Vì sao bị cấm vận nhưng sản xuất điện thoại vẫn phát triển mạnh ở Triều Tiên?

27/09/2019 14:39 GMT+7

Triều Tiên đang phải luồn lách lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để kiếm lợi nhuận từ nhu cầu smartphone trong nước tăng vọt. Theo đó, điện thoại do Triều Tiên sản xuất đang sử dụng phần cứng nhập khẩu giá rẻ.

Các nhà kinh tế ước tính, có đến sáu triệu người Triều Tiên - tức khoảng một phần tư dân số - hiện đã có điện thoại di động, một công cụ quan trọng để tham gia vào nền kinh tế thị trường phi chính thức vốn đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người ở quốc gia này.
Phóng viên Reuters đã có dịp trò chuyện với khoảng 10 người đào tẩu khỏi quốc gia này và các chuyên gia về việc sử dụng thiết bị di động ở Triều Tiên, cũng như xem xét các báo cáo và quảng cáo trên các kênh truyền thông của nhà nước, tất nhiên là họ đã xem xét cả hai mẫu smartphone thông minh mang thương hiệu Triều Tiên nữa.

[VIDEO] Bị cấm vận, Triều Tiên sản xuất điện thoại thông minh tại bằng cách nào?

Các phân tích về điện thoại do nước này sản xuất đã tiết lộ, chúng dùng chip bán dẫn từ Đài Loan, pin được sản xuất ở Trung Quốc và chạy phiên bản Android nguồn mở của Google.
Trước đó, các lệnh trừng phạt của LHQ đưa ra vào năm 2017 đối với Triều Tiên vì chương trình vũ khí của họ, bao gồm cả việc cấm nước này nhập khẩu phần cứng điện thoại di động.
Nhưng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhanh chóng bắt nhịp và triển khai các mạng viễn thông không dây, một số được xây dựng với sự hỗ trợ của Huawei (Trung Quốc) và các thương hiệu điện thoại di động nội địa, chúng được công khai đưa tin trên các kênh báo chí của nhà nước.

Sân chơi lớn

Theo những người đào tẩu và các chuyên gia, điện thoại phổ thông của Triều Tiên thường được bày bán ở các cửa hàng nhà nước hoặc tư nhân với giá từ 100 đến 400 USD, việc đăng ký nhà mạng được thực hiện tại các cửa hàng của Bộ Viễn thông. Theo quảng cáo trên truyền hình, điện thoại thường được bán kèm với các gói dịch vụ bao gồm 200 phút thời gian gọi. Gói trả trước có giá khoảng 13 USD dành cho 100 phút.
Tính ra, mức giá đó tương đương hoặc cao hơn so với những gì khách hàng trả tiền điện thoại di động ở các quốc gia khác, ước tính người dân Triều Tiên kiếm được trung bình khoảng 100 USD mỗi tháng, chỉ bằng khoảng 4% Hàn Quốc.
Các thương hiệu quốc tế như iPhone của Apple không được bán công khai, nhưng các thương nhân và người Triều Tiên giàu có vẫn có thể mua chúng thông qua các kênh bên ngoài và sử dụng với thẻ SIM nội địa. Điện thoại Triều Tiên chỉ có thể được sử dụng để gọi các số trong nước và có một số tính năng bảo mật độc đáo khác.
Việc download hoặc chia sẻ tệp tin bị hạn chế nghiêm trọng. Phóng viên Reuters đã nhận được một cảnh báo bật lên khi cố cài đặt chương trình không xác định của Google trên mẫu điện thoại thông minh Pyongyang 2418 (Bình Nhưỡng 2418), đoạn cảnh báo nêu rõ: Nếu bạn cài đặt các chương trình bất hợp pháp, điện thoại của bạn có thể bị hỏng hoặc dữ liệu sẽ bị hủy.
Ông Lee Young-hwan - một chuyên gia phần mềm Hàn Quốc chuyên nghiên cứu về smartphone của Triều Tiên cho biết, “Triều Tiên đã đưa thuật toán và phần mềm vào điện thoại di động của họ để đảm bảo dữ liệu không bị sao chép hoặc chuyển giao ra bên ngoài”.
Các ứng dụng như bản đồ, trò chơi và từ điển tiếng Anh cho thấy chúng do các kỹ sư Triều Tiên tự phát triển tại các doanh nghiệp nhà nước hoặc các trường đại học nhà nước. Ngoài ra, theo công ty an ninh mạng Hacker House có trụ sở tại Anh, nhà nước Triều Tiên cũng phát triển một công cụ giám sát độc quyền (in-house) để tích hợp vào các điện thoại di động bán ra ở nước này.
Hacker House cho biết thêm, khi người dùng truy cập vào các phương tiện bất hợp pháp hoặc không được nhà nước phê duyệt, sẽ có một cảnh báo hiện ra và lưu trữ trên điện thoại. Một phiên bản tùy chỉnh của Android cũng sẽ tiến hành giám sát và theo dõi người dùng mọi nơi mọi lúc.
Đại diện của Triều Tiên ở LHQ đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Công cụ đắc lực cho doanh nghiệp

Điện thoại di động đang dần trở thành công cụ đắc lực cho các chủ doanh nghiệp ở Triều Tiên

Ảnh: Reuters

Điện thoại là một tài sản có giá trị lớn trong nền kinh tế thị trường của Triều Tiên, vốn đã phát triển mạnh mẽ kể từ sau nạn đói thảm khốc vào những năm 1990.
Một phụ nữ trẻ người Triều Tiên tên là Choi nhớ lại, chị đã phải bán hai con lợn và buôn lậu thảo dược từ Trung Quốc để có được 1.300 nhân dân tệ (183 USD) cho gia đình mình mua một chiếc điện thoại di động vào những năm 2013. Cô đã sử dụng điện thoại để giúp điều hành thành công một doanh nghiệp bán lẻ bán quần áo và dầu gội đến từ Trung Quốc, sắp xếp giao hàng cho các nhà bán buôn khác.
Theo Choi, “hóa ra chúng tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn mức lương chính thức của mình”, sau đó chị đã dồn hết tiền để trốn sang Hàn Quốc và từ chối cung cấp đầy đủ họ tên của mình vì sợ bị trả thù do người thân của cô vẫn còn ở Triều Tiên.
Trong một cuộc khảo sát năm nay với 126 người đào thoát Triều Tiên đã sử dụng điện thoại di động, hơn 90% cho biết điện thoại di động đã cải thiện cuộc sống hằng ngày của họ và khoảng một nửa trong số đó cho biết họ sử dụng chúng cho các hoạt động kinh doanh. Kim Bong-sik, một nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Xã hội Thông tin Hàn Quốc, cho biết việc ước tính doanh thu là khó khăn, nhưng nó có thể là một trong những nguồn thu lớn nhất của nhà nước ở quy mô kinh doanh toàn quốc.

Lệnh trừng phạt

Hai điện thoại thông minh mang nhãn hiệu Bình Nhưỡng (Pyongyang) do Reuters có được và mổ xẻ đều dùng chip MediaTek của Đài Loan và chạy phiên bản Android tùy chỉnh từ Gooogle cùng phần mềm bảo mật của Triều Tiên. Ngoài ra, đoạn quảng cáo của một chiếc điện thoại mang nhãn hiệu Arirang cũng tuyên bố sử dụng chip MediaTek.
Trong đó, mẫu smartphone Pyongyang 2423 được sản xuất năm ngoái dùng chipset MT6737 của Mediatek, máy có một khe cắm SIM và một khe thẻ nhớ. Số sê-ri của thẻ nhớ cho thấy nó do Toshiba sản xuất - một hãng công nghệ lớn của Nhật Bản. Số IMEI của thiết bị cho thấy, nó được sản xuất tại công ty Gionee của Trung Quốc. Google cho biết, bất kỳ nhà sản xuất phần cứng nào cũng có thể sử dụng phần mềm Android nguồn mở miễn phí, có nghĩa là không vi phạm nào về quy tắc xuất khẩu liên quan đến điện thoại thông minh của Triều Tiên.
Còn Mediatek cho biết, họ đã không chuyển bất kỳ sản phẩm nào tới Triều Tiên và hoàn toàn tuân thủ các lệnh trừng phạt. Toshiba cũng cho biết công ty không có hoạt động kinh doanh với Triều Tiên.
Còn theo các nhà nghiên cứu, Triều Tiên không thể sản xuất điện thoại mà không sử dụng các linh kiện và công nghệ nước ngoài. Điều đó có nghĩa là họ đã vi phạm các lệnh trừng phạt khi tiếp tục điều hành doanh nghiệp trong nước sản xuất điện thoại. Dữ liệu hải quan chính thức cho thấy, Triều Tiên đã nhập khẩu điện thoại di động trị giá 82 triệu USD từ Trung Quốc vào năm 2017, mặt hàng nhập khẩu lớn thứ ba sau dầu đậu nành và vải. Con số đó giảm xuống 0 trong năm 2018 dưới danh nghĩa bị trừng phạt.
Nhưng trong khi các lệnh trừng phạt ngăn chặn kênh nhập khẩu chính thức, thì các kênh thương mại không chính thức dọc biên giới Trung Quốc - Triều Tiên dường như đang diễn ra náo nhiệt hơn bao giờ hết. William Brown, một quan chức tình báo Mỹ đã nghỉ hưu và chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, cho biết các bộ phận phần cứng điện thoại di động rất dễ bị buôn lậu qua biên giới Trung Quốc. Chính các kênh trung gian này làm cho việc tìm người quy trách nhiệm vi phạm các lệnh trừng phạt trở nên khó khăn hơn.
Cũng phải nhớ rằng, Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên và ngành công nghiệp điện thoại di động của họ rất đông các nhà sản xuất điện thoại thông minh nội địa ít được biết đến. Các quan chức Trung Quốc đã từ chối bình luận dù nhiều lần nói rằng họ cũng ủng hộ các lệnh trừng phạt của LHQ, nhưng họ đã bảo vệ cái gọi là “quan hệ thương mại song phương” với Triều Tiên.
Các thương hiệu viễn thông lớn của Trung Quốc trước đây cũng đã từng tham gia cung cấp linh kiện cho Triều Tiên. Chẳng hạn, Huawei đã cung cấp thiết bị mạng 3G cho Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il đi thăm trụ sở của Huawei vào năm 2006.
Các nguồn tin cho biết, Bộ Thương mại Mỹ đã điều tra Huawei từ năm 2016 và đang xem xét liệu công ty có vi phạm các quy tắc kiểm soát xuất khẩu liên quan đến lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hay không, tuy nhiên hiện vẫn chưa có thông tin mới nào. Còn ZTE năm ngoái đã đồng ý nộp phạt 1 tỉ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến việc vận chuyển thiết bị viễn thông cho Iran và Triều Tiên.
Hiện cả ZTE và Huawei đều từ chối bình luận về thông tin nêu trong bài này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.