Trưa 2.11, tại cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế PC03 - Công an TP.HCM, Đội kiểm soát Hải quan và Biên phòng TP.HCM kiểm tra mở container 40 feet nhập từ Trung Quốc về Việt Nam. Hàng hóa được doanh nghiệp khai là chăn, màn, gối, nệm của Trung Quốc. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, toàn bộ sản phẩm gắn xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam).
|
|
|
Lô hàng do Công ty TNHH Cao su Talalay Việt Nam nhập khẩu. Số lượng 317 kiện với tổng 2.780 sản phẩm, có giấy chứng nhận xuất xứ C/O from E, xuất xứ từ Trung Quốc, trị giá gần 600 triệu đồng.
Trên cổng thông tin một cửa quốc gia, Công ty TNHH Cao su Talalay Việt Nam (tên tiếng Anh là Vietnam Talalay Latex Company Ltd.) mới được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.8.2019. Lĩnh vực kinh doanh từ buôn bán đồ dùng gia đình, đèn, nội thất đến dịch vụ vận tải, tổ chức tour du lịch, môi giới, đấu giá… Trụ sở đặt tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
|
|
Trước đó, ngày 9.10, lô hàng gần 8.500 sản phẩm quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc, giả mạo xuất xứ Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với các đơn vị trên kiểm tra, phát hiện ngăn chặn kịp thời ngay từ cửa khẩu. Trong lô hàng này, cơ quan hải quan phát hiện gần 5.200 sản phẩm quần jean nữ người lớn hiệu YESUN - JEOSEOL, mới 100% ghi xuất xứ Made in Korea, trên 1.800 áo thun nam người lớn hiệu CALIX ghi xuất xứ Made in Vietnam và gần 1.500 quần jean nữ người lớn hiệu B&J cũng ghi xuất xứ Made in Vietnam. Ngoài ra, trong lô hàng vi phạm này, lực lượng chức năng phát hiện còn có gần 50 kg (6.500 nhãn) bằng giấy và bằng vải ghi chữ Hàn Quốc và “Made in Korea”. Lô hàng do Công ty TNHH Thịnh Hòa (Q.10, TP.HCM) làm thủ tục nhập khẩu từ Trung Quốc, khai báo áo quần xuất xứ Trung Quốc trị giá gần 50.000 USD.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, trong tình hình thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu “hạ sốt”, không loại trừ khả năng doanh nghiệp lợi dụng Việt Nam làm nơi chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, gắn xuất xứ Việt Nam ngay từ bên Trung Quốc, để xuất khẩu đi nước thứ ba. Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.
Bình luận (0)