Người Việt được khắc họa ra sao trên màn ảnh Hàn?

30/09/2021 10:00 GMT+7

Bộ phim Nữ thanh tra tài ba khai thác hai nhân vật người Việt , một người làm nghề giúp việc và người còn lại có dính đến pháp luật. Cách xây dựng hình tượng người Việt này gây ra nhiều tranh cãi.

Gắn liền với hình ảnh 'cô dâu'

Một trong những tác phẩm Hàn Quốc được cho là tiên phong của dòng phim liên quan đến người Việt là Cô dâu Hà Nội (Bride from Hanoi), do Park Gyung Ryeol làm đạo diễn và ra mắt vào năm 2005. Cô dâu Hà Nội lấy bối cảnh chính ở Hà Nội (Việt Nam) và nhân vật nữ chính cũng là một cô gái Việt Nam, tên Lý Thị Vũ (Kim Ok Bin đóng).
Đến năm 2008, Việt Nam tiếp tục trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim Cô dâu vàng (Bride from Vietnam). Đảm nhận vai nữ chính Nguyễn Jin Ju trong tác phẩm là một diễn viên Hàn Quốc tên Lee Young Ah. Không khó để nhận ra, ngay từ tên phim đến nội dung, Cô dâu Hà Nội Cô dâu vàng đều cho thấy cái nhìn của xã hội Hàn Quốc đối với phụ nữ Việt Nam khi đi lấy chồng nơi xứ người.

Thời điểm phát sóng, Cô dâu Hà Nội (phải) và Cô dâu vàng để lại dấu ấn nhất định trong lòng khán giả Việt Nam

CẮT TỪ CLIP

Năm 2012 - 2014, cô dâu Việt một lần nữa lộ diện trên màn ảnh Hàn Quốc thông qua nhân vật Hương (Nguyễn Thị Hương đóng) trong phim truyền hình Hometown Over the Hill 2 của đài KBS. Ở Hometown Over the Hill 2, Hương là một cô dâu Việt đã tốt nghiệp đại học. “Cô ấy quen chồng trong một lần đi làm hướng dẫn viên du lịch. Khi về nhà chồng tại Hàn Quốc, Hương chăm lo gia đình và cửa hàng kinh doanh của ông xã. Nhờ Hương, anh chồng mới lo làm ăn cũng như cải thiện cuộc sống”, Nguyễn Thị Hương (hay còn gọi Jiyun Kim Huong) chia sẻ về vai diễn trong phim.
Tuy nhiên, hình tượng “cô dâu Việt” trên màn ảnh nhỏ xứ kim chi từng gây tranh cãi bởi phim Nông dân hiện đại (Modern Farmer, 2014). Cụ thể, một người mẹ Hàn Quốc trong phim từng khuyên con trai thường rượu chè say xỉn: "Con uống rượu cả ngày thế này thì dù có sang Việt Nam cũng không tìm được vợ đâu". Lời thoại này ngay lập tức khiến khán giả Việt bức xúc vì cho rằng ê-kíp cố tình coi thường phụ nữ Việt, ám chỉ phái nữ Việt Nam dễ dãi và là lựa chọn cuối cùng của cánh đàn ông "hạng bét" ở Hàn Quốc.

Nguyễn Thị Hương (trái) trong Hometown Over the Hill 2

FBNV

Lúc bấy giờ, Lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam phải lên tiếng, giải thích bối cảnh nhân vật nam hay say rượu trong Nông dân hiện đại từng đến Việt Nam tìm vợ nhưng thất bại nên bà mẹ mới nhắc lại chuyện này. Đồng thời, Lãnh sự Hàn Quốc tại Việt Nam bày tỏ đây là sự cố đáng tiếc, yêu cầu SBS cũng như các nhà đài không được phát sóng các nội dung không đúng về hình ảnh phụ nữ Việt Nam. Sau sự việc, đài SBS cũng công khai đăng tải bức thư xin lỗi trên trang chủ của mình.
Cuối năm 2019, “cô dâu Việt” tái xuất với phân đoạn của Jiyun Kim Huong trong tập 10 phim Chocolate (tựa Việt: Sô cô la tình yêu). Trong phim, người đẹp vào vai một người vợ Việt có chồng Hàn Quốc bị bệnh nặng phải nằm viện. Toàn bộ phân cảnh của Hương chỉ gần 10 phút, nhưng vẫn để lại ấn tượng đẹp bởi khả năng diễn xuất gây xúc động cho người xem.

Nhân vật Park Sang Deuk (Seo Dong Won) hay say xỉn trong Nông dân hiện đại

POSTER PHIM

Tranh cãi về nghề nghiệp người Việt trên màn ảnh

Phát sóng từ giữa tháng 9.2021, bộ phim truyền hình Nữ thanh tra tài ba (One the woman) trở thành chủ đề bàn luận vì có các nhân vật người Việt trong phim và do chính diễn viên Việt Nam đóng. Cụ thể, Trang (Nguyễn Thị Hương) làm người giúp việc cho gia đình họ Han giàu có. Trong tập 2, Trang và Kang Mi Na (Honey Lee) cùng nói xấu gia đình họ Han bằng tiếng Việt. Phân đoạn này được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra thích thú khi nghe tiếng Việt trong một tác phẩm truyền hình Hàn Quốc.
Song, cảnh phim cũng nhận về không ít sự hoang mang từ dân mạng Việt: “Trong mắt người Hàn thì người Việt chỉ là người giúp việc thôi à”, “Đại diện hình ảnh người Việt lên màn ảnh quốc tế thì ít, khi được lên phim thì vào vai người giúp việc có quá đáng không?”, “Đâu có hay ho gì, Hàn Quốc coi thường người Việt mình đó, cho làm người giúp việc rồi còn nhiều chuyện nữa”…

Hương (trái) đóng vai người giúp việc Trang trong Nữ thanh tra tài ba. Tuyến nhân vật người Việt Nam của phim không được một bộ phận khán giả hoan nghênh bởi tính chất nghề nghiệp và vấn đề về đạo đức của hai nhân vật gây tranh cãi

FBNV

Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Trong đời sống hằng ngày, người Hàn Quốc đã rất gần gũi, quen thuộc với sự có mặt của người Việt rồi vì bên đây có rất nhiều phụ nữ kết hôn di trú, du học sinh, người lao động… Vì thế, việc xuất hiện người Việt Nam trong phim Hàn cũng không có gì lạ, chỉ là phản ánh thực tế".
"Hơn nữa, Nữ thanh tra tài ba là một bộ phim hài, theo nội dung câu chuyện, nhân vật Trang này là cần thiết để góp phần tăng thêm sự mới lạ, gây ra tiếng cười cho phim”, Hương nhận định. Cô cũng khẳng định thêm: “Từ lúc nhận kịch bản tới khi ghi hình và phim lên sóng, tôi chưa từng có ý nghĩ rằng vai Trang giúp việc là một nhân vật thấp kém”.

Nguyễn Thị Hương có cái nhìn thoáng hơn về lối xây dựng hình tượng người Việt trên màn ảnh Hàn: “Không chỉ riêng người Việt, mà hầu như các vai người nước ngoài đến từ Đông Nam Á trong phim Hàn thường là phụ nữ kết hôn di trú, người giúp việc, quét dọn, lao động trong phân xưởng... Tôi cũng rất hy vọng trong tương lai có cơ hội được thể hiện nhiều dạng vai diễn khác, đa dạng hơn, mới mẻ hơn để các khán giả có cái nhìn về những khía cạnh tích cực và đầy đủ hơn về người nước ngoài định cư tại đây”

FBNV

Một nhân vật Việt Nam khác xuất hiện trong Nữ thanh tra tài ba là Đinh Quang Long càng dấy lên tranh cãi về hình tượng của người Việt trên phim ảnh Hàn Quốc . Ở tập 2, Đinh Quang Long bị công tố viên Ahn Yoo Joon (Lee Won Geun) thẩm vấn bằng tiếng Việt vì có liên quan đến một vụ hành hung tập thể. Đặc biệt, theo dân mạng Việt Nam, công tố viên này còn nói ám chỉ lý do học tiếng Việt là vì nhiều người lao động Việt phạm tội, nên anh phải tự đi học tiếng Việt để tiện thẩm vấn điều tra. Dân mạng Việt bức xúc: “Vai người giúp việc còn chấp nhận, nhưng thêm cả vai tội phạm nữa thì không vui đâu. Chấp nhận thực tế nhưng đưa lên truyền hình theo cách này thật sự không thích”, “Một cách sỉ nhục công khai nhưng không rõ ràng nên chẳng ai để ý cả”…
Nam diễn viên người Việt từng xuất hiện trong nhiều dự án Hàn Quốc là Lê Anh Tôn, bày tỏ với Thanh Niên về cảnh phim nhạy cảm của nhân vật Đinh Quang Long: “Việc phim Hàn phản ánh những vấn đề như vậy cũng là có cơ sở. Có điều phim không phản ánh tất cả và vô tình làm xấu đi hình ảnh cộng đồng người Việt ở Hàn. Giờ tôi cũng không biết nên trách ai, những tội phạm người Việt ở Hàn hay là những bộ phim đưa hình ảnh họ lên nữa”.

Lê Anh Tôn (phải) và Go Ara trong một dự án phim

CẮT TỪ CLIP

Lê Anh Tôn cũng bất bình khi hình tượng người Việt đôi khi xây dựng không đúng trên màn ảnh Hàn Quốc. “Ở Hàn Quốc có hàng ngàn người Việt xuất chúng, nhưng sẽ chẳng bao giờ được xây dựng trên phim Hàn, thường chỉ có những hình ảnh xấu được đưa lên thôi. Thỉnh thoảng cũng có một vài bộ phim có du học sinh hoặc nhân viên người Việt nhưng quy mô nhỏ và trình độ sản xuất yếu kém, diễn viên thiếu kinh nghiệm và năng lực nên không ai xem cả. Thành ra cũng không có ảnh hưởng”, Lê Anh Tôn kể.
Nam diễn viên người Việt từng đóng Arthdal niên sử ký cũng bật mí về tình hình chung của các nhân vật Việt Nam khi được phía Hàn Quốc khắc họa qua phim ảnh. Lê Anh Tôn chia sẻ: “Không chỉ người Việt đâu mà các quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã bị khắc họa nhiều hình tượng không hay rồi. Tôi nhận ra điều này khi đi casting phim. Tôi thấy các bạn đồng nghiệp của mình xuất hiện trên phim thường sẽ là những vai như lao động bất hợp pháp, tội phạm, cô dâu nghèo khổ, gái mại dâm, nhân viên quán hát, nô lệ…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.