Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: 'Nhiễu' giấy đi đường, ‘thổi giá’ kit xét nghiệm... chưa đủ cứu 'Táo quân'

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
06/02/2022 07:00 GMT+7

Chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2022 (phát sóng vào lúc 20 giờ 05 trên kênh VTV vào tối 29 tết) đề cập tới những vụ án, bất cập… thời dịch bệnh.

Do nhận thấy sức khỏe không đảm bảo cho việc tập luyện, NSND Công Lý đã từ chối lời mời của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) tham gia chương trình Táo quân năm nay.

Kịch bản đã được thay đổi với quyết định này của anh. Bởi vậy, trong chương trình, Ngọc Hoàng (NSƯT Quốc Khánh đóng) cho biết, “Cô Đẩu” (vai diễn gắn liền suốt bao năm nay với NSND Công Lý) đã về hưu, còn Nam Tào (NSƯT Xuân Bắc vẫn đảm nhận) cũng nghỉ dưỡng bệnh. Và bộ đôi Nam Tào - Bắc Đẩu mới xuất hiện, do Trung “ruồi” và Duy Nam, hai gương mặt trẻ đảm nhận.

Thiên đình của Táo quân năm nay được "trẻ hóa"

VFC

Năm nay, do dịch bệnh nên nhiều “Táo” lên chầu được yêu cầu đi về, duy chỉ có “Táo” Giao thông (NSƯT Chí Trung), “Táo” Mạng (NSND Tự Long), “Táo” Đời sống (Vân Dung), “Táo” Kinh tế (NSƯT Quang Thắng) được cho vào chầu.

Với màn đóng giả là dân thường của Ngọc Hoàng và “Táo” Giao thông, nhiều vấn đề bất cập gây ra những câu chuyện dở khóc dở cười lẫn bức xúc được nêu ra: thay đổi giấy đi đường xoành xoạch khiến người dân, doanh nghiệp trở tay không kịp, hay vụ việc “bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu”, những quyết định được đưa ra vào lúc nửa đêm…

Tiếp đến, “Táo” Mạng xuất hiện với màn báo cáo bắt nhiều “trend” trên mạng xã hội chêm vào câu nói hay lời ca khúc 'hot', hay bắt "trend" “quay sang trái” … Tuy nhiên, Ngọc Hoàng đã tạo ra trend mới “quay sang phải” với hàm ý “đừng để mặt trái lấn át mặt phải” trên mạng xã hội nơi vẫn còn nhiều “rác” như những livestream đánh ghen, livestream đánh nhau, những vlog “bẩn”…

Tuy nhiên, với thời lượng phát sóng khoảng gần 1 tiếng 30 phút, Táo quân 2022 vẫn chưa thể mang đến nhiều mới mẻ cho khán giả. Táo quân vẫn dẫn dắt người xem từ những phần báo cáo riêng đến những phần báo cáo chung của các “Táo”, và cuối cùng là phần căn dặn của Ngọc Hoàng.

Với nhiều khán giả, những yếu tố đó chưa đủ để “cứu” Táo quân. Rõ ràng, Táo quân cần có kịch bản đủ sâu sắc để có thể truyền tải nhiều vấn đề nổi cộm trong xã hội năm qua. Bên cạnh đó, chương trình cần có thêm nhiều miếng hài tinh tế, giải trí, tránh lặp lại "mô-típ" cũ mới để người xem thấy… “đã” hơn.

Nhóm làm phim hoạt hình Việt "mê hoặc" khán giả thế giới

Loạt phim hoạt hình Wolfoo đã được dịch ra 10 thứ tiếng, thu hút trung bình hơn 2 tỉ lượt xem hàng tháng trên YouTube. Tạo nên loạt phim hoạt hình này là ê-kíp đến từ Việt Nam.

Wolfoo là loạt phim hoạt hình về chú sói 5 tuổi, sống cùng gia đình trên một ngọn đồi trong ngôi làng nhỏ ở Mỹ, là sản phẩm có tính giải trí và giáo dục dành cho khán giả nhí từ 2 tới 8 tuổi.

Wolfoo gồm loạt phim ngắn với 2.200 tập (3 phút/ tập). Ngoài ra, nhà sản xuất còn phát triển thành các mùa với các tập phim có nội dung liên kết với nhau, thời lượng khoảng 15 phút/ tập.

Hình ảnh trong loạt phim hoạt hình Wolfoo

NHÀ SẢN XUẤT CUNG CẤP

Loạt phim hoạt hình Wolfoo đã nhận 2 nút kim cương trên YouTube và chuẩn bị đón nhận nút kim cương thứ 3. Hệ thống kênh của Wolfoo đã thu hút gần 49 triệu lượt theo dõi, hơn 2 tỉ lượt xem hàng tháng, nhiều lần lọt top 50 kênh YouTube sở hữu nhiều lượt xem nhất do trang công nghệ video trực tuyến Tubefilter công bố.

Từ phiên bản gốc bằng tiếng Anh, loạt phim Wolfoo đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Nga, Indonesia, Trung Quốc, Nhật, Hindi, Bồ Đào Nha...

Để mở rộng thị trường phục vụ, nhà sản xuất đã đăng ký bảo hộ bản quyền hình ảnh bộ nhân vật Wolfoo tại Mỹ và Việt Nam. Ngoài ra, tại Việt Nam, nhà sản xuất đã đăng ký bảo hộ bản quyền kịch bản đối với kịch bản phim hoạt hình Wolfoo và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Wolfoo.

Việc tham gia thị trường số cũng giúp các đội ngũ sáng tạo ở Việt Nam có thu nhập ngang bằng với nhân sự trên thế giới. Bởi, mỗi phút phim Wolfoo được phát ở thị trường Mỹ thường được trả tiền cao hơn khi phát tại Việt Nam.

Series phỏng vấn các "tư lệnh ngành" lên sóng truyền hình tết

Phó thủ tướng Chính phủ và các tư lệnh ngành, người đứng đầu địa phương lên sóng VTC trong series Thông điệp đầu xuân.

Phỏng vấn các 'tư lệnh ngành' là nội dung series Thông điệp đầu xuân. Series nằm trong chuỗi Chương trình Tết do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (cơ quan trực thuộc VOV) thực hiện nhằm truyền tải những thông điệp ý nghĩa mà các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương muốn gửi gắm, chia sẻ về một năm cũ đã qua và một năm mới vừa đến. Series này được phát sóng từ 29 Tết cho đến hết ngày mùng 3 Tết Nhâm Dần.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong series phỏng vấn đầu xuân

VTC

Theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, Covid-19 tác động nhiều mặt của tới cuộc sống. Sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ cùng sự đồng lòng của người dân đã giúp Việt Nam đứng vững trước dịch bệnh, nhưng cũng cho thấy trọng trách “đi trước mở đường” của ngành tuyên giáo trong năm 2022.

Sự cảm thông, chia sẻ với những đau thương, mất mát do dịch Covid-19, hành trình dịch chuyển chiến từ “zero covid” sang “thích ứng linh hoạt” đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trên sóng VTC, tư lệnh ngành tài chính Hồ Đức Phớc sẽ cung cấp thông tin đầy thực tế về kế hoạch miễn giảm 64.000 tỉ đồng tiền thuế, phí để góp phần phục hồi kinh tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu những cam kết về sự điều chỉnh chính sách kịp thời nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, đặc biệt là thúc đẩy đầu tư…

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể nêu vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn trong dân cho các dự án giao thông. Bộ Xây dựng của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị sẽ tập trung rà soát, trình Chính phủ các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014. Trong đó có quy định rõ hơn, khả thi hơn trong phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp người lao động, công nhân có thu nhập thấp sớm có cơ hội an cư, không còn lao đao như trong đợt dịch năm 2021.

Với tư lệnh ngành VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, năm 2022, cùng với việc triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch hồi phục sau dịch bệnh, việc tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp chấn hưng văn hóa chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để đất nước tiếp tục phát triển bền vững.

Hội An lần đầu tiên tổ chức bài chòi trực tuyến

Chương trình bài chòi trực tuyến lần đầu tiên được tổ chức tại Hội An từ tối mùng 2 đến mùng 6 Tết Nhâm Dần, do Trung tâm Văn hóa - Thông tin TP.Hội An (Quảng Nam) phối hợp với Công ty TNHH Hội An 24 giờ thực hiện.

Chương trình gồm 2 phần, một dành cho người chơi tại chỗ theo phương thức cũ và một dành cho người chơi trên mạng tại kênh YouTube.

Bài chòi được tổ chức tại TP.Hội An

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Đây là sinh hoạt văn hóa dành cho người xa xứ trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp không về phố cổ Hội An trong dịp Tết, cũng là bước đầu cho nỗ lực “số hóa” trò chơi dân gian để quảng bá hình ảnh Hội An ra thế giới.

Chương trình thực hiện từ 18 giờ 30 phút đến 20 giờ 30 phút mỗi ngày, phát trực tiếp trên kênh YouTube “Bài chòi Hội An” và Fanpage "Visit Hoian".

Đến khung giờ phát sóng, khách chơi chỉ cần mở kênh YouTube "Bài chòi Hội An", "Visit Hoian" sẽ được xem khung cảnh bài chòi và nghe hướng dẫn cách chơi. Người muốn chơi chỉ cần nhắn tin với cú pháp HOIAN gửi đến số 8085 (chi phí 1.000 đồng/ tin nhắn), sau đó sẽ nhận được phản hồi từ tổng đài thông báo thẻ cờ bài chòi dành cho mình. Thí dụ một tin nhắn: "The co cua quy khách luot choi #3 ngay 3.2.2022 la: 6 TIEN, GOI, HAI".

Khi đủ số người chơi, anh chị hiệu sẽ bắt đầu hô hát cho suất chơi đó. Nếu người chơi trúng cả ba con cờ 6 TIEN, GOI, HAI như ví dụ trên, khách được coi như là người may mắn của ván chơi đó, được tham gia quay số trúng thưởng. Ban tổ chức sẽ liên lạc với người trúng thưởng (chơi online) để chuyển phần thưởng đến tận nhà. Giải thưởng gồm phần quà giá trị từ TP.Hội An và đơn vị tài trợ.

Đây không chỉ là một trò chơi ngày tết mà còn là quảng bá văn hóa dân gian xứ Quảng thông qua thể loại bài chòi truyền thống.

Dune dẫn đầu đề cử BAFTA với 11 hạng mục

Bộ phim sử thi khoa học viễn tưởng Dune chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên phát hành năm 1965 của Frank Herbert dẫn đầu danh sách đề cử Giải thưởng Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh (BAFTA) với 11 hạng mục.

Tiếp theo sau Dune (tựa Việt Hành tinh cát) là The Power of the Dog với 8 đề cử. Phim đen trắng Belfast do Kenneth Branagh đạo diễn lấy bối cảnh sau ba thập kỷ xung đột của Bắc Ireland nhận được 6 đề cử BAFTA - giải thưởng điện ảnh hàng đầu của Anh.

Zendaya và Timothée Chalamet tại buổi ra mắt phim Dune ở London tháng 10.2021

REUTERS

Cả ba bộ phim trên sẽ tranh giải Phim hay nhất cùng với Licorice PizzaDon't Look Up. No Time to Die, West Side Story, Licorice Pizza mỗi phim nhận 5 đề cử.

Một nửa trong số các đề cử hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất năm nay là nữ như: Jane Campion (phim The Power of the Dog), Audrey Diwan (Happening), Julia Ducournau (Titane). Phần còn lại của hạng mục này gồm Aleem Khan (After Love), Ryûsuke Hamaguchi (Drive My Car) và Paul Thomas Anderson (Licorice Pizza).

Các đề cử nữ diễn viên chính là Lady Gaga (House of Gucci), Alana Haim (Licorice Pizza), Emilia Jones (CODA), Renate Reinsve (The Worst Person in the World), Joanna Scanlan (After Love) và Tessa Thompson (Passing).

Các đề cử nam diễn viên chính xuất sắc bao gồm Benedict Cumberbatch với vai diễn chủ trang trại thập niên 1920 trong The Power of the Dog, Leonardo DiCaprio vai một nhà thiên văn học tuyệt vọng để cứu hành tinh trong Don't Look Up, Will Smith vào vai cha của hai chị em vô địch quần vợt thế giới là Venus và Serena Williams trong King Richard

Lễ trao giải BAFTA sẽ được tổ chức trực tiếp vào ngày 13.3 tại London, sau sự kiện trao giải trực tuyến hồi năm ngoái do đại dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.