Phát biểu tại một cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai vào ngày 22.9, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thường các nước có thiên tai, dịch bệnh, người ta chi khoảng 4% GDP của quốc gia đó cho công tác an sinh xã hội.
Trong khi ở Việt Nam, thống kê từ năm ngoái tới nay cho thấy tổng chi cho công tác chống dịch Covid-19 khoảng 1,4% GDP, trong đó chỉ có 0,2% GDP cho công tác an sinh, 1,2% còn lại cho cho công tác chống dịch (lực lượng chống dịch, mua vắc xin, test xét nghiệm kháng nguyên…). Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, GDP năm 2020 của Việt Nam vào khoảng 343 tỉ USD.
Sự tổn thương của người dân trong đại dịch Covid-19 là rất lớn
“Nhìn vào con số 0,2% mới thấy nguồn lực của chúng ta cho công tác an sinh xã hội còn rất thấp”, ông Lĩnh nói và cho biết ở nước ngoài, không có chuyện doanh nghiệp hỗ trợ, tặng quà cho dân. “Nước người ta họ luật hóa hết. Doanh nghiệp đóng thuế và nhà nước có trách nhiệm lo cho dân. Không có chuyện doanh nghiệp lấy tiền trong túi của mình ra tặng cho dân. Còn chúng ta, do đất nước còn nghèo nên ngoài chính sách của nhà nước, phải vận động các nguồn lực xã hội lo cho dân, đó là chuyện bình thường”, ông Lĩnh nói.
|
Theo ông Lĩnh, sự đùm bọc, chăm lo của xã hội, của doanh nghiệp cho người dân nghèo trở thành truyền thống nhân văn, ‘lá lành đùm lá rách’. “Nói như vậy để thấy sự tổn thương của người dân trong đợt dịch Covid-19 lần này là rất lớn. Người dân nghèo cần tiếp tục được nhà nước, xã hội chăm lo nhiều hơn. Chúng ta cho phép người dân vùng xanh được "thở", được đi tới, đi lui mua sắm theo quy định nên dù gì họ còn lo được cho mình. Còn người dân nghèo ở vùng đỏ, vùng cam đang bị khóa chặt thêm một thời gian nữa, do đó chúng ta cần tập trung lo tốt hơn an sinh cho họ”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Người đứng đầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai cũng mong mỏi người dân tiếp tục kiên trì, yên tâm và đồng lòng chống dịch. Khi gặp khó khăn, hãy lên tiếng để được chính quyền hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.
Mỗi ngày trên dưới 1.500 cuộc gọi đến tổng đài 1022
Trao đổi với Thanh Niên ngày 23.9, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tổng đài an sinh và y tế 1022 của tỉnh Đồng Nai bình quân mỗi ngày nhận trung bình trên dưới 1.500 cuộc gọi. Bà Hoàng dẫn chứng, trong ngày 22.9 có tới 1.600 cuộc gọi, trong đó có 647 cuộc gọi liên quan đến an sinh. Tính từ ngày tổng đài 1022 mở rộng chính thức vận hành (ngày 30.8) đến ngày 22.9, các bộ phận liên quan đã tiếp nhận hơn 29.800 cuộc gọi, trong đó có 27.435 cuộc gọi được xử lý và chuyển các địa phương liên quan.
“Một số người dân gọi đến tổng đài 1022 phản ánh họ đã có ý kiến đến lần thứ 3 nhưng chưa được các địa phương xử lý. Số khác cho biết đã được lập hồ sơ cả tháng nay nhưng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai dẫn chứng và yêu cầu các huyện, thành phố cần quan tâm giải quyết sớm những nhu cầu của người dân liên quan đến an sinh xã hội.
|
Liên quan đến việc thực hiện gói hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 (gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng của Chính phủ), Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho biết hiện tỉnh đã chi trả lũy kế số tiền hơn 438 tỉ đồng. Trong đó, chi cho đơn vị sử dụng lao động (9.023 đơn vị) với số tiền hơn 124 tỉ đồng, chi cho người lao động (191.500 người) với tổng số tiền 304 tỉ đồng, chi cho hộ kinh doanh (trên 3.000 hộ) với số tiền trên 9 tỉ đồng…Tỉnh Đồng Nai cũng đã nhận đủ 3.129 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ để phát cho các hộ dân nghèo ở 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Ngoài chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, nhiều tổ chức đoàn thể cũng đã vào cuộc vận động nguồn lực xã hội lo cho công tác an sinh xã hội. Đến nay, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Đồng Nai và các hội, đoàn thể đã huy động được tổng số tiền trên 250 tỉ đồng (tính cả hàng hóa, trang thiết bị y tế…) và kịp thời hỗ trợ cho 900.000 hộ dân nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tính đến sáng 25.9, tổng số ca Covid-19 ghi nhận ở Đồng Nai gần chạm mốc 45.000 ca (trong ngày 24.9 có 999 ca mắc mới), trong đó có 23.142 ca khỏi bệnh, số F0 đang chữa trị là 21.405 ca và có 423 bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Đến nay Đồng Nai đã tiêm được gần 1,9 triệu liều vắc xin mũi 1 cho gần 1,8 triệu người, đạt tỉ lệ 78,55% dân số trên 18 tuổi cần tiêm, trong đó có 126.987 người đã tiêm đủ 2 liều (chiếm tỉ lệ 5,63%).
Hiện Đồng Nai đã có 112/170 xã, phường vùng xanh; 6/11 huyện, thị vùng xanh gồm: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và TP.Long Khánh. Còn lại 4 huyện vùng cam và TP.Biên Hòa còn vùng đỏ. Toàn tỉnh Đồng Nai vẫn đang trong diện nguy cơ cao.
|
Bình luận (0)