Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Bác sĩ chỉ ra những thực phẩm nên được ưu tiên nếu phải ăn khuya; Tại sao bạn thức dậy lúc 3 giờ sáng mỗi đêm?; Loại đau tay người chơi thể thao không được phớt lờ...
6 loại thực vật giảm cholesterol nên ăn thường xuyên
Cholesterol cao yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim mạch. Một trong những cách tốt để kiểm soát cholesterol cao là tránh ăn những món có nhiều chất béo gây hại. Ngoài ra, ăn một số loại thực vật cũng có tác dụng giảm cholesterol.
Những người có nguy cơ bị cholesterol cao là người ít vận động, ăn nhiều thịt mỡ, đồ chiên xào, hút thuốc, uống rượu bia và một số nhóm khác. Không chỉ tim mạch, cholesterol cao còn làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, huyết áp cao, bệnh thận và tiểu đường loại 2.
Để giảm cholesterol, người bệnh có thể thường xuyên ăn các loại thực vật sau:
Yến mạch. Yến mạch là loại ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất xơ hòa tan. Loại chất xơ này khi đi vào ruột có tác dụng liên kết với cholesterol rồi được đào thải ra ngoài. Nhờ đó, lượng cholesterol hấp thụ vào ruột sẽ giảm.
Đậu. Các loại đậu như đậu lăng, đậu gà và đậu Hà Lan đều là những món giúp giảm cholesterol trong máu. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Canadian Medical Association Journal cho thấy ăn 80-100 gram đậu/ngày liên tục trong 6 tuần sẽ giúp giảm 5 % cholesterol "xấu" LDL trong máu. Điều này là do đậu chứa chất xơ và chất chống ô xy hóa. Cả 2 đều có tác dụng giảm cholesterol.
Nghệ. Nghệ có chứa curcumin, một chất có tác dụng kháng viêm mạnh và giảm cholesterol "xấu" LDL. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy curcumin không chỉ giảm cholesterol LDL mà còn cả cholesterol toàn phần ở những người mắc bệnh mạch vành. Nội dung tiếp theo bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 5.1.
Tại sao bạn thức dậy lúc 3 giờ sáng mỗi đêm?
Việc thức dậy lúc 3 giờ sáng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài.
Có nhiều yếu tố có thể góp phần làm gián đoạn giấc ngủ và việc nhận biết nguyên nhân để khắc phục là rất quan trọng.
Theo một nghiên cứu ở Mỹ, 35,5% người tham gia khảo sát cho biết họ thức dậy từ 3 đêm trở lên mỗi tuần, bất kể tuổi tác. Trong số đó, 23% người gặp tình trạng thức giấc vào ban đêm hằng ngày.
Khi một người thường xuyên thức dậy vào cùng một khung giờ, như lúc 3 giờ sáng, không thể tiếp tục ngủ lại, đó có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Theo Tổ chức giấc ngủ (Sleep Foundation), tiếng ồn ban đêm như tiếng xe cộ, tivi, hay điện thoại có thể là tác nhân. Việc tiếp xúc với ánh sáng cũng góp phần gián đoạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, những vấn đề như tiểu đêm nhiều lần cũng có thể khiến bạn thức giấc.
Ông Rajas Deshpande, chuyên gia thần kinh tại Bệnh viện Jupiter (Ấn Độ), cho biết nhịp sinh học bị gián đoạn có thể là nguyên nhân khiến bạn thức dậy giữa đêm.
Nhịp sinh học, là chu kỳ tự nhiên 24 giờ. Khi nhịp sinh học bị rối loạn, sự sản xuất melatonin - hormone điều hòa giấc ngủ - cũng bị ảnh hưởng, gây khó khăn trong việc ngủ.
Mức độ căng thẳng cao kéo dài thời gian cần để đi vào giấc ngủ và làm gián đoạn chu trình giấc ngủ. Căng thẳng làm tăng các chất hóa học gây stress như cortisol, từ đó làm giảm chất lượng giấc ngủ. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 5.1.
Loại đau tay người chơi thể thao không được phớt lờ
Khuỷu tay quần vợt, hay còn gọi là viêm lồi cầu ngoài, là chấn thương do dùng lực quá mức hay các động tác lặp đi lặp lại ở khuỷu tay. Mọi vận động quá sức ở phần khuỷu tay đều có thể dẫn đến tình trạng này.
Khuỷu tay quần vợt là chấn thương do sử dụng quá mức phần cơ và gân cẳng tay. Hệ quả là gây viêm và tổn thương các mô ở khu vực này, dẫn đến đau nhức.
Không chỉ người chơi quần vợt mà các môn thể thao khác như nâng tạ cũng có thể gây viêm lồi cầu ngoài. Ngoài ra, những công việc mà khủy tay thực hiện các động tác lặp đi lặp lại trong thời gian dài, chẳng hạn như làm vườn, vẽ hay đánh máy, cũng có thể gây viêm lồi cầu ngoài.
Các triệu chứng của đau khuỷu tay quần vợt thường tiến triển dần dần. Người mắc sẽ cảm thấy vùng khuỷu tay bị đau và cơn đau xuất phát từ phía ngoài khuỷu tay, sau đó lan đến cẳng tay và cổ tay. Lực cầm, nắm cũng sẽ yếu đi, người mắc khó cầm giữ chặt được đồ vật. Vùng khuỷu tay cũng sẽ nhạy cảm và đau khi chạm vào. Thậm chí, những hoạt động đơn giản như bắt tay cũng gây khó chịu.
Để giảm đau và giúp chứng khuỷu tay quần vợt mau khỏi, người mắc cần dành thời gian để nghỉ ngơi, tránh các hoạt động gây áp lực lên cẳng tay. Điều này sẽ giúp vết thương có thời gian lành lại. Chườm lạnh hay chườm ấm có thể giúp giảm đau và viêm. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Bình luận (0)