Ông Đoàn Ngọc Hải: Từ Phó chủ tịch Q.1 đến hành trình 39.000 km

Đình Phú
Đình Phú
10/02/2021 13:40 GMT+7

Ông Đoàn Ngọc Hải “tổng kết” sau 1 năm mà ông bảo là “kỷ lục của bản thân ở tuổi 52”: 12 giải marathon cự ly 42 km; 14 chuyến lái xe cứu thương xuyên Việt...

Trong hành trình 39.000 km ấy, ông Đoàn Ngọc Hải đã chở đi tặng 20.000 hộp sữa đặc, 2.000 hộp sữa tươi, hàng trăm kg bánh kẹo và áo quần, 12 chiếc xe đạp cho trẻ em khó khăn, 16 chuyến chở bệnh nhân, 2 chuyến chở cấp cứu tai nạn giao thông ở Ninh Thuận và ở Hà Nội (cấp cứu 4 người ), 2 chuyến chở hài cốt liệt sĩ từ Nam ra Bắc, 1 chuyến chở bệnh nhân nữ qua đời trên xe…

Ông Đoàn Ngọc Hải tặng dép tổ ong tặng học sinh nghèo ở Cao Bằng

Từ “phòng lạnh” đến lái xe cứu thương, 7 tuần 7 giải marathon 42 km liên tiếp

Tết này, ông Đoàn Ngọc Hải bước sang tuổi 52. Trước đó, ông chưa từng tham gia bất kỳ một giải marathon nào ở cự ly 42 km, chưa bao giờ chạy bộ quá 7 km. Năm 2020, khi đã 51 tuổi, sau khi rời công việc của một cán bộ công chức, ông mới “lao vào” những đường chạy marathon. Điều này khiến không ít người ngỡ ngàng rằng: “Sức ổng đâu mà chạy được như thế!”.
Nếu tính thời gian của năm âm lịch 2020, ông Đoàn Ngọc Hải đã tham gia chạy marathon 42 km ở 12 giải, và đều về đích rất sớm so với thời gian quy định của ban tổ chức mỗi giải (thường là trong vòng 7 giờ đồng hồ). Đặc biệt nhất, ngoài giải thứ 2 là giải tại Yangon - Myanmar ngày 19.1.2020 (thành tích 5 giờ 22 phút), ông đi dự thi bằng máy bay, hầu hết các giải còn lại, đều tự lái xe cứu thương do ông tự trang bị chở bệnh nhân nghèo, để tham gia giải.
Đặc biệt hơn, trong 7 tuần (từ 11.10 đến 29.11.2020) ông tự lái xe cứu thương tham gia 7 giải marathon cự ly 42 km, đều về đích trước thời gian quy định của ban tổ chức rất nhiều thời gian, và được nhận huy chương hoàn thành đường chạy.

Ông Đoàn Ngọc Hải trên đường chạy marathon cự ly 42 km

Đ.N.H

Lý giải về động lực tham gia chạy marathon, ông Hải chia sẻ: “Mình tham gia các giải marathon vì đây là giải đấu từ thiện. Cụ thể, với mỗi km mà mỗi vận động viên hoàn thành, ban tổ chức sẽ trích một số tiền nhất định cho người nghèo. Ngoài ra, đây còn là niềm vui, chinh phục thử thách vượt lên chính mình. Hiện nay toàn quốc có khoảng 1.700 người chạy cự ly 42 km với thời gian dưới 7 tiếng đồng hồ. Tỷ lệ này rất thấp so với Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và các nước Châu Âu”.
Tất cả các giải chạy 42 km từ ngày 11.10.2020 ở Hà Giang cho đến giải ở TP.HCM vào tháng 1.2021 vừa qua, ông Hải đều không đi máy bay. Ông một mình lái xe cứu thương chở sữa đặc, quần áo, dép tổ ong cho các cháu bé và bà con vùng cao, vùng xa… Trên đường đi ông còn kết hợp chở người đi cấp cứu bị tai nạn giao thông ở Hà Nội và ở Ninh Thuận (4 người), chở bệnh nhân, chở hài cốt liệt sĩ về Hà Nam ngày 28.10.2020...

Sau khi tập chạy marathon, ông Đoàn Ngọc Hải ngâm chân vào thau nước đá để “giải độc” cho cơ bắp căng cứng

ĐÌNH PHÚ

Những ngày cuối năm âm lịch 2020, ông Hải đã làm hồ sơ đề nghị Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS) để được xem xét công nhận kỷ lục “Người duy nhất ở Việt Nam tự lái xe cứu thương chạy 7 giải marathon cự ly 42 km trong 7 tuần liên tục”. “Mình mong được công nhận lắm. Công nhận không phải để mình nổi tiếng. Mình nghĩ trong lòng mình là nếu được thì nhiều người biết đến việc mình làm, cho mình sữa đặc, dép tổ ong, áo quần để mình chở đến vùng sâu, vùng xa cho các cháu, bà con còn khó khăn. Đó là ước nguyện của mình”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hải cũng có khi còn “ngỡ ngàng” với chính bản thân ông khi ở tuổi U.60 bắt đầu chạy marathon và “trụ” được trên các đường chạy để về đích; bởi khi còn làm Phó chủ tịch UBND Q.1 và thời gian hơn 25 năm làm công chức Q.1, ông chưa từng chạy marathon. Thời gian ấy, có lúc ông tham gia đá bóng ở các giải phong trào cấp quận.
Có những khi chứng kiến lịch sinh hoạt của ông Hải, chúng tôi mới thấy ý chí của ông rất “thép”. Ông kiên trì tập chạy, chạy ở khắp nơi, đi đến đâu cũng chạy vào mỗi sáng sớm, tập chạy vào sáng sớm ngay cả những ngày ông ở Tây Bắc - khi nơi này thời tiết giá rét lịch sử xuống dưới 0 độ C. Ông kể chạy trên đường chỉ có mình ông. Chạy về có khi ông ngâm chân vào thau nước đá để “giải độc” cho cơ bắp căng cứng.

Bộ huy chương mà ban tổ chức các giải chạy marathon tặng ông Đoàn Ngọc Hải vì ông hoàn thành các đường chạy trong năm 2020

Đ.N.H

Ông Hải còn chia sẻ: “Thành tích tốt nhất của mình là chạy 42 km là trong 4 giờ 39 phút 2 giây. Thành tích này chỉ ở mức của một vận động viên marathon nghiệp dư, còn lâu lắm mới ở mức chuyên nghiệp. Mình chỉ đi xe cứu thương đến các tỉnh, thành để dự giải, không đi máy bay (trừ giải ở Myanmar). Mình muốn gửi gắm đến các bạn trẻ nên hạn chế bia rượu và thuốc lá, hãy đến với thể thao, rất tốt cho các bạn và cho xã hội. Mỗi lần tăng tốc “bay” về đích là một cảm giác thật tuyệt vời!”.

Ông Đoàn Ngọc Hải thực hiện 2 chuyến lái xe cứu thương chở hài cốt liệt sĩ từ Gia Lai ra Yên Bái và từ Long An ra Hà Nam. Hiện còn 3 chuyến nữa đang chờ làm thủ tục

Đ.N.H

Ông Đoàn Ngọc Hải thức trắng đêm chạy marathon qua các con phố Hà Nội

“Mình cố gắng chở 1 triệu hộp sữa đặc đến cho các cháu bé nghèo”

Có những lần chúng tôi “chuyển tải” một số ý kiến cho rằng “ông Hải làm những việc ấy để đánh bóng tên tuổi sau thời gian "dẹp loạn" vỉa hè” đến ông Đoàn Ngọc Hải. Lần nào ông Hải cũng cầu thị lắng nghe, và lần nào ông cũng cười cười. Có lần ông bảo: “Giờ mình là công dân như bao công dân khác. Việc thiện nguyện thì trước tôi, bà con quanh mình đã làm rất nhiều, làm rất thường xuyên. Mình thấy rất hay và mình nghĩ mình bây giờ cũng rảnh, mình học hỏi cách làm của bà con quanh mình để góp thêm một tay. Còn chạy marathon thì phải có sức khỏe, ý chí mới hoàn thành được đường chạy”.

Nhờ chạy marathon, ông Đoàn Ngọc Hải có sức khỏe một mình tự lái xe cứu thương 14 chuyến xuyên Việt với hành trình 39.000 km để làm công tác thiện nguyện

ĐÌNH PHÚ

Ông Hải đã tự mình lái “chiếc ngựa thồ” (ông Hải ví von về chiếc xe cứu thương của mình như vậy) về miền Tây, lên Tây nguyên, ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) rồi đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ra tận miền biên viễn cực bắc Tổ quốc… “Chiếc ngựa thồ” của ông chuyến nào cũng có sữa đặc, có chuyến chở thêm chăn ấm, áo quần, sách vở, bút viết, bánh kẹo… tặng cho các em học sinh còn khó khăn. Ông bảo sữa đặc là quà “chủ lực” mà ông muốn tặng, bởi lẽ “cá nhân mình hay ăn bánh mì chấm sữa đặc thấy rất ngon, lon sữa mở ra cũng dễ bảo quản được lâu. Mình cố gắng chở 1 triệu hộp sữa đặc đến cho các cháu bé nghèo”.

Ông Đoàn Ngọc Hải thay dép tổ ong mới cho một số học sinh vùng cao Tây Bắc

Đ.N.H

Có nơi ông Hải đến, cùng với việc tặng quà, ông đặt nấu phở mời các em học sinh dùng bữa sáng; rồi chọn 1 em hiếu học để đưa vào danh sách đi du lịch Singapore, mà như ông nói đó là phần thưởng đặc biệt. “Mình chọn 5 đến 10 cháu nhỏ, ở nhiều nơi, kinh phí đi du lịch thì mình sẽ lo liệu. Bình thường thì các cháu không có điều kiện đi. Mình giúp các cháu đi để các cháu có cơ hội học hỏi thêm để phấn đấu học giỏi, trưởng thành để có thể giúp ích cho cộng đồng xã hội sau này”, ông Hải nói.
Có thêm một món quà ít ai nghĩ đến trong những chuyến thiện nguyện lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa mà ông Hải thực hiện, đó là dép tổ ong. Ông bảo dép tổ ong rất lợi hại, chống trơn trượt rất tốt, bền và rẻ, người vùng cao họ đã quen đi loại dép này. Ở nhiều nơi, có những em học sinh vùng cao mang dép tổ ong đứt mòn chỉ còn một nửa. Đó là lý do ông chủ động mua, đi xin để chở đi tặng. Có mấy chục đôi dép tổ ong mòn cũ nhất, ông sắp một dãy trong nhà làm kỷ niệm.

Xe cứu thương của ông Đoàn Ngọc Hải luôn chất đầy sữa, quà tặng của nhiều tấm lòng gửi đến vùng sâu, vùng xa

ĐÌNH PHÚ

Làm thiện nguyện giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, ông Hải luôn sẵn lòng tiếp nhận sữa đặc, dép tổ ong, áo quần, bút viết, sách vở, đồ chơi, bánh kẹo. Với những hiện vật này, ai cho bao nhiêu ông cũng nhận, để lên xe cứu thương rồi tự chuyên chở đi tặng vì ông thấy nhiều nơi đang rất cần. Và trong những chuyến xuyên Việt của ông Hải đến Hà Nội, về miền Tây, ghé qua miền Trung, lên Đông Bắc, Tây Bắc… tới đâu cũng có người cho tặng. Cứ hễ thấy “chiếc ngựa thồ” đậu ở đâu là có người mang đến tặng. Cũng có nhiều người nhắn tin qua điện thoại, Facebook hẹn ông và ông lái “chiếc ngựa thồ” đến nhận.
Mới đây, vào 26 tết ông và vợ xuống Vũng Tàu, nhiều bà con nơi đây dồn dập cho sữa. Liền hôm sau, ông đã chở ngay 1 chuyến lên tặng trẻ em ở Sóc Bom Bo (H.Bù Đăng, Bình Phước) nhưng vẫn chưa hết. Thế là ông hẹn chiều mùng 1 tết lại xuống Vũng Tàu để chở phần còn lại, rồi tiếp tục hành trình thiện nguyện trong những ngày đầu năm 2021.

Một tài xế xe container gửi ông Đoàn Ngọc Hải thùng sữa khi gặp trên đường, nhờ ông Hải mang đến tặng học sinh những nơi khó khăn

Đ.N.H

Cho đến bây giờ, ông Hải vẫn nhất quán không nhận tiền ủng hộ. Ông thẳng thắn nói rõ lý do: “Mình là người bình thường đang cố gắng làm điều tử tế, tay trực tiếp cầm tiền có điều chi không hay thì mang tiếng”.
“Có thể sau này mình sẽ nhận tiền nhưng bàn tay không bao giờ được cầm tiền. Tiền sẽ vào tài khoản và khi chi thì ngân hàng chỉ được chi cho đúng đối tượng bất hạnh thì được. Rất nhiều người cho mình tiền, mình đang cân nhắc nghiêm túc vấn đề này vì các cán bộ tâm huyết trên vùng cao đã chỉ cho mình thấy rất nhiều những mảnh đời cực kỳ bất hạnh, mỗi người chỉ 20.000 đồng thôi là có thể cứu cả ngàn cháu bé bất hạnh”, ông tâm tình.
 

Trong chuyến đi thiện nguyện ở Hà Giang vào đầu tháng 12.2020, ông Đoàn Ngọc Hải đã tham dự lễ thượng cờ ở Cột cờ Lũng Cú và thăm cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng ở đây. Sau buổi lễ này, Đồn trưởng đồn biên Phòng Lũng Cú đã tặng một lá cờ tổ quốc dài 54 m, từng được treo ở Cột cờ Lũng Cú cho ông Đoàn Ngọc Hải để cảm ơn vì những hoạt động thiện nguyện của ông

NGUYỄN ANH

“Quà mình làm thiện nguyện, có phần của gia đình mình. Mà phần nhiều là của bà con ở nhiều nơi góp sức cùng mình làm. Có những tấm lòng ủng hộ thêm giúp, rất thầm lặng, nếu liệt kê thì danh sách rất dài. Mình luôn trân quý những tình cảm đặc biệt ấy”, ông Hải chia sẻ.
Ông Đoàn Ngọc Hải kể ông vẫn còn một số hiện vật kỷ niệm, và ông có dự định sẽ nhượng lại cho ai có nhu cầu để có tiền làm thiện nguyện, nhưng “giờ chưa làm thì chưa nói trước được, vào một thời điểm phù hợp thì mình sẽ làm thì mới nói rõ được”.

Ông Đoàn Ngọc Hải lập di chúc, để lại tiền tỉ cho người nghèo

Những ngày trước tết Nguyên đán 2021, ngôi nhà 4 tầng mới toanh dành cho phụ nữ mù vô gia cư trị giá tiền đất và xây dựng khoảng 7,5 tỉ đồng (thời điểm này), được hoàn thành trong năm 2020 ở khu dân cư An Sương (Q.12, TP.HCM) từ tiền ông Đoàn Ngọc Hải bán đồng hồ, điện thoại siêu sang của cá nhân ông cho một doanh nhân ở Cẩm Phả (Quảng Ninh), đã đón 2 phụ nữ mù vô gia cư đầu tiên là người Quảng Nam vào ở.
Ngôi nhà này có thể đón 18 phụ nữ mù vô gia cư, 2 phụ nữ vô gia cư nhưng sáng mắt (để giúp các thành viên còn lại trong nhà) vào ở miễn phí; được ông Hải và một số nhà hảo tâm hỗ trợ miễn phí cơm, nước…
Ông Đoàn Ngọc Hải dự định sẽ di chúc lại cho cá nhân, tổ chức phù hợp để có thể quản lý, vận hành tốt nhất ngôi nhà 4 tầng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.