Chiếc xe đạp Việt triệu người mơ

27/10/2019 14:43 GMT+7

Thương hiệu Việt vang danh một thời có nhiều, từ kem đánh răng Dạ Lan, xà bông Cô Ba, cao su Sao Vàng, mì Miliket... đến nay vẫn chưa phai trong tâm trí của rất nhiều người.

Hoành tráng, hoàng kim nhất có lẽ vẫn là xe đạp Thống Nhất. Những chiếc xe được cấp biển số, giấy chứng nhận không khác gì xe máy, ô tô ngày nay, được gìn giữ trong mỗi gia đình như một báu vật.

Biểu tượng của sự thành đạt

Theo ông Vũ Đức Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thống Nhất: “Hiện nay trên thị trường VN có rất nhiều mẫu mã xe đạp của các nước và để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, chúng tôi đã lắp ráp và đưa ra thị trường hơn 100 chủng loại xe chất lượng và mẫu mã tương đương với sản phẩm xe đạp của các nước và lãnh thổ hàng đầu trên thế giới như Pháp, Đài Loan, nhưng về giá cả thậm chí chúng tôi còn cạnh tranh hơn rất nhiều”.
Tôi còn nhớ như in, khi mới vào lớp 1, bố tôi họp bàn cả nhà, dốc hết gia sản để mua xe đạp cho mẹ tôi chạy chợ, rồi thi thoảng đi công cán đây đó. Bố tôi nâng niu, chăm chút, còn không dám để ngoài trời mưa vì sợ gỉ sét. Chỉ khi nào đi chợ hoặc nhà có việc cần kíp lắm mới dám mang ra đi. Hồi đó, xe Thống Nhất được coi như biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, niềm mơ ước của hàng triệu người. Hình mẫu của người đàn ông “chuẩn men”, một nữ sinh thanh lịch.
Còn thời chiến, xe đạp được gọi là ngựa sắt chiến trường. Nhiều đội quân xe đạp thồ được thành lập, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men... ra tiền tuyến, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc.
Xe đạp Thống Nhất trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Nhà máy được thành lập năm 1960 thì năm 1965, nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong đời một cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Ai được phân phối sẽ kèm theo một sổ mua phụ tùng. Quyết định là vậy nhưng một năm, xí nghiệp hàng trăm người cũng chỉ được phân phối chưa đến mười chiếc. Có người được phân phối chiếc xe Thống Nhất, quý đến mức không dám đi, về treo xe lên trong nhà, hai bánh không để chạm đất, thỉnh thoảng ngồi ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu.
Cuối năm 2015, sau khi không thể cạnh tranh được với các dòng xe ngoại, cùng với sự xuất hiện của xe máy, ô tô...; xe đạp Thống Nhất dần dần teo tóp. Khi chuẩn bị cổ phần hóa, chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô, xe máy, xe đạp VN, đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất lúc đó, cũng thừa nhận rằng công ty không còn nhiều lợi thế tại thị trường VN. Thậm chí công ty còn phải phân phối thêm các thương hiệu xe đạp nổi tiếng nước ngoài để tồn tại trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường.
Tại Công ty cổ phần Thống Nhất ở số 10 Tràng Thi, một vị trí đất vàng ở thủ đô, bây giờ phần lớn diện tích cho thuê, không gian dành để bày bán xe đạp cũng khá nhỏ. Xe đạp nhập ngoại được bày bán ở vị trí trang trọng, những chiếc xe thể thao của Pháp, Đức giá bán tới cả hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng...

Nghĩ đến xe đạp - nghĩ đến Thống Nhất

Hồi đó, xe Thống Nhất         được coi như biểu tượng của sự giàu có, thành đạt, niềm mơ ước của hàng triệu người. Hình mẫu của người đàn ông “chuẩn men”, một nữ sinh thanh lịch

 
Đến nay xe đạp Thống Nhất vẫn dẫn đầu sản xuất và kinh doanh xe đạp trong nước nhưng sức sống của thương hiệu không còn được như xưa. Với slogan “Nghĩ đến xe đạp - nghĩ đến Thống Nhất”, công ty này muốn “đánh” vào giá trị thương hiệu ngày nào, nhưng giờ nếu có “nghĩ về Thống Nhất” thì thường chỉ là những người của thời bao cấp, đã qua cái tuổi đi xe đạp.
Nói về chặng đường dài khẳng định sức sống và thương hiệu, ông Vũ Đức Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thống Nhất, chia sẻ Thống Nhất có một truyền thống lâu đời và đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Giữa cơn lốc của các dòng sản phẩm ngoại nhập, giống như các doanh nghiệp khác, xe đạp Thống Nhất cũng gặp rất nhiều thách thức trong cuộc đua khốc liệt.
Việc lựa chọn công nghệ mới, đầu tư thiết bị hiện đại đã tạo nên năng lực lớn hơn cả về năng suất và chất lượng. Xe đạp Thống Nhất có khả năng chế tạo, lắp ráp hơn 100 cỡ, loại xe đạp từ thông dụng đến cấu tạo phức tạp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, hiện tại trên thị trường VN, xe đạp, xe đạp điện xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới 80% thị phần, với kiểu dáng, màu sắc đa dạng. Các thương hiệu xe đạp như Giant, Merida, Wiel, Peugeot, Missile, HK Bike, Newway, Momentum... cũng bắt đầu có mặt. Ở phân khúc người có thu nhập cao, hiện có mốt chơi xe với các dòng cao cấp, nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ (Trek), Pháp (Specialized S), Đức (Mercedes Benz), Nhật Bản, Đài Loan (Giant, Merida, Momentum)...
Trong khi đó, xe do doanh nghiệp trong nước sản xuất chỉ chiếm 8%, với các thương hiệu như Thống Nhất, Viha, Delta, Hitasa, Martin 107. Với mức độ cạnh tranh quá gay gắt, lợi nhuận quá thấp của thị trường xe đạp, Thống Nhất giờ đã phải mở rộng ngành nghề kinh doanh mới. Cụ thể doanh nghiệp góp 45% vốn vào Công ty TNHH VIHA Thống Nhất chuyên sản xuất đồ nội thất xuất khẩu. Với lợi thế sở hữu và có hợp đồng thuê gần 30.000 m2 "đất vàng" ở Hà Nội, Thống Nhất đang phối hợp với nhiều đối tác thực hiện các dự án bất động sản.
Với lô đất vàng 330 m2 tại số 10 Tràng Thi, công ty đã được TP.Hà Nội phê duyệt xây dựng tòa nhà văn phòng dịch vụ thương mại VIHA. Công ty cũng có tòa nhà văn phòng trên phố Tây Sơn cho thuê. Ngoài ra với lô đất 455 m2 tại phố Cầu Giấy, Thống Nhất đang chờ quy hoạch của thành phố để thực hiện dự án đầu tư.

Kỳ vọng ngày trở lại

Tháng 8.2015, Công an TP.Hà Nội bắt đầu thí điểm mô hình tuần tra bằng xe đạp. Theo đó, lực lượng cảnh sát trật tự tại các phường trên địa bàn thủ đô được cấp xe đạp chuyên dụng có in dòng chữ “Cảnh sát trật tự Công an TP.Hà Nội” để thực hiện nhiệm vụ. Việc tuần tra bằng xe đạp giúp cảnh sát trật tự tiếp cận các khu vực ngõ ngách nhỏ linh hoạt và cơ động. Bên cạnh đó, mô hình này được kỳ vọng góp phần làm cho hình ảnh người cảnh sát gần gũi, thân thiện với dân hơn. Nhưng rất ngắn ngủi, những chiếc xe đạp tuần tra Thống Nhất nhanh chóng bị đắp chiếu.
Dẫu biết là khó, khi xe đạp không còn thịnh hành, không hợp thời. Tuy nhiên, nếu có thị trường ngách riêng, biết cơ cấu, thay đổi thì hoàn toàn có cơ hội để xe đạp Thống Nhất trở thành một trong những thương hiệu toàn cầu. Tôi đã một vài lần tới các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy..., người dân gần như chỉ thích đi xe đạp. “Đi ô tô vừa nguy hiểm, ô nhiễm môi trường trong khi xe đạp vừa tiện lại vừa rèn luyện được sức khỏe”, Miska, một cô gái Đan Mạch, chia sẻ.
Nếu nhìn nhận một cách đúng đắn, xuất khẩu xe đạp với chất lượng tốt, giá thành phù hợp và chia sẻ xe đạp có thể là mảnh ghép còn thiếu trong một mô hình mà Thống Nhất có thể tính tới trong tương lai. Nhiều người dân vẫn luôn ước mơ đến một ngày, những chiếc xe đạp Thống Nhất sẽ lại ngược xuôi trên các đường phố Hà Nội và những con đường ở VN, bình yên, nhẹ nhàng và xanh, sạch, đẹp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.