Sự kiện văn hóa tuần qua: Kết quả cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây

13/11/2022 07:00 GMT+7

Cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây nhận bài dự thi từ ngày 1.6 - 30.9. Sau khi kết thúc thời hạn nộp bài, ban tổ chức vẫn tiếp tục chọn đăng các tác phẩm có chất lượng trên báo in Thanh Niên và Thanh Niên Online đến ngày 5.11.

Trải qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo, 2 hội đồng giám khảo: hạng mục tản văn, tùy bút, ghi chép có nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà báo Trần Hoàng Tuyên - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Trưởng đại diện tạp chí Thế giới hội nhập tại ĐBSCL, nhà báo Hải Thành - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, Trưởng ban giám khảo, nhà báo Lâm Hiếu Dũng - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên; hạng mục chính luận có GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà báo Trần Hoàng Tuyên, nhà báo Hải Thành, nhà báo Lâm Hiếu Dũng và nhà báo Nguyên Hằng - Trưởng ban Kinh tế Báo Thanh Niên, đã chấm, chọn được kết quả:

Hạng mục tản văn, tùy bút, ghi chép:

- 1 Giải nhất: Đình ông Nguyễn…, tác giả Nguyễn Chí Ngoan (Kiên Giang).

- 1 Giải nhì: Mênh mang miền Tây một cõi, tác giả Linh Chi (Thừa Thiên-Huế).

- 2 Giải ba: Làm rể miền Tây, tác giả Nguyễn Hội (Long An) và Miền Tây, thương nhau thương từ giọng điệu, tác giả Tạ Tư Vũ (TP.HCM).

- 6 Giải khuyến khích (vì có 2 bài trùng số điểm nên Ban tổ chức quyết định tăng thêm 1 giải so với thể lệ): Mùa hạ, miệt thứ và tôi, tác giả Lê Thị Mỹ Thạnh (Phú Yên); Miền đất hứa, tác giả Thanh Hương (Cần Thơ); Giỗ quải miền Tây, tác giả Lê Quang Trạng (An Giang); Cô gái Khmer năm đó, tác giả Hoàng My (TP.HCM); Lòng người rộng như sông…, tác giả Nguyễn Thị Như Hiền

(TP.HCM); Nhớ ngọn khói lam, thương bếp cà ràng, tác giả Tâm Lang (Bạc Liêu).

Vườn quốc gia Tràm Chim tại H.Tam Nông, Đồng Tháp

CÔNG HÂN

Hạng mục chính luận - tác phẩm đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây:

- 1 Giải nhất: Định vị thành phố đảo động lực trên hành lang phát triển Tây Nam bộ, tác giả Lê Hồng Xương (TP.HCM).

- 1 Giải nhì: Giải pháp “cứu” bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Lưu Đình Long (TP.HCM).

- 2 Giải ba: Giới thiệu mô hình chỉnh thể sinh thái, tầm nhìn tới năm 2050 cho Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Mạc Yên (Cần Thơ); Phân tích yếu tố con người và đề xuất mô hình du lịch tình nguyện, khám phá phát triển cho một số dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Trần Công Tâm Anh (Nga).

- 5 Giải khuyến khích: Thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tác giả Lê Văn Hưởng (Tiền Giang); Giành giật Đồng bằng sông Mekong với “cát tặc”, tác giả Trúc Tùng (TP.HCM); Vì một miền Tây thịnh vượng, tác giả Hạnh Phúc (Quảng Ngãi) và 2 tác phẩm của tác giả Đức Bảo (Khánh Hòa): Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc - góc nhìn khác từ Đồng bằng sông Cửu Long; Phát triển nông nghiệp thích ứng và bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, còn có một giải phụ - Bài viết được yêu thích nhất (căn cứ lượt xem và like trên thanhnien.vn: Cần Thơ không cô đơn, tác giả Phan Hoàng Vinh (Cần Thơ).

Ban tổ chức cũng chọn những tác phẩm chất lượng để in sách Nghĩa tình miền Tây, phát hành vào ngày trao giải. Lễ tổng kết trao giải cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây sẽ diễn ra vào 8 giờ ngày 18.11 tại Hội trường trụ sở khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Đề nghị Thủ tướng cho phép xã hội hóa để mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo"

Ngày 7.11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Phương, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị đồng ý chủ trương xã hội hóa để tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với các bộ, ngành T.Ư vận động nguồn lực cho Quỹ bảo tồn di sản Huế hồi hương cổ vật ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực từ quỹ này để thương lượng với Nhà đấu giá Millon (Pháp) kịp thời mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được nhà đấu giá Millon thông báo đấu giá

millo

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Thủ tướng đồng ý chủ trương vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức yêu quý di sản thương lượng để mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia.

Công văn cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao cho Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao phối hợp, hỗ trợ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tổ chức, cá nhân thương lượng với Nhà đấu giá Millon để mua lại ấn "Hoàng đế chi bảo".

Xử lý tổ chức, cá nhân xâm hại di tích quốc gia chùa Quan Thánh

Ngày 10.11, thông tin từ Sở VH-TT-DL Thanh Hóa cho biết đơn vị này đã có văn bản kết luận ban đầu về vụ xâm hại di tích quốc gia chùa Quan Thánh (ở P.An Hưng, TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa), đồng thời đã kiến nghị với Thành ủy, UBND TP.Thanh Hóa kiểm điểm cá nhân, tập thể vi phạm.

Kết quả kiểm tra của Sở VH-TT-DL Thanh Hóa xác định toàn bộ hệ thống 12 tấm bia ma nhai (khắc trên vách đá), 3 bức dạng đại tự bằng chữ Hán, và hệ thống 10 pho tượng của chùa đã bị tô vẽ, phun, phủ sơn công nghiệp.

Bia ma nhai và tượng khắc trên đá là yếu tố gốc tạo nên giá trị của di tích quốc gia chùa Quan Thánh bị tô, vẽ bằng sơn công nghiệp

MINH HẢI

Việc tự ý tô, vẽ, sơn vào hệ thống hiện vật của chùa Quan Thánh đã làm sai lệch, hủy hoại, thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích kiến trúc nghệ thuật, vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý di tích.

Đáng chú ý, trong các tấm bia ma nhai thì có 1 tấm niên đại Cảnh Hưng 47 (kích thước 70 x 80 cm) đã bị khoan, đóng thanh sắt vuông vào giữa 2 hàng chữ Hán, làm nứt, tách một phần mặt bia, hư hỏng một chữ Hán.

Ngoài ra, việc quản lý đất đai đã được quy hoạch bảo vệ di tích của chính quyền địa phương cũng không nghiêm, vì quy hoạch vùng bảo vệ di tích từ năm 1992 của chùa Quan Thánh là 4.800 m2, nhưng UBND P.An Hưng báo cáo hiện nay vùng di tích chỉ còn 585 m2.

Từ kết quả kiểm tra, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã kiến nghị với bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tập thể có liên quan, đã để xảy ra việc hủy hoại di tích chùa Quan Thánh; làm rõ việc thu hẹp diện tích quy hoạch bảo vệ di tích; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Sở VH-TT-DL Thanh Hóa xây dựng phương án khắc phục hậu quả.

Cũng theo Sở VH-TT-DL Thanh Hóa, di tích chùa Quan Thánh là di tích kiến trúc nghệ thuật thuộc loại vô cùng độc đáo của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước. Hệ thống tượng pháp, bia, đại tự ở đây có từ thế kỷ XVI - XVII, được tiền nhân tạc vào các vách, vòm, trần hang đá. Các tác phẩm là yếu tố gốc cấu thành di tích kiến trúc nghệ thuật không nơi nào có được.

Nhà văn Lê Lựu đã yên nghỉ nơi miền xa vắng

Nhà văn Lê Lựu, ông trút hơi thở sau cùng vào lúc 16 giờ chiều nay, ngày 9.11.2022 tại quê nhà Hưng Yên, sau thời gian bệnh nặng, hưởng thọ 81 tuổi.

Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12.12.1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu - Hưng Yên, là một nhà văn Việt Nam nổi tiếng, thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974.

Nhà văn Lê Lựu

t.l

Lê Lựu là nhà văn chuyên về thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn, tiêu biểu là các tác phẩm Thời xa vắng, Mở rừng, Sóng ở đáy sông, Một thời lầm lạc… trong đó 2 tác phẩm Thời xa vắngSóng ở đáy sông được Hãng phim Giải Phóng dựng thành phim truyện nhựa và ra mắt công chúng năm 2004.

Ông từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tại Hà Nội. Ông được đánh giá là một nhà văn đặc biệt có tầm ảnh hưởng lớn trong quan hệ ngoại giao, là người tạo bước ngoặt quan trọng trong văn học Việt vào những năm 1980.

Theo nhận xét của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tiểu thuyết Thời xa vắng là một tác phẩm lớn với thông điệp: con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác.

Với Thời xa vắng, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của Thời xa vắng đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954.

Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hòa bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.

"Phù thủy vẽ tranh" Vietnam’s got talent mua tranh nhái rồi mạo danh?

Bức tranh gây tranh cãi thuộc sở hữu của Phạm Hồng Minh, “phù thủy vẽ tranh” của Vietnam’s got talent 2013, giống hệt tranh của họa sĩ Lê Thế Anh.

Họa sĩ Lê Thế Anh đã lưu lại rất nhiều hình ảnh liên quan đến 2 bức tranh giống hệt tranh của mình. Những bức tranh “song sinh” kia được “phù thủy vẽ tranh” Phạm Hồng Minh của Vietnam’s got talent đưa lên trang Facebook của mình. Trên bức tranh có chữ ký “Minh”. Ông Lê Thế Anh cho biết, thoạt tiên khi phát hiện một bức giống hệt tranh mình, ông đã nhắn tin cho Phạm Hồng Minh. Đáp lại, Phạm Hồng Minh cho biết đã mua tranh từ một cửa hàng chép tranh trên đường Trần Phú, rồi cao hứng lên ký tên Minh vào. Phạm Hồng Minh cũng xin lỗi ông Lê Thế Anh vì không biết đó là tranh của ông Anh.

Bức tranh có chữ ký đầy đủ tên họ của Phạm Hồng Minh ở góc dưới bên phải mà họa sĩ Lê Thế Anh tố cáo là nhái tranh của anh

LÊ THẾ ANH CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, sau đó, ông Anh có phát hiện mới: “Mình tò mò vào trang Facebook của bạn ấy thì mới ngớ ra, bạn ấy có vài cửa hàng chép tranh to đùng. Mà lại không chỉ chép của mình một bức, bạn ấy còn chép một bức khác và ngang nhiên ký tên coi mình là tác giả”.

Về phía Phạm Hồng Minh, anh cũng viết một bài trên Facebook liên quan đến vụ việc. Theo đó, Phạm Hồng Minh khẳng định bức tranh mà ông Lê Thế Anh khẳng định bị sao chép là do anh mua. Anh Minh cũng cho biết mình là người kinh doanh trong lĩnh vực khung tranh, trang trí, thiết kế trang trí nhà. Anh Minh cũng đưa ra hình ảnh hóa đơn, trong đó có ghi mua bức sơn dầu tại tiệm tranh sơn dầu Uy Vũ. Kèm theo đó, anh Minh viết: “Những hình ảnh chứng minh Minh đã mua. Khi đã mua tranh về đó là quyền sở hữu của người mua, nên họ viết, vẽ hay bán lại cho ai đó là quyền lợi!!”.

Trả lời Thanh Niên, Phạm Hồng Minh cho biết: “Tranh đó là mình mua về trang trí trong nhà. Và vẫn còn trong nhà. Lúc mua cũng không biết tác giả là ai và Minh cũng chưa hề nói là mình vẽ lại”.

Về vụ việc, luật sư Trần Thị Tám (Công ty IPCom) cho biết, giả sử Phạm Hồng Minh nói đúng về việc mình đã mua tranh về, bức tranh là tài sản của Phạm Hồng Minh thì Minh cũng không có quyền đặt tên của mình lên tranh như tên tác giả. Việc anh Minh có nói đúng hay không về việc mua tranh nhái về thì cần xem xét thêm vì hiện chưa đủ bằng chứng. Tiệm tranh cũng có hai trường hợp, hoặc là ngay tình nếu không rõ nguồn, hoặc không ngay tình nếu biết tranh nhái mà vẫn cố tình mua bán. “Tranh không phải nguyên gốc mà ký tên như vậy thì là sai, là mạo danh tác giả”, luật sư Trần Thị Tám nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.