'Boom' hàng của shipper, đánh nữ nhân viên xe buýt: Người trẻ quá ích kỷ?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/10/2019 17:55 GMT+7

Đặt đồ ăn, trà sữa hay quà tặng 20.10 cho bạn gái nhưng rồi 'boom' hàng; bị nhắc vì văng tục trên xe buýt, nhóm thanh niên quay ra đánh nữ nhân viên. Những câu chuyện mới đây khiến nhiều người bức xúc.

Điều lạ lùng là xã hội càng phát triển, công nghệ càng hiện đại, những câu chuyện 'boom' hàng (đặt hàng rồi không nhận và trả tiền), đánh người… càng không phải hiếm hoi. Ngày hôm qua, trong tối 20.10, ngày Phụ nữ Việt Nam, một shipper phải ôm món quà là bó hoa hồng hình con gấu giá 1 triệu đồng khóc ròng giữa đường, vì người đặt hàng tắt điện thoại, nói là bạn gái hủy kèo rồi, không nhận nữa. Hay trong một chuyến xe buýt tuyến 103B Mỹ Đình - Chùa Hương, nhóm thanh niên sau khi bị nhắc nhở vì văng tục trên xe khách đã quay ra đánh nữ nhân viên bán vé khiến chị này sưng hết mặt mày. Trước đó nữa, chuyện người trẻ đánh bác bảo vệ, đánh cô lao công... cũng khiến nhiều người giận dữ. Phải chăng, một bộ phận người trẻ ngày nay đang làm những việc cốt để thỏa mãn cảm xúc của chính mình, họ ích kỷ không quan tâm đến người khác ra sao?

'Shipper cực khổ lắm'

Ướt hết người sau khi vất vả ngược xuôi khắp thành phố trong cơn mưa chiều 21.10, anh Nguyễn Tiến Đạt, tài xế xe ôm công nghệ cho biết anh vừa là người giao đồ ăn (shipper), vừa chở khách bằng xe hai bánh, bản thân chưa bị "boom" hàng lần nào nhưng đồng nghiệp của anh bị rất nhiều lần. “Nhiều người lấy trò đùa "boom" hàng làm niềm vui. Nhưng nó là mồ hôi, nước mắt của anh em lao động”, anh Đạt ngậm ngùi.
“Nếu một ngày tạnh ráo, chạy chăm chỉ 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày, không gặp sự cố gì, trừ hết chi phí chúng tôi sẽ kiếm được khoảng 300.000 đồng. Thế nhưng, có những người chơi ác, đặt hàng rồi "boom", chúng tôi chỉ biết khóc ròng chứ sao. Đi đường mà gặp cảnh đồng nghiệp shipper gặp chuyện như vậy, chúng tôi lại chia sẻ cho nhau, nếu họ bị "boom" 10 ly trà sữa thì 10 anh em mua giúp, mỗi người một ly, xôi hay bún, phở cũng vậy. Nhưng còn bó hoa, con gấu thì không biết làm sao, chẳng lẽ mang về tặng vợ?”, anh Đạt nói.
Theo anh Đạt, anh không dám nhận xét người nào đó ích kỷ hay xấu xa, chỉ mong mỗi bạn trẻ trước mỗi trò đùa gì nên cân nhắc, đừng để ảnh hưởng tới cuộc sống của người khác, như thế rất tàn nhẫn. “Chúng tôi chỉ biết cách là sau khi ai bị 'boom' hàng thì chia sẻ số điện thoại, hình ảnh người 'boom' đó lên một cộng đồng trên Facebook để anh em biết mà tránh thôi”, anh Đạt chia sẻ.

"Một bộ phận quá ích kỷ"

Chia sẻ với PV Thanh Niên chiều 21.10, bạn Lê Trung Hiếu, 18 tuổi, sinh viên khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Một bộ phận người trẻ quá ích kỷ. Những ví dụ về 'boom' hàng, hay đánh người khác, bất chấp lý do, chúng ta có thể thấy nhan nhản hằng ngày, trên mạng xã hội hay một số báo điện tử. Những chiếc camera có thể gắn trên xe buýt hay trên đường phố cũng không thể nào ngăn cản những hành động xấu của một bộ phận người trẻ như hành hung người khác chẳng hạn, nhưng tôi mong muốn từ những hình ảnh ghi lại vụ việc, pháp luật sẽ mạnh mẽ răn đe hơn, cơ quan chức năng sớm vào cuộc để bắt kẻ gây rối, phạm tội. Hay những số điện thoại của người 'boom' hàng sẽ được liệt vào những danh sách đen, để họ không thể mua hàng online chẳng hạn…”, Lê Trung Hiếu nói.

Hiếu (bạn nam ngoài cùng bên trái), Tiến (hàng trên, ngoài cùng bìa phải), kế bên là Hiền

Thúy Hằng

Bạn Đinh Thị Minh Tiến, Phú Thị Diệu Hiền, cùng 18 tuổi, sinh viên khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng nghĩ rằng, các bạn luôn tin những hình ảnh xấu về người trẻ ích kỷ, không phải là đại diện cho số đông. “Tôi vẫn muốn mọi người lan tỏa sự bao dung, chia sẻ, hỗ trợ, không vô cảm. Ví dụ trong câu chuyện mấy thanh niên đánh nữ nhân viên xe buýt, nếu chúng tôi có mặt trên chuyến xe đó, chúng tôi sẽ lên tiếng, can ngăn hoặc là người quay lại hình ảnh những người hành hung đó để tới cơ quan công an trình báo. Nếu tất cả mọi người vô cảm với vấn đề của người khác, khi mình là nạn nhân thì người khác cũng sẽ vô cảm với mình”, Minh Tiến nói.

Giáo dục gia đình là gốc rễ

Trần Mỹ Hậu, 19 tuổi, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng những ví dụ về người trẻ "boom" hàng của shipper hay đánh người khác, như đánh nhân viên bảo vệ, đánh cô lao đông, đánh nữ nhân viên xe buýt là những biểu hiện của thoái hoá đạo đức, họ sai mà không nhận ra mình sai, thiếu tôn trọng người khác mà chỉ thích thể hiện cá nhân mình, muốn chứng tỏ với người khác mình có quyền muốn làm gì thì làm.

Bạn Trần Mỹ Hậu, 19 tuổi, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Sài Gòn (ngoài cùng bên trái)

“Cội nguồn là chính từ giáo dục gia đình. Tôi biết nhiều bạn trẻ được nuôi dưỡng trong những gia đình giàu có từ nhỏ, thích gì được nấy, cũng được đến trường nhưng không được dạy dỗ về sự tôn trọng người khác, họ lớn lên và có những hành động lệch lạc. Không chỉ 'boom' hàng, đánh người khác bất kể lý do, họ chen ngang khi xếp hàng, bị nhắc nhở còn chửi bới người khác, họ xả rác bừa bãi, nói lớn nơi công cộng… họ làm vì muốn thỏa mãn cái tôi, quên đi người khác nghĩ gì, những người đó có thể có địa vị, tiền bạc, nhưng ý thức lại không có”, Hậu nêu quan điểm cá nhân.

Nhật (phải) và Lộc

Thúy Hằng

Trước câu chuyện "boom" hàng hay đánh nhân viên xe buýt… Văn Công Nhật, sinh viên năm 2 khoa Giáo dục thể chất Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trần Hữu Lộc, Phó bí thư chi đoàn Khoa Địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng để người trẻ bớt đi sự ích kỷ, sống vì cộng đồng hơn, cần thay đổi cách giáo dục từ trong chính gia đình. “Không chỉ dạy con có đạo đức và kỷ luật, tôi nghĩ rằng, tấm gương cha mẹ là điều quan trọng, chính cha mẹ cũng là những người cần bao dung, nhân ái, biết chia sẻ, đừng làm mọi thứ theo cảm tính, đừng đặt cái tôi của mình lên quá cao để làm người khác tổn thương, cả vật chất và tinh thần”, Lộc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.