Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 28.10: Hàng quán TP.HCM nhộn nhịp ăn uống tại chỗ

28/10/2021 19:30 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 28.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 28.10 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Bản tin Covid-19 ngày 28.10: Hàng quán TP.HCM rộn ràng ăn uống tại chỗ

Cả nước ghi nhận 4.892 ca Covid-19 mới, 1.649 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 28.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 27.10 đến 17 giờ ngày 28.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.892 ca nhiễm mới, 1.649 ca khỏi bệnh.

Cả nước ghi nhận thêm 54 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 21.910 ca.

Ngày 28.10: Cả nước 4.892 ca Covid-19, 1.649 ca khỏi | TP.HCM 1.069 ca

Thông tin về 4.892 ca nhiễm mới như sau:

  • 16 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 4.876 ca ca ghi nhận trong nước (tăng 472 ca so với ngày trước đó) tại 16 tỉnh, thành phố (có 1.980 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.069), Đồng Nai (745), Bình Dương (618), An Giang (286), Tây Ninh (190), Hà Giang (184), Kiên Giang (160), Tiền Giang (139), Cần Thơ (138), Quảng Nam (129), Sóc Trăng (128), Bình Thuận (116), Long An (93), Trà Vinh (92), Phú Thọ (81), Đắk Lắk (80), Cà Mau (78), Gia Lai (58), Nghệ An (43), Bến Tre (39), Hậu Giang (39), Nam Định (38), Hà Nội (31), Thừa Thiên Huế (31), Khánh Hòa (30), Đồng Tháp (26), Vĩnh Long (25), Ninh Thuận (22), Thanh Hóa (22), Hà Nam (21), Lâm Đồng (20), Bà Rịa - Vũng Tàu (19), Bắc Ninh (12), Phú Yên (10), Quảng Ngãi (9), Quảng Bình (9), Vĩnh Phúc (7), Quảng Trị (7), Kon Tum (6), Đắk Nông (6), Bình Định (5), Đà Nẵng (4), Bắc Giang (3), Hưng Yên (2), Lào Cai (2), Quảng Ninh (1), Lạng Sơn (1), Thái Nguyên (1), Yên Bái (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (-242), Đắk Lắk (-174), TP.HCM (-71).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (+246), Hà Giang (+165), Bình Dương (+97).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.980 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 905.477 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.193 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 900.669 ca, trong đó có 811.146 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (429.082), Bình Dương (231.024), Đồng Nai (63.715), Long An (34.541), Tiền Giang (16.124).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.649
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 813.963

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.687 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.803
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 446
  • Thở máy không xâm lấn: 99
  • Thở máy xâm lấn: 319
  • ECMO: 20

Từ 17h30 ngày 27.10 đến 17h30 ngày 28.10, cả nước ghi nhận 54 ca tử vong tại 13 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (25), Bình Dương (6), Tiền Giang (4), Long An (4), Tây Ninh (4), Đồng Nai (3), Sóc Trăng (2), Kiên Giang (1), Cần Thơ (1), Đắk Lắk (1), Bạc Liêu (1), An Giang (1), Ninh Thuận (1).

Ngày 28.10: Thông báo 54 ca Covid-19 tử vong tại 13 tỉnh thành

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 60 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.910 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 116.209 xét nghiệm cho 201.090 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 21.900.217 mẫu cho 59.785.860 lượt người.

Trong ngày 28.10 có 1.170.967 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 77.145.612 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 54.520.772 liều, tiêm mũi 2 là 22.624.840 liều

Người Sài Gòn ăn sáng, uống cà phê vỉa hè trong ngày đầu bán tại chỗ

Vui mừng, phấn khởi – đó là tâm trạng chung của nhiều người dân sống tại TP.HCM sáng 28.10.2021 – ngày đầu hàng quán được bán tại chỗ sau gần 5 tháng đóng cửa rồi bán mang về.

Người Sài Gòn thưởng thức hủ tiếu mì nóng hổi, uống cà phê vỉa hè ngày đầu bán tại chỗ

Tại quán hủ tiếu mì thập cẩm - mì cật ở số 62 Trương Định, khách đã tấp nập khách từ 6 giờ sáng. Nhiều năm qua, đây là quán hủ tiếu nổi tiếng, luôn đông nghịt khách trước giãn cách xã hội.

Tiệm hủ tiếu mì này nhộp nhịp từ 6 giờ sáng

lê nam

Dù giá một tô mì cật lên tới 65.000 đồng nhưng đây là địa chỉ ăn sáng quen thuộc của nhiều người Sài Gòn.

Hủ tiếu mì nổi tiếng ở số 62 Trương Định là bữa sáng quen thuộc của nhiều người

lê nam

Suốt 5 tháng phải tạm xa quán quen, nhiều người nhớ cảm giác được hít hà, xì xụp tô hủ tiếu mì, hủ tiếu cật nóng hổi ngay tại quán.

Người Sài Gòn thỏa mãn bữa sáng nóng hổi tại quán

lê nam

Không chỉ ăn hủ tiếu, bún bò, cơm tấm… người Sài Gòn còn có thói quen nhâm nhi ly cà phê sữa đá vào buổi sáng, thong dong đọc một tờ báo hay trò chuyện cùng bạn bè. Hình ảnh đó cũng trở lại trong sáng 28.10 tại nhiều con đường ở trung tâm thành phố. Nếp sống vui tươi dần trở lại đô thị nhộn nhịp nhất cả nước.

Thói quen uống cà phê sữa đá vỉa hè của người Sài Gòn

lê nam

UBND TP.HCM cho phép hàng quán ăn uống được phục vụ tại chỗ nhưng phải đáp ứng 4 tiêu chí. Hàng quán ở TP.HCM sẽ được bán tại chỗ và phải đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày (trừ hệ thống nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, điểm tham quan), công suất hoạt động tối đa 50% khách và không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn.

Bạn trẻ ngồi lại cà phê sáng 28.10

lê nam

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng giao UBND Q.7 và TP.Thủ Đức xem xét, quyết định cụ thể địa bàn thuộc phạm vi quản lý được thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Thời gian thí điểm đến hết ngày 15.11. Sau thời gian thí điểm, 2 địa bàn nêu trên đánh giá, rút kinh nghiệm; báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM làm cơ sở để tiếp tục triển khai và nhân rộng tại các địa bàn khác.

Không phải quán ăn nào ở TP.Thủ Đức và Q.7 cũng được phục vụ rượu, bia

Chiều 28.10, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ. Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ. Theo quy định hiện nay của UBND TP.HCM, cơ sở kinh doanh ăn uống không được hoạt động quá 21 giờ, không quá 50% công suất và không phục vụ rượu, bia.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết nếu cơ sở mà bán hoặc để cho khách sử dụng đồ uống có cồn thì chủ cơ sở sẽ bị xử phạt. Ông Tú cũng giải thích không phải tất cả cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn TP.Thủ Đức và Q.7 được phục vụ đồ uống có cồn mà chính quyền địa phương sẽ căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quyết định cho mở, chứ không mặc nhiên 100% cơ sở trên toàn địa bàn được mở.

Về câu hỏi UBND TP.Thủ Đức và Q.7 có được đặt ra quy định mới hay không, ông Tú nói quyết định của UBND TP.HCM là cho phép 2 địa phương trên được quyết định địa bàn thuộc phạm vi quản lý thí điểm kinh doanh đồ uống có cồn.

UBND TP.Thủ Đức và UBND Q.7 phải đánh giá tình hình theo yêu cầu phòng chống dịch thực tiễn địa phương để chọn địa bàn đáp ứng điều kiện và được phép hoạt động.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, thông tin về hoạt động quán ăn phục vụ đồ uống có cồn

sỹ đông

"Quy định của TP.HCM là khung pháp lý cao nhất, tùy theo thực tiễn phòng chống dịch của địa phương mình mà TP.Thủ Đức và Q.7 có thể xem xét yêu cầu thêm cho phù hợp. Việc đánh giá, tổ chức thực hiện cũng hết sức thận trọng”, ông Tú thông tin.

Đối với hệ thống nhà hàng tiệc cưới, ông Tú cho biết lĩnh vực này vẫn hoạt động theo Chỉ thị 18 ngày 30.9 của UBND TP.HCM. Cụ thể, số lượng khách dự cùng lúc nếu tổ chức trong nhà thì tối đa 10 người, nếu 90% tiêm đủ vắc xin hoặc khỏi bệnh thì tối đa 60 người; nếu tổ chức ngoài trời thì số lượng khách tương ứng là 15 và 90 người. Các nhà hàng tiệc cưới được phục vụ thức uống có cồn và hoạt động sau 21 giờ.

Phụ huynh TP.HCM sát cánh cùng con tiêm vắc xin Covid-19

Sáng 28.10.2021, các học sinh được phụ huynh tới điểm tiêm chủng ở trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) để tiêm vắc xin Covid-19.

Tại điểm tiêm chủng này, em học sinh phải có, phụ huynh hoặc người giám hộ đi cùng mới có thể thực hiện việc tiêm vắc xin Covid-19. Vì vậy, rất nhiều phụ huynh đã sắp xếp công việc để có thể đưa cùng con tới trường kịp giờ tiêm vắc xin.

Các học sinh và phụ huynh khi tới điểm tiêm sẽ được đo nhiệt độ, khử khuẩn tay ở cổng trường. Sau đó được hướng dẫn điền tờ khai và ngồi đợi để khám sàng lọc. Nếu mọi sau khi khám mọi chỉ số đều đảm bảo thì sẽ được hướng dẫn tới khu vực chờ tiêm. Các học sinh sẽ được tiêm vắc xin Pfizer. Sau khi tiêm, các em học sinh sẽ được theo dõi sức khỏe 30 phút và được phát phiếu xác nhận tiêm một mũi vắc xin. Trước đó, ban giám hiệu nhà trường cũng đã bố trí, sắp xếp lại các khu vực để có thể thực hiện việc tiêm chủng thuận lợi, hiệu quả.

Phụ huynh tạm gác chuyện làm ăn đưa con đi tiêm vắc xin Covid-19

Mặc dù cả phụ huynh và học sinh cùng tới nhưng địa điểm tiêm vẫn diễn ra nghiêm túc. Không xuất hiện tình trạng xô đẩy, chen lấn. Trong lúc các học sinh đợi tiêm thì phụ huynh được bố trí ngồi ở khu vực chờ sau tiêm.

Như vậy, sau khi thành phố thí điểm tiêm ở Củ Chi và Q.1 vào ngày 27.10 thì nhiều quận, huyện khác cũng đã bắt đầu thực hiện việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi từ ngày 28.10.2021. Tại TP.HCM hiện có 515 trường với khoảng 740.000 trẻ em 12 đến 17 tuổi. Theo kế hoạch, việc tiêm chủng sẽ thực hiện trong 5 ngày với khoảng 742 đội tiêm. Dự kiến, mỗi ngày sẽ tiêm vắc xin Covid-19 cho trên 148.000 em.

3 bước xử lý F0 tại cộng đồng ở TP.HCM

Ngày 28.10, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã ban hành hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý F0 tại cộng đồng gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận, huyện, TP.Thủ Đức; Trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức; Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC).

F0 điều trị tại nhà

ẢNH: DUY TÍNH

Quy trình xử lý F0 tại cộng đồng gồm 3 bước:

Bước 1: Phát hiện F0

F0 được phát hiện thông qua xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh từ các nguồn, như: từ bệnh viện, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, tự test… Các trường hợp có kết quả dương tính với xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh đều được xem là F0 và đưa vào chăm sóc, quản lý. Đối với trường hợp là người dân tự làm xét nghiệm, nếu không đủ chứng cứ để xác định rõ thì thực hiện lại test nhanh. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn phân công cho nhân viên chuyên trách hoặc Trạm Y tế thực hiện. Tất cả các phòng xét nghiệm, cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 phải nhập ngay thông tin vào phần mềm Quản lý chuỗi lây nhiễm (CDS).

Bước 2: Xử lý ổ dịch gia đình

Theo hướng dẫn này, nơi ở của F0 được xem là ổ dịch hộ gia đình và phải được xử lý ngay khi xác định thông tin F0 .

Cụ thể, test nhanh ngay cho tất cả các thành viên sống cùng nhà với F0 và cách ly hộ gia đình 14 ngày kể từ ngày phát hiện ca F0 đầu tiên trong hộ; dán biển cảnh báo trước nhà: "ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 " (nền đỏ, chữ vàng).

Quy định mới nhất về xử lý F0 Covid-19 tại cộng đồng ở TP.HCM

Tiếp đến là chăm sóc F0. Đó là khám, đánh giá dấu hiệu suy hô hấp, nếu có thở nhanh hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96% thì gọi tổ phản ứng nhanh đến cấp cứu và chuyển người bệnh vào bệnh viện. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì cho cách ly điều trị tại nhà (nếu đủ điều kiện) và cấp túi thuốc A - B , C. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện cách ly và chăm sóc tại nhà (không có người chăm sóc, không có điều kiện phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình). F0 sẽ tự đề nghị địa điểm cách ly phù hợp (tại cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở cách ly có thu phí, khu cách ly tập trung của địa phương).

Nếu tại địa bàn phường, xã phát hiện trên 10 hộ có F0 thì phải kích hoạt 1 trạm y tế lưu động để quản lý, chăm sóc F0 tại nhà; nếu trên 50 - 100 hộ có F0 thì kích hoạt thêm trạm y tế lưu động.

Trạm Y tế lưu động hướng dẫn người trong hộ gia đình đang cách ly tự thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong gia đình, nhất là bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao (người 65 tuổi, người trên 50 tuổi mắc bệnh nền, người béo phì có BMI > 25, phụ nữ mang thai hoặc sau sinh 2 tuần); thực hiện xét nghiệm ngay cho người phát hiện có triệu chứng trong thời gian cách ly.

Sau 14 ngày xét nghiệm lại toàn hộ gia đình để quyết định kết thúc cách ly. Lưu ý, trong thời gian cách ly, nếu phát hiện thêm F0 trong cùng hộ gia đình thì không tính thêm thời gian cách ly cho những người còn lại trong hộ.

Bước 3: Điều tra ổ dịch cộng đồng

Theo Sở Y tế, ổ dịch cộng đồng là khu vực dân cư có từ 2 hộ gia đình có F0 trở lên.

Theo đó, ngay sau khi xác định ổ dịch hộ gia đình, cần khẩn trương rà soát, điều tra thông tin dịch bệnh trong khu vực, nếu có thêm trường hợp ổ dịch hộ gia đình khác trong cùng khu vực thì tiến hành điều tra sơ bộ để chẩn đoán “ổ dịch cộng đồng”.

Việc này dựa trên 5 tiêu chí sau:

  • Có ít nhất 2 hộ gia đình có F0 trong cùng khu vực.
  • Mức độ giao lưu trong khu vực (hẻm nhỏ, chật hẹp, đông người, thói quen, tập quán sinh hoạt ... ).
  • Mức độ giao tiếp với bên ngoài khu vực (người trong khu vực là shipper hoặc làm việc trong các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như chợ, siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại, cơ sở y tế... ).
  • Tình trạng tiêm chủng của dân cư trong khu vực.
  • Đã từng là ổ dịch.

Sau đó, tạm thời phong tỏa khu vực “ổ dịch cộng đồng” (theo phạm vi đã xác định) trong 24 giờ để thông báo cho người dân trong khu vực biết tình hình ổ dịch cộng đồng, hướng dẫn người dân biết và tuân thủ các quy định quản lý ổ dịch. Song song đó là huy động lực lượng thực hiện test nhanh trong vòng 2 - 4 giờ cho tất cả người dân trong ổ dịch để đánh giá mức độ nguy cơ. Từ kết quả xét nghiệm tầm soát “ổ dịch cộng đồng” và đặc điểm khu vực dân cư, tiến hành phân loại nguy cơ của ổ dịch theo mức độ nguy cơ: thấp, cao và rất cao theo tiêu chí.

TP.HCM công bố giá xét nghiệm Covid-19

Chiều 28.10, Sở Y tế TP.HCM công khai danh sách các cơ sở y tế được cung ứng dịch vụ xét nghiệm và giá xét nghiệm Covid-19 bao gồm cả test nhanh và RT-PCR. Theo danh sách này, có 52 cơ sở y tế công và 24 cơ sở y tế tư nhân và 17 phòng khám tư nhân.

Theo quy định, với y tế công, việc xét nghiệm Covid-19 để sàng lọc người có nguy cơ cao, bệnh nhân nội trú, đánh giá công tác dịch do quỹ Bảo hiểm y tế, ngân sách chi trả. Còn người dân yêu cầu thì phải trả tiền xét nghiệm. Theo đó, giá test nhanh theo yêu cầu thì y tế công thu theo giá mua vào; xét nghiệm RT-PCR thì theo giá quy định, 734.000 đồng/test. Hiện nay, Bệnh viện Nhân dân Gia Định có giá test nhanh thấp nhất, chỉ 60.000 đồng, nhiều bệnh viện chỉ có giá 73.000 đồng. Các bệnh viện có giá test nhanh cao hơn là Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi có giá 168.000 đồng và cũng là bệnh viện mua test nhanh giá cao nhất.

Test nhanh Covid-19

ẢNH: DUY TÍNH

Các cơ sở y tế tư nhân thu giá test nhanh và RT-PCR theo giá kê khai. Nơi thu giá test nhanh thấp nhất là 120.000 đồng và cao nhất lên đến 500.000 đồng/test. Nơi thu giá RT-PCR thấp nhất là 734.000 đồng/test, nhưng cũng có nhiều nơi thu từ 1-2 triệu đồng, thậm chí 3,2 triệu đồng.

Sở Y tế TP.HCM cho biết tính thêm, đến nay đã có 59 cơ sở y tế trên địa bàn đã được Bộ Y tế thẩm định cho phép thực hiện dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR. Theo quy định, kỹ thuật này được chỉ định để chẩn đoán xác định các ca lâm sàng tại các cơ sở điều trị. Trường hợp các cơ sở y tế có thực hiện kỹ thuật này (hoặc có hợp đồng với cơ sở được phép thực hiện) nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân (không triệu chứng, xuất cảnh…) thì thu phí xét nghiệm đúng giá theo quy định nếu là cơ sở y tế công lập, theo giá kê khai nếu là cơ sở y tế tư nhân.

Ngoài ra, cũng đã có 169 cơ sở y tế nộp hồ sơ và được Sở Y tế thẩm định cho phép cung ứng dịch vụ test nhanh. Kỹ thuật này không thay thế cho xét nghiệm RT-PCR mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chuẩn đoán mắc Covid-19.

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cơ sở y tế cung ứng dịch vụ xét nghiệm Covid-19 không đúng theo quy định.

Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tham gia cung ứng dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tiếp tục công khai giá và kê khai giá theo quy định, nộp hồ sơ về Sở Y tế.

TP.HCM: Xét nghiệm Covid-19 có giá cao nhất tới 3,2 triệu đồng

Bảng giá xét nghiệm Covid-19 được các cơ sở y tế báo cáo cho Sở Y tế TP.HCM:

Giá xét nghiệm của cơ sở y tế công

NGUỒN: SỞ Y TẾ TP.HCM

Giá xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện tư

NGUỒN: SỞ Y TẾ TP.HCM

Giá
Giá xét nghiệm Covid-19 tại phòng khám tư (theo Sở Y tế TP.HCM)

Niềm vui trên bến phà qua sông Hậu được chạy lại sau 4 tháng nằm “đắp chiếu”

Từ 0 giờ ngày 27.10.2021, các bến phà khách ngang sông liên tỉnh giữa Cần Thơ với Vĩnh Long, Đồng Tháp được phép hoạt động trở lại với tần suất bình thường.

Các phà đã phải tạm dừng suốt 4 tháng tạm dừng hoạt động do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.

Bến khách Thới An - Phong Hòa nối P.Thới An (Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) và tỉnh Đồng Tháp đã “rũ bỏ” sự đìu hiu để hoạt động nhộn nhịp nối đôi bờ trở lại, sau suốt thời gian nằm “đắp chiếu”.

Từ sáng sớm 28.10, tức ngày thứ hai sau khi phà hoạt động trở lại, người dân di chuyển qua phà khá đông. Nhiều hành khách tỏ ra rất phấn khởi bởi việc đi phà giúp rút ngắn quãng đường hơn so với đi đường bộ.

Chuyến phà tấp nập ngày thứ hai hoạt động lại

DUY TÂN

Những người lao động nghèo, buôn bán dạo cũng đợi ngày phà hoạt động trở lại mới bắt đầu mưu sinh… Bởi việc di chuyển bằng phà thuận lợi, rút ngắn quãng đường vừa đỡ tốn thời gian, chi phí xăng xe.

Theo đại diện các bến phà, lượng hành khách lưu thông qua phà những ngày đầu ít hơn so với trước nhưng đang tăng lại theo từng ngày. Để đảm bảo phòng dịch lực lượng làm việc tại phà, hàng khách phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn tạm thời của Sở GTVT TP.Cần Thơ và quy định phòng, chống dịch của các tỉnh có bến đối lưu.

Tại Cần Thơ, các bến khách được hoạt động trở lại với tỉnh đối lưu Vĩnh Long bao gồm Cần Thơ - Bình Minh; Cồn Khương - Thành Lợi; Cô Bắc - Chòm Yên; Khu công nghiệp Trà Nóc - Tân Bình; Cái Chôm - Xẻo Lá; Vàm Rạch Nọc - Xã Hời.

Nhiều người mang theo hàng để qua bên kia bờ bán buôn

duy tân

Các bến khách được hoạt động trở lại với tỉnh đối lưu Đồng Tháp bao gồm Phà Thới An - Phong Hoà; Bằng Tăng - Cái Dứa; Bà Góa - Vĩnh Thới; Tân Lộc - Tân Thành; Tân Lộc - Cái Đôi; Bò Ót - Định An

Riêng bến khách ngang sông Cồn Khương - Bình Tân tiếp tục dừng hoạt động do hết thời gian đấu thầu khai thác bến.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 28.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.