Chủ trương thu hút đầu tư trên lĩnh vực này cũng được đặt ra...
Đội tàu du lịch sông Hàn thu hút hơn 394.000 lượt khách du ngoạn sông Hàn về đêm trong hơn nửa năm qua, tăng 43% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, du khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm đến 65%, khách quốc tế khác chiếm 10%, còn lại là khách trong nước. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2019, lượng khách du lịch đường thủy nội địa tăng rất mạnh (tăng khoảng 50% so với kỳ lễ hội 2018).
|
Ông Đặng Hòa, Chủ tịch Chi hội vận chuyển du lịch đường thủy nội địaTP.Đà Nẵng, cho biết hiện nay trên sông Hàn không còn tàu du lịch dưới 50 chỗ, tàu cá cải hoán không đảm bảo an toàn cũng bị buộc chấm dứt hoạt động. Số tàu này còn dưới chục chiếc, hiện chủ yếu nằm bờ vì đang chờ ngành du lịch đầu tư bến bãi, tour tuyến mới hoạt động được (từ tuyến cầu Trần Thị Lý lên thượng nguồn). Theo ông Hòa, nhờ định hướng chuyển dịch cơ cấu đội tàu du lịch của TP, nên các chủ tàu cũng đã đều đầu tư cỡ lớn để thay thế. “Hiện chi hội có gần 20 tàu của 14 doanh nghiệp, tất cả đều trên 96 chỗ, hoạt động trên sông Hàn từ cầu Trần Thị Lý ra cầu Thuận Phước. Nét mới của du lịch đường thủy năm nay là đưa vào khai thác ra vịnh Đà Nẵng vào ban ngày để đi hòn Chảo, Sơn Trà, Hải Vân…”, ông Hòa nói.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, du khách đông nhưng đang xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh giữa tàu cũ và mới ngay tại bến. Dù đã quy định 70.000 đồng/vé/khách đoàn, 150.000 đồng/vé/khách lẻ, nhưng nhiều doanh nghiệp “đi đêm” hạ giá thành thấp hơn giá trị, chỉ còn 40.000-50.000 đồng/vé, gây mất ổn định, mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp.
Ngành đóng tàu cần hỗ trợ
Năm 2018, Công ty CP đóng tàu Bảo Duy đóng 5 tàu du lịch cỡ lớn. Ông Nguyễn Xuân Tú, Phó tổng giám đốc công ty, cho hay sau khi bàn giao tàu du lịch vỏ thép Vinh Anh 2 quy mô 5 tỉ đồng trước tết 2019, đến nay đơn vị chưa có thêm hợp đồng mới. Nguyên do, nhà đầu tư đang chờ TP quy hoạch du lịch đường thủy nên cân nhắc trong cung - cầu.
Ông Nguyễn Văn Sương, chủ tàu Vinh Anh 2, cho hay doanh nghiệp đồng thuận với chủ trương bỏ tàu nhỏ, đóng tàu lớn của TP để đảm bảo an toàn. Nhưng vốn đầu tư quá lớn, vay vốn rất khó khăn, phải thế chấp nhiều tài sản khác do ngân hàng không xem tàu là tài sản đảm bảo, đồng thời một số thủ tục gửi ra Hà Nội còn chậm. Đây là lý do khiến ông Sương kỳ vọng TP mở thêm nhiều tour tuyến, để tàu du lịch không chỉ hoạt động trên sông Hàn hay ra vịnh Đà Nẵng như hiện nay, mà còn có thể lên thượng nguồn, sông Cu Đê...
Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, từ quý 2.2019, ngành triển khai 8 tuyến du lịch đường thủy mới nhằm mở cửa khai thác tiềm năng, thế mạnh của TP. Trong đó, với tuyến truyền thống sông Hàn - cầu Trần Thị Lý, sẽ nâng cấp cảng sông Hàn thành cảng hành khách chính và thêm dịch vụ mua sắm, ăn uống, giải trí; cảng Sông Thu thành cảng phụ. Tuyến sông Hàn - bán đảo Sơn Trà kêu gọi đầu tư xây dựng bến Bãi Cát Vàng, nhà hàng, khu cắm trại và các dịch vụ lặn ngắm san hô, câu cá, thể thao biển.
Tại bãi Sủng Cỏ, Mà Đa hình thành điểm đến dã ngoại, TP tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tàu lớn, khách sạn nổi, lưu trú đêm vịnh Đà Nẵng. Tuyến bán đảo Sơn Trà đầu tư cầu tàu CT15, nhà chờ, khu hàng lưu niệm, đặc sản, dịch vụ lặn biển Hòn Sụp, Bãi Nam, Mũi Nghê và lồng bè nhà hàng nổi. Tuyến Sông Hàn - Ngũ Hành Sơn ghé di tích cách mạng K20; tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai ghé làng rau La Hường, trải nghiệm nghề nông, tham quan làng nghề bánh khô mè, làng Phong Lệ. Tuyến sông Cu Đê - Trường Định có các điểm tham quan Miếu Bà, Hầm Vàng, đình làng Thủy Tú, Cồn Dâu. Ngoài ra, còn có tuyến trải nghiệm ở Túy Loan…
Theo Sở Du lịch, việc mở 8 tuyến du lịch đường thủy nhằm tăng thêm sản phẩm du lịch sinh thái, vốn được du khách phương Tây ưa chuộng, phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu du khách của TP. Như vậy, nhiều tour tuyến mới đang mở ra, nếu ngành đóng tàu (cỡ lớn) được hỗ trợ thì “diện mạo” du lịch đường thủy Đà Nẵng cũng sẽ sớm có sự thay đổi lớn.
Quyết tâm khơi thông tuyến sông Cổ CòLãnh đạo TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vừa tiếp tục họp bàn phương án khơi thông sông Cổ Cò kết nối du lịch 2 địa phương, thống nhất thời gian khớp nối, thông luồng toàn tuyến trước tháng 9.2020. Dự án thuộc danh mục Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, được Chính phủ phê duyệt quy mô 1.245 tỉ đồng. Trong đó, đoạn sông qua Đà Nẵng được Chính phủ cấp 245 tỉ đồng cho đầu tư công trung hạn, hiện UBND TP.Đà Nẵng giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT chủ trì, hoàn tất hồ sơ khởi công.
Đoạn sông Cổ Cò ở Quảng Nam cần nguồn vốn 1.000 tỉ đồng, trong đó trung ương hỗ trợ 340 tỉ đồng. Vừa qua, 2 tỉnh thành đã họp thống nhất triển khai các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả hai địa phương.
Sông Cổ Cò trước đây từng là tuyến giao thương Hội An - Đà Nẵng nhưng do biến đổi khí hậu, dần bị bồi lắp. Hiện nay đoạn sông qua Đà Nẵng triển khai thuận lợi nhưng đoạn Quảng Nam vướng một số khó khăn giải phóng mặt bằng…
Nguyễn Tú
|
Bình luận (0)