"Hiện tại điều khó khăn nhất cho chúng tôi là không thể mua bất cứ loại hải sản Nhật Bản nào vì mất quá nhiều thời gian để thông quan tại Trung Quốc do vấn đề nước phóng xạ rò rỉ", ông Tanioka chia sẻ.
Như nhiều nhà hàng Nhật khác ở Trung Quốc, nhà hàng Toya của ông Tanioka nhập khẩu cá từ Nhật Bản. Tuy nhiên, những hạn chế của Trung Quốc đối với một số mặt hàng nhập khẩu đang khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Không lâu sau khi thảm họa động đất và sóng thần năm 2011 gây hư hại nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, Bắc Kinh cấm nhập thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp từ 5 tỉnh Nhật Bản. Lệnh cấm sau đó được mở rộng, hiện đã được áp dụng với 10 trong số 47 tỉnh Nhật Bản.
Các hạn chế mới nhất được đưa ra khi Nhật Bản lên kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã xử lý từ Fukushima ra biển. Động thái này được tổ chức giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc tán thành nhưng lại bị Trung Quốc chỉ trích.
"Từ khoảng giữa tháng 7, khi có kế hoạch xả nước nhiễm xạ đã xử lý, số khách hàng Trung Quốc đã giảm khoảng 90% do nhiều lo ngại về nguyên liệu thực phẩm Nhật", theo ông Tanioka.
Kể từ đó, hoạt động nhập khẩu gần như bị ngừng trệ. Nhiều quan chức Nhật Bản lo ngại điều tồi tệ nhất còn ở phía trước.
Trong khi việc kiểm tra nghiêm ngặt hơn tại Trung Quốc gây ra chậm trễ ở khâu hải quan thì ý kiến người tiêu dùng lại càng gây lo lắng hơn nữa. Nhiều bài đăng và hashtag trên mạng xã hội Trung Quốc cho rằng thực phẩm Nhật Bản chứa chất phóng xạ và nên bị tẩy chay.
Một khách hàng này cho biết ông yên tâm với các biện pháp Trung Quốc đã thực hiện và gọi đó là "thái độ trách nhiệm". Nhưng một số người cho biết khi nói đến thực phẩm Nhật Bản, có nhiều quan niệm sai về những thứ an toàn và không an toàn.
"Tôi không biết rõ chi tiết về việc xả nước thải Fukushima, nhưng nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ thấy nhiều nơi khác cũng làm điều tương tự, xả nhiều thứ ra tự nhiên. Chuyện một người bình thường lại không biết điều đó, đó mới là chuyện khó khăn nhất. Nếu họ biết thì họ sẽ hiểu là họ là mình có thể ăn uống an toàn", ông Kenji Kobayashi, một chủ nhà hàng Nhật Bản 67 tuổi, cho biết.
Các quan chức Nhật Bản đã kêu gọi các quan chức đồng cấp ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Hồng Kông, thị trường lớn thứ 2, để tránh lệnh cấm. Trong khi đó, các công ty nhập khẩu cho biết đang cân nhắc chuyển sản phẩm của họ qua một quốc gia thứ 3.
Các bếp trưởng như ông Tanioka cho biết đang tìm kiếm nguồn nhiên liệu từ Trung Quốc để tiếp tục sống sót. Và dù Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu hải sản Nhật Bản lớn nhất bất chấp các hạn chế, song nếu những vấn đề này tiếp tục, điều này có thể sẽ sớm thay đổi.
Nhật Bản xả 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ ra biển, Trung Quốc lên án
Bình luận (0)