Bầu cử Mỹ 2020: trật tự thế giới mới nào nếu ông Joe Biden đắc cử?

04/11/2020 11:40 GMT+7

Ông Tony Arend, giáo sư đại học Georgetown, nói: “Tôi không muốn phóng đại điều này. Nhưng tương lai của trật tự toàn cầu đang lâm nguy”. Theo ông, hai tầm nhìn về trật tự thế giới khác biệt của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2020 là nguyên nhân chính. Vậy trật tự thế giới có gì thay đổi nếu ông Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhìn thế giới qua lăng kính dân tộc chủ nghĩa với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”.
Ông đã và đang rút Mỹ khỏi các thỏa thuận quốc tế mà ông cho là bất công. Mọi thứ đều có thể đổi chác, cắt đứt và đơn phương.
Thế giới của ông Trump cũng thường được định hình bởi cảm xúc và quan hệ của ông với các nhà lãnh đạo quốc gia khác.
Còn ông Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, lại có góc nhìn truyền thống hơn về vai trò và lợi ích của Mỹ, phụ thuộc vào các thể chế quốc tế từ sau Thế chiến thứ 2 và có nền tảng là các giá trị dân chủ mà phương Tây chia sẻ.

Quan hệ với đồng minh

Tổng thống Donald Trump hay xúc phạm các đồng minh. Và một trong số các ưu tiên của ông Joe Biden là sửa chữa các mối quan hệ đang xuống dốc, đặc biệt là với NATO và tái tham gia các liên minh toàn cầu.
Chính phủ Mỹ do ông Biden lãnh đạo sẽ trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lãnh đạo nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19 toàn cầu. Chiến dịch tranh cử ông Biden xem đây là một sự tái khởi động, nhằm cứu vãn hình ảnh đang bị tổn hại của nước Mỹ.
Tuy nhiên, bà Danielle Pletka của Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ cho rằng chính phủ Tổng thống Trump đã đạt được nhiều thành tựu trên trường quốc tế.
“Chúng ta có mất bạn để đi tiệc cùng không? Có thể. Không ai muốn đi dự tiệc cùng Donald Trump. Chúng ta có mất quyền lực và ảnh hưởng trên các thước đo thực sự quan trọng trong 70 năm qua không? Không”, bà Danielle Pletka nói.

Biến đổi khí hậu

Ông Joe Biden sẽ đưa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu lên làm ưu tiên và tái gia nhập Thỏa thuận Khí hậu Paris, một trong những thỏa thuận quốc tế mà ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi. Về vấn đề này, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ có quan điểm hoàn toàn khác biệt.
Ông Trump xem nếu giải quyết nạn ấm lên toàn cầu sẽ đe dọa nền kinh tế. Ông khuyến khích phát triển công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và bãi bỏ nhiều quy định khí hậu lẫn biện pháp bảo vệ môi trường.
Ông Biden thì cho biết sẽ tăng cường kế hoạch đầy tham vọng trị giá 2 nghìn tỉ USD để đạt được các mục tiêu về cắt giảm khí thải theo Thỏa thuận Paris, cam kết phát triển một nền kinh tế năng lượng sạch và tạo ra hàng triệu việc làm trong suốt quá trình phát triển.

Iran

Joe Biden khẳng định ông sẵn sàng tham gia lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Đây là thỏa thuận mà Tổng thống Trump đã rút khỏi hồi năm 2018, lý do theo ông là không đủ chặt chẽ để giải quyết các nguy cơ từ Iran và quá yếu để hạn chế hoạt động hạt nhân của quốc gia này.
Sau đó, ông Trump đã tái cấm vận và gây sức ép kinh tế lên Iran. Mới tuần trước, Mỹ gần như liệt tất cả các ngành kinh tế Iran vào danh sách đen. Iran cũng đáp trả bằng cách ngừng tuân thủ các hạn chế theo thỏa thuận hạt nhân.
Ông Biden từng nói rằng chính sách “gây sức ép tối đa" trên không hiệu quả và chỉ dẫn đến căng thẳng leo thang. Ông khẳng định Iran hiện tiến gần đến mức sở hữu vũ khí hạt nhân hơn từ khi ông Trump nhậm chức.
Ông Biden cho biết sẽ tham gia lại thỏa thuận với điều kiện Iran nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định và ông sẽ không gỡ bỏ các lệnh hạn chế cho đến khi Iran chấp nhận điều kiện trên.

Yemen

Ông Biden sẽ ngưng sự ủng hộ của Mỹ cho cuộc chiến do Ả Rập Xê Út tiến hành ở Yemen. Số lượng lớn dân thường tử vong trong cuộc chiến này khiến nhóm cánh tả của đảng Dân chủ và nhiều nghị sĩ Mỹ phản đối.
Ả Rập Xê Út vốn là đồng minh Ả Rập thân cận nhất của ông Trump, cũng là nền tảng cho liên mình chống Iran.
Các nhà phân tích nhận định ông Biden sẽ không thực hiện chính sách ủng hộ chính phủ Ả Rập Xê Út như Tổng thống Trump. “Theo tôi, sẽ có sự thay đổi ở Trung Đông, có thể là một chính sách thân Iran hơn và ít thân với Ả Rập hơn", bà Pletka nói.

Xung đột Ả Rập-Israel

Như các đảng viên Dân chủ kỳ cựu, ông Biden là người ủng hộ Israel lâu năm. Tuy nhiên, có thể ông Biden sẽ không áp dụng chính sách của ông Trump đối với khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, trong đó có tuyên bố các khu định cư Israel không vi phạm luật quốc tế và chấp thuận cho Israel sáp nhập một phần lãnh thổ này.
Cánh tả trong đảng Dân chủ vốn đã có ảnh hưởng lớn hơn đến chính sách đối ngoại trong vài năm gần đây có thể sẽ thúc đẩy hành động hơn nữa để công nhận quyền của người Palestine. Vì vậy, đây là một vấn đề đáng để theo dõi.

Vậy còn những điểm giống nhau thì sao?

Giống Tổng thống Trump, ông Biden muốn kết thúc các cuộc chiến lâu năm ở Afghanistan và Iraq, dù ông muốn giữ một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ ở hai quốc gia trên để hỗ trợ chống khủng bố.
Ông Biden cũng có thể sẽ không cắt giảm ngân sách quốc phòng hay ngừng không kích bằng máy bay không người lái bất chấp áp lực từ phe cánh tả. Ngoài ra, sau đây là những điều có thể không thay đổi dù nước Mỹ có đổi tổng thống.

Nga

Về mặt cá nhân, ông Trump dường như sẵn sàng bỏ qua cho Tổng thống Vladimir Putin dù Nga bị cáo buộc vi phạm luật quốc tế.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ dưới thời ông Trump lại khá mạnh tay với Nga bằng nhiều lệnh cấm vận. Dưới thời ông Biden, các trừng phạt vẫn có thể tiếp diễn.
Ông Biden từng mạnh mẽ khẳng định Nga là “đối thủ" của Mỹ. Ông cũng cam kết sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Nga dám can thiệp bầu cử Mỹ và treo thưởng để nhóm Taliban giết binh lính Mỹ ở Afghanistan, một cáo buộc mà ông Trump đã bỏ qua.
Đồng thời, ông Biden khẳng định muốn hợp tác với Moscow để cứu vãn các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Trump đã rút Mỹ ra khỏi 2 hiệp ước, lấy cớ là Nga đã không tuân thủ, và đang đàm phán triển hạn hiệp ước thứ 3, sắp hết hạn vào tháng 2.2021.

Trung Quốc

Hồi năm 2017, ông Trump nói đã cải thiện quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng từ đó đến nay, ông đã gạt sang một bên quan hệ bạn bè trên, thay vào đó là cáo buộc Trung Quốc lan truyền đại dịch Covid-19, các biện pháp mạnh tay, và ngôn từ thù địch kiểu Chiến tranh Lạnh.
Ông Biden, nếu đắc cử, sẽ tiếp tục các chính sách của ông Trump nhằm chống lại “các hành vi lạm dụng kinh tế” của Trung Quốc. Nhưng ông sẽ hợp sức với các đồng minh để thực hiện, trái ngược với đường hướng ưa thích hành động đơn phương của ông Trump.
Chính sách mạnh tay tẩy chay công nghệ viễn thông Trung Quốc của chính phủ ông Trump được nhiều nơi trên thế giới ủng hộ. Chính điều này đã gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung và đẩy quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm.
Trong khi ông Trump thích chiến lược đối đầu, ông Biden có thể tích cực tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc.
Ông Biden cho biết ông muốn tái sinh sự lãnh đạo của Mỹ. Nhưng thế giới đã hay đổi suốt 4 năm qua, cạnh tranh quyền lực trở lại mạnh mẽ.Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy uy tín của Mỹ đã giảm mạnh, kể cả trong số các đồng minh trung thành nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.