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (+296), TP.HCM (+217), Đắk Lắk (+193).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.544 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 888.940 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.027 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 884.177 ca, trong đó có 803.161 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (425.121), Bình Dương (228.840), Đồng Nai (61.532), Long An (34.227), Tiền Giang (15.626).
Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.314
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 805.978
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.899 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.045
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 405
- Thở máy không xâm lấn: 80- Thở máy xâm lấn: 350
- ECMO: 19
Trong ngày, cả nước ghi nhận 53 ca tử vong tại 7 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (30), Bình Dương (12), Đồng Nai (5), Long An (2), An Giang (2), Tây Ninh (1), Bạc Liêu (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 68 ca.- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.673 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngày 24.10: Thông báo 53 ca Covid-19 tử vong tại 7 tỉnh thành |
Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 89.574 xét nghiệm cho 186.901 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 21.639.660 mẫu cho 59.163.726 lượt người.
Trong ngày 23.10 có 936.739 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 72.929.311 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 51.883.474 liều, tiêm mũi 2 là 21.045.837 liều.
Cả nước đang có 22 tỉnh thành “vùng xanh”
Theo tổng hợp của Bộ Y tế, tất cả các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch bệnh Covid-19. 63 tỉnh, thành đã thực hiện việc đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Phạm vi đánh giá ở cấp tỉnh, huyện và phường, xã.
Theo tổng hợp của Bộ Y tế cập nhật đến 22 giờ ngày 23.10.2021, cả nước có 22 tỉnh, thành đang ở cấp độ dịch 1 (tức màu xanh, bình thường mới), giảm 4 địa phương so với trước đó vài ngày.
Cụ thể, 22 tỉnh, thành phố này gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.
Bên cạnh đó, 41 tỉnh, thành mức vàng, không có tỉnh, thành nào ở mức cam hay đỏ. Trong đó có những địa phương toàn tỉnh mức vàng, không có xã, phường nào mức đỏ như: Long An (với lý do tỷ lệ người trên 65 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 đạt 51,59%), Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Định, Bình Dương, Cà Mau, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Thừa Thiên-Huế…
Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, có 2 địa phương là vùng xanh (thuộc cấp độ 1) gồm Hà Nội và Hải Phòng, 3 thành phố còn lại gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ là vùng vàng (thuộc cấp độ 2).
Đồng thời, cả nước có 143 huyện, xã, phường, ấp, thôn ở mức cam (mức nguy cơ cao, trong đó có 16 huyện) và 59 xã, phường mức đỏ (nguy cơ rất cao). Các chỉ số này đều tăng so với những ngày trước đó.
Cả nước có 22 tỉnh, thành đang thuộc cấp độ dịch Covid-19 "vùng xanh" |
Trong hơn 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128, cả nước đã có những chuyển biến đáng kể về mở cửa lại dịch vụ, đi lại thông suốt hơn, vận chuyển hành khách công cộng đã từng bước mở lại. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn nếu người dân không tuân thủ 5K. Tại nhiều địa phương vẫn ghi nhận các ca mắc trong cộng đồng.
Bộ Y tế nhận định sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch.
Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số người mắc và số người tử vong trong thời gian qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới.
Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, từ cố gắng dập dứt điểm ca bệnh sang "chung sống an toàn".
TP.HCM công bố cấp độ dịch Covid-19 tại 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức
Ngày 24.10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản thông báo cấp độ dịch trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và quyết định số 4800 của Bộ Y tế.
Theo đó, cấp độ dịch trên toàn địa bàn TP.HCM là cấp độ 2. Đối với 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức, có 9 địa phương đạt cấp độ 1; 12 địa phương đạt cấp độ 2 và 1 địa phương đạt cấp độ 3.
Cụ thể, các địa bàn đạt cấp độ 1 gồm: Q.1, Q.7, Q.8, Q.10, Q.12, Cần Giờ, Củ Chi, Gò Vấp, Tân Bình, TP.Thủ Đức
Cấp độ 2: Q.3, Q.4, Q.5, Q.6, Q.11, Bình Chánh, Bình Thạnh, Hóc Môn, Nhà Bè, Phú Nhuận và Tân Phú. Riêng Q.Bình Tân đang ở cấp độ 3.
UBND TP.HCM giao các sở ngành liên quan và UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức căn cứ cấp độ dịch để triển khai các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.
TP.HCM công bố cấp độ dịch Covid-19 tại 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức |
Người trở lại TP.HCM làm gia tăng ca nhiễm qua test nhanh
Sáng 24,10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, HCDC đã thực hiện giám sát công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại P.12, Q.Gò Vấp sau khi ghi nhận số ca dương tính với xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 ở phường này có khuynh hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Theo HCDC, tình hình gia tăng số ca nghi nhiễm tại P.12 có nguyên nhân là do người dân từ các tỉnh, thành khác quay lại để tiếp tục làm việc. Những người này được lấy mẫu xét nghiệm nhanh trước khi làm việc trở lại và có kết quả dương tính.
Theo báo cáo của P.12, khi ghi nhận những trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính, Trạm y tế phường đã tiến hành xử lý và đánh giá tình trạng F0. Trường hợp F0 đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, không đủ điều kiện thì chuyển khu cách ly tập trung của quận. Các lực lượng chức năng của phường thành lập 5 nhóm hỗ trợ F0 cách ly tại nhà qua ứng dụng Zalo. Mỗi nhóm có đại diện lãnh đạo phường, gồm: 1 bác sĩ, 1 nhân viên y tế, 1 cán bộ phường và đại diện ban ngành, đoàn thể của phường có trách nhiệm tư vấn và theo dõi sức khỏe, hỗ trợ an sinh, giải quyết các vấn đề khó khăn của F0 khi chăm sóc, theo dõi, cách ly tại nhà.
Số ca nhiễm Covid-19 qua test nhanh tại một số khu vực của TP.HCM có dấu hiệu gia tăng |
Ngày 22.10, HCDC đã kiểm tra công tác thực hiện lấy mẫu test nhanh và tiêm vắc xin Covid-19 tại H.Bình Chánh sau khi giám sát dữ liệu mỗi ngày phát hiện H.Bình Chánh có số ca mắc có dấu hiệu tăng.
Theo báo cáo, trong sáng 22.10, 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B đã lấy 3.000 mẫu test nhanh. Kết quả phát hiện 78 trường hợp dương tính. Ngay lập tức, H.Bình Chánh đã áp dụng ngay hướng dẫn mới về quy trình xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Cụ thể, đối với hộ gia đình có F0, các thành viên trong hộ sẽ được xét nghiệm và cách ly trong 14 ngày từ ngày phát hiện F0 đầu tiên.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đánh giá sơ bộ các tiêu chí như: Có ít nhất 2 hộ gia đình có F0 trong cùng khu vực và có giao tiếp với nhau; tính chất của địa bàn dân cư; tình trạng tiêm chủng; đã từng là ổ dịch trong 3 tháng trước đó. Sau khi có đánh giá sơ bộ, các lực lượng chức năng sẽ khoanh vùng ổ dịch nhằm phong tỏa tạm thời ổ dịch trong vòng 24 giờ để điều tra và xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
H.Bình Chánh áp dụng kịp thời hướng dẫn mới về quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng sẽ giúp phân loại nguy cơ, kiểm soát dịch bệnh và có cơ sở điều chỉnh quy trình mới hướng để phù hợp nhất với tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM.
Quy trình mới xử lý F0 Covid-19 khi phát hiện tại cộng đồng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP.HCM đã ban hành quy trình mới trong điều tra và xử lý ổ dịch Covid-19 tại cộng đồng.
Theo quy trình mới được áp dụng, các F0 mắc Covid-19 khi được phát hiện nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà và được cấp thuốc điều trị. Đồng thời việc xét nghiệm bằng test nhanh sẽ thực hiện cho tất cả người dân trong phạm vi ổ dịch nhằm phát hiện hết những đối tượng có nguy cơ cao bị lây nhiễm. Qua đó, những người nhiễm mới phát hiện được đưa vào hệ thống quản lý, chăm sóc và điều trị ngay tại nhà.
Việc thực hiện quy trình mới này có hai ý nghĩa: Thứ nhất là phát hiện sớm F0 Covid-19 để ngăn chặn dịch lây lan; thứ hai là việc cách ly tại nhà sẽ tạo điều kiện cho F0 có được tinh thần thoải mái và chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới phải nhập viện.
Ngoài ra cũng theo quy trình mới thì quá trình quản lý, điều tra và đánh giá lại ổ dịch sẽ được thực hiện sau mỗi 3 ngày nhằm phát hiện sớm tất cả các ca F0 mới để đưa vào quản lý và quyết định việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi ổ dịch Covid-19.
Quy trình mới xử lý F0 Covid-19 khi phát hiện tại cộng đồng |
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong đợt dịch thứ tư bắt đầu từ ngày 27.4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng hơn 420.000 trường hợp nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng hơn 16.400 bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Thời gian gần đây, qua giám sát dữ liệu, HCDC đánh giá số ca nhiễm Covid-19 qua test nhanh tại một số khu vực trên địa bàn TP.HCM hiện có dấu hiệu gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do người dân từ các tỉnh, thành khác quay lại để tiếp tục làm việc.
Theo thông tin từ HCDC, người dân nói chung và người lao động nói riêng trở lại TP.HCM đều được hỗ trợ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 và mũi 2 tại doanh nghiệp, địa phương cư trú hoặc địa bàn giáp ranh với TP.HCM.
Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, TP.HCM bước vào trạng thái “bình thường mới”, phục hồi và phát triển kinh tế. Mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K sau khi đã tiêm đủ liều vắc xin và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội.
TP.HCM đặt biển cảnh báo trước nhà, sẽ không chặn cả con hẻm nếu có ca Covid-19
TP.HCM thay đổi quy trình xử lý khi phát hiện F0 nhiễm Covid-19 trong cộng đồng để phù hợp với tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ. F0 sẽ được theo hộ gia đình; không phong tỏa toàn bộ ngõ hẻm, khu phố, tổ dân phố như trước kia, bởi không cần thiết và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, khi có ca mắc mới, các hộ xung quanh chỉ hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra ngoài và sẽ không rào chắn. Hiện nay, đối với ổ dịch hộ gia đình, nếu mỗi hộ chỉ có 1 ca F0 thì cơ quan y tế, địa phương sẽ đến khám sàng lọc, đánh giá tình trạng. Nếu đủ điều kiện, cơ quan chức năng sẽ để bệnh nhân cách ly tại nhà. Nếu có triệu chứng nặng hoặc chỉ số SpO2 dưới 96%, bệnh nhân được đưa đến trạm y tế xét nghiệm. Còn các F1 sẽ được theo dõi sức khỏe và xét nghiệm định kỳ, cách ly gia đình.
Để kiểm soát ca nhiễm trong cộng đồng, cơ quan chức năng và cơ quan y tế địa phương thực hiện biện pháp căng dây phong tỏa và dán biển cảnh báo hộ gia đình có ca nhiễm Covid-19. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ tuyên truyền để người dân sống gần đó thực hiện nghiêm biện pháp 5K.
TP.HCM đặt biển cảnh báo trước nhà, sẽ không chặn cả con hẻm nếu có ca Covid-19 |
Ngoài ra, Sở Y tế cũng xây dựng quy trình xử lý F0 khi phát hiện tại các nhà máy, doanh nghiệp nhằm đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt với tình hình mới. Cụ thể, F0 mắc Covid-19 sẽ đưa đến khu vực cách ly tách biệt trong phân xưởng của nhà máy, xí nghiệp nhằm giảm tải cho các khu cách ly ở quận huyện theo hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế.
Nhiều cán bộ công an, tòa án huyện Quốc Oai dương tính với Covid-19
Theo thông tin từ UBND H.Quốc Oai (Hà Nội), từ tối 23.10, địa phương này đã cho phong tỏa nhiều khu vực để rà soát, thực hiện các biện pháp y tế sau khi ghi nhận nhiều trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.
Trước đó, khoảng 16 giờ 30 chiều 23.10, Bệnh viện đa khoa H.Quốc Oai tiếp nhận bệnh nhân N.T.P.N (40 tuổi, trú xã Sài Sơn, H.Quốc Oai) có triệu chứng ho, sốt đến khám bệnh. Bệnh viện tiến hành test nhanh 3 lần đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Thực hiện test nhanh với anh N.Q.T (40 tuổi, chồng chị N) cũng cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay trong ngày 23.10, Trung tâm y tế H.Quốc Oai đã lấy mẫu xét nghiệm để gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để tiến hành xét nghiệm PCR khẳng định.
Ngay sau khi nhận thông tin có hai trường hợp test nhanh nghi ngờ mắc Covid-19, lực lượng chức năng đã cho phong tỏa tạm thời khu vực sinh sống của 2 trường hợp này; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã để người dân trong xã nắm rõ và không tiếp xúc với người khác, khẩn trương khai báo y tế.
Đồng thời tập trung truy vết các trường hợp liên quan và khẩn trương lấy mẫu thực hiện test nhanh các trường hợp tiếp xúc gần với ca nghi ngờ mắc Covid-19 và các thành viên trong gia đình. Qua rà soát ban đầu có 20 trường hợp tiếp xúc gần.
Nhiều cán bộ công an, tòa án huyện Quốc Oai dương tính với Covid-19 |
Trưa 24.10, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Ban chỉ huy Quân sự H.Quốc Oai cho biết, chị N. là cán bộ Tòa án nhân dân H.Quốc Oai. Sau khi nghi ngờ mắc Covid-19, lực lượng chức năng rà soát, lấy mẫu xét nghiệm cho những người liên quan và phát hiện thêm 5 người là lãnh đạo Công an H.Quốc Oai, lãnh đạo Công an TT.Quốc Oai, lãnh đạo Huyện ủy Quốc Oai, TT.Quốc Oai và lãnh đạo Tòa án nhân dân H.Quốc Oai nghi ngờ mắc Covid-19. Những người này có thể cùng tham gia một hội nghị tư pháp bên Tòa án nhân dân H.Quốc Oai.
“Sáng nay, 24.10, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 H.Quốc Oai đang họp để triển khai các biện pháp y tế cấp bách, đồng thời truy vết, xác định nguồn lây”, vị lãnh đạo Ban chỉ huy Quân sự H.Quốc Oai cho hay.
Một lãnh đạo UBND H.Quốc Oai cho biết thêm những trường hợp này đều tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và đang chờ kết quả chính thức từ CDC Hà Nội. Trước mắt, địa phương đang thực hiện các biện pháp y tế, truy vết nguồn lây và chờ thông tin chính thức để làm báo cáo cụ thể.
Vắc xin Covid-19 của Cuba cần tiêm 3 mũi
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, vắc xin Covid-19 Abdala của Cuba chỉ định tiêm phòng cho người từ 19 - 65 tuổi. Lịch tiêm gồm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là 14 ngày. Mỗi liều 0,5 ml, tiêm bắp.
Vắc xin chống chỉ định cho người dưới 19 tuổi, người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc xin.
Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm vắc xin Abdala gồm: người mắc bệnh mạn tính, tự miễn dịch hoặc bệnh chuyển hóa nội tiết. Người bệnh tăng huyết áp nên hoãn tiêm chủng cho đến khi kiểm soát được huyết áp.
Người đang bị nhiễm trùng cấp tính: hoãn tiêm chủng vắc xin Abdala cho đến khi giải quyết hết tình trạng nhiễm trùng.
Đối với phụ nữ có thai, dữ liệu sử dụng vắc xin này ở phụ nữ có thai còn hạn chế. Các nghiên cứu trên động vật chứng minh vắc xin không ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thai kỳ, sự phát triển của thai, đến bà mẹ trong khi sinh hoặc sau khi sinh. Chỉ định tiêm vắc xin Abdala trong thai kỳ được xem xét nếu lợi ích lớn hơn các nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đối với mẹ và thai nhi.
Về tiêm chủng đồng thời với các vắc xin khác, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, hiện không có thông tin về sự tương tác của vắc xin Abdala với các loại vắc xin khác.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các phản ứng sau tiêm thể nhẹ chiếm 97% trong số các phản ứng ghi nhận sau tiêm chủng và không phải điều trị bằng thuốc. Phản ứng thường xuất hiện từ 24 - 48 giờ sau tiêm. Các tác dụng không mong muốn xảy ra cao hơn sau liều đầu tiên và giảm sau các liều tiếp theo.
Vắc xin Covid-19 của Cuba cần tiêm 3 mũi |
Thử nghiệm lâm sàng sử dụng 215.267 liều cho thấy các biến cố bất lợi rất ít gặp, từ 0,1 - 1% tổng số liều tiêm. Chủ yếu là phản ứng tại chỗ, hầu hết là đau tại chỗ tiêm, đỏ và cứng (0,85%). Các phản ứng toàn thân là nhức đầu (0,54%), tăng huyết áp (0,27%), buồn ngủ (0,18%) và mệt mỏi (0,14%). Các phản ứng buồn nôn, nôn, đau khớp và tình trạng khó chịu chung xảy ra ít hơn (0,1%).
Số liệu ghi nhận từ sử dụng hơn 3 triệu liều trong cộng đồng cho thấy rất hiếm các trường hợp phản vệ, không có trường hợp tử vong hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng khác liên quan đến tiêm chủng.
Tràn lan kit test nhanh bằng nước bọt không phép
Hiện có rất nhiều loại kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt được bày bán trên thị trường chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, không rõ nguồn gốc nhưng nhiều người vẫn tìm mua để sử dụng. Thậm chí, có nơi còn “nổ” sản phẩm đã được cấp phép, có độ nhạy đến 99,99%.
Quý vị chỉ cần Chỉ cần vào mục tìm kiếm của Facebook, gõ “kit test nước bọt” sẽ hiện ra rất nhiều câu chào mời, quảng cáo về dòng sản phẩm này. Trong vai một khách đang cần tìm mua kit test nước bọt, PV Thanh Niên được mời chào mua các sản phẩm kit test đa dạng từ các nhà sản xuất khác nhau với đủ mức giá từ 110.000 - 265.000 đồng/test.
Loại kit test nhanh bằng nước bọt PV Thanh Niên mua với giá 120.000 đồng |
Khi chúng tôi bày tỏ ý định lấy số lượng lớn để kinh doanh hoặc cho doanh nghiệp sử dụng thì được người bán chào giá tốt hơn.
Khi hỏi về độ tin cậy của kết quả các test nhanh này thì hầu hết người bán đều khẳng định sản phẩm của mình có độ chính xác từ 98,5% trở lên, thậm chí có người còn khẳng định độ chính xác lên tới 99,99%! Kèm theo đó là những lời giới thiệu “mát tai” về những ưu điểm của loại kit test này như: dễ sử dụng bằng cách lấy nước bọt mà không gây khó chịu như test bằng que tăm bông, êm dịu với trẻ em, không gây kích ứng khi sử dụng, độ chính xác cao...
Không chỉ trên mạng xã hội Facebook, loại test này cũng có thể dễ dàng tìm mua kit test nói trên tại các sàn thương mại điện tử có tiếng như Shopee hay Lazada hoặc các website khác. Tuy nhiên khi thử tìm mua que test nước bọt tại các hiệu thuốc trên địa bàn TP.HCM thì đều không có hàng. Các hiệu thuốc lý giải rằng vì sản phẩm này vẫn chưa được cấp phép nên vẫn chưa nhập hàng về bán được.
Giấy hướng dẫn sử dụng của kit test PCL Spit ghi rằng đây là kit test đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép (?) |
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở chưa nhận được thông tin Bộ Y tế đã cho phép loại test nhanh Covid-19 bằng nước bọt. Theo đó, để chấn chỉnh tình trạng bán buôn kit test này trên địa bàn TP.HCM, Sở Y tế sẽ rà soát, kiểm tra và xử lý.
Đại diện Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) khẳng định, đến nay Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ kit test nhanh Covid-19 bằng nước bọt nhưng hiện nay, quan điểm của Bộ Y tế là rất ủng hộ nghiên cứu phương pháp mới. Tuy nhiên, phải cần có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá hiệu quả, tác dụng thì mới cấp phép cho test nhanh bằng nước bọt. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên mua các sản phẩm đã được thẩm định, cấp phép để đảm bảo chất lượng. Nếu kit test không đảm bảo chất lượng sẽ rất nguy hiểm vì có thể cho kết quả âm tính giả, làm lây lan dịch bệnh.
Lạ lẫm “khám phá lại Sài Gòn” sau 4 tháng ở nhà vì Covid-19
Sáng 24.10.2021, tranh thủ cuối tuần, rất nhiều người đã tập trung về các khu vực ở trung tâm TP.HCM như đường sách Nguyễn Văn Bình, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM để chụp hình, hát hò, trò chuyện.
Mặc dù thành phố đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội từ đầu tháng, nhưng do phải sắp xếp công việc nên tới ngày 24.10, chị Trương Thị Minh Thùy cùng một số người bạn mới rủ nhau đi “khám phá lại thành phố” sau dịch Covid-19.
Những người bạn của chị Thùy quen nhau từ một ứng dụng trên internet, đây cũng là lần đầu tiên họ có buổi gặp mặt và chia sẻ những hiểu biết về các địa danh ở thành phố.
Không chỉ các bạn trẻ, nhiều gia đình cũng tranh thủ ngày chủ nhật để chở con mình vào trung tâm thành phố chơi.
Tại khu vực trước Bưu điện thành phố, thỉnh thoảng cũng có người tháo bỏ khẩu trang để ăn uống, hát hò hoặc chụp hình. Tuy nhiên, sau đó họ cũng mang lại khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Trải qua những ngày tháng giãn cách, hơn ai hết người dân của thành phố đã thấm thía những khó khăn vì dịch bệnh. Với những tín hiệu tích cực từ việc kiểm soát dịch bệnh, họ có lẽ cũng đã sẵn sàng cho một cuộc sống bình thường mới trong sự cảnh giác.
Lạ lẫm “khám phá lại Sài Gòn” sau 4 tháng ở nhà vì Covid-19 |
Hơn 600 triệu đồng cho trẻ mồ côi tại H.Bình Chánh
Chia sẻ với những khó khăn của người dân sau đại dịch, sáng 23.10, Báo Thanh Niên phối hợp với Huyện đoàn Bình Chánh tổ chức trao tiền hỗ trợ cho hơn 200 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 trên địa bàn H.Bình Chánh, TP.HCM, số tiền do bạn đọc báo đóng góp.
Để nhanh chóng trao tiền đến tận tay các trẻ và gia đình trên địa bàn huyện, được sự hỗ trợ nhiệt tình từ Huyện đoàn Bình Chánh, chương trình cùng đồng loạt diễn ra ở cả 3 điểm trao tập trung.
Tại Nhà thiếu nhi H.Bình Chánh, lễ trao diễn ra ấm cúng với sự tham dự của đại diện Ban Biên tập Báo Thanh Niên, Ban dân vận huyện ủy Bình Chánh, Phòng giáo dục đào tạo và Huyện đoàn Bình Chánh.
Cùng thời gian, tại UBND xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM, Chương trình tổ chức trao tiền hỗ trợ cho 62 trẻ đang sinh sống tại các xã Bình Hưng, Đa Phước, Hưng Long, Phong Phú.
Chồng mất vợ, con mất mẹ vì Covid-19 quá đau đớn: “không muốn sống nữa” |
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)