Dự án bất động sản bị ách tắc khiến thị trường và các doanh nghiệp lao đao. Nguyên nhân một phần do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ách tắc, đứng hình
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, từ đầu năm đến nay chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%; không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư; chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38% so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - HoREA cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Tình trạng mất cân bằng “cung-cầu” do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.
Cũng theo người đứng đầu HoREA, xét về bản chất, thị trường bất động sản TP.HCM không xấu, do “tổng cầu về nhà ở có khả năng thanh toán” vẫn cao và sức mua, tính thanh khoản vẫn tốt nhưng đang lâm vào tình thế khó khăn có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, dẫn đến quy mô thị trường bị sụt giảm trong 2 năm gần đây. Nếu không có các biện pháp xử lý hiệu quả thì có thể còn tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian tới.
Ông Đinh Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty VNGREAL, cho rằng thị trường bất động sản TP.HCM khó khăn “đột ngột” do một số quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ dẫn đến vướng mắc, xung đột, gây ra vướng mắc, ách tắc. Không những thế, công tác thực thi pháp luật còn những mặt hạn chế. Do có phát sinh yếu tố rủi ro trong thi hành công vụ, nên đã xuất hiện tình trạng cán bộ công chức làm khó làm dễ doanh nghiệp để trục lợi.
Không những vậy, quy định phải có 100% đất ở thì mới được "chỉ định chủ đầu tư" dự án nhà ở thương mại theo quy định tại luật Nhà ở xung đột với luật Đất đai và không sát với thực tế vì đa số dự án nhà ở thường có quỹ đất hỗn hợp, phải thực hiện thủ tục theo luật Đầu tư. Nhưng sau khi đã có "Quyết định chủ trương đầu tư" thì "nhà đầu tư" lại không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của luật Quy hoạch đô thị. Do vậy, không được công nhận "chủ đầu tư" dự án.
Giao đất theo hình thức chỉ định
Để tháo gỡ khó khăn, những ách tắc của thị trường, ông Lê Hoàng Châu cho rằng UBND TP.HCM cần sớm báo cáo Chính phủ giải quyết vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong đó, về lâu dài, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 23 luật Nhà ở: "Nhận chuyển quyền sử dụng đất (hoặc đất ở và các loại đất khác) phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại", để phù hợp với Khoản (1.b) Điều 169 và Khoản 2 Điều 191 luật Đất đai và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Mới đây, trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn bất cập, thực thi pháp luật nhiều nơi chưa nghiêm. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế.
Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo UBND TP.HCM rà soát, tổng hợp các trường hợp đang sử dụng đất trên địa bàn thành phố có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, đáp ứng một trong các điều kiện sau: đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở; đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Trên cơ sở kết quả rà soát nêu trên của UBND TP.HCM, Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc giao đất theo hình thức chỉ định hoặc chỉ định nhà đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở có tính chất đặc thù, riêng biệt đảm bảo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện.
Bình luận (0)