South China Morning Post mới đây có bài viết ghi nhận xu hướng công nghệ mới len lỏi vào ngành dịch vụ ẩm thực Trung Quốc. Tờ báo Hồng Kông cho hay bồi bàn chưa bao giờ là lựa chọn nghề nghiệp hàng đầu, song vẫn là một nguồn tuyển dụng lớn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, thế hệ trẻ quốc gia Đông Á ngày nay lại nghiêng về những lĩnh vực khác.
Trong lớp trẻ sinh sau năm 2000, 24,5% trong số họ muốn có sự nghiệp liên quan đến văn học hoặc nghệ thuật. Nhóm nghề "hot" thứ nhì và thứ ba là giáo dục và công nghệ thông tin (IT), theo thông tin gần đây từ Tencent QQ và China Youth Daily. Nhiều nhà hàng gần đây gặp khó trong việc tìm kiếm nhân viên phục vụ có trình độ và có khả năng chịu căng thẳng hàng ngày với hàng trăm đơn gọi món. Vì thế, họ quay sang tuyển robot.
|
Shenzhen Pudu Technology, startup ba năm tuổi ở Thâm Quyến, là một trong các hãng công nghệ cung cấp robot phục vụ đến hàng ngàn chủ nhà hàng Trung Quốc, những người nỗ lực tìm nhân sự giữa cảnh thiếu hụt nguồn cung lao động. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), máy móc và hệ thống đặt hàng - gọi món trực tuyến dần thay thế con người. Shenzhen Pudu Technology còn xuất khẩu robot đến Singapore, Hàn Quốc và Đức.
Nhân viên trong bếp có thể đặt bữa ăn lên robot bồi bàn của Pudu, nhập số bàn rồi để nó tự tìm đường đến với thực khách. Một nhân viên người thật có thể phục vụ 200 bữa ăn mỗi ngày, nhưng robot thì phục vụ được từ 300 đến 400 bữa ăn. "Gần như mọi chủ nhà hàng ở Trung Quốc đều nói rằng họ khó lòng tuyển nhân viên phục vụ. Thị trường thực phẩm Trung Quốc rất lớn và cung cấp bữa ăn là quá trình có nhu cầu cùng tần suất cao", nhà sáng lập kiêm CEO Pudu, ông Zhang Tao, chia sẻ.
|
Robot của Pudu có thể được dùng trong 10 năm, với giá bán chừng 40.000 nhân dân tệ đến 50.000 nhân dân tệ, tức khoảng 5.650 USD đến 7.060 USD. Con số này thấp hơn mức lương trung bình của nhân viên nhà hàng và khách sạn ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, vốn rơi vào tầm 60.000 nhân dân tệ. Vì thế, không mấy bất ngờ khi hàng ngàn nhà hàng đổi người thật để dùng robot.
Theo hãng Verified Market Research, thị trường robot dịch vụ toàn cầu ước tính vào khoảng 11,62 tỉ USD năm 2018 và có thể đạt 35,67 tỉ USD đến năm 2026. Haidilao, nhà hàng lẩu hàng đầu Trung Quốc, không chỉ chấp nhận robot dịch vụ mà còn giới thiệu một nhà hàng thông minh với nhà bếp nhiều máy móc tại Bắc Kinh hồi năm ngoái. Ở Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, thực khách thật khó lòng trả tiền nếu không có ứng dụng vì hầu hết nhà hàng triển khai dịch vụ gọi món trực tuyến.
|
Một số hãng robot khác của Trung Quốc cũng nỗ lực khai thác nhu cầu thị trường. SIASUN Robot & Automation, hãng công nghệ cao thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, giới thiệu robot phục vụ đến các nhà hàng Trung Quốc vào năm 2017. Robot giao hàng do hãng Keenon Robotics ở Thượng Hải phát triển thì đang phục vụ không chỉ dân Trung Quốc mà còn phục vụ người Ý, Mỹ và Tây Ban Nha.
Hãng Pudu dự kiến bắt đầu có lợi nhuận từ năm nay và đang đàm phán với nhiều công ty đầu tư mạo hiểm để gọi thêm vốn. Năm ngoái, Pudu huy động được trên 50 triệu nhân dân tệ. Dù ngành dịch vụ vẫn là phân khúc tuyển dụng nhân viên người thật lớn nhất ở Trung Quốc, với 359 triệu lao động, chiếm 46,3% tổng số lao động là 776 triệu người năm 2018, công nghệ cùng tự động hóa vẫn đem đến sức sống mới.
Tuy nhiên, giáo sư kỹ thuật Wong Kam-fai ở Đại học Trung Quốc Hồng Kông lại có đòi hỏi cao hơn dành cho robot: "Khi chúng tôi ra ngoài dùng bữa, điều chúng tôi muốn có đó là dịch vụ. Sẽ tốt hơn nếu các nhà sản xuất robot có thể thêm khía cạnh cảm xúc cho sản phẩm của họ trong tương lai".
Ngoài chuyện "vô cảm", nhân viên robot vẫn còn vướng một số vấn đề khác cần giải quyết. "Chuyện ''kẹt xe'' trên đường vào bếp là bình thường. Một số nhà hàng có lối đi rất hẹp và ngoằn ngoèo, song chuyện này có thể cải thiện trong tương lai khi bố cục nhà hàng được chuẩn hóa hơn", ông Zhang nói. Thêm vào đó, nhà hàng nhiều tầng cũng là vấn đề với robot vì nó không biết bước lên cầu thang, di chuyển giữa các tầng.
Bình luận (0)