Tour du lịch tâm linh Côn Đảo, viếng mộ chị Võ Thị Sáu – nữ anh hùng huyền thoại vùng Đất Đỏ vào Top 50 tour độc đáo Việt Nam hiện đang thu hút du khách thập phương. Nơi đây còn có nhà tù Côn Đảo từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” đã giam cầm, tra tấn hàng nghìn chiến sĩ cách mạng.
Đến nay, vùng đất thiêng Côn Đảo đang từng ngày “thay da đổi thịt”, trở thành một trong những khu “du lịch tâm linh” linh thiêng ở Việt Nam. Hằng năm, lượng du khách đến và ghé thăm Côn Đảo ngày càng lớn, đặc biệt để dâng hương thành kính tại mộ chị Võ Thị Sáu (cô Sáu), người nữ anh hùng huyền thoại. Ngôi mộ được chôn cất tại nghĩa trang Hàng Dương cùng với nhiều chiến sĩ khác và là địa điểm tâm linh nổi tiếng ở Côn Đảo.
Trước khi đến mộ cô Sáu, mọi người ra lễ tại đài tưởng niệm rồi bắt đầu vào lễ cô Sáu. Du khách có thể chuẩn bị đồ lễ tại nhà hoặc mua ở chợ trung tâm thị trấn Côn Đảo bộ đồ lễ viếng mộ cô Sáu |
VIETKINGS |
Nghĩa trang Hàng Dương mở cửa xuyên đêm. Từ sáng tới tối, ngày này qua ngày khác, không phân biệt ngày thường hay ngày lễ, tết. Tuy nhiên, người dân thường đi viếng mộ cô Sáu vào khung giờ từ 22 giờ - 23 giờ 55 vì mọi người cho rằng đây là thời điểm linh thiêng, nếu thành khẩn thì mọi mong ước sẽ trở thành hiện thực. Nghĩa trang lấp lánh ánh đèn cùng với tiếng nhạc trầm, phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác trong khuôn viên nghĩa trang hòa cùng tiếng sóng vỗ ầm ào từ biển, tiếng gió rì rào trên những cành dương…
Trước khi đến mộ cô Sáu, mọi người ra lễ tại đài tưởng niệm rồi bắt đầu vào lễ cô Sáu. Du khách có thể chuẩn bị đồ lễ tại nhà hoặc mua ở chợ trung tâm thị trấn Côn Đảo bộ đồ lễ viếng mộ cô Sáu.
Du lịch Côn Đảo không rầm rộ, tấp nập hay hào nhoáng nhưng thiên nhiên hoang sơ và vẻ đẹp mặn mòi của mẹ biển cả, đặc biệt là vùng đất linh thiêng, nơi trước kia được mệnh danh là “địa ngục trần gian” đã thu hút, thúc giục du khách trong nước và quốc tế tìm đến khám phá, trải nghiệm. Một trong những yếu tố giúp du lịch Côn Đảo trở nên nổi tiếng vang danh khắp chốn xa gần như ngày nay có lẽ phải kể tới giai thoại về nữ anh hùng dân tộc Võ Thị Sáu, chị đã ngã xuống trên vùng đất này để bảo vệ Tổ quốc.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chấm giải cuộc thi viết “Nghĩa tình miền Tây”
Sau 4 tháng diễn ra, từ 1.6 - 30.9.2022, cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây do Báo Thanh Niên tổ chức đã nhận được 868 tác phẩm, bao gồm thư tay và thư điện tử.
Sau 30.9 - ngày hết hạn nộp bài dự thi, Ban tổ chức vẫn tiếp tục chọn đăng các tác phẩm có chất lượng trên báo in Thanh Niên và Thanh Niên Online.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư |
VÕ MẠNH HẢO |
Cùng với các tác giả ở 13 tỉnh thành miền Tây: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, cuộc thi nhận được nhiều bài viết đến từ tác giả của các vùng miền khác trên toàn quốc khi từng sinh sống, gắn bó với vùng sông nước phương Nam. Trong đó, 2 tác giả: Nguyễn Hữu Của và Nguyễn Hùng Sơn có bài được chọn đăng đã đóng góp nhuận bút vào quỹ từ thiện của Báo Thanh Niên.
Ban giám khảo vòng sơ khảo gồm: nhà báo Lâm Hiếu Dũng - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhà báo Nguyên Hằng - Trưởng ban Kinh tế Báo Thanh Niên, nhà báo Đỗ Tuấn - Ban Văn hóa - Nghệ thuật Báo Thanh Niên, đã chọn ra 45 tác phẩm vào vòng chung khảo.
- Hạng mục tản văn, tùy bút, ghi chép: nhà văn Nguyễn Ngọc Tư; nhà báo Trần Hoàng Tuyên - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, Trưởng đại diện tạp chí Thế giới hội nhập tại ĐBSCL, nhà báo Hải Thành - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, Trưởng ban giám khảo; nhà báo Lâm Hiếu Dũng - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên;
- Hạng mục chính luận - tác phẩm đề xuất, kiến nghị, hiến kế xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh miền Tây: GS-TS Võ Tòng Xuân; nhà báo Trần Hoàng Tuyên; nhà báo Hải Thành, nhà báo Lâm Hiếu Dũng và nhà báo Nguyên Hằng.
Cùng với hệ thống giải thưởng chính thức: Hạng mục tản văn, tùy bút, ghi chép: 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng, 1 giải nhì: 15 triệu đồng, 2 giải ba: mỗi giải 10 triệu đồng, 5 giải khuyến khích: mỗi giải 3 triệu đồng; Hạng mục hiến kế: 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì: 15 triệu đồng; 2 giải ba: mỗi giải 10 triệu đồng, 5 giải khuyến khích: mỗi giải 3 triệu đồng; cuộc thi còn có các giải thưởng phụ: 1 giải bài viết được yêu thích nhất (căn cứ lượt xem và like trên thanhnien.vn): 5 triệu đồng; và 1 giải bài viết hay nhất về quê hương Đồng Tháp Mười: 5 triệu đồng. Khi tổng kết, Ban tổ chức cuộc thi có thể xem xét quyết định điều chỉnh cơ cấu giải thưởng cho phù hợp.
Kết quả sẽ được công bố vào ngày 10.11, sau đó lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Nghĩa tình miền Tây dự kiến diễn ra vào ngày 18.11 tại Hội trường - Trụ sở khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp.
“Festival Tràng An kết nối di sản” sẽ có lễ hội đường phố
Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022 năm nay được tổ chức từ 17 - 19.11 tại Ninh Bình với chủ đề Hoa Lư vang mãi ngàn năm.
Ông Trần Việt Phương, Phó giám đốc Sở VH-TT Ninh Bình, cho biết đây là dịp kết nối các tỉnh, thành trong nước và quốc tế có di sản được công nhận, để giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hóa, góp phần xúc tiến du lịch, thương mại và mở rộng hợp tác.
Tràng An là niềm tự hào của Ninh Bình |
btc |
Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022 còn có sự tham gia của đoàn nghệ thuật tỉnh Udomxay (Lào) và có sự góp mặt của 71 hoa hậu là đại diện của các quốc và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới. Họ sẽ trình diễn trong chương trình Khai mạc, chương trình Lễ hội đường phố của Festival.
Bà Vũ Thị Mỹ Dung, đại diện đơn vị phối hợp mời các hoa hậu tới Việt Nam, cho biết lúc đầu chỉ có 65 hoa hậu tham dự theo lời mời. Tuy nhiên, con số được báo hiện là 71. Các người đẹp sẽ tham gia trình diễn trang phục dân tộc Việt Nam và trang phục dân tộc của đất nước mình trong lễ hội đường phố.
Ban tổ chức cũng chọn Hoa hậu Đỗ Trần Khánh Ngân làm người đại diện hình ảnh cho Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022.
Có 15 tỉnh, thành trong cả nước tham gia Festival gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, TP.HCM, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau và chủ nhà Ninh Bình.
Theo dự kiến, Festival có các hoạt động đặc sắc như: lễ khai mạc lúc 20 giờ ngày 17.11 tại quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế; triển lãm di sản văn hóa và lịch sử truyền thống tại nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình. Chương trình lễ hội đường phố từ 19 giờ ngày 18.11 tại khu vực nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình. Đại nhạc hội di sản văn hóa và âm hưởng hiện đại diễn ra từ 20 giờ ngày 18.11 tại quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế và chương trình bế mạc tối 19.11 tại phố cổ hoa Lư.
Nhiều đầu bếp chế biến 69 món ăn từ cua ở ngày hội cua Cà Mau
Ngày 4.11, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký ban hành ký ban hành kế hoạch tổ chức ngày hội cua Cà Mau lần thứ 1 năm 2022, với chủ đề “Cua Cà Mau - Điểm hẹn văn hóa ẩm thực”.
Theo đó, ngày hội được tổ chức từ 23 - 31.12.2022, tại Quảng trường Thanh Niên (đường Trần Hưng Đạo, P.5, TP.Cà Mau) với hình thức sân khấu hóa có chương trình văn nghệ gắn chủ đề quê hương đất nước, thương hiệu, đặc biệt là cua Cà Mau.
Một hoạt động của ngày hội sẽ được nhiều người và du khách quan tâm là hội thi ẩm thực xác lập kỷ lục các món ăn chế biến từ cua. Nhiều đầu bếp chế biến ra 69 món ăn từ cua Cà Mau.
Các đầu bếp trình diễn “chảo cua rang me khổng lồ” ở một sự kiện Liên hoan ẩm thực ở TP.Cà Mau. Trong ảnh các đầu bếp đã biểu diễn “chảo cua rang me khổng lồ” với 50 kg cua Cà Mau |
GIA BÁCH |
Ngoài ra, ngày hội còn tổ chức buffet cua, thi tuyển chọn cua lớn nhất từ các hộ dân, giới thiệu mô hình nuôi cua kết hợp nhận bằng Kỷ lục châu Á món ăn “Lẩu mắm U Minh”.
Trong chuỗi hoạt động ngày hội còn diễn ra hội chợ thương mại tổng hợp, sản phẩm đặc sản OCOP; một số hoạt động thể thao, trò chơi dân gian (đua tốc độ cua, thi trói cua, thi bắt cá kèo); liên hoan đờn ca tài tử; hoạt động kết nối du lịch, trải nghiệm (tham quan mô hình nuôi cua, câu cua và chế biến món ăn từ cua) để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách...
Thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch...để tìm ra giải pháp phát triển du lịch, thu hút du khách phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương. Từng bước hình thành sự kiện định kỳ phục vụ khách du lịch; là nơi trao đổi kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm phục vụ khách du lịch, đặc biệt là cua Cà Mau.
Sau 2 năm “vắng bóng”, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trở lại vào 2023
Hiện TP.Đà Nẵng đang mời các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức đăng ký tham gia tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2023 sau 2 năm tạm dừng vì dịch Covid-19.
Ngày 2.11, UBND TP.Đà Nẵng cho biết, vừa ban hành kế hoạch tổng thể về Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng năm 2023 (DIFF 2023) sau 2 năm tạm dừng do dịch Covid-19. Lễ hội dự kiến diễn ra từ ngày 3.6 đến ngày 8.7.2023. Địa điểm bắn pháo hoa là khu vực Cảng Sông Hàn. Quy mô khán đài khoảng 17.000 chỗ ngồi.
Mùa hè 2023, sông Hàn sẽ lại được thắp sáng bởi những màn pháo hoa rực rỡ tại Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng |
HOÀNG SƠN |
DIFF 2023 dự kiến có 8 đội tham gia (gồm 7 đội quốc tế và đội Đà Nẵng), trình diễn trong 5 đêm (trong đó có 4 đêm thi vòng loại và 1 đêm chung kết). Thời gian trình diễn của mỗi đội không được dưới 20 phút và không quá 22 phút theo chủ đề của DIFF 2023.
Quy mô sân khấu có thiết kế độc đáo, mới lạ. Các tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam và các quốc gia dự thi với sự tham gia của các diva, nghệ sĩ hạng A, các đoàn nghệ thuật lớn trong và ngoài nước.
Tiêu chí lựa chọn các đội phải đề xuất ý tưởng mới lạ, độc đáo, có quy mô và xây dựng kế hoạch chi tiết về tổ chức sự kiện này, đồng thời có cam kết tổ chức thực hiện theo đúng nội dung và tiến độ yêu cầu. Ưu tiên cho đơn vị cam kết tổ chức DIFF trong 3 năm liên tiếp.
Bên cạnh đó, chuỗi lễ hội sẽ có những hoạt động phụ trợ trải rộng trên địa bàn TP.Đà Nẵng, gồm: không gian hai bờ sông Hàn, dọc tuyến đường Bạch Đằng, bãi biển Mỹ Khê, Cung thể thao Tiên Sơn, dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp…
Theo tính toán, dự kiến kinh phí thực hiện các nhiệm vụ sự kiện DIFF 2023 do đơn vị được lựa chọn tổ chức chi trả khoảng 150 tỉ đồng.
Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng được tổ chức thành công qua 10 kỳ, trở thành "thương hiệu" nổi bật của thành phố biển Đà Nẵng vào mỗi mùa hè. Từ năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định tạm dừng lễ hội.
Bình luận (0)