Tổng cục, vụ, cục… có bình quân không quá 3 cấp phó
Chiều 22.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương. 431/448 đại biểu có mặt đã tán thành thông qua luật này.
Về việc cho cán bộ, công chức từ chức, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết, khoản 5 điều 34 quy định Bộ trưởng có quyền thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
Có ý kiến đại biểu cho rằng, do dự thảo luật lần này có bổ sung quy định về cho từ chức đối với cán bộ, công chức, nên để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị bổ sung nội dung này trong dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc cán bộ, công chức có thể xin từ chức đã được luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định cụ thể tại điều 30 (đối với cán bộ) và điều 54 (đối với công chức). Đây không phải là một hình thức kỷ luật mà do cán bộ, công chức tự nguyện xin từ chức.
Do đó, luật Tổ chức Chính phủ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc cho từ chức đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý là phù hợp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Một nội dung cũng còn ý kiến khác nhau trong dự án luật là việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 40 luật Tổ chức Chính phủ về mô hình, tổ chức cơ quan các bộ, ngành. Khoản này quy định, số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu giữa số lượng người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với số lượng công chức, trong thời gian qua, Đảng đã có chủ trương giảm số lượng cấp phó và khoán số lượng cấp phó tối đa phù hợp với quy mô của tổ chức.
Theo đó, căn cứ vào đầu mối tổ chức trực thuộc và số biên chế được giao, cấp có thẩm quyền sẽ quyết định tổng số lượng cấp phó tối đa của một cơ quan, nhưng không vượt quá mức trần được giao, làm cơ sở để người đứng đầu quyết định số lượng cấp phó cụ thể của từng đơn vị cho phù hợp với tính chất và yêu cầu công việc.
|
Chính quyền quận, phường không nhất thiết có đủ HĐND, UBND
Với các nội dung sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cho biết, hướng sửa quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (thể hiện tại các điều 44, 58 và 72) còn ý kiến khác nhau, ràng buộc bởi Hiến pháp 2013.
Theo ông Định, tại thời điểm Hiến pháp 2013 được thông qua, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa hoàn thành việc tổng kết toàn diện kết quả triển khai việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Vì vậy, để dự liệu trước và tạo độ mở cho việc tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương, điều 111 Hiến pháp năm 2013 quy định với 2 điều khoản khác nhau về “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương”.
Cụ thể, “chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” còn “cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.
Xác định đây là 2 khái niệm khác nhau, luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành (luật năm 2015) duy trì mô hình cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND tại tất cả các đơn vị hành chính. Việc này được cho là phù hợp với hoàn cảnh, tình hình tại thời điểm năm 2015 khi các điều kiện về chính trị, thực tiễn chưa thực sự chín muồi.
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu cải cách để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo đang trở nên bức thiết. Việc Bộ Chính trị phê duyệt Đề án chính quyền đô thị tại Hà Nội và việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội tại kỳ họp thứ 8 này cũng cho thấy nhu cầu đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương là thực sự cần thiết và có cơ sở chính trị - pháp lý, cơ sở thực tiễn.
Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho việc đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng: chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Cấp chính quyền địa phương ở quận, phường gồm có HĐND quận, phường và UBND quận, phường.
Quy định như vậy được cho là phù hợp chủ trương của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị cũng như Hiến pháp 2013.
Để đảm bảo thận trọng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu về nội dung này, trước phiên biểu quyết thông qua luật. Kết quả, có 331/395 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến (chiếm 68,12% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành.
Bình luận (0)